Trang chủ Lịch sử Phong trào nông dân Thái bình thiên quốc

Phong trào nông dân Thái bình thiên quốc

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 350 views

Những chi phí về Chiến tranh thuốc phiện và những khoản tiền bồi thường đều đổ lên đầu nông dân. Thuế má tăng, quan lại và quân lính nhũng nhiễu, bọn địa chủ bóc lột tô nặng nề làm cho nông dân không còn đường sống. Thêm vào đó nạn mất mùa liên tiếp xảy ra, nông dân phải bỏ nhà cửa, quê hương đi kiếm kế sinh nhai. Phong trào đấu tranh của nông dân nổi dậy khắp nơi. Từ năm 1841 đến 1851, trong vòng 10 năm có đến hơn 100 cuộc khởi nghĩa lớn. Đặc biệt vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, phong trào nông dân nổi dậy thường xuyên với quy mô đáng kể. Trong toàn quốc những hội kín xuất hiện ở khắp nơi như: Tam điểm hội, Thiên địa hội, Hội cướp gạo, Tiểu đao hội… Nông dân tập hợp dưới ngọn cờ tôn giáo để chống phong kiến Mãn Thanh, chống bọn quan lại địa chủ địa phương đòi lập một xã hội trật tự và công bằng hơn.

Ở Quảng Tây, phong trào nông dân phát triển mạnh mẽ. Hội Thượng đế của Hồng Tú Toàn đã tập hợp nông dân tiến hành một cuộc đấu tranh rộng lớn và lan rộng 18 tỉnh, kéo dài trong 14 năm. Đó là phong trào nông dân to lớn nhất trong thời kỳ lịch sử cận đại Trung Quốc.

I – Hồng Tú Toàn và hoạt động của Hội Thượng đế

Hồng Tú Toàn sinh ngày 1-1-1814 ở tỉnh Quảng Đông trong một gia đình nông dân. Hồng Tú Toàn là người rất thông minh, nhưng thi mãi không đậu. Mộng công danh bị vỡ, ông bất mãn với xã hội phong kiến lúc bấy giờ. Năm 1843 đọc cuốn – “Những lời dạy thế của đạo Cơ đốc”, ông nhận thấy quan hệ bất công của xã hội phong kiến đương thời cần phải đánh đổ. Ông đứng ra thành lập Hội Thượng đế.

Hội Thượng đế dùng hình thức tôn giáo để tổ chức lực lượng và là chỗ dựa tư tưởng chống lại ý thức hệ phong kiến. Mùa xuân năm 1844, Hồng Tú Toàn đến huyện Quế Bình, tỉnh Quảng Tây tuyên truyền tư tưởng cách mạng. Bạn của ông là Phùng Văn Sơn cũng đến vùng Tử Kinh Sơn, tỉnh Quảng Tây tuyên truyền và tổ chức lực lượng.

Cuối năm 1844, Hồng Tú Toàn trở về quê viết sách: Nguyên đạo cứu thế ca, Nguyên đạo tỉnh thế huấn, Bách chính ca, Nguyên đạo giáo thế huấn. Các sách trên, sau phần giáo lý có tính chất tôn giáo, đều chứa đựng cả một cương lĩnh hành động lớn lao, một lý luận cho cuộc đấu tranh của nông dân.

Tác phẩm Nguyên đạo cứu thế ca phản ánh tư tưởng chống chế độ đẳng cấp phong kiến, yêu cầu một nền chính trị bình đẳng. Hội Thượng đế cho rằng mọi người đều là con của thượng đế và mọi người đều như nhau, không thể có người được trọng và kẻ bị coi khinh trong xã hội.

Trong Nguyên đạo tỉnh thế huấn, tư tưởng bình đẳng về kinh tế được đề ra rõ ràng :

Con trai đều là anh em, con gái đều là chị em thì sao lại có giới hạn “của anh” “của tôi”, sao còn phải anh cướp tôi giật của nhau ? “Bọn địa chủ, quan lại, thương nhân cướp đất đai đều là phản bội lại Thượng đế, cần phải giết hết”.

Cương lĩnh đấu tranh của phong trào nông dân đã phản ánh mơ ước từ ngàn xưa của họ, muốn xây dựng một xã hội “bốn biển một nhà cùng hưởng hòa bình hạnh phúc. Với hệ thống lý luận đấu tranh và cương lĩnh hoạt động, Hội Thượng đế đã vượt xa những hội kín của phong trào nông dân miền Nam Trung Quốc khi trước.

II – Giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa (1851-1856)

Phong trào nông dân ở Quảng Tây vào năm 1849-1850 đã bước vào giai đoạn mới, Hồng Tú Toàn và Phùng Vân Sơn cùng các lãnh tụ của Hội Thượng đế quyết định khởi nghĩa.

Mùa hạ năm 1850, Hồng Tú Toàn ra lệnh cho các đoàn vũ trang quân sự tập hợp ở Kim Điền. Ngày 1-1-1851 quân khởi nghĩa nổi dậy lập hiệu là Thái bình thiên quốc và tháng 9 năm đó tiến vào Vĩnh An.

Quân Thái bình chiếm được Vĩnh An, bắt đầu xây dựng chính quyền, tuyên bố các chế độ, phong vương cho các tướng lĩnh. Dương Tú Thanh được phong là Đông vương, Tiêu Triều Quý là Tây vương, Thạch Đạt Khai làm Dực vương v.v.. Tất cả các vương này đều dưới quyền điều khiển của Đông vương. Hồng Tú Toàn làm Thiên vương trông coi tất cả. Các tổ chức về quân đội, các quy chế kỷ luật, các chế độ cấp phát hầu hết cũng được định trong lúc này.

Quân Thái bình có tổ chức kỷ luật rất nghiêm, có nam doanh “nữ doanh”. Của cải đều tập trung vào kho chung. Không được cướp phá nhũng nhiễu nhân dân, ai trái lệnh thì bị chém. Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa nông dân lan rất nhanh chóng trong các vùng.

Triều đình Mãn Thanh hoảng sợ phái quân đi vây đánh Vĩnh An. Tháng 4-1852, quân Thái bình mặc dù bị vây, lương hết, đã chiến đấu rất anh dũng phá tan vòng vây của quân

Mãn Thanh và bắt đầu cuộc tiến công lịch sử của mình. Khi tiến công về Quế Lâm và Toàn Châu, gặp phải lực lượng mạnh của quân triều đình, Phùng Vân Sơn hy sinh và nghĩa quân bị thiệt hại nặng. Nhưng cuối cùng nghĩa quân đã mở đường tiến vào Hồ Nam. Khi vào Hồ Nam, quân Thái bình có khoảng chừng 5-6 nghìn; nhưng sau đó đội quân phát triển lên 56 vạn. Đoàn quân với khí thế chiến thắng, đi đến đâu, quân Mãn Thanh tan đến đấy. Quân Thái bình tiến vào Vũ Hán. Ngày 8-2-1853 chiếm Cửu Giang, ngày 24 chiếm An Khánh, đoạt lương thực, vàng bạc rất nhiều. Quân khởi nghĩa đã chiếm một vùng rộng lớn, chia cắt Trường Giang và khống chế vùng trung lưu giàu có. Ngày 8-3 quân Thái bình bao vây Nam Kinh, mười ngày sau thì chiếm được thành.

Vào Nam Kinh, quân Thái bình giành được thắng lợi to lớn. Chỉ trong vòng hơn 2 năm đã tiến công thắng lợi trên một vùng đất đai rộng lớn hơn 10 tỉnh. Vào Nam Kinh, Thái bình thiên quốc bắt đầu xây dựng chính quyền mới, lấy Nam Kinh làm thủ đô và đổi tên là Thiên Kinh. Khâm sai đại thần Hướng Vinh đem quân đến ngoại thành Nam Kinh án ngữ ở Tử Kim Sơn gọi là đại doanh Giang Nam, để ngăn chặn quân Thái bình vượt lên miền Bắc. Triêu đình Mãn Thanh lo sợ sự phát triển nhanh chóng của Thái bình thiên quốc lên phía bắc, nên vội vàng điều quân từ Tây bắc, Đông bắc về giữ Bắc Kinh.

Ở khắp nơi, quân Mãn Thanh tan rã nhanh chóng, địa chủ Hán tộc chỉ còn dựa vào quân “đoàn luyện” để bảo vệ tài sản. Lực lượng mạnh nhất là quân “đoàn luyện” của địa chủ Hán tộc Tăng Quốc Phiên. Chính đạo quân này về sau đã gây nhiều thiệt hại cho khởi nghĩa Thái bình thiên quốc.

Đồng thời, quan lại phong kiến Mãn Thanh cầu cứu quân đội nước ngoài giúp đỡ để chống lại phong trào nông dân. Nhưng trong lúc phong trào nông dân đang phát triển mạnh, chúng chưa dám công khai tham chiến, chỉ giúp bọn phản động Trung Quốc súng ống và tiền bạc để chống lại cuộc khởi nghĩa nông dân Trung Quốc.

Để đối phó với phong kiến Mãn Thanh và đẩy mạnh sự phát triển phong trào cách mạng, quân Thái bình thiên quốc đã tiến hành ba cuộc tiến công lớn :

Bắc Chinh – nhằm đập tan hoàn toàn uy thế chính trị của nhà Thanh, phá tan sào huyệt cuối cùng của nó.

Tây chinh – để bảo vệ Nam Kinh, tiêu diệt lực lượng phản cách mạng của bọn địa chủ Hán tộc.

Đông chinh – để cắt nguồn cung cấp tài nguyên của nhà Mãn Thanh.

Hai cuộc Đông chinh và Tây chinh thu được thắng lợi lớn, nhưng cuộc Bắc chinh thì thất bại. Mặc dầu cuộc Đông chinh và Tây chinh trên đường tiến quân thu được nhiều thắng lợi, song vì sự biến Dương-Vi nên phải lui quân.

Ba cuộc tiến quân trên tuy bị chấm dứt không thỏa lòng mong muốn của những người lãnh đạo Thái bình thiên quốc, nhưng nó đã nói lên sức mạnh lớn lao của quân Thái bình thiên quốc. Nó đã gây tác dụng thúc đẩy phong trào đấu tranh trong toàn quốc lên cao.

III – Các chính sách của Thái Bình Thiên Quốc

Sau khi vào Nam Kinh tháng 3-1853 những người lãnh đạo Thái bình thiên quốc xây dựng chế độ nhà nước, trong đó có ý nghĩa quan trọng nhất là “chế độ ruộng đất của Thiên triều”.

1. Chế độ ruộng đất của Thái bình thiên quốc

“Chế độ ruộng đất của Thiên triều” là cương lĩnh về ruộng đất của Thái bình thiên quốc, đồng thời nó cũng quy định cả việc tổ chức chính quyền, chế độ văn hóa, xã hội, giáo dục… Có thể nói đây là cương lĩnh cơ bản của nhà nước Thái bình thiên quốc.

Nội dung của chế độ ruộng đất Thái bình thiên quốc quy định toàn bộ tài sản và đất đai đều thuộc về Thượng đế: Mục tiêu của Thái bình thiên quốc là xóa bỏ chế độ tư hữu ruộng đất phong kiến. Căn cứ vào quy định của pháp lệnh này thì ruộng đất thuộc về Thượng đế, mọi người đều bình đẳng trước Thượng đế, mọi người đều có quyền lợi như nhau. Như vậy mỗi người nông dân đều có quyền có một mảnh đất do Thượng đế ban cho. “Có ruộng cùng cày, có cơm cùng ăn, có áo cùng mặc, có tiền cùng tiêu, không nơi nào là không đồng đều, không ai là không no ấm”.

Trong “Chế độ ruộng đất của Thiên triều”, ruộng đất tùy theo tốt xấu được phân ra làm 9 hạng. Chia ruộng thì căn cứ theo nhân khẩu, nam nữ như nhau, tốt xấu chia đều. Từ 16 tuổi trở lên chia như nhau: từ 15 tuổi trở xuống thì được nửa phần. “Chế độ ruộng đất của Thiên triều” còn quy định mỗi nhà đều phải trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, nuôi gia súc. Những sản phẩm lao động thu hoạch không được làm của riêng. Các gia đình có việc ma chay, cưới xin thì đều dùng chi phí của kho chung (Quốc khố), nhưng có hạn định. Đồng thời Thái bình thiên quốc cũng quy định những người tàn phế hay mất sức lao động đều được nhà nước nuôi.

Ngoài ra, trên cơ sở chia đều ruộng đất và sản vật công hữu hóa, chế độ ruộng đất của Thiên triều còn quy định về tổ chức xã hội, lấy đơn vị nhà làm tế bào. Thái bình thiên quốc quy định là cứ 25 nhà thành một đơn vị xã hội, một đơn vị quân sự, gọi là lưỡng tư mã: 4 lưỡng tư mã lập thành một tốt trường, 5 tốt trưởng lập một lữ soái, 5 lữ soái lập một sư soái, 5 sư soái lập một quân soái và một quân soái gồm có 13.156 nhà. Ở dưới quân soái là hương quan; trên quân soái có giám quân (tương đương với tri huyện đời Thanh). Chế độ hành chính của Thái bình thiên quốc dựa trên chế độ quân sự, cho nên hệ thống tổ chức của hành chính và quân sự giống nhau. Những người sáng lập ra nó có lẽ muốn thống nhất quân sự và hành chính làm một, nên quy định: “mỗi nhà phải có một người vào lính; có loạn thì thủ lĩnh điều động đến làm lính, giết giặc, bắt kẻ gian; thời bình thì thủ lĩnh đốc thúc họ cày ruộng”.

Mục đích của tổ chức xã hội Thái bình thiên quốc không chỉ muốn thống nhất quân sự và hành chính lại, mà còn muốn nó đồng thời là một đơn vị xã hội kinh tế thống nhất. Tổ chức cơ sở của sản xuất gồm 25 nhà do Lưỡng tư mã quản lý, có một kho chung; thu nhập của mỗi nhà, trừ suất lương thực khẩu phần, còn thì nộp vào kho chung, cung cấp theo quy định. Chính sách cũng quy định 25 nhà quản lý cả thủ công nghiệp như chế tạo nông cụ và đồ dùng trong gia đình v.v… Rõ ràng là những người lãnh đạo Thái bình thiên quốc muốn tổ chức 25 nhà này thành đơn vị kiểu công xã nông thôn kết hợp thủ công nghiệp và nông nghiệp. Hình thức tổ chức này phản ánh tàn dư của chế độ công xã cổ đại mà người nông dân lúc bấy giờ coi là chế độ xã hội tốt nhất, tô vẽ nó thành hình tượng tổ chức lý tưởng nhất của xã hội.

Ngoài chức năng quân sự và kinh tế, Lưỡng tư mã còn có nhiệm vụ giáo dục, tư pháp, tôn giáo … 25 nhà lập một nhà thờ, ngày ngày mọi người đến nghe giảng giáo lý của Hội Thượng đế. Thực tế đây là một chế độ giáo dục mang nghi thức tôn giáo. Trong nội bộ của công xã, nếu có xảy ra tranh chấp kiện tụng gì thì do Lưỡng tư mã giải quyết. Lưỡng tư mã còn có quyền thưởng phạt, tiến cử người tài. Trong các tổ chức của Thái bình thiên quốc đều có quy định rõ chính sách tiến cử, giáng chức và ngăn chặn các phần tử làm việc có hại cho xã hội.

Tất cả những điều trên vẽ lên một xã hội lý tưởng mà những người lãnh đạo Thái bình thiên quốc phác họa theo trí tưởng tượng của mình. Thực ra, đó là một bức tranh không tưởng, không thể nào thực hiện được. Nhưng trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, “chế độ ruộng đất của Thiên triều” đã gây một tác dụng rất lớn, động viên và cổ vũ những người nông dân nghèo khổ tiến lên đấu tranh giành lấy quyền sống cho mình.

“Chế độ ruộng đất của Thiên triều” không chỉ động viên về chính trị, mà quan trọng hơn là nó gây tác dụng thực tế về kinh tế. Khi đó Trung Quốc đang ở trong thời kỳ tan rã của chế độ phong kiến. Quan hệ tư bản chủ nghĩa chưa phát triển đến độ chín muồi, những thành phần kinh tế mới đều bị chế độ ruộng đất phong kiến và bọn thống trị kìm hãm. Giai cấp phong kiến Mãn Thanh áp bức nhân dân lao động rất tàn tệ, làm cho sức sản xuất của xã hội không phát triển được. Nhiệm vụ lịch sử lúc bấy giờ là đập tan chế độ ruộng đất phong kiến ràng buộc sự phát triển của sức sản xuất. Chế độ ruộng đất Thiên triều chính là sự phản đối chế độ tư hữu ruộng đất phong kiến, kêu gọi quần chúng nông dân đứng lên tịch thu ruộng đất của giai cấp địa chủ và các tài sản tư hữu khác của chúng. Nếu làm được như vậy thì nhất định nó sẽ có tác dụng mở đường cho sức sản xuất phát triển. Nhưng “chế độ ruộng đất của Thiên triều” có mặt không tưởng và lạc hậu. Cương lĩnh này muốn xóa bỏ tất cả quyền tư hữu tài sản, muốn khôi phục các tổ chức công xã nông thôn, muốn đem một quan hệ xã hội cũ đã lỗi thời lý tưởng hóa thực thi. Theo quy định về “chế độ ruộng đất của Thiên triều” thì trong xã hội không thể có bất cứ một thứ tài sản tư hữu nào, không có sự phân công trong lao động, cũng không có thị trường mở rộng và sự lưu thông hàng hóa.

Họ tưởng rằng nếu tiêu diệt được tất cả những hiện tượng trên thì sẽ tiêu diệt được nguồn gốc của nghèo khổ và bất công trong xã hội. Họ không nghĩ rằng xã hội thái bình hạnh phúc mà họ ước mơ chỉ có thể xây dựng được sau khi nền kinh tế đã phát triển đến mức độ nhất định. Phải có một cơ sở vật chất nhất định mới xây dựng được xã hội thái bình như họ mong muốn mà trong thời đại mới, nền kinh tế đó phải dựa trên cơ sở công nghiệp cơ khí hóa. Họ muốn dùng biện pháp chính trị để đạt đến mục đích, dùng ước muốn chủ quan để thay thế quy luật lịch sử.

2. Một số chính sách khác của Thái bình thiên quốc

Về thương nghiệp, lúc đầu xuất phát từ tư tưởng muốn xây dựng một nền kinh tế tự cung tự cấp của nông dân, Thái bình thiên quốc không cho tự do phát triển thương nghiệp. Nhưng chính sách cấm buôn bán không thể thực hiện được. Việc giải phóng sản xuất chung kích thích thương nghiệp phát triển, nên quang cảnh buôn bán ở các vùng Thái bình thiên quốc rất sầm uất.

Về thủ công nghiệp, những người lãnh đạo Thái bình thiên quốc muốn kết hợp với nông nghiệp và do chính quyền quản lý chung. Nhưng chính sách cấm phát triển tự do của thủ công nghiệp mang tính chất không tưởng cũng không thi hành được. Sự giải phóng nông nghiệp, kéo theo sự giải phóng thủ công nghiệp. Việc sản xuất chè, tơ tằm, dệt vải… đặc biệt phát triển trước yêu cầu trao đổi của thị trường ngày càng mạnh.

Một số chính sách xã hội có tính chất cách mạng đã được thi hành ở vùng Thái bình thiên quốc quản lý. Đáng kể là: ,

– Thái bình thiên quốc ra lệnh cấm thuốc phiện rất nghiêm ngặt, ai hút sẽ bị chém đầu.

– Chính sách tuyển dụng hiền tài: Thái bình thiên quốc mở khoa thi,xóa bỏ những điều kiện quy định thành phần xã hội ngặt nghèo thời phong kiến. Hễ là người tài giỏi đều được tuyển dụng. Bỏ lối thi văn chương cổ mà thêm vào môn thi nghề nghiệp, tính toán…, nghề in được khuyến khích.

– Đối với phụ nữ, luật pháp của Thái bình thiên quốc tuyên bố chính sách bình đẳng nam nữ về kinh tế, thi cử, quân sự. Thái bình thiên quốc tuyên bố xóa bỏ hình thức hôn nhân có tính chất buôn bán, bỏ các lễ tiết phong kiến trong nhân dân. Những hành động hãm hiếp phụ nữ đều bị chém đầu, triệt để thi hành chính sách một vợ, một chồng. Quân Thái bình thiên quốc có cả tướng nữ và tiểu đoàn nữ quân. Danh sách thí sinh thi tuyển hiền tài quốc gia có cả nữ.

Một ký giả người Anh lúc bấy giờ đã viết đây (Nam Kinh) khác hẳn với các thành thị trong toàn quốc là phụ nữ đi lại một cách tự nhiên. Họ cưỡi ngựa đi trên đường phố mà tuyệt nhiên không e dè sợ sệt người ngoại quốc như phụ nữ Trung Quốc ở các vùng khác, họ không tránh mặt chúng ta”.

– Về chính sách đối ngoại, ngay từ khi phong trào đang phát triển mạnh mẽ, Thái bình thiên quốc đã tuyên bố coi người ngoại quốc như anh em xa đến, cho tự do đi lại buôn bán. Toàn quyền của Anh ở Hương Cảng là Bonham đã từng phái người đến gặp Dương Tú Thanh để thăm dò về thái độ của Thái bình thiên quốc đối với hiệp ước Nam Kinh năm 1842, nhưng các lãnh tụ Thái bình thiên quốc tuyên bố không thừa nhận, chỉ cho giao thiệp, buôn bán. Bonham đã viết thư đe dọa, nhưng lúc bấy giờ chưa dám can thiệp tấn công bằng vũ lực Thái bình thiên quốc.

Tháng 3 năm 1853, công sứ Pháp là Buốcbulông đến Thiên Kinh để thăm dò thái độ của Thái bình thiên quốc đối với điều ước Pháp-Thanh, cũng bị Thái bình thiên quốc cự tuyệt. Mỹ tuyên bố “trung lập” nhưng cũng đồng ý với Anh, Pháp là phải phối hợp tiêu diệt quân Thái bình thiên quốc.

Thái bình thiên quốc tuy không chấp nhận điều ước của nhà Mãn Thanh ký với đế quốc, nhưng vẫn giữ quan hệ buôn bán với các nước tư bản.

IV – Mâu thuẫn nội bộ và quá trình tan rã của Thái bình thiên quốc

1. Sự biến Dương-Vi

Giữa lúc Đông chinh và Tây chinh đang trên đà thắng lợi thì nội bộ của Thái bình thiên quốc mâu thuẫn làm cho phong trào dừng lại và đi xuống.

Từ lúc đánh chiếm được Vĩnh An, quyền lực thực ra đều thuộc về Dương Tú Thanh, một viên tướng có tài, lập được nhiều công lớn, và có khả năng tổ chức lãnh đạo. Dương Tú Thanh ngày càng tự cao, tự đại, lạm dụng cả quyền hành của Thiên vương là Hồng Tú Toàn, làm cho Hồng Tú Toàn hầu như chỉ giữ hư vị của ngôi Thiên vương mà thôi. Đối với các tướng lĩnh, Dương Tú Thanh ngạo mạn coi thường, nên Vi Xương Huy và Thạch Đạt Khai đều bất mãn với Dương Tú Thanh.

Dương Tú Thanh và Hồng Tú Toàn sau khi vào Nam Kinh thì trở nên kiêu căng, sống xa hoa. Hai bên ngày càng thù hằn nhau, cuộc đấu tranh khi ngấm ngẩm, lúc công khai và chỉ đợi dịp để tiêu diệt lẫn nhau.

Hồng Tú Toàn thấy nguy cơ bị hất chân ngày càng đến gần nên mật gọi Vi Xương Huy và Thạch Đạt Khai về để tìm cách trừ Dương Tú Thanh. Vi Xương Huy lúc này đang ở Giang Tây, nhận được lệnh của Hồng Tú Toàn liền trở về Thiên Kinh. Nửa đêm ngày 2-9-1856, Vi Xương Huy đem 3.000 quân vây phủ Đông vương bắt Dương Tú Thanh và gia quyền đem giết; tất cả họ hàng thân thích của Đông vương cũng đều bị giết. Thiên Kinh nằm trong tình trạng lùng bắt thảm sát rất ghê sợ, hơn hai vạn người bị giết chết.

Thạch Đạt Khai ở Vũ Xương đang lãnh đạo quân Tây chinh thắng lợi, nghe tin Thiên Kinh có biến, vội vàng kéo quân về khuyên Vi Xương Huy không nên tàn sát. Vi Xương Huy không những không nghe mà còn định hại luôn Thạch Đạt Khai. Thạch Đạt Khai một mình trốn khỏi Thiên Kinh. Vi Xương Huy lại đem bắt giết cả nhà Thạch Đạt Khai. Thạch Đạt Khai chạy về An Khánh.

Những hành động tàn bạo của Vi Xương Huy bị quần chúng oán ghét, quân lính và các tướng sĩ phẫn nộ, chính họ cũng lo sợ ngay cho số phận của mình. Vì lý do đó nên tháng 11, các tướng sĩ ở Thiên Kinh nổi lên giết chết Vi Xương Huy. Thiên vương Hồng Tú Toàn liền phái người đi đón Thạch Đạt Khai về để ổn định triều chính.

Nhưng Thạch Đạt Khai trở về Thiên Kinh lại không được Hồng Tú Toàn tín nhiệm lắm. Thạch Đạt Khai thấy tình thế như vậy liền kéo 10 vạn quân đi đánh Triết Giang, Phúc Kiến, Hồ Nam, Tứ Xuyên, lại trở về Quảng Tây và cuối cùng bị tiêu diệt ở Tứ Xuyên (1857). Cuộc tiến quân lang thang vô mục đích này đã làm cho quân đội mệt mỏi, dần dần rơi vào thế bị động, cuối cùng bị tiêu diệt. Mười vạn quân tinh nhuệ và nhiều tướng lĩnh có tài của Thái bình thiên quốc đã hy sinh vô ích trong cuộc tiến quân.

Từ mâu thuẫn nội bộ đến sự biến Dương-Vi và cuối cùng đến cuộc hành quân của Thạch Đạt Khai đã đánh dấu giai đoạn đi xuống của cuộc khởi nghĩa.

Sự biến Dương-Vi làm cho triều đình Thiên Kinh không còn ai làm trụ cột nữa. Các tướng lĩnh lo sợ nên không hết lòng, và chỉ mong xa Thiên Kinh. Chính vì vậy nên khi Thạch Đạt Khai kéo quân ra đi, họ liền theo hết. Thiên Kinh trở nên điêu tàn, chính quyền Thái bình thiên quốc như bị tê liệt.

Thái bình thiên quốc đã phát triển đến đỉnh cao nhưng nó đặt ra câu hỏi cho các nhà lãnh đạo về con đường phát triển của đất nước. Làm sao để có thể đi đến mục đích? Những người đứng đầu Thái bình thiên quốc không thể nào trả lời được câu hỏi đó. Không đại diện cho một phương thức sản xuất mới, họ không có khả năng xây dựng một xã hội tiến bộ hơn xã hội cũ. Điều kiện kinh tế, địa vị xã hội lịch sử không cho họ miếng đất thực tế và trình độ để giài quyết vấn đề trên.

Trong khi đó tập đoàn lãnh đạo của Thái bình thiên quốc ngày càng đi vào con đường phong kiến hóa. Sau khi vào Thiên Kinh họ dần dần xa rời quần chúng, đố kỵ lẫn nhau, tham lam tranh giành quyền lợi. Mâu thuẫn không giải quyết nổi của Thái bình thiên quốc tất yếu sẽ dẫn đến sự tan rã hàng ngũ.

2. Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ hai

Cuộc chiến tranh Thuốc phiện lần thứ hai nổ ra năm 1856 là cuộc chiến tranh xâm lược, nhằm mục đích mở rộng thêm quyền lợi của các đế quốc ở Trung Hoa; đồng thời nhằm uy hiếp phong trào nông dân, câu kết với nhà Thanh tiêu diệt Thái bình thiên quốc.

Phong trào Thái bình thiên quốc ngày càng phát triển buộc nhà Thanh phải dựa vào đế quốc mới trấn áp được. Anh đã nhiều lần muốn gây chiến với Trung Quốc để mở rộng thêm các điều khoản trong hiệp ước Nam Kinh, nên nhân cơ hội đó đưa ra điều kiện mới :

  • Yêu cầu cho Anh phái sứ thần đến kinh đô.
  • Cho người Anh được tự do đi lại trên đất Trung Quốc.
  • Mở cửa Thiên Tân và cho Anh đặt lãnh sự ở đó.
  • Sửa lại chế độ thuế, thừa nhận thuốc phiện là món hàng hợp pháp.
  • Đế quốc Anh vào đóng ở Quảng Châu.

Đế quốc Pháp, Mỹ cũng yêu cầu sửa lại những điều ước cũ và lấy đó làm điều kiện để giúp nhà Thanh trấn áp Thái bình thiên quốc. Ban đầu, những yêu sách đó đều bị cự tuyệt. Do vậy, tháng 10-1857, Anh lấy cớ là chiếc thuyền Arao của Anh bị thủy quân Trung Quốc bắt giữ, còn Pháp thì lấy cớ là các giáo sĩ bị giết hại để tấn công Trung Quốc.

Năm 1857, liên quân Anh Pháp đánh chiếm Quảng Châu. Quan lại nhà Thanh đầu hàng, nhưng nhân dân khắp nơi nổi dậy, tự thành lập các đội vũ trang của mình đánh đuổi quân xâm lược.

Ngày 25-6-1858, nhà Thanh buộc phải ký điều ước Thiên Tân, nhận bồi thường cho Anh và Pháp, cho chúng phái sứ thần đến kinh đô, cho chúng tự do đi lại, mở thêm hải cảng, giảm giá thuế và thực hiện quyền lãnh sự tài phán. Chưa thỏa mãn, tháng 6-1859, Anh điều 18.000 quân và Pháp phái 6.500 quân tiến công pháo đài Đại Cô. Tháng 10-1860, quân Anh Pháp tiến vào Bắc Kinh cướp bóc, tàn phá, đốt cháy và cướp hết của cải trong khu Viên minh viên – một công trình kiến trúc vô cùng tráng lệ của nhân dân Trung Quốc. Vua nhà Thanh chạy trốn sang Nhiệt Hà và sai em ruột là Cung Thân vương đi cầu hòa.

Ngày 24-10-1860, điều ước Bắc Kinh khắt khe và nhục nhã hơn đã được ký kết. Ngoài những điều khoản của hiệp ước Thiên Tân, nhà Thanh còn phải công nhận những điều sau đây:

  • Cắt vùng Cửu Long ti cho Anh.
  • Mở thêm cửa biển Thiên Tân.
  • Bồi thường cho Anh, Pháp, mỗi nước 8 triệu lạng bạc.

Cuộc Chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai kết thúc bằng hiệp ước đầu hàng của Mãn Thanh. Bọn đế quốc nhờ điều ước này đã hợp pháp hóa việc thọc sâu vào nội địa Trung Quốc. Hiệp ước đã bảo đảm cho sự câu kết càng ngày càng chặt chẽ giữa đế quốc và phong kiến. Nhà Thanh dựa vào đế quốc để duy trì nền thống trị thối nát của mình. Bọn đế quốc dùng nhà Thanh làm bình phong để dễ bề bóc lột nhân dân Trung Quốc. Bọn chúng cùng nhau dìm cuộc đấu tranh của nông dân trong biển máu.

3. Thời kỳ tan rã của Thái bình thiên quốc

Mùa thu năm 1856, bọn phong kiến nhân lúc Thái bình thiên quốc có biến quay lại tấn công quân khởi nghĩa. Tháng 12 năm 1856, chúng chiếm lại Hán Dương, Vũ Xương. Cùng lúc này các cánh quân phía bắc của triều Mãn Thanh cũng tràn xuống uy hiếp Thiên Kinh. Đến năm 1858, Thái bình thiên quốc bị tấn công, bị bao vây tứ phía rất nguy khốn.

Dưới sự lãnh đạo của Trần Ngọc Thành, quân Thái bình nhiều lần đánh bại những cánh quân triều đình, đập tan đại doanh Giang Bắc, giáng cho quân Tương những đòn nặng nề. Đội “Thường thắng quân” do AnhPháp tổ chức cũng bị quân Thái bình đánh cho tan tành và Thượng Hải nhiều lần bị quân khởi nghĩa vây đánh. Giữa lúc đó thì có tin Thiên Kinh bị nguy, quân Thái bình phải kéo về giải vây cho Thiên Kinh. Quân Thái bình thiên quốc đã đánh bại đại doanh Giang Nam và tiêu diệt một bộ phận quân tinh nhuệ của Tăng Quốc Phiên.

Nhưng đến giai đoạn này, Thái bình thiên quốc đã đi vào giai đoạn cuối của nó. Kẻ thù ngày càng câu kết với nhau, gây thêm nhiều khó khăn cho phong trào. Từ mùa xuân 1860, quân Tương vây An Khánh, cuộc chiến đấu ở đây do người tướng trẻ có tài là Trần Ngọc Thành chỉ huy đã diễn ra rất quyết liệt, nhưng cuối cùng An Khánh bị hạ. Trần Ngọc Thành bị bắt và bị giết giữa lúc mới 26 tuổi.

Tình thế của quân Thái bình thiên quốc ngày càng nguy ngập. Tháng 12-1862, Lí Hồng Chương liên hiệp với quân Anh tấn công vào Tô Châu. Bọn chúng đã thẳng tay tàn sát hơn 10 vạn người. Bọn đế quốc càng ngày càng tích cực ủng hộ phong kiến Mãn Thanh đàn áp quân Thái bình. Chúng cung cấp chiến thuyền, giúp lập xưởng đúc súng ở Thượng Hải, An Khánh v.v…

Sau khi Dương Tú Thanh, Vi Xương Huy bị giết và Thạch Đạt Khai kéo 10 vạn quân đi, thì Hồng Tú Toàn sống trong nỗi thất vọng, cô đơn. Mùa xuân năm 1864 Thiên Kinh bị vây. 1-6-1864 Hồng Tú Toàn uống thuốc độc tự tử.

Ngày 19 tháng 7 năm 1864 Thiên Kinh bị hạ. Cuộc khởi nghĩa Thái bình thiên quốc hoàn toàn thất bại.

V – Tính chất, nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của Thái bình thiên quốc

Cuộc khởi nghĩa Thái bình thiên quốc nổ ra ngày 11-1-1851 ở Kim Điền, sau đó đã phát triển rộng ra hầu khắp Trung Quốc. Đó là phong trào đấu tranh của nông dân trên phạm vi đất đai rộng lớn của Trung Quốc, bao gồm 18 tỉnh. Cuộc đấu tranh kéo dài trong 14 năm, đã xây dựng một chính quyền và thi hành nhiều biện pháp tiến bộ.

Xét về tính chất của các chính sách, về tư tưởng chỉ đạo và thành phần tham gia thì đó là một phong trào nông dân. Mặc dù về hình thức tổ chức và tuyên truyền có khoác màu tôn giáo, nhưng không thể vì vậy mà cho rằng đó là một cuộc chiến tranh tôn giáo. Họ mượn hình thức tôn giáo để tổ chức, nhờ giáo lý để nói lên ước vọng và tạo ra Thượng đế hay một vị thần linh nào đấy làm bùa hộ mệnh tập hợp đông đảo quần chúng vào cuộc đấu tranh chống cường quyền.

Phong trào Thái bình thiên quốc không phải là cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Tuy nó có làm hai nhiệm vụ phản đế và phản phong, song đó là do nhu cầu bức thiết của sự tồn tại bản thân chứ giai cấp lãnh đạo không phải là đại diện cho một lực lượng sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới. Phong trào nông dân này nằm trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của Trung Quốc, khi thực dân đế quốc đang xâu xé Trung Quốc, bọn phong kiến thì nhu nhược đầu hàng bên ngoài. Xã hội Trung Quốc có hai mâu thuẫn cơ bản tồn tại, mâu thuẫn giữa nhân dân Trung Quốc với bọn thực dân đế quốc và mâu thuẫn giữa bọn phong kiến thối nát với quần chúng nhân dân lao động, đặc biệt là nông dân. Dù là cuộc đấu tranh thuần túy nông dân, thì nó cũng không thể không đụng chạm đến việc giải quyết hai nhiệm vụ trên.

Phong trào Thái bình thiên quốc là phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Đây không chỉ nói về phạm vi ảnh hưởng, mà chủ yếu là về biện pháp quyết liệt và sáng tạo của nó. Trong cuộc chiến đấu này, giai cấp nông dân Trung Quốc lần đầu tiên đề ra được một cương lĩnh chính trị kinh tế có hệ thống, mang tính chất lịch sử dân tộc của mình. Chính sách ruộng đất bình quân, chính sách xã hội, chính sách nam nữ bình đẳng là những chính sách lần đầu tiên được đề ra trong lịch sử Trung Quốc.

Cuộc đấu tranh này có một hoài bão lớn lao là mong lật nhào toàn bộ trật tự phong kiến, đặc biệt là muốn xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất của phong kiến. Thái bình thiên quốc chủ trương chia ruộng đất cho dân cày theo lao động, ước mơ xây dựng một xã hội không có người bóc lột người “thiên hạ nhất gia cộng hưởng thái bình”, nhưng lý tưởng đó không thể nào thực hiện được. Mặc dù vậy, giai cấp nông dân Trung Quốc đã đoàn kết tấn công quyết liệt vào dinh lũy của phong kiến đế quốc. Trong giai đoạn đầu, lãnh tụ nông dân đã không ngừng sáng tạo, đưa cuộc cách mạng đi lên.

Cuối cùng Thái bình thiên quốc đã bị thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do không có một giai cấp tiên tiến lãnh đạo. Giai cấp lãnh đạo là nông dân mang tính chất bảo thủ, hẹp hòi, phân tán, không đại diện cho quan hệ sản xuất mới. Giai cấp nông dân có khả năng đập phá xã hội cũ, nhưng khi đã đẩy cách mạng đến đỉnh cao rồi thì họ không biết làm gì nữa. Sau khi đã xây dựng chính quyền ở Thiên Kinh, các vương của Thái bình thiên quốc bị phong kiến hóa nhanh chóng, sống xa hoa, xa rời quần chúng nhân dân. Trong cuộc sống vật chất sung túc, địa vị cao sang, các “Vua nông dân” nảy sinh tư tưởng bè phái, ghen ghét, tranh giành địa vị, quyền lợi, cuối cùng đi đến chém giết lẫn nhau, gây ra thảm họa “sự biến Dương Vi” làm yếu dần và tan rã hàng ngũ cách mạng.

Thái bình thiên quốc sở dĩ bị thất bại là vì nó phải đối chọi với hai kẻ thù rất lớn của dân tộc và giai cấp. Sau Chiến tranh thuốc phiện lần thứ hai, bọn đế quốc phong kiến càng câu kết chặt chẽ hơn, các nước đế quốc giúp tàu chiến, lập xưởng đúc súng cho bọn phong kiến để trấn áp Thái bình thiên quốc. Bọn đế quốc còn trực tiếp tổ chức quân đội đánh nhau với quân cách mạng. Đứng trước kẻ thù lớn hơn hẳn về trang bị vũ khí mà các lãnh tụ Thái bình thiên quốc ngày càng chia rẽ, tàn sát lẫn nhau, tự làm yếu mình, thì không thể nào tránh khỏi thất bại được.

Mặt khác, tác dụng phá hoại của cái áo khoác tôn giáo cũng không phải là ít. Chính tôn giáo và mê tín làm cho đội quân nông dân đoàn kết với nhau và chính tôn giáo cũng bị lợi dụng để đấu tranh nội bộ làm tan rã hàng ngũ. Cuộc đấu tranh giữa Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh là ví dụ rõ ràng nhất.

Ngoài những lý do quan trọng trên, còn phải nói đến những sai lầm về mặt chiến lược, chiến thuật v.v…

Phong trào Thái bình thiên quốc tuy đã thất bại, nhưng có ý nghĩa lịch sử to lớn trong lịch sử Trung Quốc.

Phong trào nông dân này giáng một đòn chí mạng vào chế độ phong kiến đã tồn tại mấy ngàn năm ở Trung Quốc. Nó tuyên bố chủ nghĩa phong kiến đã quá lỗi thời, cần phải thay đổi. Đồng thời, nó cũng đã cho bọn đế quốc một bài học về sức mạnh của quần chúng quật khởi.

Tuy thất bại, nhưng phong trào Thái bình thiên quốc đã để lại những kinh nghiệm lịch sử quý báu. Tình trạng lạc hậu của Trung Quốc nói riêng và phương Đông nói chung đã tạo nên tình hình là nông dân chiếm đa số cư dân, là bộ phận bị áp bức bóc lột nặng nề. Họ sẽ trở thành lực lượng chính trong cuộc đấu tranh cải biến xã hội. Các giai cấp, các nhà hoạt động cách mạng dân tộc không thể không chú ý vấn đề trên. Nhưng đồng thời, quá trình vận động của phong trào Thái bình thiên quốc đã để lộ những nhược điểm của giai cấp nông dân trong đấu tranh. Tư tưởng tư hữu, ý thức phong kiến “chia quả thực”, “tham vọng quyền uy” “muốn làm vua” sẽ tác động phá hoại phong trào và rút cục sẽ xóa đi tất cả thành quả cách mạng mà phong trào nông dân đã giành được.

Phong trào Thái bình thiên quốc là một đợt sóng đấu tranh chống đế quốc trong phong trào đấu tranh của nhân dân các nước châu Á, chống sự nô dịch của đế quốc tư bản phương Tây. Nó đánh dấu một bước phát triển của phong trào nông dân Trung Quốc, đồng thời cũng để lại nhiều kinh nghiệm đối với sự nghiệp cứu nước của nhân dân Trung Quốc.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]