Trang chủ Logic học Phán đoán là gì? Các loại phán đoán

Phán đoán là gì? Các loại phán đoán

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 773 views

1. Định nghĩa phán đoán

Như ta đã biết, khái niệm phản ánh đối tượng, nghĩa là phản ánh một sự vật, hiện tượng, hoặc một lớp các sự vật, hiện tượng nào đó. Nhưng trong thế giới khách quan, các sự vật và hiện tượng không bao giờ đứng riêng rẽ, chúng bao giờ cũng có những mối liên hệ với các sự vật và hiện tượng khác. Hơn nữa các sự vật và hiện tượng khách quan còn có hoặc không có một số tính chất xác định nào đó. Những mối liên hệ giữa các đối tượng và tính có hay không có thuộc tính nhất định nào đó của chúng tạo nên những tình trạng nhất định của các sự vật và hiện tượng. Muốn nhận thức thế giới, thì những tình trạng đó phải được phản ánh. Hình thức của tư duy trừu tượng phản ánh những tình trạng như vậy của các sự vật và hiện tượng được gọi là phán đoán.

Như vậy, phán đoán là hình thức của tư duy trừu tượng khẳng định hay phủ định một tình trạng xác định nào đó ở các sự vật và hiện tượng..

Trong logic hai giá trị thì một phán đoán có thể đúng hoặc sai. Giá trị đúng (chân thực) và sai (giả dối) của phán đoán được gọi là giá trị chân lý của phán đoán. Phán đoán có giá trị chân lý là đúng (chân thực) nếu như điều khẳng định hay phủ định trong nó hoàn toàn phù hợp với thực tại khách quan. Giá trị chân lý của phán đoán sẽ là sai (giả dối) trong trường hợp ngược lại. Quan điểm về giá trị chân lý này của phán đoán là do người sáng lập ra môn logic học – nhà triết học cổ đại Hy Lạp Aristote – đưa ra. Aristote viết: “Người nói thật là người nói về sự tách rời là tách rời, sự liên kết là liên kết, còn người nói dối là người nói ngược lại với hiện trạng của sự vật”.

Ví dụ 1:

  1. Mặt trăng là vệ tinh của quả đất.
  2. Mặt trời không phải là ngôi sao.
  3. Tổng của 3 và 5 là 8.
  4. Với sự ban phúc của Thượng đế toàn năng, ngọn đuốc SEA GAMES 19 đã được thắp sáng bằng ánh nắng mặt trời vào ngày 9/10/97, tại Jakarta.
  5. Các hành tinh trong hệ Mặt trời quay quanh Mặt trời theo quỹ đạo elíp và các quỹ đạo của chúng nằm trong cùng một mặt phẳng.

Phán đoán (a) trong ví dụ 1 là phán đoán chân thực, khẳng định tính chất là vệ tinh của quả đất của mặt trăng. Phán đoán (b) sai, nó phủ định tính chất là ngôi sao của mặt trời. Phán đoán (c) đúng, nó khẳng định quan hệ bằng nhau giữa hai đối tượng là tổng 5 cộng 3 và số 8. Phán đoán (d) sai vì không phù hợp với thực tế (trời nhiều mây nên người ta không thực hiện được ý đồ thắp sáng ngọn lửa bằng ánh nắng mặt trời). Phán đoán (e) đúng, nó khẳng định một tình trạng của các hành tinh trong hệ Mặt trời, được tạo thành từ hai sự kiện: thứ nhất, các hành tinh có quỹ đạo hình elíp và, thứ hai, các quỹ đạo này nằm trong cùng một mặt phẳng.

2. Phán đoán và câu

Phán đoán thường được biểu thị, diễn đạt bằng một câu. Nhưng không thể đồng nhất câu với phán đoán. Câu là cái vỏ ngôn ngữ của phán đoán. Phán đoán nhất thiết phải có cái vỏ ngôn ngữ là câu, không có câu thì không thể có phán đoán; nhưng câu không nhất thiết phải biểu đạt phán đoán. Quan hệ giữa phán đoán và câu cũng tương tự như quan hệ giữa rượu với chiếc bình đựng rượu. Rượu nhất thiết phải được đựng vào bình, không có bình thì không thể có rượu (bình hiểu theo nghĩa rộng, là bất cứ cái gì để đựng), nhưng bình không đồng nhất với rượu. Ngoài ra, chất lượng của bình, cấu tạo của nó cũng có thể có ảnh hưởng đến chất lượng rượu. Và câu cũng vậy, cấu trúc của nó, đặc trưng của nó trong các ngôn ngữ khác nhau cũng ảnh hưởng đến phán đoán mà nó chứa. Phán đoán được biểu thị bằng câu, nhưng không phải câu nào cũng biểu thị một phán đoán. Thông thường, thì chỉ có câu kể, câu tường thuật mới biểu thị các phán đoán, còn các loại câu khác như câu hỏi, câu ra lệnh, câu cầu khiến, câu cảm thán … không biểu thị phán đoán.

Trong logic hình thức, ngoài khái niệm phán đoán người ta còn sử dụng khái niệm mệnh đề. Định nghĩa nêu trên kia đúng với mệnh đề, và chưa hoàn toàn đúng với phán đoán, bởi vì phán đoán còn hàm chứa ngoài những đặc trưng nêu trong định nghĩa đó, một số đặc trưng khác: phán đoán thể hiện cả quan điểm của người đưa ra nó, nghĩa là trong phán đoán, sự khẳng định hay phủ định tính chất của đối tượng hoặc mối quan hệ giữa các đối tượng đã được đưa ra trong một cái vỏ tình cảm nhất định nào đó. Vì bất cứ con người nào cũng không thể tách rời khỏi tất cả các tình cảm của mình, nên chỉ tồn tại các phán đoán mà không tồn tại các mệnh đề trong thực tế. Nhưng logic hình thức trừu tượng hóa khía cạnh quan điểm tình cảm đó của phán đoán trong nghiên cứu, và mệnh đề là kết quả của sự trừu tượng hóa đó. Ngoài ra, người ta còn có cách hiểu thứ hai về quan điểm giữa mệnh đề và phán đoán. Ở đây phán đoán được hiểu như trong định nghĩa mà ta đưa ra lúc đầu. Phán đoán được chứa đựng trong câu, nhưng không phải là câu. Còn mệnh đề được coi là thể thống nhất, gồm cả phán đoán và câu chứa nó. Trong chương trình này chúng ta bỏ qua sự khác biệt giữa mệnh đề và phán đoán, coi chúng như nhau.

Để phân biệt câu có chứa phán đoán và câu không chứa phán đoán ta có thể xét xem câu đó có giá trị logic, nghĩa là có thể (về nguyên tắc) phân định đúng hay sai hay không.

Ví dụ, câu Trái đất cần 250 triệu năm để đi hết một vòng xung quanh tâm của giải Ngân Hà, chứa đựng một phán đoán, vì câu này hoặc phù hợp với thực tế, hoặc không. Còn câu hỏi Có thật sự có các thế giới song song với thế giới của chúng ta không?, không khẳng định hay phủ định bất cứ điều gì, việc xác định nó đúng hay sai là hoàn toàn vô nghĩa, vậy nó không chứa, không biểu thị phán đoán. Câu “Tôi đang nói dối đây” cũng không chứa phán đoán, vì về nguyên tắc ta không thể xác định nó đúng hay sai.

Để thuận tiện trong trình bày, từ đây về sau, trong những trường hợp không sợ gây nhầm lẫn, chúng tôi sẽ đồng nhất phán đoán với câu chứa phán đoán đó, và sẽ sử dụng song song các từ “phán đoán” “câu”.

3. Các loại phán đoán

Căn cứ vào các tiêu chí khác nhau người ta có thể tiến hành các cách phân chia phán đoán khác nhau. Sau đây ta xét một số cách phân chia phán đoán quan trọng nhất.

a. Phân chia theo độ phức hợp

Phán đoán có thể có cấu trúc đơn giản, cũng có thể có cấu trúc phức tạp. Nếu một phán đoán có thể tách được ra làm nhiều phán đoán khác thì nó được gọi là phán đoán phức, ngược lại thì được gọi là phán đoán đơn. Phán đoán đơn là phán đoán mà bất cứ một thành phần con nào của nó cũng không phải là một phán đoán. Các phán đoán (a), (b), (c), (d) đã nêu ở ví dụ 1 trên đây là các phán đoán đơn, vì ta không thể tách chúng ra thành các phán đoán đơn giản hơn. Còn phán đoán (e) là phán đoán phức, vì nó bao gồm hai phán đoán đơn:

Các hành tinh thuộc hệ mặt trời quay quanh Mặt trời, Quỹ đạo quanh Mặt trời của các hành tinh thuộc hệ Mặt trời nằm trong cùng một mặt phẳng.

Phán đoán: “chuột là một loài gặm nhấm và là một động vật có hại”, cũng là phán đoán phức, vì có thể tách ra được thành hai phán đoán đơn giản hơn như sau:

Chuột là một loài gặm nhấm. Chuột là một động vật có hại.

b. Phân chia theo thông tin chứa trong phán đoán

Ví dụ 2:

  1. Cá voi nuôi con bằng sữa.
  2. Chắc chắn cá voi nuôi con bằng sữa.
  3. Có lẽ cá voi nuôi con bằng sữa.
  4. Đã chứng minh được rằng cá voi nuôi con bằng sữa.
  5. Tôi biết rằng cá voi nuôi con bằng sữa.
  6. Cá voi đã từng nuôi con bằng sữa.

Xét các phán đoán trong ví dụ 2, ta thấy chúng đều có phần “Cá voi nuôi con bằng sữa”. Hơn nữa, dễ thấy rằng nếu không có phần đó thì các câu trên đã không còn là phán đoán nữa. Vì vậy, người ta nói rằng lượng thông tin chứa trong phần đó ở các phán đoán đang khảo sát là lượng thông tin cơ bản. Trừ phán đoán (a), các phán đoán khác trong ví dụ 2 ta đang xét ngoài lượng thông tin cơ bản còn chứa thêm một lượng thông tin khác nữa. Lượng thông tin đó được gọi là thông tin phụ. Các phán đoán chỉ chứa thông tin cơ bản gọi là phán đoán thông thường. Các phán đoán ngoài thông tin cơ bản còn chứa một lượng thông tin phụ gọi là phán đoán tình thái (hay hình thái, hay mô thái). Dễ thấy rằng giá trị logic của các phán đoán trên không giống nhau. Trong chương trình này chúng ta chỉ xét các phán đoán thông thường, các phán đoán tình thái, nếu cần thiết, ta quy về phán đoán thông thường để xét.

(Nguồn tài liệu: Phạm Đình Nghiêm, Nhập môn logic học)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net