Phẩm chất cá nhân tạo ra uy tín của người lãnh đạo trong tập thể. Đến lượt nó, phẩm chất cá nhân là sự tổng hợp các phẩm chất chính trị, xã hội và những đặc điểm tâm lý cá nhân. Một người lãnh đạo chân chính phải hội tụ dược ở trong mình những phẩm chất cần thiết để thực hiện tốt công tác lãnh đạo tập thể. Những phẩm chất đó gồm:
1. Có lòng say mê làm lãnh đạo, có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, định hướng hoạt động nhất quán
Đây là yêu cầu khởi đầu của một người lãnh đạo. Đó chính là phẩm chất tâm lý cần có ở nhà quản lý. Sự rõ ràng trong việc xác định mục tiêu hoạt động theo một lý tưởng nào đó đảm bảo cho nhà quản lý định hướng hoạt động nhất quán trong cuộc đời làm công tác quản lý của mình. Ví dụ lý tưởng của nhà quản lý kinh tế trong kinh doanh sản xuất là phải làm ra nhiều sản phẩm bán có lãi. Mục tiêu có lãi mới đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển trong kinh doanh, sản xuất của công ty. Lý tưởng của nhà quản lý trường học phải đào tạo ra nhiều trò giỏi, các nhân tài – nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Lý tưởng của nhà lãnh đạo đất nước là phải đưa Tổ quốc mình trở thành một xã hội văn minh, giàu có, công bằng, tự do, bình đẳng, bác ái. Thiếu những phẩm chất đó, người lãnh đạo sẽ không giữ được vai trò lãnh đạo và nhiệm vụ mà cấp trên và tập thể giao phó.
Người quản lý lãnh đạo phải là người có tính nguyên tắc là trên hết. Tính nguyên tắc thể hiện ở sự thống nhất giữa hành động, lời nói và việc làm (giữa nhận thức, tình cảm và hành động), ở hành vi đạo đức trong hoạt động và trong đời sống.
Một người lãnh đạo có nguyên tắc bao giờ cũng hành động theo lương tâm và trách nhiệm, không bao giờ chấp nhận bất kỳ một hành vi vô đạo đức nào của người khác trong tập thể lao động. Một người lãnh đạo có uy tín thể hiện là người có tinh thần vì lợi ích của mọi người, vì xã hội, sau đó mới nghĩ đến lợi ích của mình. Họ không thể làm ngơ trước các hiện tượng, hành vi gây cản trở cuộc sống bình thường của tập thể, của xã hội. Họ luôn luôn vững vàng trên cương vị của mình, của người quản lý chân chính, trong sạch (liêm chính, chí công vô tư) dù có thể gặp phải những khó khăn khi lâm vào tình trạng căng thẳng, rủi ro, tức là dù trong điều kiện nào cũng không đánh mất đi mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của mình. Ví dụ như Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng để chúng ta noi theo, cả đời Bác Hồ chỉ có một lý tưởng là giải phóng dân tộc, làm cho dân giàu nước mạnh.
Lý tưởng không chỉ là động lực hoạt động của nhà quản lý mà còn ảnh hưởng đến tập thể lao động. Người lãnh đạo có lý tưởng cao đẹp dù ở đâu cũng chiếm được sự kính trọng sâu sắc của quần chúng dưới quyền, và lôi kéo được quần chúng đi theo và làm theo mình. Ở đây lý tưởng của nhà lãnh đạo là yếu tố định hướng, giáo dục tập thể và cá nhân.
Năng lực lãnh đạo, quản lý ở đây không phải ngẫu nhiên, nhất thời mà là một quá trình bền bỉ, dẻo dai rèn luyện, phấn đấu, khắc phục để tiền tài không mua chuộc, uy quyền không khuất phục, cái đẹp không bị cám dỗ. Có nhiều người lãnh đạo ban đầu là con người chân chính, sau khi đạt tới mục đích của quyền lực, danh vọng do mục tiêu đề ra cho bản thân, đã quên đi mục đích chung của hoạt động, dụng quyền lực đạt được phục vụ cho lợi ích cá nhân và cho “cái riêng” của mình, quên đi những điều hứa hẹn trước đây về mục đích chung. Cũng không ít trường hợp, có nhà quản lý khi đứng trước cấp trên hay đứng trước đông đảo quần chúng trên các diễn đàn họ cất cao giọng hô hào phấn đấu cho những lý tưởng cao đẹp, nhưng trong đời thực họ lại làm khác đi, làm theo lợi ích cá nhân, đối lập lại với lợi ích chung. Đó là những bọn tham nhũng, tham ô, lợi dụng chức quyền để móc ngoặc làm lợi cho mình và gây thiệt hại cho xã hội.
2. Người lãnh đạo có tính nguyên tắc
Tính nguyên tắc của nhà quản lý quy định sự bình đẳng trong quan hệ hành động và trong quan hệ hành vi của họ. Họ có thể tự kìm nén những cảm xúc (xúc cảm) khó chịu và đánh giá một cách khách quan đối với công việc của người khác; khen chê đúng thực trạng, mức độ, kết quả công việc của người dưới quyền và ngang hàng. Để không tranh công hoặc thiên vị (yêu nên tốt, ghét nên xấu), đòi hỏi người quản lý phải thật khách quan, công tâm.
Sự khách quan, công tâm sẽ giúp nhà quản lý tránh được những sai sót do tình cảm gây ra. Chẳng hạn, trong đánh giá công việc của những người cộng sự, người lãnh đạo dựa trên kết quả thực tế khách quan chứ không dựa vào mối quan hệ cá nhân đối với họ. Ví dụ nếu là người thân thì khen dù công việc chưa tốt, ngược lại với người có quan hệ mâu thuẫn thì làm tốt lại cũng bị chê, tìm cách xuyên tạc sự thật. Tính nguyên tắc bình đẳng là để đảm bảo cho sự công bằng xã hội trong các mối quan hệ ngang và dọc của đơn vị, của con người với con người, để đối với trên ta không nịnh nọt đối với dưới ta không nạt nộ cửa quyền, gia trưởng. Hai mối quan hệ trên dưới này được người lãnh đạo thực hiện trong phạm vi ranh giới rõ ràng, bình đẳng.
3. Tính nhạy cảm ở người lãnh đạo
Tính nhạy cảm thể hiện sự chú ý quan sát, sự quan tâm chăm sóc đối với mọi người trong đơn vị công tác. Người lãnh đạo nhạy cảm quan tâm đến đời sống và hoạt động của mọi người, biểu thị sự giúp đỡ cần thiết với mục đích làm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống và trong hoạt động của mọi người xung quanh.
Người lãnh đạo nhạy cảm là người có khả năng chú ý quan sát và nắm bắt chính xác những biến đổi về tâm tư, tình cảm ở mỗi con người thông qua sự biểu hiện bằng hành vi, lời nói, cử chỉ, hành động của những người dưới quyền, đồng nghiệp. Hay nói cách khác, người lãnh đạo có khả năng đọc được diễn biến trạng thái tâm lý ở những người dưới quyền (cả cấp trên) qua đó hiểu được trạng thái thật về xúc cảm ở mỗi con người. Việc nắm bắt này, ngày nay, nhà lãnh đạo có thể thông qua nhiều con đường (trực tiếp bằng chính tai nghe, mắt thấy,… hoặc gián tiếp qua những người giúp việc, các chuyên gia tâm lý học), qua đó tìm ra nguyên nhân để kịp thời ứng xử cho tế nhị, và nếu có thể có biện pháp giúp đỡ, tháo gỡ nhằm đảm bảo hoạt động của đơn vị.
Ở sự nhạy cảm mang màu sắc nhân đạo chủ nghĩa thì trong giao tiếp giữa con người với con người sẽ tạo ra sự nhiệt tình, chân thành, ấm áp, vui tươi, hạnh phúc cho mọi người. Ngược lại với nó, nhạy cảm cá nhân vị kỷ và sự thủ đoạn, xảo quyệt thì lại tạo ra bầu không khí nghi kỵ, sợ sệt, phòng bị và xa cách. Song sự nhạy cảm không phải là sự nhượng bộ, sự nhu nhược hay sự gian giảo của người lãnh đạo.
4. Sự đòi hỏi cao đối với người dưới quyền
Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc trong thẩm quyền của người lãnh đạo. Nó thể hiện tính kiên quyết, tự tin ở người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải có khả năng kiên quyết đòi hỏi những người dưới quyền thực hiện hoặc không thực hiện những hành vi nhất định, khi thấy điều đó có lợi hay không có lợi cho xã hội, cho tập thể và cho các thành viên. Muốn vậy đòi hỏi ở người lãnh đạo phải thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng ở người lao động, đồng thời phải kích thích, động viên họ thực hiện nhiệm vụ của tổ chức. Song sự đòi hỏi đó cần phải xuất phát từ thực tế khách quan như năng lực của người lao động, điều kiện thực hiện, tránh chủ quan, nôn nóng, duy ý chí. Ví dụ, khi giao việc cho một người, phải căn cứ vào năng lực, hoàn cảnh mà đòi hỏi thời gian hoàn thành và chất lượng công việc.
Trong hoạt động quản lý, hạ thấp yêu cầu đối với cấp dưới cũng đồng nghĩa với hạ thấp tính tích cực sáng tạo của quần chúng. Ví dụ, giao việc quá dễ cho người có năng lực làm cho họ cảm thấy dễ dàng, không cần phát huy năng lực; ngược lại, giao việc quá khó cho người yếu năng lực làm cho họ bi quan, chán nản, công việc của tập thể không hoàn thành được. Trong khi đưa ra những đòi hỏi đó thì người lãnh đạo phải có kế hoạch kiểm tra để kịp thời có thái độ ứng biến: chưa đạt phải thúc giục, phê phán; đạt tốt phải kịp thời động viên khen thưởng. Nếu thấy thất bại cần rút kinh nghiệm, sai về mình thì cần điều chỉnh (hoặc nâng lên hoặc hạ xuống). Chỉ có như vậy mới là người lãnh đạo giỏi. Tránh hiện tượng đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột, vì nó sẽ tạo ra tâm lý coi thường của quần chúng đối với lãnh đạo.
Đối với người lãnh đạo, việc đòi hỏi mọi người phải gắn liền với đòi hỏi ở bản thân cũng như vậy, và còn hơn, gương mẫu hơn. Chỉ có như thế, người lãnh đạo mới được mọi người tin yêu, kính trọng và khi đó người dưới quyền không thể từ chối thực hiện những yêu cầu của họ. Nhà quản lý phải là tấm gương mẫu mực cho mọi người noi theo. Đòi hỏi người một thì phải đòi hỏi bản thân gấp đôi, gấp ba mới có tác dụng.
5. Tính chất đúng mực, tự chủ, có văn hoá trong quan hệ ứng xử của người quản lý
Người lãnh đạo đúng mực là người biết tự kiềm chế sự bột phát tình cảm ở bản thân, là người bình đẳng trong quan hệ. Họ biết lắng nghe ý kiến của người khác, tập trung chú ý để phân tích, đánh giá những lời phát biểu đó. Họ là người biết phát biểu đúng lúc, đúng chỗ và chịu trách nhiệm về lời nói của mình, biết im lặng và biết tránh những kích động không cần thiết.
Tính tự chủ của người lãnh đạo được thể hiện trong quá trình giao tiếp hoạt động hàng ngày. Mọi hành vi, lời nói của họ đều có sự kiểm soát xem có lợi hay có hại cho, đơn vị, xã hội. Lưu ý, người lãnh đạo càng ở cấp cao càng phải thận trọng về hành vi và lời nói.
Ở đây, tính tự chủ bảo đảm những điều kiện tối ưu cho sự hiểu biết lẫn nhau giữa các thành viên trong tập thể lao động.
Người lãnh đạo có văn hoá là người đúng mực, tự chủ trong hành vi, lời nói của mình. Từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng đều thể hiện là người có giáo dục. Trong cách ứng xử hàng ngày luôn tỏ ra hoà nhã, biểu hiện sự khiêm tốn, biết tôn trọng nhân cách mọi người. Trong quan hệ với cấp dưới luôn tỏ ra là người chân thật, không dùng quyền uy một cách không đúng nguyên tắc. Trong quan hệ với người trên hay ngang hàng cũng không bao giờ tỏ ra thất thế, kiêu căng hoặc sợ sệt, nịnh hót, xúc xiểm.
Người lãnh đạo có văn hoá trước tiên là nêu cao tính mẫu mực trong cuộc sống cá nhân như sống giản dị, chân thật, có lối sống phù hợp với thực tiễn, với truyền thống dân tộc, với thời đại, không xa hoa phù phiếm, phô trương hình thức, khinh bạc, dối trá lừa lọc, nham hiểm độc ác.
Trong thực tế, người lãnh đạo thường có cuộc sống vật chất cao hơn những người dưới quyền. Vì vậy người lãnh đạo có đạo đức là người biết hoà mình với quần chúng, luôn có sự quan tâm tới đời sống của quần chúng, tìm mọi cách giúp đỡ, cải thiện đời sống của họ ngày một nâng cao và giáo dục họ cũng thực hiện lối sống có văn hoá mẫu mực theo thời đại văn minh và theo truyền thống dân tộc.
Sự mẫu mực có văn hoá bao gồm cả cách ăn, cách nói, cách đi đứng, cách ứng xử từ trong gia đình mình (như kính cha; quý trọng vợ, con cái) đến ngoài xã hội, nơi công đường (như tôn trọng pháp luật, kính trọng người già cả, thầy giáo, phụ nữ, có thái độ đúng mực, giúp đỡ phụ nữ, người tàn tật, kẻ khốn khó). Hãy thực hiện tốt lời dạy của các nhà hiền triết phương Đông nổi tiếng như Khổng tử: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ theo nội dung nhân đạo mới.
6. Một số nét tính cách khác cần cho người lãnh đạo
Ngoài các phẩm chất tâm lý kể trên là những nét tính cách quan trọng bậc nhất, thì những người lãnh đạo cần có một số nét tính cách khác quan trọng vào bậc thứ hai như tính nhân đạo, tính công tâm, tính quảng giao, tính bình tĩnh, tính lạc quan yêu đời và lòng dũng cảm.
a) Phẩm chất nhân đạo chủ nghĩa rất cần cho những ai làm công tác chính trị, càng cao thì lòng nhân đạo, đức thương yêu con người càng phải lớn. Đó là đức thương yêu con người như thể thương thân. Đức tính đó thể hiện lòng từ bi, bác ái, lòng vị tha đối với người khác. Làm người lãnh đạo mà thiếu đức tính này dễ là kẻ tàn bạo, ác nhân, dễ gây nên những điều oan khốc cho người dưới quyền. Lòng nhân đạo càng cao thì càng dễ thu phục nhân tâm người dưới quyền, uy tín càng lớn.
b) Tính công tâm sẽ tạo ra sự công bằng xã hội, đảm bảo mọi trật tự kỷ cương, pháp lệnh trong đơn vị mình quản lý. Thiếu đức tính này, người lãnh đạo tạo ra cho đơn vị sự hỗn loạn và những dư luận không tốt, dễ sinh ra lòng ghen tị, nỗi bất hoà trong đơn vị. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng”. Sự không công bằng được sinh ra là do không có sự công tâm trong lãnh đạo.
c) Tính quảng giao sẽ giúp cho người lãnh đạo dễ dàng hoà nhập với quần chúng, nắm bắt được mọi tâm tư nguyện vọng của họ, tạo ra bầu không khí chan hoà, gần gũi trong tập thể lao động. Tính quảng giao kết hợp với sự nhạy cảm làm cho người lãnh đạo được quần chúng yêu mến, tin cậy và khi cần họ sẵn sàng thổ lộ tâm tình.
Song quảng giao phải trên nguyên tắc vui tươi, cởi mở, thân mật với mọi người nhưng không ba hoa, không quá trớn, không quá dễ dãi, thiếu chín chắn trong lời nói, cử chỉ làm mất tư thế hoặc làm lộ chuyện bí mật của nội bộ.
d) Bình tĩnh sẽ giúp cho người lãnh đạo sáng suốt trong tư duy, lời nói và việc làm trước những lúc khó khăn, khi nóng nảy, tránh được nhiều sai lầm trong ứng xử hàng ngày. Là người lãnh đạo cấp cao, càng đòi hỏi cao ở sự bình tĩnh, kiên trì, nhẫn nại.
Bình tĩnh là biết kiềm chế bản thân trong mọi việc, mọi lời nói đều phải có sự suy nghĩ chín chắn, được cân nhắc kỹ càng. Bình tĩnh vốn là kết quả của sự rèn luyện hàng ngày vừa là do đặc tính của dạng thần kinh quy định. Người thuộc dạng thần kinh nóng, kém bình tĩnh nên đòi hỏi phải rèn luyện công phu hơn tất cả. Muốn vậy phải có chế độ làm việc khoa học, tránh làm việc quá căng thẳng, quá mệt nhọc. Cần tạo sự thăng bằng trong học tập, lao động, nghỉ ngơi. Con người làm việc quá mệt mỏi dễ không bình tĩnh, hay cáu gắt. Những khi thấy không vừa lòng hoặc bị phản ứng của cấp dưới thì phải tránh đối diện trực tiếp hoặc tìm cách làm việc khác để rèn luyện tính nóng nảy và phải biết kiềm chế bản thân.
e) Tính lạc quan ở người lãnh đạo vừa giúp cho con người luôn luôn vui tươi, yêu đời, khỏe khoắn về thể xác lẫn tâm hồn, vừa có tác dụng động viên mọi người xung quanh làm việc, vui sống tin tưởng vào tương lai. Thậm chí ngay cả trong khó khăn, thất bại nguy nan nhất, sự lạc quan của người lãnh dạo sẽ có tác dụng cổ vũ mọi người tránh được bầu không khí bi quan, chán nản.
Đối lập với nét tính cách tích cực trên là những mặt trái tiêu cực, các nhà lãnh đạo cố gắng và nỗ lực khắc phục chúng mới mong đảm bảo quản lý được tốt.
Trong thực tế, không ít trường hợp có những vị lãnh đạo tài giỏi, kiến thức sâu rộng, rất thông minh, làm được việc, nhiệt tình, sôi nổi nhưng không giành được sự kính trọng, uy tín trong quần chúng, do bản thân họ dã thất bại trong quản lý chỉ vì họ thiếu những đức tính trên nên mọi mệnh lệnh, mọi ý đồ chỉ đạo trong quản lý không được quần chúng thực hiện. Thỉnh thoảng ở một số người có tài nhưng lại tự kiêu, tự đại.
Người lãnh đạo có tính tự kiêu, tự đại vô tình hay hữu ý đã hạ thấp nhân phẩm của những người khác, gây trạng thái tâm lý căng thẳng, nặng nề cho người dưới quyền, tạo ra sự ác cảm của mọi người đối với bản thân. Mọi người tìm cách xa lánh, không xuất hiện trước mặt người lãnh đạo của mình để tránh sự chế nhạo, những ánh mắt coi thường. Như vậy, tự kiêu là tự kìm hãm sự tiến bộ của bản thân, tức là tự sát dần dần.
Một nét tính cách tiêu cực khác dễ ảnh hưởng đến uy tín của người lãnh đạo trong tập thể là tính đa nghi và lòng đố kỵ, ghen ghét những người có tài hơn mình. Người này thường hay cản trở sáng kiến của những người tài năng, ỉm đi những thành tích của họ vì sợ mất chức mất quyền. Đố kỵ là sự ích kỷ cá nhân chủ nghĩa, ghen ghét, thù hằn lẫn nhau, hay nói xấu nhau trong tập thể,… Đây là những điều tối kỵ đối với những người làm lãnh đạo, quản lý.
Người hay làm mất lòng cũng do tính ích kỷ trên mà ra. Người lãnh đạo có đức tính này thường hay suy nghĩ nhỏ nhen, hay chấp nhặt, thiếu lòng độ lượng, hay thiên lệch trong đối xử, thích người nịnh hót, ghét người ngay thẳng, thật thà. Chính những cái đó làm tổn thương đến các nguyên tắc công bằng, nhân đạo. Điều đó tất sẽ dẫn đến sự thù oán vô cớ, hẹp hòi và mất uy tín.
Nói tóm lại, toàn bộ các tính cách của người lãnh đạo đã tạo nên bộ mặt đạo đức của họ và ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công tác quản lý. Những người lãnh đạo tài ba từ trước đến nay rất chú trọng đến tính cách khi cất nhắc cán bộ vào những chức vụ lãnh đạo. Ví dụ, Napoleong cho rằng, đối với các chức vụ lãnh đạo trong quân đội, cần nhiều đặc tính tích cực của tính cách hơn là tài năng, chẳng hạn tính dũng cảm, tính cương quyết và tính kiên trì.
Trong thời đại ngày nay, dù trong cương vị nào, tài năng và đức độ vẫn là những phẩm chất cần thiết tạo nên kết quả của công tác quản lý.
(Tài liệu tham khảo: Trần Thị Minh Hằng, Giáo trình Tâm lý học quản lý)