Các nghiên cứu ở Anh Quốc, Úc và Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng động lực lớn nhất thôi thúc học sinh theo đuổi một khóa học ở bậc đại học là để nhận một tấm bằng có thể giúp họ kiếm được những công việc tốt.
Có thời gian khá dài, hễ có bằng đại học là được tuyển, đặc biệt là cộng thêm có quen biết thì càng vững ghế và mức thu nhập của những người có bằng đại học là khá cao so với xã hội. Động lực học của đa số là qua môn học, có được bằng cấp bằng mọi giá. Nhưng thời gian qua, khi nền kinh tế chuyển sang cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài vào nhiều họ thấy, họ không thể sử dụng được những người này. Đồng tiền mà các ông chủ tư nhân bỏ ra cần được thu lợi vì vậy họ trả tiền cao cho những người có kinh nghiệm và năng lực làm việc thật sự. Doanh nghiệp tìm kiếm người có năng lực mang lại giá trị cao cho công ty đặt vào tay người này quyền quản lý với mức trả công xứng đáng. Các nhà quản lý có năng lực lại không cần những người giúp việc có bằng cấp mà cần một bộ máy có khả năng làm việc thật sự. Thay đổi thời gian qua trong xã hội cho thấy rằng, việc chỉ đến với những người có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mới được xã hội thuê mướn và có thu nhập xứng đáng với công lao họ bỏ ra.
Có một điều đáng tiếc là đến thời điểm này mà vẫn còn nhiều bạn nghĩ rằng đại học giúp họ có công việc tốt bởi vì những kiến thức có được ở trường và vì tấm bằng mà họ sẽ đưa ra cho nhà tuyển dụng. Nhưng những người nghĩ rằng tốt nghiệp đại học là “xong” nghĩa vụ học tập và tương lai không có gì phải lo nữa đã dễ dàng bỏ qua các kĩ năng tư duy và học tập. Thực ra trong công việc bạn chỉ dùng đến một phần nhỏ kiến thức bạn học ở trường thôi. Có nhiều bạn tốt nghiệp rồi làm những công việc không liên quan trực tiếp tới chuyên ngành mà bạn đó học nhưng vẫn thành công. Kể cả những bạn làm những công việc có liên quan tới chuyên ngành cũng phải học hỏi thêm nhiều từ công việc hiện tại. Bác sĩ, luật sư, kế toán và kĩ sư – những người mà công việc đòi hỏi thực hành những kiến thức học ở bậc đại học, luôn luôn phải học hỏi thêm nếu muốn thành công hay thậm chí để thạo việc. Ngoài ra nó không có một nghĩa lý gì hết. Có thể có các mục tiêu sau đây:
- Thu nhập tốt
- Có nhiều lựa chọn nghề nghiệp thú vị
- Có nền giáo dục rộng rãi
- Nâng cao hiểu biết thế giới bên ngoài
- Nâng cao khả năng suy nghĩ phân tích.
- Cải thiện kỹ năng giao tiếp và lòng tự tin
- Tham gia vào các hoạt động ngoại khóa/thể dục thể thao
- Tiến lên các trình độ cao hơn
Đại học, không chỉ dạy cho bạn kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp mà điều quan trọng hơn Đại học có thể dạy bạn chính là phương pháp tư duy trong học tập để bạn tự cập nhật và nâng cao kiến thức kỹ năng nghề nghiệp. Một khởi đầu tốt và một sức khỏe bám trụ lâu dài sẽ dẫn bạn đến với thành công.
Có thể đến đây bạn đang phân vân không biết làm thế nào để xây dựng mục tiêu học tập cho mình. Vậy tôi lại khuyên các bạn tham khảo mô hình ASK sau đây. Đây là mô hình cho bạn thấy được yêu cầu về thái độ, kỹ năng, kiến thức của ngành nghề bạn đang theo đuổi. Nếu bạn muốn có việc làm, ít nhất bạn phải đạt được những yêu cầu tối thiểu này. Còn nếu bạn muốn phát triển hơn nữa hãy đặt mục tiêu cao hơn cho thái độ, kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp lẫn ngành hỗ trợ nghề nghiệp. Hãy xem ASK nói về điều gì:
ASK là mô hình được sử dụng rất phổ biến trong quản trị nhân sự nhằm đào tạo và phát triển năng lực cá nhân. Mô hình này đưa ra các tiêu chuẩn nghề nghiệp cho các chức danh công việc trong tổ chức dựa trên ba nhóm tiêu chuẩn chính: Phẩm chất hay thái độ (Attitude), Kỹ năng (Skills) và Kiến thức (Knowledges). Benjamin Bloom (1956) được coi là người đưa ra những phát triển bước đầu về ASK, với ba nhóm năng lực chính bao gồm:
- Phẩm chất/Thái độ (Attitude): thuộc về phạm vi cảm xúc, tình cảm (Affective)
- Kỹ năng (Skills): kỹ năng thao tác (Manual or physical)
- Kiến thức (Knowledge): thuộc về năng lực tư duy (Cognitive)
Thái độ: Thái độ là cách nhìn nhận về công việc, về nhiệm vụ, về đồng nghiệp và về cộng đồng . Thái độ chi phối cách ứng xử, hành vi và tinh thần trách nhiệm. Sinh viên cần rèn luyện những thái độ sau tại trường đại học
- Tinh thần ham học hỏi: coi việc học là việc suốt đời
- Chịu trách nhiệm cho những sai lầm cá nhân
- Có trách nhiệm với công việc
- Có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng
- Có khả năng lắng nghe
- Có khả năng chịu khó sẵn sàng đường đầu với khó khăn
- Đúng giờ, tác phong chuyên nghiệp
Về kỹ năng, đây chính là năng lực thực hiện các công việc, biến kiến thức thành hành động. Thông thường kỹ năng được chia thành các cấp độ chính như: bắt chước (quan sát và hành vi khuôn mẫu), ứng dụng (thực hiện một số hành động bằng cách làm theo hướng dẫn), vận dụng (chính xác hơn với mỗi hoàn cảnh), vận dụng sáng tạo (trở thành phản xạ tự nhiên).
Tổng hợp các nghiên cứu của các nước và thực tế VN, 10 kỹ năng sau là căn bản và quan trọng hàng đầu cho người lao động trong thời đại ngày nay:
- Kỹ năng học và tự học (Learning to learn)
- Kỹ năng lãnh đạo bản thân và hình ảnh cá nhân (Self leadership & Personal branding)
- Kỹ năng tư duy sáng tạo (Initiative and enterprise skills)
- Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc (Planning and organising skills)
- Kỹ năng phản biện (Critical thinking skills)
- Kỹ năng thuyết trình (Presentation skills)
- Kỹ năng giao tiếp và ứng xử (Interpersonal skills)
- Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills)
- Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork)
- Kỹ năng đàm phán (Negotiation skills)
Kiến thức được hiểu là những năng lực về thu thập tin dữ liệu, năng lực hiểu các vấn đề (comprehension), năng lực ứng dụng (application), năng lực phân tích (analysis), năng lực tổng hợp (synthethis), năng lực đánh giá (evaluation). Đây là những năng lực cơ bản mà một cá nhân cần hội tụ khi tiếp nhận một công việc. Công việc càng phức tạp thì cấp độ yêu cầu về kiến thức càng cao:
- Kiến thức về chuyên ngành đặc biệt mình học
- Kiến thức về quản lý và kinh doanh
- Kiến thức xã hội kinh tế chính trị xã hội
(Nguồn tài liệu: Nguyễn Đông Triều, Kỹ năng học tập bậc đại học, Đại học Văn hiến)