1. Khái niệm sinh đẻ và mức sinh
+ Sinh đẻ là gì?
Sinh đẻ hoặc đơn giản hơn là sinh là việc lấy ra hoặc rặn ra từ than của người mẹ sản phẩm của sự có chửa, khi ra ngoài có biểu hiện của sự sống (khóc, thở, tim đập, . . .). Trong nhiều tài liệu, việc sinh ra một đứa trẻ sinh ra sống được gọi đơn giản là sinh sống hay đứa trẻ được sinh ra sống.
Ta lưu ý điều kiện “sống” trong định nghĩa này. Một đứa trẻ được gọi là sinh ra sống nếu ngay sau khi ra khỏi bụng mẹ, nó có biểu hiện của cuộc sống như thở, có nhịp tim, cử động, hay cất tiếng khóc. Điều này nghe có vẻ đương nhiên, song trên thực tế việc nhấn mạnh điều kiện “sống” trong khái niệm sinh đẻ là rất quan trọng. Trường hợp thai nhi đã chết trước khi được sinh ra (thai đã chết lưu) không được coi là sinh sống và không được thống kê cùng những đứa trẻ sinh ra sống. Nếu đứa trẻ được sinh ra có biểu hiện của cuộc sống nhưng chết ngay sau đó ít lâu, sau một vài ngày hoặc sau một vài giờ, hoặc thậm chí sau một vài phút. Những đứa trẻ như vậy được coi là sinh ra sống và cần phải thống kê như những trường hợp sinh sống. Tuy nhiên, trên thực tế những trường hợp như vậy, gia đình và có thể cả một số nhân viên y tế không coi là các trường hợp sinh sống và họ không thống kê những ca sinh đẻ như vậy. Điều này khiến cho thống kê số trẻ sinh ra sống không chính xác. Việc lưu ý đến điều kiện “sống” trong định nghĩa về sinh đẻ rất quan trọng đối với việc theo dõi mức sinh hay mức tử vong trẻ sơ sinh.
+ Mức sinh là gì?
Mức sinh (fertility) chỉ số trẻ do phụ nữ sinh ra sống (đôi khi còn được gọi là số sinh). Mức sinh là số trẻ sinh ra sống của một phụ nữ. Mức sinh được quyết định bới rất nhiều yếu tố: Xã hội, văn hóa, môi trường, kinh tế và sức khỏe.
Trong các tài liệu về dân số ở Việt Nam, mức sinh còn được dùng để chỉ tổng số trẻ em sinh ra sống trong một năm tại một cộng đồng nhất định hay trên phạm vi cả nước. Lưu ý là mức sinh hiểu theo nghĩa này là kết quả tổng hợp của các quyết định và hành vi sinh đẻ của các cặp vợ chồng.
Khả năng sinh sản là khả năng sinh lý, khả năng có thể có con của người phụ nữ. Khả năng sinh sản đối lập với khả năng vô sinh. Lưu ý rằng có những phụ nữ có khả năng sinh sản nhưng không sinh con.
2. Các thước đo mức sinh
+ Tỷ số trẻ em phụ nữ (CWR)
Tỷ số trẻ em phụ nữ là số trẻ dưới 5 tuổi tính trên 1000 phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ (15-49) trong một năm nhất định. Tỷ số này cho biết trung bình 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có mấy trẻ em dưới 5 tuổi (từ 0 – 4 tuổi).
Ví dụ tỉnh A năm 2009 có 9.044 trẻ em dưới 5 tuổi (0-4 tuổi) và số phụ nữ trung bình từ 15-49 tuổi của tỉnh là 10.542 người. Tỷ số trẻ em phụ nữ của tỉnh A năm 2009 là:
Tỷ số trẻ em – phụ nữ tỉnh A năm 2009 = 9.044 / 10.542 = 0,86
Như vậy, năm 2009, cứ một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở tỉnh A có 0,86 trẻ em dưới 5 tuổi.
Lợi ích của thước đo này là rất đơn giản, không cần theo dõi số lượng sinh hàng năm, chỉ cần thông tin về số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) và số trẻ em từ 0 đến 4 tuổi của năm nghiên cứu. Tuy vậy, mức độ chính xác không cao và phụ thuộc vào mức độ chết của trẻ em.
+ Tỷ suất sinh thô (CBR)
Đây là thước đo được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức sinh. Nó biểu thị số trẻ em sinh ra trong một năm so với 1000 người dân.
Tỷ suất sinh thô cho biết trong một năm ở dân số nghiên cứu cứ 1000 người dân có bao nhiêu trẻ em được sinh ra.
Ưu điểm: Đơn giản, dễ tính toán, cần ít số liệu, cho phép ước lượng sơ bộ số dân tăng thêm trong năm, chẳng hạn như nếu biết tỷ suất sinh thô và dân số trung bình ta có thể ước lượng số trẻ em sinh ra trong năm.
Nhược điểm: Chỉ tiêu này chịu ảnh hưởng nhiều của cơ cấu dân số như: Tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân.
Ví dụ: Ở tỉnh A, năm 2009, có 27.300 trẻ em được sinh ra. Dân số trung bình của tỉnh A trong năm 2009 là 853.373 người. Tỷ suất sinh thô của tỉnh A năm 2009 là:
CBR tỉnh A = 27.300 / 853.373 * 1000 = 32 (phần nghìn)
Đối với các vùng khác nhau, trong các thời kỳ khác nhau, tỷ suất sinh thô rất khác nhau. Ở Việt Nam, năm 1976, khi đất nước mới được giải phóng, CBR là 39,5‰, đến năm 1990 là 30‰; Năm 1999 là 19,9‰ và năm 2009 là 17,6‰.
+ Tỷ suất sinh chung (GFR)
Việc sinh đẻ liên quan trực tiếp đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi). Vì vậy, để đo chính xác hơn mức sinh, cần so sánh số trẻ em được sinh ra trong năm với số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Tỷ suất sinh chung là số trẻ em sinh ra sống tính trên 1000 phụ nữ 15-49 tuổi trong một năm nhất định.
Tỷ suất sinh chung cho biết cứ 1.000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong một năm sinh được bao nhiêu trẻ sống.
Thước đo này đã loại bỏ một phần ảnh hưởng của cơ cấu tuổi và cơ cấu giới tính đối với mức sinh, bởi vì nó chỉ tính số sinh và số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, GFR không chỉ phụ thuộc vào mức sinh của phụ nữ mà còn phụ thuộc vào cơ cấu tuổi trong nhóm phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Thông thường số phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chiếm từ 1/5 đến 1/3 dân số nên giá trị GFR lớn gấp 3–5 lần so với giá trị CBR.
Ví dụ cách tính: Tỉnh A năm 2009 có 32.000 trẻ em được sinh ra, số phụ nữ trung bình từ 15 đến 49 tuổi của tỉnh A năm 2009 là 433.000 người. Tỷ suất sinh chung của tỉnh A năm 2009 là:
GFR tỉnh A = 32.000 / 433.000 * 1000 = 73,9 phần nghìn
+ Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFR)
Đối với mỗi độ tuổi khác nhau, mức độ sinh khác nhau. Để đánh giá mức độ sinh của từng độ tuổi (nhóm tuổi) người ta dùng các tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi.
Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi cho biết cứ 1.000 phụ nữ ở độ tuổi x thuộc độ tuổi sinh đẻ trong vòng một năm sinh ra được bao nhiêu trẻ sống.
Ví dụ. Tại tỉnh A năm 2009 có số phụ nữ trung bình nhóm tuổi 25-29 là
310.000 người, số trẻ được sinh sống từ những phụ nữ nhóm tuổi 25-29 trong năm 2009 là 65.100 trẻ. Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của phụ nữ nhóm tuổi 25-29 ở tỉnh A là:
ASFR29-29 tỉnh A = 65.000 / 310.100 * 1000 = 210 phần nghìn
Thước đo này đã loại bỏ hoàn toàn cơ cấu tuổi và giới đối với mức sinh. Tuy nhiên, để xác định được nó cần có số liệu chi tiết mức sinh cho từng độ tuổi. Trong thực tế thường chỉ tính cho từng nhóm tuổi.
Bảng 1: Tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của Việt Nam, năm 2009
Nhìn vào bảng trên ta thấy, đối với các độ tuổi khác nhau, mức sinh rất khác nhau. Mức sinh tăng dần từ độ tuổi 15 – 19 và đạt đỉnh cao ở độ tuổi 25- 29 hoặc 20-24.
+ Tổng tỷ suất sinh (TFR)
Đây là thước đo đánh giá mức sinh được sử dụng rất rộng rãi. Phương pháp xác định tổng tỷ suất sinh khá đơn giản, nếu ta xác định được các tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi.
Ví dụ: Theo số liệu ở bảng 3.1 tổng tỷ suất sinh của Việt Nam năm 2009
Về bản chất, tổng tỷ suất sinh (TFR) là số con trung bình một người phụ nữ sinh được trong suốt cuộc đời sinh sản của mình, nếu trong suốt các năm tháng sinh đẻ của mình, người đó tuân theo các tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi (ASFRx) của một năm nhất định.
Tổng tỷ suất sinh tính tổng mức sinh của tất cả phụ nữ ở một thời điểm nhất định bằng một con số. Thực tế, đây là tổng số con mà một phụ nữ có, nếu các tỷ suất sinh của một năm nhất định được áp dụng cho suốt cuộc đời sinh sản của người này. Tổng tỷ suất sinh là một thước đo tổng hợp; không có người phụ nữ nào có thể trải qua suốt ba thập kỷ lại tuân theo các tỷ suất sinh đặc trưng theo tuổi của một năm nhất định.
Năm 1999, TFR của Việt Nam là 2,3 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó thành thị là 1,7, nông thôn là 2,6. Theo số liệu Điều tra biến động dân số và nguồn lao động 1/4/2005, TFR của Việt Nam là 2,08 và theo Tổng điều tra Dân số và nhà ở Việt Nam 1/4/2009 thì chỉ tiêu này là 2,03 con/1 phụ nữ. Theo điều tra BĐDS 1/4/2013, TFR của Việt Nam là 2,1 con.
+ Tỷ lệ sinh là con thứ ba trở lên
Tỷ lệ sinh là con thứ ba trở lên là số so sánh giữa số trẻ sinh ra trong năm là con thứ 3 trở lên với tổng số trẻ sinh sống của địa phương trong năm ấy.
Công thức tính tỷ lệ sinh là con thứ ba trở lên:
(Tỷ lệ sinh con 3+) = (Số sinh lần thứ 3 trở lên của một địa phương) / (Tổng số sinh của địa phương trong năm) *100%
Ví dụ, tại tỉnh A có tổng số trẻ sinh sống trong năm 2010 là 10,987 trẻ em. Số sinh từ lần thứ 3 trở lên là: 2007 em. Tỷ lệ sinh là con thứ 3+ được tính như sau:
Tỷ lệ sinh con 3+ tỉnh A = (2007 / 10987) * 100 = 18,26 (phần trăm)
Vậy tỷ lệ sinh con thứ 3+ của phụ nữ tại tỉnh này là 18,26%. Có nghĩa là cứ 100 trẻ em sinh ra sống có 18 trẻ là con thứ 3 trở lên.
3. Mức sinh thay thế
Mức sinh thay thế là mức sinh mà phụ nữ trong cùng một đoàn hệ có vừa đủ số con gái (tính trung bình) để “thay thế mình trong dân số. Một tỷ suất tái sinh sản thực (NRR) bằng 1,00 là bằng mức sinh thay thế. Có thể hiểu đơn giản là mức sinh của một phụ nữ trong suốt cuộc đời sinh đẻ của mình, chỉ sinh trung bình được một người con gái sống được đến tuổi làm mẹ để thay thế cho mẹ mình vào chu kỳ tái sản xuất dân số.
Tổng tỷ suất sinh cũng có thể được sử dụng để chỉ mức sinh thay thế bằng cách biểu thị số con trung bình đủ để thay thế cả cha lẫn mẹ trong dân số (2,0 – 2,2 con).
Khi đã đạt mức sinh thay thế thì trong tương lai dài hạn số sinh dần cân bằng với số chết và nếu không có nhập cư và xuất cư thì dân số sẽ không tăng và trở thành dân số không thay đổi.
4. Biến động mức sinh và các yếu tố ảnh hưởng
4.1. Xu hướng biến động mức sinh
Mức sinh chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, cho nên trong các thời kỳ khác nhau và ở các vùng khác nhau, sự biến động mức sinh khác nhau. Tuy nhiên, nó vẫn diễn ra theo một xu hướng nhất định và có tính quy luật.
Trong giai đoạn đầu của sự phát triển xã hội loài người, chế độ công xã nguyên thuỷ, chế độ nô lệ, do sản xuất chưa phát triển, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, mức sinh cao nhưng mức chết rất lớn, dân số tăng rất chậm. Hàng trăm năm dân số không tăng hoặc chỉ tăng một vài phần trăm sau hàng thế kỷ.
Trình độ phát triển càng cao, đời sống vật chất và tinh thần càng được cải thiện, ý thức người dân đã thay đổi, chuyển từ gia đình đông con sang gia đình ít con. Mức chết thấp và ổn định, khắc phục được tình trạng sinh bù, sinh dự phòng… Tất cả điều đó đã làm mức sinh giảm đi. Vì vậy, khi so sánh mức sinh giữa các nước, giữa các thời kỳ, người ta đều có nhận xét chung là mức sinh ở các nước phát triển thấp hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Hoặc trong cùng một nước, cùng một thời kỳ, cùng đi lên theo bậc thang của xã hội từ tầng lớp hạ lưu đến tầng lớp trung lưu và thượng lưu; từ tầng lớp nông dân, công nhân đến tầng lớp viên chức và trí thức, mức sinh giảm một cách hoàn toàn hợp quy luật.
Bảng 2: Biến động mức sinh (CBR) ở các nước trên thế giới (‰)
Ở Việt Nam, trong thời gian qua, mặc dù chịu sự tác động của chiến tranh và các biến động xã hội khác, nhưng mức sinh vẫn diễn ra theo một xu hướng nhất định. Mức sinh giảm rõ rệt đặc biệt từ những năm 90 trở lại đây. Ở miền Bắc, khi mới được giải phóng, năm 1957, CBR là 46,7‰ đến 1970 là 34,6‰. Cả nước khi mới thống nhất, năm 1976, CBR là 39,5‰; 1990 là 30,5‰; 1993 là 28,5‰; 1996 là 22,8‰; 1999 là 19,9‰ ; 2009 là 17,6‰ và 2013 là 17,0‰. Ngay trong cùng một thời kỳ, đối với các vùng khác nhau, do đặc điểm khác nhau, mức sinh cũng khác nhau.
Bảng 3: Mức sinh của các vùng Việt Nam năm 1999 và 2009
4.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức sinh, các yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau, khó có thể tách riêng ảnh hưởng của từng yếu tố. Tuy vậy, người ta vẫn phân nhóm các yếu tố ảnh hưởng và có nhiều cách phân nhóm khác nhau. Dưới đây chỉ là một cách phân nhóm.
+ Những yếu tố tự nhiên, sinh học
Sinh đẻ trước hết là hiện tượng sinh học, vì vậy, nó phải chịu sự tác động của các yếu tố này. Khả năng sinh sản chỉ có ở một nhóm tuổi nhất định (tuổi có khả năng sinh sản). Nơi nào có số phụ nữ trong tuổi có khả năng sinh sản càng cao (đặc biệt độ tuổi từ 20 đến 30) thì mức sinh cao và ngược lại. Cơ cấu giới tính càng phù hợp càng tạo điều kiện thuận lợi cho mức sinh.
Điều kiện tự nhiên của môi trường sống cũng ảnh hưởng đến mức sinh. Nơi nào có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển sinh sản thì nơi đó dân số tăng nhanh.
+ Phong tục tập quán và tâm lý xã hội
Mỗi nước, mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc, mỗi hình thái kinh tế-xã hội đều có các phong tục tập quán và tâm lý xã hội khác nhau. Những tập quán và tâm lý này xuất hiện và tồn tại trên những cơ sở thực tế khách quan của nó. Tập quán và tâm lý xã hội có tác động lớn đến mức sinh đẻ. Tập quán kết hôn sớm, muốn có nhiều con, thích con trai, có nếp có tẻ… là tập quán và tâm lý chung của xã hội cũ, những xã hội có trình độ kinh tế, văn hoá thấp kém. Khi cơ sở kinh tế
– xã hội thay đổi, khoa học kỹ thuật phát triển, xuất hiện những phong tục tập quán mới như kết hôn muộn, gia đình nhỏ, nam nữ bình đẳng… dẫn đến mức sinh giảm. Muốn thay đổi phong tục tập quán và tâm lý xã hội không chỉ chú trọng tuyên truyền giáo dục, làm cho người dân tự nguyện, tự giác thay đổi tập quán và tâm lý, mà phải thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, nâng cao mức sống của người dân vì tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
+ Những yếu tố kinh tế
Nhóm yếu tố này rất đa dạng và tác động theo nhiều hướng khác nhau. Có nhiều quan điểm khác nhau về ảnh hưởng đối với sự biến động mức sinh. Theo quan điểm của đa số các nhà nhân khẩu học và bằng thực tế người ta xác minh rằng, đời sống thấp thì mức sinh đẻ cao và ngược lại. Ảnh hưởng của trình độ phát triển kinh tế, mức sống tới mức sinh đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều người. Người đầu tiên nghiên cứu về mối quan hệ này là A. Xmít. Từ những nghiên cứu của mình, ông ta đã rút ra kết luận nổi tiếng là: “Nghèo đói tạo khả năng cho sự sinh đẻ”. Các Mác (Karl Marx) khi nghiên cứu mối quan hệ giữa thu nhập và sinh đẻ cũng đã xác định rằng, dưới chủ nghĩa tư bản, sinh đẻ tỷ lệ nghịch với quy mô của cải mà người công nhân có. Dưới chủ nghĩa xã hội, nhiều nhà khoa học cũng nghiên cứu về mối quan hệ này và cho rằng, quy luật được hình thành bởi Các Mác về sự phụ thuộc nghịch giữa mức sống và sinh đẻ tác động cả dưới chủ nghĩa xã hội. Tất nhiên, mối quan hệ giữa trình độ phát triển kinh tế, mức sống và mức sinh trong các thời kỳ khác nhau có khác nhau. Khi mức sống còn rất thấp, thu nhập không đảm bảo những nhu cầu tối thiểu thì mối quan hệ đó là phụ thuộc thuận. Khi đời sống đã nâng cao đến mức độ nhất định, nhưng chưa thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu cuộc sống thì mối quan hệ đó lại là nghịch. Khi đời sống đã đạt đến mức rất cao, có thể thỏa mãn đầy đủ mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân, mối quan hệ đó có thể là thuận. Tuy nhiên chỉ giới hạn ở mức độ nhất định.
+ Các yếu tố kỹ thuật
Trình độ phát triển kỹ thuật càng cao, đặc biệt những thành tựu về y học, càng tạo điều kiện cho loài người chủ động điều tiết mức sinh. Tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng nước trong từng thời kỳ hoặc là khuyến khích hay hạn chế sinh, Nhà nước áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác nhau. Đối với các gia đình, các cặp vợ chồng không có khả năng sinh đẻ, y học đã có biện pháp khắc phục vô sinh. Trước hết bằng kỹ thuật chuyên môn, y học đã chữa cho nhiều cặp vợ chồng từ vô sinh trở lên sinh đẻ được. Hoặc bằng biện pháp thụ tinh nhân tạo, thụ tinh từ ống nghiệm, các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con đã có con, tạo điều kiện cho gia đình hạnh phúc. Cũng bằng biện pháp kỹ thuật chuyên môn (triệt sản, đặt vòng, tiêm và uống thuốc, bao cao su…) giúp các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch (sinh muộn, sinh ít, giãn khoảng cách sinh, thôi sinh đẻ…) thực hiện việc sinh đẻ theo mong muốn. Ngày nay nhờ có yếu tố kỹ thuật, đã điều tiết trực tiếp mức sinh, làm cho loài người chủ động sinh đẻ theo ý muốn của mình.
+ Chính sách dân số
Nhận thức được vai trò của dân số, mối quan hệ giữa dân số với phát triển kinh tế-xã hội, Nhà nước với chức năng quản lý của mình đã đề ra những chủ trương, chính sách và biện pháp để điều tiết quá trình vận động và phát triển dân số cho phù hợp với nhu cầu và khả năng phát triển của đất nước trong mỗi thời kỳ. Chính sách dân số hiểu theo nghĩa rộng, đó là toàn bộ chủ trương, chính sách có liên quan đến dân số. Theo nghĩa hẹp, là những chủ trương, biện pháp của Nhà nước điều tiết quá trình phát triển dân số (qui mô, cơ cấu và phân bổ dân số). Nó bao gồm các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, biện pháp kinh tế, hành chính và những biện pháp về kỹ thuật chuyên môn. Đến nay, ở nhiều nước, chính sách dân số đã tác động to lớn trong việc điều tiết các quá trình vận động dân số theo hướng cần thiết. Ở nước ta, nhờ chính sách dân số, trong những năm gần đây, tốc độ tăng dân số đã giảm đáng kể.
(Nguồn tài liệu: Tài liệu môn Dân số học cơ bản, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, 2015)