Trang chủ Lịch sử Lịch sử Philippin cận đại (Thế kỷ 16-20)

Lịch sử Philippin cận đại (Thế kỷ 16-20)

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 595 views

I – Tinh hình kinh tế xã hội Philippin trước khi thực dân Tây Ban Nha xâm lược

Đến thế kỷ XVI, trước khi người Tây Ban Nha cho chiến thuyền cập miền duyên hải Philíppin, quần đảo này vẫn còn nằm trong tình trạng lạc hậu. Có một số vùng đặc biệt nằm trong khu vực ảnh hưởng của phong kiến Ấn Độ và nhất là của phong kiến Inđônêxia. Nhưng ở những nơi đó, bản thân Philíppin cũng chưa có đầy đủ điều kiện kinh tế và ý thức xã hội để tiếp nhận một quan hệ sản xuất mới, phát triển cao hơn.

Xã hội lúc đó chỉ có ba đẳng cấp: thủ lĩnh, dân tự do và nô lệ, nhưng ranh giới giữa thủ lĩnh và dân tự do không cách biệt lắm. Ở nhiều bộ tộc, dân tự do thông qua tuyển lựa của hội đồng công xã có thể trở thành thủ lĩnh. Chế độ dân chủ trong các công xã còn tồn tại khá rõ nét.

Sự cách biệt về địa lý giữa các đảo trong điều kiện kinh tế và giao thông chưa phát triển, những ảnh hưởng không giống nhau giữa các vùng trong quan hệ với bên ngoài khiến cho chế độ xã hội trên quần đảo không phải là đồng nhất giữa mọi vùng,

Quan hệ phong kiến ở Philíppin được phát triển có lẽ cùng lúc với việc người Âu đến. Ở đây chưa bao giờ có một ông vua có quyền hành tuyệt đối. Giai cấp quý tộc phong kiến được sản sinh từ tầng lớp trên trong bộ tộc, có nhiều đặc quyền. Đại đa số dân tự do là những người nông dân thành viên công xã, có nghĩa vụ đối với công xã và quốc gia. Họ không phải nộp thuế nhưng khi có chiến tranh họ là những người lính bảo vệ vương quốc.

Chế độ nô lệ vẫn tồn tại, song không thành nhân tố quan trọng tác động vào xã hội. Những người nô lệ phần đông là tù binh trong chiến tranh hoặc những người không trả được nợ. Họ bị mua đi bán lại một cách tự nhiên như hàng hóa.

Quan hệ hàng hóa tuy chưa thành phổ biến, song cũng đã xuất hiện ở vùng thuộc các vương quốc phía Nam, gắn liền với ảnh hưởng của đạo Ítxlam. Ruộng đất thuộc quyền sở hữu của công xã nông thôn và công xã thị tộc. Bọn chúa phong kiến hầu như chưa can thiệp sâu vào đất ruộng mà thường dựa vào đặc quyền của mình để bóc lột nông dân. Bộ luật phong kiến trên đảo Panai còn ghi rõ chế độ hà khắc của phong kiến đối với nông dân, thuế má nặng nề, ai phạm tội giết người và ăn cắp đều bị tử hình, “thường dân phải làm mọi việc cho các ngài quan lớn. Không tuân theo, lần thứ nhất sẽ bị xử phạt 100 roi. Nếu như nợ nần nhiều quá, con nợ phải nhúng tay vào nước sôi. Lần thứ hai tái phạm sẽ bị tử hình. Kẻ nào quyến rũ vợ đẳng cấp trên sẽ bị thiêu”.

Đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa làm cho nền nông nghiệp của Philippin có nhiều thuận lợi. Những sản phẩm như mía, dừa, chàm, khoai tây, chuối, bông rất nhiều. Nghề chăn nuôi, nghề cá cũng đều phổ biến.

Những vùng ven biển, tiếp xúc với bên ngoài nhiều, dân cư đông đúc hơn, nên phát triển manh. Ở vùng sâu trong nội địa, kinh tế ít phát triển hơn. Dân ở đây dùng vũ khí thô sơ như cung tên dáo mác. Canh tác nông nghiệp ngoài kỹ thuật đốt rẫy trồng ngô, lúa ra thì không có gì đáng kể. Đời sống kinh tế văn hóa của nông dân các bộ tộc này vô cùng thấp kém. Họ lấy vỏ cây làm quần áo, lợi dụng các chạc cây to, hốc cây lớn để ở. Họ chưa biết làm nhà.

Như vậy, xã hội Philippin trước khi người Tây Ban Nha xâm lược là một hỗn thể của nhiều chế độ kinh tế lạc hậu. Những tàn dư thị tộc còn lại mạnh mẽ trong xã hội đã chi phối quan hệ sản xuất. Chính lý do đó làm cho bọn thực dân phương Tây dễ dàng chinh phục quần đảo này.

II – Sự xâm lược của Tây Ban Nha và hậu quả của nó

1. Sự xâm lược của Tây Ban Nha

Việc buôn bán hương liệu mang lại nguồn lợi lớn đã kích thích thương nhân Tây Ban Nha cho thuyền rẽ sóng đi về phương Đông. Phương Đông giàu có như truyền thuyết làm say lòng bọn thực dân mạo hiểm.

Ngày 10-8-1519, Magienlăng, dẫn 5 chiếc thuyền rời đất nước ra đi, hai tháng sau đến Braxin. Ngày 16-3-1521 đến Philíppin, rồi tiếp tục cuộc hành trình về Xêbu (một đảo ở Nam Philíppin). Tiểu vương ở đây là Humabon có 2 ngàn quân và 8 tù trưởng. Magienlăng đã được đón tiếp tốt theo truyền thống của thổ dân. Song Magienlăng đã gây chiến với tù trưởng Lapu Lapu ở đảo Mắctan và trong một trận giao chiến, ông bị bắn chết. Các thủy thủ của Magienlăng trở về châu Âu với của cải cướp bóc được và những câu chuyện kỳ thú về quần đảo giàu có đã thúc giục giới thống trị Tây Ban Nha tìm cách chiếm lấy xứ này.

Năm 1565, chính phủ Tây Ban Nha phái Lơgátspi lãnh đạo đội quân viễn chinh sang chinh phục Philippin. Cuộc chiến tranh ăn cướp tàn ác bắt đầu. Để chống lại sự xâm lược của bọn thực dân, nhân dân Philippin, đặc biệt là nhân dân Xêbu đã chiến đấu rất anh dũng. Sau một thời gian khá lâu, Lơgátspi mới khống chế được đảo Xêbu và gây ảnh hưởng với các đảo xung quanh.

Năm 1570-1571 Tây Ban Nha mở rộng quyền thống trị đến Batanggát. Năm 1571 vua Tây Ban Nha phong cho Lơgátspi làm toàn quyền ở Philippin. Năm 1572, sau một thời gian xâm chiếm và cướp phá dã man, nền thống trị của Tây Ban Nha ở Philippin đã hoàn thành về cơ bản. Mặc dầu nhân dân Philippin đấu tranh anh dũng, song đến cuối thế kỷ XVI, thực dân Tây Ban Nha đã khống chế toàn quần đảo. Chúng đã xây dựng và củng cố ách thống trị thực dân ở đây suốt 250 năm.

2. Nền thống trị của thực dân Tây Ban Nha

Trong thời kỳ xâm lược của chủ nghĩa tư bản, các giáo sĩ Tây Ban Nha đã hoạt động tích cực góp phần vào việc chinh phục và thống trị thuộc địa. Các quốc vương phong kiến và các thủ lĩnh bộ tộc là những kẻ đầu tiên tin theo tôn giáo mới là đạo Kitô. Đạo Ítxlam lúc này cũng đang gây thế lực ở những đảo phía Nam do ảnh hưởng từ Inđônêxia tới. Nhưng đạo Ítxlam lập tức bị ngăn chặn, bị đẩy lui bằng vũ lực và cả bằng giáo lý của tôn giáo mới. Đến giữa thế kỷ XIX, đạo Ítxlam hoàn toàn thất bại, nhường quyền thống trị cho đạo Kitô trên quần đảo này. Thực dân Tây Ban Nha bắt các tù trưởng phải buộc cả bộ tộc theo đạo Kitô.

Từ năm 1570, Philippin bị đặt dưới ách thống trị của Tây Ban Nha. Chế độ thác quản (encommiendas) đặt nhân dân Philippin dưới quyền thống trị của bọn thực dân một cách trực tiếp, cư dân không làm cho thủ lĩnh, cho bộ tộc của họ nữa mà làm cho bọn thực dân Tây Ban Nha.

Nhân dân Philippin phải gánh vác thuế má rất nặng nề. Theo quy định, đàn ông từ 16 đến 60 tuổi phải đóng 10 rêan cho chính quyền, ngoài ra phải đóng 1 rêan cho nhà thờ, và 1 rêan cho ngân khố huyện. Thuế này có thể trả bằng tiền hay bằng sản phẩm. Bọn thống trị thực dân lại thích thu bằng hiện vật vì chúng có thể tha hồ trả giá rẻ và đong đếm gian lận.

Nông dân ngoài việc nộp thuế thu hoạch, thuế thân còn phải gánh vác nhiều nghĩa vụ tạp dịch. Chế độ lao dịch một năm quy định là 52 ngày, nhưng thực tế bao giờ cũng vượt quá số thời gian đó. Hàng ngàn nông dân phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn lên rừng đẵn gỗ, đóng thuyền, khai mỏ, làm đường, làm cầu để kiếm sống.

Nạn bắt người làm nô lệ bán sang châu Mỹ là hiện tượng dã man xẩy ra thường xuyên ở xứ này. Cuộc sống khổ cực đẩy nòng dân lên con đường chống đối. Nhưng những người chống đối liền bị chính quyền đàn áp và phần đông bị bắt, bị biến thành nô lệ.

Philippin được chia ra làm 16 tỉnh, đầu thế kỷ XIX tăng thành 34 tỉnh. Đứng đầu tỉnh là người Tây Ban Nha, bộ máy hành chính giao cho người Philippin quản lý dưới sự giám sát của Tây Ban Nha. Mục đích của cuộc cải cách là mở rộng bộ máy cai trị, biến chủ phong kiến Philippin thành tầng lớp quan lại làm công cụ tiếp tay cho bọn thực dân. Đặc điểm của chế độ này là cho phép giai cấp thống trị bản xứ bóc lột nông dân, nhưng lại tước đoạt quyền lũng đoạn đất đai vì đất đai đều do Chính phủ khống chế. Tuy vậy, bọn phong kiến vẫn cướp đoạt ruộng đất của nông dân một cách trực tiếp hoặc qua con đường cho vay nặng lãi. Tình trạng mất đất, gánh nặng về thuế má, nghĩa vụ lao động và địa vị vô quyền của người nông dân buộc họ phải rời bỏ mảnh đất của bản thân, bán sức lao động cho địa chủ hay tư bản nước ngoài.

Trong những năm đầu thời kỳ thống trị Philippin, Tây Ban Nha gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế thương nghiệp có tính chất bảo thủ ngày càng không thích ứng được với tình hình mới. Tây Ban Nha gặp những đối thủ cạnh tranh trên biển là Trung Quốc, Nhật và Hà Lan. Những thuyền buôn của Tây Ban Nha thường bị cướp.

Sang thế kỷ XVII, cùng với sự suy yếu về kinh tế ở chính quốc, độc quyền buôn bán trên biển của người Tây Ban Nha cũng mất đi và phải nhường cho nước Anh tư bản công nghiệp đang lên. Chính quyền Tây Ban Nha đi vào con đường bảo thủ, hạn chế buôn bán, thi hành chính sách đóng cửa, hầu hết thương nhân nước ngoài đều bị cấm vào Philippin. Cư dân không được buôn bán và trao đổi hàng hóa với thuyền buôn ngoại quốc. Hàng xuất khẩu trong giai đoạn này bị giảm sút rất nhiều.

Đầu thế kỷ XIX, thuốc lá trở thành một trong những hàng xuất khẩu chính. Để có thể có nhiều thuốc lá xuất khẩu, chính quyền thực dân cấm nông dân không được hút thuốc ở ngoài đường. Ngoài ra, đường, bông, chàm, hồ tiêu cũng là những hàng xuất khẩu có giá trị. Năm 1358, đường xuất khẩu đến 40.000 tấn

Năm 1810, tổng giá trị nhập khẩu của Philíppin là 5,3 triệu đôla, xuất khẩu là 4,8 triệu đôla. Năm 1831, toàn bộ sản lượng xuất khẩu gai ở Manila khoảng 316 tấn, sáu năm sau lên 2.500 tấn. Đến năm 1858, Manila có 14 công ty buôn bán và những công ty này nắm hết mạch máu buôn bán của Philíppin. Các nước tư bản đua nhau đầu tư vào thuộc địa. Nhu cầu phát triển kinh tế buộc Tây Ban Nha phải mở cửa nếu như không muốn bị mất quyền khống chế Philíppin. Chính quyền thực dân Tây Ban Nha cho phép tư bản nước ngoài lập các trạm buôn. Manila trở thành cảng mở không hạn chế cho tư bản nước ngoài.

Tình hình ngày càng có nhiều biến đổi khi các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp và các nước tư bản khác ngày thêm lớn mạnh, có ý định thâm nhập bằng biện pháp chính trị và quân sự Tây Ban Nha tìm cách củng cố chỗ đứng ở Philíppin. Từ năm 1828, thực dân Tây Ban Nha dùng lực lượng quân sự tiến đánh các vùng Nam và Bắc Philíppỉn; đến giữa thế kỷ XIX hoàn thành công cuộc chinh phục toàn bộ quần đảo.

3. Phong trào đấu tranh của nhân dân đầu thế kỷ XIX

Đến đầu thế kỷ XIX, các phong trào nông dân, thị dân và tiểu tư sản trí thức đã có những nhân tố mới rõ rệt. Đó là sự xuất hiện và phát triển của ý thức dân tộc. Họ đứng lên đấu tranh chống bọn địa chủ, giáo sĩ và chĩa mũi nhọn vào bọn thực dân Tây Ban Nha.

Ngay giai tầng phong kiến lúc này cũng không bằng lòng với chế độ thực dân. Họ có thể bị đuổi khỏi chính quyền hoặc chỉ được tham gia một cách hình thức mà không có thực quyền. Quyền chiếm hữu ruộng đất của họ bị hạn chế bởi nhà thờ và chính quyền thực dân. Chính mâu thuẫn giữa giai cấp phong kiến Philíppin với chính quyền Tây Ban Nha làm cho giai cấp phong kiến có khả năng tham gia vào phong trào đấu tranh chung của nhân dân chống lại ách nô lệ thuộc địa.

Tầng lớp trí thức Philíppin, do ảnh hưởng của cuộc cách mạng tư sản lần thứ nhất ở Tây Ban Nha (1801-1814) và phong trào đấu tranh dân tộc ở Mỹ La tinh chống ách thống trị của Tây Ban Nha (1810-1826), đã hoạt động sôi nổi hẳn lên. Họ đòi quyền dân chủ, tự do, có ảnh hưởng lớn tới phong trào chung của dân tộc.

Phong trào đấu tranh của quần chúng Philíppin làm cho chính quyền thực dân hết sức lo sợ. Chúng quyết định phái người Tây Ban Nha đến thay thế hầu hết quan chức trong chính quyền và quân đội. Tình hình đó dẫn đến cuộc khởi nghĩa do sĩ quan quân đội người Philíppin là Nôvalét lãnh đạo năm 1823. Tham gia cuộc khởi nghĩa có 800 lính bản xứ. Quân khởi nghĩa chiếm thành Manila và dinh toàn quyền, nhưng khi tấn công pháo đài Săngtiagô thì bị thất bại.

Cuộc đấu tranh của nông dân tỉnh Ilôcốt năm 1807 và năm 1814 nhằm chống lại nạn lao dịch nặng nề và sự bóc lột của địa chủ. Năm 1824, chống mức tô quá cao của nhà thờ, nông dân đảo Xêbu đã khởi nghĩa. Năm 1844, nông dân Nêgôbốt nổi lên chống tệ tham nhũng của chính quyền quan lại thực dân. Đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa của Kơrútxơ, khoác áo tôn giáo và nhờ hình thức liên kết tôn giáo mà tổ chức phát triển rộng rãi. Khởi nghĩa bùng nổ, quân lính Tây Ban Nha bị thua, tên thống đốc Tây Ban Nha bị giết. Chỉ sau khi thực dân Tây Ban Nha điều quân đến mới dẹp nổi, Kơrútxơ bị xử tử.

Những cuộc đấu tranh trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX ở Philippin phản ánh ý thức dân tộc đang nảy sinh trong quần chúng nhân dân. Tầng lớp trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc tiếp xúc với tư tưởng tự do dân chủ phương Tây, đã nhận thức được quyền lợi dân tộc và giai cấp, bắt đầu tham gia vào các phong trào đòi quyền lợi. Song cuộc đấu tranh có tính chất quyết liệt vẫn là những phong trào do giai cấp nông dân phát động. Những cuộc khởi nghĩa của binh lính thực tế cũng là cuộc nổi dậy của người nông dân mặc áo lính. Ngay nội bộ cơ quan bạo lực của bọn thực dân Tây Ban Nha cũng đã bắt đầu lay động. Sự khủng hoảng trong tầng lớp trên, chỗ dựa của chế độ thống trị thực dân bắt đầu trở nên sâu sắc. Một cuộc đấu tranh lớn lao hơn đang đến gần.

III – Cuộc cách mạng tư sản cuối thế kỷ XIX

1. Dân tộc Philippin thức tỉnh

Cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội Philippin có những biến đổi sâu sắc. Tầng lớp tư sản và tiểu tư sản tiếp xúc với tư tưởng mới, ý thức tư tưởng dân tộc hình thành và phát triển mạnh mẽ, nhất là vào cuối thế kỷ thứ XIX. Nhân dân Philippin đòi được sống độc lập, tự do.

Cuộc cách mạng 1868 ở Tây Ban Nha lật đổ nhà vua và giành được thắng lợi tạm thời đã ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng tự do. Những cải cách về giáo dục, việc ban hành những quyền dân chủ về tổ chức và ngôn luận dù rằng rất hạn chế, cũng tạo cho nhân dân Philippin những nhận thức mới về quyền sống. Nhưng ở Philippin, chúng thủ tiêu những cải cách dân chủ đã đạt được trong đấu tranh cách mạng, tăng cường khủng bố nhân dân. Ruộng đất lọt vào tay nhà thờ, và nông dân biến thành tá điền. Một số nông dân trở thành công nhân của các xưởng pháo binh, xưởng vũ khí, xưởng đóng tàu của hải quân. Dù là tá điền hay là công nhân, họ đều sống rất khổ, phải lao động hết sức nặng nhọc mà thù lao thì rất thấp. Lòng bất mãn do cuộc sống nghẹt thở nặng nề của nhân dân Philíppin tiếp được ngọn lửa đấu tranh của công nhân công binh xưởng phản đối thuế thân Xêđula và nghĩa vụ lao dịch đã bùng lên thành cuộc khởi nghĩa cách mạng.

a) Cuộc khởi nghĩa ở Kavittơ năm 1872

Phong trào đấu tranh của công nhân Kavittơ đã liên hệ được với binh lính và sĩ quan người Philíppin đóng ở Manila. Nông dân ở đây được giác ngộ cũng tham gia đấu tranh. Những người lãnh đạo khởi nghĩa định đêm 20-1-1872 khởi sự cùng một lúc ở hai địa điểm Manila và Kavittơ. Nhưng ở Manila kế hoạch bị lộ, chính quyền thực dân Tây Ban Nha nhanh chóng dập tắt. Còn ở Kavittơ tình hình diễn ra đúng như kế hoạch. Đêm 20-1-1872 quần chúng nổi dậy hô vang khẩu hiệu “Đả đảo bọn Tây Ban Nha”. “Giết hết bọn giáo sĩ”. Nghĩa quân đánh chiếm cảng San Philip. Các đội quân nông dân ở ngoại ô Kavittơ nhanh chóng kéo vào phối hợp với quân khởi nghĩa. Nghĩa quân làm chủ thành phố trong 3 ngày, nhưng thiếu phương hướng nên chỉ đóng khung hoạt động cố thủ trong thành phố. Bọn phản động Tây Ban Nha lợi dụng nhược điểm đó để củng cố lực lượng, điều quân tiếp viện từ các nơi về trấn áp.

Cuộc khởi nghĩa ở Kavittơ tuy có chuẩn bị nhưng vì không có cương lĩnh, nên sau thắng lợi ban đầu đã không có phương hướng phát triển. Cuối cùng cuộc khởi nghĩa bị thất bại, những người lãnh đạo bị bắt và bị xử tử. Hơn hai trăm người bị đi đày. Chính quyền Tây Ban Nha khủng bố hết sức tàn bạo. Những người bị nghi ngờ là có tư tưởng tự do đều bị bắt giam và bị xử tử. Nhiều linh mục người Philíppin có tư tưởng tự do bị treo cổ vì bị nghi có liên quan trực tiếp đến cuộc nổi dậy của nhân dân. Bằng thủ đoạn dã man đó, chính quyền thực dân Tây Ban Nha dọa nạt nhân dân hòng làm cho họ nhụt chí đấu tranh. Nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại, cái chết của những cha cố có tư tưởng tự do, và của những người khởi nghĩa đã lay động tận gốc rễ tình cảm lớn lao của nhân dân Philíppin.

Cuộc khởi nghĩa ở Kavittơ chứng tỏ phong trào dân tộc dân chủ ở Philíppin ngày càng phát, triển mạnh mẽ. Sự tiếp nhận một hình thức đấu tranh quyết liệt với kẻ thù là biểu hiện mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Nhưng ý nghĩa sâu xa của nó là ở chỗ lần đầu tiên giai cấp công nhân Philíppin tham gia vào phong trào dân tộc với tư cách là đội quân chủ lực, là những chiến sĩ đấu tranh kiên quyết với kẻ thù. Đồng thời cuộc đấu tranh cũng chứng tỏ khả năng liên kết giữa giai cấp công nhân với nông dân, binh sĩ và các tầng lớp khác trong xã hội để chống lại chính quyền của bọn thực dân Tây Ban Nha.

b) Hôxê Ridan và Liên minh Philippin

Hôxê Ridan là nhà thơ, thầy thuốc, có tinh thần nhân văn chủ nghĩa và hơn hết là người yêu nước, nhà hoạt động dân tộc nổi tiếng. Ông sinh năm 1861 trong một gia đình giàu có ở Kalamba thuộc tỉnh Lapuna. Mẹ Ridan là một phụ nữ có học thức, rất giỏi tiếng Tây Ban Nha nên từ bé Ridan đã được giáo dục đầy đủ. Vì có tư tưởng không phục tùng nhà nước thực dân Tây Ban Nha, gia đình ông bị quản thúc, mẹ Ridan bị giam lúc ông 10 tuổi, 2 năm sau mới được tha. Điều này ảnh hưởng đến Ridan khá lớn. Cuộc khởi nghĩa 1872 ở Kavittơ đã tác động mạnh mẽ đến Ridan, lúc đó đang sống trong gia đình cha đỡ đầu là linh mục Buốcgốt là người có tư tưởng tự do đã bị tử hình sau cuộc khởi nghĩa. Ridan đã lớn lên trong nỗi khổ đau, trong cơn gió cách mạng của dân tộc.

Từ thời còn là học sinh, ông đã tỏ rõ là một thanh niên có tài năng. Năm 19 tuổi, ông trở thành nhân vật có tiếng tăm trong giới trí thức. Bài thơ Gửi thanh niên Philippin viết năm 1879 phản ánh tư tưởng yêu nước mạnh mẽ của ông. Ông kêu gọi thanh niên :

“Hỡi hy vọng của Tổ quốc!

Hãy đấu tranh cho tương lai tươi sáng Philippin”.

Năm 1887 ông viết cuốn sách nổi tiếng Đừng đụng đến tôi (Noli Me Tangere) vạch trần tội ác của Tây Ban Nha, chế giễu bọn thống trị tay sai Philippin. Bằng tiếng nói đồng tình sâu sắc, ông bóc trần cảnh sống khổ nhục nghèo nàn của những người nông dân và của dân tộc ông. Ông thức tỉnh dân tộc bằng tiếng nói thiết tha của trái tim mình. Ông ngây thơ tin rằng sẽ có một ngày nào đó chính quyền Tây Ban Nha trao trả độc lập cho dân tộc ông, phản ánh tư tưởng của giai cấp tư sản Philippin yếu đuối, ôn hòa.

Cùng góp phần quan trọng trong công tác thức tỉnh dân tộc lúc này còn phải kể đến Mácxen Đen Pi-la. Cuộc đời ông có nhiều nét tương tự như Ridan. Gia đình ông bị bọn Tây Ban Nha giết hại. Thời còn là sinh viên trường Luật ở Manila, ông là linh hổn của phong trào sinh viên tiến bộ. Sau khi tốt nghiệp, ông tích cực hoạt động tuyên truyền thức tỉnh quần chúng, phê phán chế độ áp bức hiện hành. Năm 1882, ông chủ trì tờ báo bằng tiếng Philippin Nhật ký Tagan. Đó là tờ báo đầu tiên bằng tiếng dân tộc, đòi quyền tự do dân chủ. Ngày 1-3-1888, ông cùng một số nhà tư tưởng dân chủ tổ chức cuộc biểu tình ở Manila. Chính quyền thực dân Tây Ban Nha lùng bắt những người lãnh đạo, ông phải rời Manila sang Mađơrit. Ở đây ông cùng một số bạn bè xuất bản tờ báo Đoàn kết. Những bài báo đầy nhiệt tình yêu nước của ông, của Ridan và Giêna đăng trên báo Đoàn kết trở thành những lời kêu gọi thiết tha của dân tộc. Nhưng tờ báo bị cấm không được lưu hành ở Manila. Bị hạn chế bởi quan điểm cải lương, hoạt động của Pila chỉ có ảnh hưởng nhiều trong số các nghị viên, các viên chức cao cấp và tầng lớp trí thức có tư tưởng tự do. Ông tranh thủ tuyên truyền trong tầng lớp trên ở Tây Ban Nha, những mong sẽ được sự ủng hộ của phái tự do này và trông chờ chính phủ Tây Ban Nha tiến hành cải cách.

Ông chủ trương đòi:

  • Quyền bình đẳng giữa người Philippin và người Tây Ban Nha.
  • Người Philippin được cử đại biểu vào nghị viện.
  • Bảo vệ quyền tư hữu tài sản.
  • Tự do buôn bán.

Vào những năm 90 của thế kỷ XIX, phong trào đấu tranh của quần chúng thức tỉnh ngày càng mạnh mẽ, những tổ chức đấu tranh chính trị ra đời.

Năm 1892 tổ chức “Liên minh Philippin” được thành lập. Tổ chức này gắn liền với tên tuổi của Hôxê Ridan. Với giai cấp tư sản, Ridan được coi là thủ lĩnh có uy tín của cuộc đấu tranh đòi cải cách và đòi phát triển kinh tế Philippin, thì đối với quần chúng nhân dân, ông cũng được xem như là một lãnh tụ cách mạng. Liên minh Philippin sở dĩ thành lập được là do lúc này đã có cơ sở cách mạng ở trong nước, đồng thời do uy tín lớn của Ridan. Tên tuổi Hôxê Ridan trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng cách mạng Philippin. Liên minh Philippin đề ra nhiệm vụ đấu tranh: – Thống nhất toàn quần đảo thành một quốc gia lớn mạnh.

  • Chống bạo lực và bất công.
  • Phát triển giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và buôn bán.
  • Thi hành cải cách.

Ridan là người thủ lĩnh trong Liên minh đứng về phái ôn hòa. Ông phản đối đấu tranh bạo lực, không tin vào lực lượng của quần chúng nhân dân, chỉ chú trọng hoạt động trong giới trí thức. Ông tin rằng bằng biện pháp giáo dục sẽ cải thiện được đời sống của nhân dân và tưởng rằng con đường cải cách do Tây Ban Nha đem lại là con đường duy nhất đúng cho một nước Philippin độc lập tự do. Các phần tử trí thức tin tưởng và hưởng ứng nhiệt tình chủ trương của Ridan, tham gia Liên minh khá đông.

c) Bôniphaxiô và tổ chức Katipunan

Đối lập với phái ôn hòa là phái cách mạng do Bôniphaxiô đứng đầu. Ông tượng trưng cho sự liên hiệp của quảng đại quần chúng nhằm đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp của Philíppin.

Bôniphaxiô sinh ngày 30-11-1863 ở ngoại ô Manila. Từ bé, ông phải lao động để kiếm sống và đã chịu đựng nỗi khổ của những người công nhân, nông dân. Tư tưởng cách mạng của ông chịu ảnh hưởng của phong trào quần chúng và của sách báo phương Tây, đặc biệt là sách báo của các nhà cách mạng tư sản Pháp. Bôniphaxiô tham gia Liên minh Philíppin với tư cách đại diện tầng lớp bình dân. Nhưng sau đó ông thành lập một đoàn thể bí mật lấy tên là “Liên hiệp những người con yêu quý của nhân dân” gọi tắt là Katipunan. Tuy không có cương lĩnh rõ ràng, và còn mang nhiều màu sắc tôn giáo, nhưng với khẩu hiệu “bình đẳng” và phương pháp cách mạng bình dân, Katipunan đã phản ánh đến một mức độ nhất định khát vọng về quyền lợi xã hội của quần chúng nhân dân đói khổ. Chính vì lẽ đó, Katipunan trở thành tổ chức cách mạng của quần chúng cần lao thiết tha với quyền lợi dân tộc.

Bôniphaxiô xây dựng Katipunan thành một tổ chức có kỷ luật. Hội viên phải ký bằng máu của mình khi vào hội, lễ kết nạp được tiến hành bằng những nghi thức phức tạp. Mục tiêu là:

  • Mọi người phải được bình đẳng, không phân biệt màu da, giàunghèo và địa vị xã hội.
  • Đấu tranh chống áp bức xã hội, bảo vệ những người bị áp bức.
  • Giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc được thể hiện rõ trong những điểm trên. Câu nói nổi tiếng của Bôniphaxiô “Cần nhớ rằng hạnh phúc và vinh quang là chết cho sự nghiệp cứu lấy Tổ quốc” thành lời tuyên thệ của Katipunan trước sự nghiệp dân tộc. Cho đến năm 1893, Bôniphaxiô vẫn coi tổ chức của ông là một bộ phận của Liên minh Philíppin. Ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng tự do rất lâu dài và khá mạnh mẽ. Sau khi Ridan bị bắt đi đày, Bôniphaxiô định củng cố Liên minh Philíppin nhưng vì Liên minh chỉ chủ trương cải cách ôn hòa nên Bôniphaxiô xa dần Liên minh.

Năm 1894, Katipunan lần đầu tiên bước vào giai đoạn bạo lực cách mạng. Phong trào khởi nghĩa của nhân dân, đặc biệt là những cuộc đấu tranh của nông dân ngày càng mạnh mẽ đã ảnh hưởng đến Katipunan. Những nhà lãnh đạo liên hệ với phong trào nổi dậy của nông dân ở Môrông. Tháng 5-1894 Bôniphaxiô chủ trì cuộc họp ở một hang núi thuộc tỉnh Môngtan để chuẩn bị khởi nghĩa. Lúc này Katipunan đã có hàng chục vạn hội viên nhưng vẫn giữ được tính kỷ luật khá chặt chẽ.

Katipunan cử người đi liên hệ với Ridan đề nghị ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, nhưng ông từ chối. Ridan rời khỏi Philíppin nhưng trên đường sang Tây Ban Nha ông bị bắt. Lúc này cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ. Chính quyền thực dân Tây Ban Nha bắt ông vì chúng cho rằng Ridan là người tổ chức và cổ vũ phong trào chống lại chúng. Ông bị giải về Philíppin và bị xử tử.

2. Cuộc cách mạng bùng nổ và giai đoạn I của nó

Tình thế cách mạng ngày càng đến gần, Bôniphaxiô đích thân lãnh đạo Katipunan. Ông muốn biến Katipunan thành cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa, và sau khi giành được thắng lợi, nó sẽ trở thành chính quyền cách mạng.

Ngày 28-8-1896, Bôniphaxiô phát ra lời kêu gọi đấu tranh được nhân dân Philíppin hưởng ứng nhiệt liệt. Hàng ngàn người cầm vũ khí. Khởi nghĩa nhanh chóng lan ra toàn quốc. Đội quân cách mạng ban đầu chí có gậy gộc, dáo mác và vũ khí thô sơ, sau khi thu được một số thắng lợi đã lấy vũ khí của kẻ thù để trang bị cho mình. Thế trận của cách mạng bừng bừng khắp nơi như một làn sóng đấu tranh mạnh mẽ đẩy kẻ thù vào thế bị động. Đội quân cách mạng được thành lập do những người xuất thân từ thành phân lớp dưới lãnh đạo.

Bọn thực dân Tây Ban Nha lồng lộn điên cuồng, bắt giam và xử tử hàng loạt. Hành động khát máu của chúng như dầu đổ thêm vào lửa, phong trào cách mạng bùng lên dữ dội, lan sang các đảo Minđôvô, Minđanao v.v… Binh lính trong các trung đoàn Tây Ban Nha cũng đồng tình với cách mạng, binh lính người bản xứ thì quay súng chống lại bọn chỉ huy người Tây Ban Nha, tham gia khởi nghĩa. Ngay cả ở các ngục tù, những tù nhân chính trị và tù thường phạm cũng liên kết đứng dậy. Tính chất quần chúng của cuộc khởi nghĩa càng sâu sắc. Bọn thống trị phải điều quân từ Tây Ban Nha sang. Cuộc đàn áp đẫm máu càng khốc liệt hơn. Tòa án quân sự thành lập khắp nơi, xét xử hàng loạt người dân Philíppin yêu nước. Nhưng những thủ đoạn tàn bạo đó không thể nào ngăn được làn sóng khởi nghĩa đã dâng cao.

Chính quyền Tây Ban Nha đứng đầu là tên toàn quyền quân sự Rivêra thấy rõ việc dùng đơn thuần biện pháp bạo lực không đưa lại kết quả gì. Y chủ trương dùng chính sách hứa hẹn để lừa bịp quần chúng và dùng sức mạnh quân sự để dọa nạt. Chúng tìm cách phân hóa hàng ngũ cách mạng, tách giai cấp tư sản và địa chủ ra khỏi trận tuyến đấu tranh.

Tuy bọn thực dân có thu được một số thắng lợi về quân sự đối với giai cấp tư sản, nhưng phong trào cách mạng vẫn phát triển. Một số thành phố bị quân khởi nghĩa chiếm, chính quyền Katipunan thay thế cơ quan hành chính thực dân. Quần chúng cách mạng say sưa sáng tạo trong đấu tranh và trong việc tổ chức quản lý xã hội.

Giai cấp tư sản và địa chủ đi theo cách mạng là do tình thế bắt buộc không thể nào khác được. Họ không muốn dùng phương pháp cách mạng quyết liệt của phong trào nhân dân. Nay cách mạng lại thu được thắng lợi to lớn không ngờ tới, họ lo sợ hơn là mừng vui, vì phong trào nhân dân khắp nơi đã và đang có dấu hiệu đụng chạm đến quyền lợi của tư sản. Nông dân nhiều nơi đã tự động chiếm ruộng đất. Sự quản lý chính quyền của quần chúng lao động như là một sự xúc phạm đối với giai cấp tư sản địa chủ. Họ không thể bằng lòng với Katipunan và các lãnh tụ cách mạng bình dân. Họ muốn tước đoạt quyền lãnh đạo cách mạng và thủ tiêu tổ chức Katipunan.

Trong khi đó, Aghinanđô là đại diện của giai cấp tư sản địa chủ tự do đã giành được địa vị lãnh đạo Katipunan, tìm cách đấu tranh chống lại Bôniphaxiô.

Chính phủ cách mạng thành lập, Aghinanđô làm Tổng thống. Năm 1897, Aghinanđô ra lệnh giải tán Katipunan bắt Bôniphaxiô, khép tội chống phá cách mạng rồi giết hại ông. Những hành vi đen tối đó đã gây nhiều tác hại cho phong trào cách mạng ở Philíppin.

Ngày 18-11-1897 giai cấp tư sản ôn hòa đứng đầu là Aghinanđô đem số phận của nước cộng hòa Philíppin trao vào tay bọn thực dân Tây Ban Nha. Trong hiệp định ký với Tây Ban Nha, Aghinanđô đã nhận ngừng chiến và rời khỏi Philíppin. Toàn quyền Rivêra đồng ý bồi thường cho những người tham gia cách mạng 80 vạn pêxô. Chính phủ Aghinanđô tuyên bố giải tán và Aghinanđô nhân danh Tổng thống kêu gọi nhân dân ngừng hoạt động quân sự để chờ đợi cải cách.

3. Giai đoạn II của cuộc cách mạng

Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng, bất chấp sự đầu hàng của chính quyền, vẫn bùng lên mạnh mẽ… Nhiều thành phố ở Luxông lạỉ chuyển vào tay cách mạng.

Quần chúng không chịu lùi bước mà tiếp tục cấm lấy vũ khí chiến đấu. Ở Xêbu, Panai v.v… cuộc chiến tranh du kích của nghĩa quân hết sức sôi nổi.

Ngày 17-4-1898 các khu giải phóng triệu tập Hội nghị đại biểu, bầu ra ủy ban hành chính ở miền Trung Luxông. Ngay ở thủ đô Manila, nghĩa quân vẫn hoạt động thường xuyên.. Toàn quyền Rivêra tuy tăng cường lực lượng quân sự trấn áp, nhưng không tài nào dập tắt được ngọn lửa cách mạng dâng cao.

Chính quyền Tây Ban Nha sau khi ký kết đã hoàn toàn nuốt lời hứa, không tiến hành cải cách. Ngay bản thân giai cấp tư sản và trí thức cũng phải thất vọng, một số trở lại tham gia đấu tranh.

Mùa Xuân 1898, các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Xêbu, Giămbalét, Panai sôi nổi hẳn lên. Ở một số thành phố nổ ra các cuộc đấu tranh do các phần tử trí thức và giai cấp tư sản lãnh đạo. Tuy vậy, những hoạt động của quần chúng cách mạng sau khi Aghinanđô ký kết hiệp ước đã thiếu sự lãnh đạo thống nhất. Do đó, phong trào cách mạng phân tán, tản mạn và mất phương hướng đấu tranh. Trong tình hình đó, Aghinanđô không muốn bị gạt ra khỏi vai trò lãnh đạo phong trào, nhất là khi cách mạng lại đang có nhiều hứa hẹn, nên đã tổ chức “Hội những người yêu nước” ở Hồng Kông, bắt liên lạc với phong trào trong nước.

Lúc này đế quốc Mỹ mới lớn lên muốn đánh thực dân Tây Ban Nha để giành giật thuộc địa. Đây là cơ hội để Mỹ có thể gây dựng thế lực của mình. Cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Tây Ban Nha ngày càng đến gần, Tổng thống Mỹ ra lệnh cho hạm đội tiến về phương Đông và chuẩn bị tiêu diệt hạm đội của Tây Ban Nha. Bọn Mỹ giương cao chiêu bài “bênh vực dân tộc bị áp bức” (!) đưa quân vào vịnh Manila. Mặt khác chúng liên lạc với Aghinanđô và liên hệ với phong trào trong nước Philíppin. Các lãnh tụ phong trào giải phóng dân tộc và giai cấp tư sản Philíppin chìm đắm trong ảo tưởng là Mỹ sẽ giúp Philíppin giành độc lập. Họ tuyên truyền Mỹ như là “vị cứu tinh” của Philíppin, kêu gọi quần chúng ủng hộ quân Mỹ.

Hạm đội Mỹ dưới quyền chỉ huy của Điuây tiến vào vịnh Manila và đánh đắm toàn bộ hạm đội của Tây Ban Nha. Cuộc giao chiến với Tây Ban Nha ở hiệp đầu thu được thắng lợi cao. Điuây hạ lệnh cho tàu đi đón Aghinanđô về nước tuyên bố ủng hộ độc lập của Philíppin. Lúc này Mỹ chưa đủ khả năng chiếm Philíppin ngay, đã khôn khéo lợi dụng lực lượng cách mạng Philíppin đánh bại Tây Ban Nha rồi giành lấy thành quả.

Cuối tháng 5-1898 Aghinanđô về nước, với tham vọng dùng chính sách độc tài mới có thể chống lại những lãnh tụ có uy tín đang hoạt động trong nước, và nhất là chống lại lực lượng bình dân đang đẩy cách mạng phát triển theo chiều hướng dân chủ triệt để. Giới tư sản hoan nghênh Aghinanđô và đón tiếp như một lãnh tụ đầy khả năng, mà họ hằng trông đợi.

Quân cách mạng liên tiếp thu được những thắng lợi to lớn có tính chất toàn diện; cách mạng phát triển vô cùng thuận lợi. Thực dân Tây Ban Nha hoang mang tột độ, quân Mỹ chưa đổ bộ lên đất Philíppin, Aghinanđô phát lời kêu gọi khi cuộc đấu tranh đã lan tràn khắp nước và đang giành được ưu thế.

Ngày 12-6-1898 bản Tuyên ngôn độc lập Kavittơ ra đời. Tuyên ngôn này được 98 đại biểu ký tên; Philíppin trở thành một nước độc lập có chủ quyền. Tuyên ngôn Kavittơ là thắng lợi to lớn của quần chúng cách mạng đã giành được bằng xương máu. Nó phản ánh tình thế cách mạng đang phát triển sôi nổi. Bản Tuyên ngôn mang tính chất chống đế quốc và phong kiến rõ rệt. Quần chúng ghi lên lá cờ cách mạng những yêu cầu dân tộc-dân chủ.

Cuộc đấu tranh càng gần đến ngày thắng lợi hoàn toàn thì những mâu thuẫn không thể điều hòa được giữa giai cấp tư sản và quần chúng cách mạng càng phức tạp. Yêu cầu thực tiễn của xã hội lúc bấy giờ đòi hỏi phải thành lập một chính quyền cách mạng. Ngày 23-61898, Aghinanđô ký sắc lệnh thành lập chính phủ cách mạng. Quốc hội trở thành cơ quan tối cao của nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân quần đảo Philíppin. Tổng thống không có quyền ngăn cản quốc hội triệu tập hội nghị. Nhưng đồng thời, sắc lệnh quy định nghị quyết của Quốc hội phải được Tổng thống phê chuẩn mới có hiệu lực. Tổng thống có quyền phủ quyết và quyền chỉ định các bộ trưởng. Phần lớn các bộ trưởng là đại biểu của giai cấp địa chủ-tư sản.

Chính phủ mới thi hành một loạt biện pháp, trong đó chủ yếu là xóa bỏ quyền lũng đoạn kinh tế chính trị của tập đoàn tôn giáo. Những ruộng đất và bất động sản của thế lực tôn giáo phản động bị tịch thu và chuyển giao cho nhà nước. Trong chừng mực nhất định chính sách này đã giảm nhẹ bớt gánh nặng cho nông dân.

Sắc lệnh tịch thu ruộng đất của tập đoàn tôn giáo và một số chính sách giáo dục xã hội khác mang lại không khí phấn khởi cho quần chúng cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng. Nghĩa quân giành được thắng lợi liên tiếp, khống chế hầu hết các đảo. Manila, dinh lũy cuối cùng của chính quyền thực dân Tây Ban Nha, bị bao vây. Số phận của thành phố này đã quyết định ngày tận số của chế độ thực dân Tây Ban Nha.

IV – Đế quốc Mỹ can thiệp và thôn tính Philippin

1. Quân Mỹ đổ bộ vào Manila và thái độ đầu hàng của giai cấp tư sản

Mỹ kết thúc chiến tranh với Tây Ban Nha một cách nhanh chóng. Tây Ban Nha hoàn toàn thất bại, ngày 12-8-1898 phải ký hiệp ước đình chiến. Mỹ định chiếm Manila trước ngày đình chiến nhưng không đạt được. Tuy vậy chúng đã dùng sức mạnh dọa nạt quân cách mạng không cho vào Manila.

Quân đội cách mạng và chính quyền bất bình trước thái độ phi lý của quân Mỹ. Nhưng Aghinanđô sợ sệt trước sự đe dọa của đế quốc Mỹ, đã ra lệnh cho quân rút lui. Quân Mỹ lấn tới, ồ ạt tiến vào Philippin và Manila. Chúng khôn ngoan lợi dụng cơ cấu chính quyền cũ của Tây Ban Nha xếp đặt ngay bộ máy thống trị mới. Ý đồ chiếm cứ lâu dài Philippin của Mỹ đã rõ ràng, chúng dùng chính sách kinh tế mở rộng cửa khẩu và cho buôn bán tự do. Giai cấp tư sản Philippin, nhất là ở Manila hoan nghênh chính sách này vì nó mở đường làm ăn cho họ và do đó tách khỏi phong trào cách mạng.

Ngày 15-8-1898 Hội nghị nhân dân cách mạng khai mạc. Phần lớn đại biểu được bầu từ 15 tỉnh lên, chỉ có một số ít do chính phủ chỉ định. Đại biểu của giai cấp tư sản địa chủ là Patécnô được cử làm chủ tịch. Hội nghị đã nhất trí thông qua bản Tuyên ngôn độc lập ngày 12-6 ở Kavittơ. Aghinanđô xuất hiện trong hội nghị như một lãnh tụ duy nhất của cách mạng được thừa nhận với uy tín dựng lên bằng nhiều thủ đoạn từ trước.

Trong Hội nghị, cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt giữa phái ôn hòa nắm giữ chính quyền và đa số đại biểu thuộc phái cấp tiến cách mạng, xuất thân từ giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Phái cấp tiến đã làm cho hội nghị trở thành Hội nghị lập pháp.

Ngày 29-11-1898, Hiến pháp Malôlôt được thông qua. Hiến pháp Malôlôt mang dấu ấn tiến bộ của các hiến pháp tư sản Pháp, Bỉ, Braxin, Mêhicô v.v… phản ánh thành quả đấu tranh của quần chúng cách mạng. Hiến pháp đã được thông qua với nội dung tiến bộ và dân chủ so với các hiến pháp tư sản lúc bấy giờ. Hiến pháp quy định không cho một ai nắm trong tay quyền lập pháp và khẳng định quyền hạn giám sát của đại biểu nhân dân đối với cơ quan hành chính. Quyền lập pháp được trao cho Quốc hội và chỉ bản thân Quốc hội mới có quyền sửa đổi. Trong Hiến pháp Malôlôt, các quyền lập pháp, hành chính, tư pháp được phân lập rõ ràng. Quyền tự do dân chủ của nhân dân được ghi nhận. Hiến pháp đề cập đến nhiều vấn đề xã hội như vấn đề giáo dục và tính phổ cập của nền giáo dục cách mạng.

Hiến pháp Malôlôt là một văn kiện quan trọng của cách mạng Philippin. Từ trong nội dung Hiến pháp Malôlôt ta thấy rõ tính chất cách mạng tư sản giải phóng dân tộc năm 1898 của Philippin.

Nước Cộng hòa Philippin được thành lập, những người lãnh đạo nhà nước non trẻ này hy vọng được thế giới công nhận và vẫn còn nuôi nhiều ảo tưởng đối với Mỹ. Aghinanđô cử một phái đoàn sang Mỹ để gặp Tổng thống Mắckinlây, song mọi hy vọng của họ đều trở thành thất vọng. Âm mưu nô dịch Philippin của Mỹ ngày càng lộ rõ. Ngày 10-12-1898 Hiệp ước Pari được ký kết giữa Mỹ và Tây Ban Nha; chiến tranh kết thúc.

Chiếm được Philippin, Mỹ đã đặt một cầu nối liền Mỹ với thế giới phương Đông giàu có. Chính quyền Philippin kháng nghị Hiệp ước Pari, không thừa nhận Otit – viên chỉ huy quân đội Mỹ ở Manila làm toàn quyền của Mỹ ở Philippin. Nhưng tất cả những hành động đó đối với Mỹ đều không có tác dụng gì. Hiệp ước Pari được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và cuộc chiến tranh Mỹ-Philippin bùng nổ là một điều dĩ nhiên.

2. Chiến tranh Mỹ-Philippin và sự thất bại hoàn toàn của cuộc cách mạng tư sản

Cách mạng Philippin đứng trước một nguy cơ rất lớn. Đế quốc Mỹ rắp tâm xâm chiếm hoàn toàn quần đảo này. Ngày 4 và 5 tháng 2 năm 1889, Mỹ dùng lực lượng quân sự tấn công vào quân cách mạng và nhân dân Philippin. Nhân dân Philippin đứng dậy chống lại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, phong trào đấu tranh của nhân dân đã hình thành một làn sóng yêu nước to lớn. Khắp nơi, nhân dân đòi chính phủ kiên quyết lãnh đạo cuộc đấu tranh.

Chiến tranh đã làm cho sự phân hóa xã hội diễn ra đặc biệt nhanh chóng. Một bộ phận giai cấp tư sản thỏa hiệp với đế quốc Mỹ, còn một bộ phận nhỏ tiếp tục đấu tranh. Đế quốc Mỹ định dùng hành động quân sự để nhanh chóng tiêu diệt lực lượng vũ trang của phong trào giải phóng dân tộc Philippin. Nhưng nhân dân Philippin đã đánh trả hết sức dũng cảm. Chính sách thắng nhanh của Mỹ buộc phải đổi thành chính sách gặm dần.

Mùa thu năm 1899, quân cách mạng gặp nhiều khó khăn, phải phân tán thành những đơn vị nhỏ, tiến hành chiến tranh du kích. Mặc dù nhân dân Philippin chiến đấu rất anh dũng, nhưng Mỹ đã đẩy lùi lực lượng cách mạng. Hơn nữa phía cách mạng lại thiếu sự lãnh đạo thống nhất và kiên quyết, phần đông trong chính quyền dao động muốn thỏa hiệp. Đế quốc Mỹ đã thi hành chính sách hai mặt, vừa dùng súng đạn để đè bẹp ý chí cách mạng của quần chúng, vừa mua chuộc ly gián tầng lớp phong kiến địa chủ và tư sản mại bản để phân hóa lực lượng cách mạng.

Đến cuối năm 1899, mặc dù chiếm được hầu như toàn bộ Philippin, đế quốc Mỹ vẫn không tài nào bình định được những vùng đã chinh phục, ngay cả trong các thành phố. Chúng phải xây dựng đến 500 đồn bốt ở khắp nơi.

Để có thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh, bọn Mỹ tìm cách nắm lấy Aghinanđô. Tháng 3-1901, Aghinanđô bị Mỹ bắt làm tù binh cùng với Chính phủ cộng hòa. Aghinanđô kêu gọi nhân dân hạ vũ khí.

Sau khi đã phân hóa được lực lượng cách mạng, đế quốc Mỹ dùng quân đội tàn sát nhân dân và những người cánh tả cách mạng một cách dã man. Bọn chúng tàn phá hàng khu vực, giết không cần xét xử những người yêu nước. Mặc dù nhân dân Philippin chiến đấu rất kiên cường, nhưng cách mạng đã đi vào màn chót. Các cuộc đấu tranh lắng dần. Nhân dân Philippin yêu tự do bị kẻ thù mạnh hơn, một lần nữa đánh bại. Đế quốc Mỹ theo nguyên tắc cổ truyền của chính sách chia để trị, xây dựng nên bộ máy thống trị riêng ở từng đảo. Chúng lợi dụng những vương quốc miền Nam quần đảo Philippin, lợi dụng bọn tư sản địa chủ, bọn tư sản mại bản quan liêu làm kẻ tiếp tay để xây dựng chính quyền thống trị nhân dân Philippin.

Cuộc cách mạng tư sản Philippin cuối thế kỷ XIX như tiếng chuông vang dội thức tỉnh toàn dân tộc Philippin đứng lên đòi độc lập tự do, đã lay động đến tình cảm sâu xa của quảng đại quần chúng. Lần đầu tiên, nhân dân Philippin đứng lên đấu tranh chống bọn thực dân với lực lượng thống nhất, với ý thức dân tộc mạnh mẽ. Nhân dân đã tỏ rõ sức mạnh của mình, đã lật đổ nền thống trị Tây Ban Nha tàn bạo kéo dài hàng mấy trăm năm. Nhưng cuộc cách mạng Philippin, cuối thế kỷ XIX đã bị đế quốc Mỹ bóp chết. Nhân dân Philippin lại bị rơi vào tay đế quốc Mỹ thâm độc và tàn bạo.

Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net