Trang chủ Báo chí truyền thông Kịch bản là gì? Nguồn gốc, đặc trưng và yếu tố của kịch

Kịch bản là gì? Nguồn gốc, đặc trưng và yếu tố của kịch

by Ngo Thinh
777 views

Khái niệm về kịch bản

Kịch bản bắt nguồn từ tiếng La tinh csenario, có nghĩa là văn bản kịch hoặc văn bản viết có tính kịch dùng để chỉ một bộ phận cấu thành rất quan trọng của tác phẩm văn học, điện ảnh hay truyền hình. Theo từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Nxb Khoa học xã hội định nghĩa: “Kịch bản – đó là vở kịch ở dạng văn bản”.

Tuy nhiên, nếu đưa ra khái niệm này vào các dạng kịch bản văn học, kịch bản điện ảnh và kịch bản truyền hình, thì việc giải nghĩa trên đây là chưa thật đầy đủ, đặc biệt đối với kịch bản truyền hình.

Thuật ngữ kịch bản tồn tại đã lâu. Từ dùng để chỉ một chương trình đã được phác thảo hoặc bản tóm tắt của một tác phẩm kịch. Nó được hiểu như một bản miêu tả sơ lược trật tự các lớp của của vở diễn. Bản thân từ “Senari” xuất hiện thuật ngữ sân khấu “Senarius”, chỉ người đứng sau sân khấu chỉ đạo cho các diễn viên bao giờ đến lượt họ ra biểu diễn, đồng thời theo dõi để những hành động diễn ra kịp thời, đúng lúc.

Để tồn tại với một diện mạo phong phú và cách thức ứng dụng linh hoạt như hiện nay, kịch bản đã có một lịch sử về nguồn gốc của nó. Kịch bản xuất hiện cùng với sự ra đời của loại hình sân khấu kịch, cũng có thể coi nguồn gốc của nó là kịch bản văn học. Người viết kịch bản phải biết xuất phát từ những sự đối lập đang âm ỉ hay đã vùng trỗi dậy trong hiện thực đời sống để sáng tạo những tình huống xung đột vừa khái quát, vừa cụ thể. Trải qua nhiều bước kế thừa và phát triển, kịch bản dần dần đã có sự biến hóa linh hoạt để thích ứng với từng loại hình sáng tác. Lịch sử loài người là lịch sử của những kế thừa. Điện ảnh ra đời là sự kế thừa của nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, điêu khắc, hội họa, âm nhạc; còn truyền hình là sự kế thừa từ điện ảnh và báo chí. Như vậy, sự ra đời của các dạng kịch bản đều là một sự phát triển có tính kế thừa, tính chọn lọc trên cơ sở đặc thù riêng của mỗi loại hình.

Mỗi loại hình văn học nghệ thuật, điện ảnh hay truyền hình (có thể coi truyền hình cũng là một loại hình mang tính chất nghệ thuật, bởi truyền hình là sự kết hợp của điện ảnh và báo chí) đều có những đặc thù riêng, đặc trưng và tính chất riêng. Vì thế, khái niệm kịch bản đi vào từng loại hình được “biến hóa” sao cho phù hợp với những tính chất đặc trưng riêng của nó. Do đó, nó có nhiều hình thức biểu hiện đa dạng chứ không phải chỉ là vở kịch ở dạng văn bản, vấn đề này chúng tôi xin đề cập phân tích ở những phần sau.

Các loại kịch bản khác nhau như vậy liệu có thể gọi chung từ gốc “kịch bản” trong kịch bản văn học, sân khấu, điện ảnh truyền hình được hay không. Tại sao gọi chung là kịch bản nếu giữa chúng không có nét gì chung. Điểm chung, nét chung nhất của các loại kịch bản này là gì? Đó là tác dụng, vai trò, chức năng của kịch bản.

So với các loại hình nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, thơ văn, âm nhạc, một đặc trưng là từ khâu ý đồ sáng tác đến hoàn thành tác phẩm có thể hoàn toàn do công lao của người nghệ sỹ, cá nhân người nghệ sỹ. Đó là những sáng tạo “âm thầm” của mỗi cá nhân nghệ sỹ với biến động cuộc đời. Trong khi đó, sân khấu (kịch nói, kịch truyền thống), điện ảnh, lại là một nghệ thuật tập thể có sự đóng góp của diễn viên, tác giả kịch bản, họa sỹ trang trí, nhạc sỹ, người làm công tác hậu trường…dưới sự điều khiển của đạo diễn. Tác phẩm truyền hình cũng là kết quả góp sức của tập thể đạo diễn, biên tập, cộng tác viên, kỹ thuật viên, quay phim… Người tham gia làm ra sản phẩm đều phải tập trung góp phần tạo ra sản phẩm hay nhất, tốt nhất. Đối với tính chất làm việc tập thể này, sự có mặt của một kịch bản hết sức có ý nghĩa. Kịch bản trước hết vạch ra “đề cương” tác phẩm, thứ hai, kịch bản đóng vai trò như một yếu tố liên hệ giữa những cá nhân có liên quan đến công việc, liên hệ giữa yếu tố kỹ- nghệ thuật, thống nhất nhất hành động, các phương tiện biểu hiện ăn khớp bổ trợ cho nhau tạo nên một chỉnh thể, một tác phẩm hoàn hảo.

Kịch bản là một vở kịch, một bộ phim, một chương trình được phác thảo, mô hình hóa, trên văn bản với tư cách là một đề cương, hay chi tiết đến từng chi tiết nhỏ (tuỳ theo yêu cầu của mỗi loại hình), là cơ sở chính cho “tập thể tác giả” làm nên, hoàn thiện tác phẩm của mình.

2. Nguồn gốc kịch bản

Theo định nghĩa trên đây kịch bản là “một vở kịch dạng văn bản”, kịch bản ra đời cùng với sự xuất hiện của loại hình kịch (hay phương thức kịch).

“Kịch thường được hiểu vừa theo nghĩa là một loại hình nghệ thuật sân khấu, vừa có nghĩa là một kịch bản văn học”.

Như vậy nguồn gốc của kịch bản là kịch bản văn học. Nghiên cứu kịch bản văn học qua phương thức kịch. Là một thể loại văn học nằm trong thể loại kịch, tác phẩm kịch nói chỉ thực sự khai thác trọn vẹn khi được trình diễn trên sân khấu. Kịch cũng là một loại hình sân khấu. Sau lao động của nhà văn (người sang tác kịch bản văn học) là chặng đường sáng tạo thứ hai của đội ngũ nghệ sỹ sân khấu gồm đạo diễn, diễn viên, nhạc sỹ, họa sỹ. Bằng những ưu thế riêng của dàn dựng, diễn xuất, âm nhạc, trang trí…họ đã tái hiện sinh động, trực tiếp nội dung của kịch bản văn học trên sân diễn.

Không phải bất cứ một kịch bản văn học nào cũng có điều kiện được dàn dựng trên sân khấu. Kịch bản văn học có đầy đủ những đặc trưng riêng trong cấu trúc hình tượng, trong phương thức biểu hiện, trong ngôn ngữ nghệ thuật nên người ta vẫn có thể thưởng thức tác phẩm kịch bằng cách đọc kịch bản văn học. Khác với kịch múa, kịch hát, kịch sân khấu truyền thống (như chèo, tuồng, cải lương)… là những loại hình chỉ có thể thưởng thức được nếu chúng được trình diễn trên sân khấu, bởi lẽ, phương tiện biểu hiện chủ yếu của những loại hình này mang tính đặc thù cao: những động tác múa nếu đó là kịch múa, là làn điệu đó là kịch hát. Tuy nhiên, kịch bản không thể thay thế và bộc lộ được đầy đủ vẻ đẹp của một tác phẩm kịch như được trình diễn trên sân khấu. Các nhà viết kịch nổi tiếng thế giới như Molie, Secxpia hay những nhà văn chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản văn học như Gôgôn, Ôxtơrôpxki, Sêkhốp, Gorki… đều thừa nhận mối liên hệ mật thiết giữa kịch bản văn học với bộ môn nghệ thuật sân khấu, trong đó kịch bản văn học là linh hồn, là cái gốc của sự thành công. Vì thế việc tìm hiểu đặc trưng của thể kịch bản văn học theo hướng tiếp cận từ phía sân khấu là hợp lý.

Cũng như các loại hình sân khấu khác, đặc trưng của kịch không thể thóat li khỏi những điều kiện sân khấu và giới hạn về mặt không gian, thời gian, khối lượng sự kiện, số lượng nhân vật. Tác phẩm kịch không chứa một dung lượng hiện thực lớn, bề bộn như tiểu thuyết, cũng không lắng lại trong những mạch chìm của cảm xúc như thơ trữ tình. Gạt bỏ đi tất cả những rườm rà, tản mạn, không phù hợp với điều kiện sân khấu, kịch lựa chọn những xung đột trong đời sống làm đối tượng mô tả.

3. Những đặc trưng và yếu tố của kịch

a. Xung đột kịch

Cũng là việc miêu tả những bức tranh sinh hoạt của đời sống xã hội, nhưng không giống với thơ ca, tiểu thuyết, không gian và thời gian của một tác phẩm kịch bị giới hạn, không có thì giờ rông dài để mạn đàm, giải thích, luận bàn. Trong kịch hiện thực bị dồn nén. Cốt truyện phải có tính kịch.

Nhà phê bình văn học nổi tiếng Bêlinxki đã nhận xét:

“Tính kịch được bộc lộ bằng sự va chạm, xô đẩy giữa những tư tưởng có khuynh hướng chống đối và thù địch nhau”.

“Nếu hai người tranh cãi nhau về một vấn đề gì đó thì ở đây không có kịch và cũng không có yếu tố kịch, nhưng khi người ta cãi nhau mà người này muốn trội hơn người kia cố sức đánh vào mặt nào đó của tính cách, đánh vào những điểm yếu rồi thông qua đó mà biểu lộ các tính cách trong cuộc cãi nhau làm cho có quan hệ mới đối với nhau, thế thì đây đã là kịch rồi”. Tính kịch bộc lộ qua những xung đột, mang sắc thái thẩm mỹ khác với những xung đột thơ và tiểu thuyết. Đó là tính tập trung cao độ của xung đột kịch, sự chi phối trực tiếp đến cấu trúc tác phẩm, đến nhịp độ vận động khác thường của cốt truyện, xung đột là động lực thúc đẩy phát triển của hành động kịch, nhằm xác lập nên những mối quan hệ mới giữa các nhân vật vốn được coi là kết thúc tất yếu của tác phẩm kịch.

Thiếu xung đột, tác phẩm sẽ mất đi đặc trưng cơ bản của thể loại và không thể là một kịch bản văn học.

Để khám phá được vấn đề thuộc về bản chất của đời sống xã hội, người viết kịch phải tạo được những xung đột mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Hiện thực là sự vận động đa chiều của các phạm trù thẩm mỹ (cái đẹp-cái xấu; cái cao cả– cái thấp hèn; cái thiện – cái ác; cái tiến bộ – cái lạc hậu). Xung đột kịch thường nằm ở thời điểm cao trào của sự vận động ấy. Từ những mâu thuẫn tồn tại trong lòng hiện thực, người viết kịch bản phải tiến hành quá trình chọn lọc, tổng hợp, sáng tạo nên những xung đột vừa mang tính chất khái quát, vừa mang tính điển hình hóa.

Xung đột kịch có thể được biểu thị bằng mối xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa tính cách với tính cách hay trong bản thân một tính cách.

Tất cả đều phải đạt đến tính chân thực và điển hình. Thiếu ý nghĩa điển hình, kịch bản văn học chỉ là sự mô phỏng những mâu thuẫn vụn vặt, tầm thường của cuộc sống, thiếu ý nghĩa chân thực, kịch bản văn học chỉ là sự giả tạo, là những dòng lý thuyết suông.

b. Hành động kịch

Trong đời sống hàng ngày, hành động là phương tiện bộc lộ rõ rệt bản chất của từng người. Trong văn học, kịch là thể loại mang lại sự nhận thức thực tại thông qua hành động. Tuy nhiên hành động ở đây không chỉ là động tác, cử chỉ của nhân vật mà là hành động trong mối tương quan với các yếu tố cấu thành nên tác phẩm như xung đột cốt truyện và nhân vật, được thể hiện trong kịch bản văn học.

Trong kịch, nếu xung đột là điều kiện cần thiết làm nảy sinh tác phẩm thì hành động lại là yếu tố duy trì sự vận hành của tác phẩm đó.

Xung đột là một quy tụ, chọn lọc và tổ chức hành động kịch, hành động kịch là sự thể hiện trực tiếp nội dung của xung đột kịch, nhưng hành động là yếu tố giải toả nội dung của xung đột ấy và nó là yếu tố đặc trưng không thể thiếu đối với bất kỳ một kịch bản văn học nào. Hành động kịch thường phát triển theo hướng thuận chiều của xung đột kịch. Xung đột càng căng thẳng thì thiên hường hành động càng trở nên quyết liệt, làm tăng thêm sự hấp dẫn của tác phẩm.

Hành động kịch là một chuỗi hành động liên tục xoay quanh trục xung đột “các hành động vấp phải phản hành động thì phản hành động lại thúc đẩy hành động” (Xtanilapxki). Cứ như thế, nội dung câu chuyện kịch vận động nhanh tới kết thúc.

Do sự chi phối của sân khấu, cột truyện kịch thường rất chặt chẽ, tập trung. Nó không dung nạp những chi tiết vụn vặt, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề (khác với loại ca kịch truyền thống: thường xuất hiện đoạn trữ tình ngoại đề qua các lời ca, tiếng hát) ngoài cốt truyện như trong mạch tự sự.

Cốt truyện bằng hành động xoáy vào trọng tâm xung đột bằng sự liên kết theo một quy luật riêng: quy luật nhân quả (hành động này là kết quả của hành động trước và lại là nguyên nhân của hành động sau). Theo hướng vận động đó các cảnh, các màn, các hồi, các lớp liên kết chặt chẽ với nhau, loại bỏ những gì thừa thãi, vượt đến đỉnh điểm của xung đột và hướng nhanh tới kết thúc.

Mối quan hệ giữa hành động và nhân vật kịch là trục chính để xác định tính cách của nhân vật. Nhân vật kịch luôn tự khẳng định bản chất của mình bằng hành động. Bản chất đố được thể hiện qua những dằng xé dữ dội từ bên trong và những hành động quyết liệt bên ngoài.

Do đặc trưng của thể loại, nhận vật kịch không được khắc họa tỉ mỉ nhiều góc độ như nhân vật trong tác phẩm tự sự dài. Kịch là chộp những khoảng thời gian trong cuộc sống có sự xuất hiện những xung đột gay gắt, nóng bỏng nhất để phản ảnh cuộc sống trong tác phẩm. Vì thế nhân vật kịch hiện hình trong tác phẩm vào đúng thời điểm “bước ngoặt số phận”. Sau khi xuất hiện, nhân vật nhập ngay vào tuyến xung đột và bị cuốn nhanh vào guồng hành động của tác phẩm. Mọi tình huống trong tác phẩm đều góp phần đắc lực để cho nhân vật hành động. Tình huống kịch phải được khai thác tập trung, tiêu biểu của tính cách kịch. Nhân vật kịch không có tính cách đa dạng nhưng lại có được những đường nét nổi bật hơn và xác định hơn về mặt bản chất.

c. Ngôn ngữ kịch

Đối với một tác phẩm kịch tất cả mọi vấn đề xoay quanh hình tượng đều nằm trong ngôn ngữ nhân vật. Đó chính là hình thái tồn tại duy nhất của ngôn ngữ kịch. Các nhân vật kịch hình thành là do những lời lẽ của họ. Tác giả kịch bản không chỉ đứng trong tác phẩm với tư cách là nhân vật trung gian, có thể mách bảo, giải thích, thậm chí giật dây độc giả như trong tiểu thuyết. Tác giả xây dựng nhân vật của mình chủ yếu bằng ngôn ngữ hội thoại, chứ không phải bằng ngôn ngữ miêu tả. Qua ngôn ngữ hội thoại mà cốt truyện được thể hiện và phát triển.

Khi tiếp xúc với kịch bản văn học, chúng ta thấy có những lời chú thích ít ỏi của tác giả. Đó thường chỉ là những gợi ý cho phương pháp dàn cảnh, cách bài trí sân khấu và diễn xuất của diễn viên. Nó sẽ được thay thế hoàn toàn bằng nghệ thuật sân khấu khi kịch bản được trình diễn lúc ấy, nhân vật kịch sống trước chúng ta bằng những lời lẽ đối thoại, kèm theo một ít độc thoại. Tuy nhiên chỉ đối thoại hay độc thoại, trước hết đó là ngôn ngữ khắc họa tính cách.

Mỗi nhân vật với một nguồn gốc xuất thân bản chất xã hội và một đặc điểm cá tính riêng phải có một tiếng nói riêng thật phù hợp.

Ngôn ngữ kịch là một hệ thống ngôn ngữ mang tính hành động. Hệ thống ngôn ngữ ấy có nhiệm vụ mô tả chân dung nhân vật kịch bằng một loạt các thao tác, hành động. tính hành động của nhân vật kịch không chỉ bộc lộ trong hình tượng sân khấu mà nó đã được hình thành ngay từ trong cấu tạo kịch bản văn học. Ngôn ngữ trong tác phẩm kịch phải đảm bảo cho sự phát triển đầy kịch tính của cốt truyện và phân tích hành động theo kiểu dây chuyền của các nhân vật kịch. Tính hành động là đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ kịch là cơ sở giúp cho đạo diễn, diễn viên xử lý thích hợp cho hành động của nhân vật trên sân khấu.

Một yếu tố cuối cùng cũng không thể thiếu đối với một kịch bản văn học của một tác phẩm kịch đó là một hình thái ngôn ngữ hội thoại gần giũ với đời sống, súc tích dễ hiểu và ít nhiều mang tính khẩu ngữ. Khác với hình thái ngôn ngữ mang tính ước lệ; cách điệu trong ngôn ngữ truyền thống như tuồng, chèo hoặc cải lương, ngôn ngữ kịch nói không sử dụng thứ ngôn ngữ xa lạ với đời sống, ngôn ngữ hội thoại giản dị, tự nhiên, gần với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, sự giản dị tự nhiên ấy không mâu thuẫn với cách nói năng giàu ẩn ý và mang tính hình tượng mà có ý nghĩa triết lý sâu xa thường có và phải có trong tác phẩm kịch. Là một hình thái ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ tác phẩm kịch phải đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện. Mặc dù rất gần giũ với ngôn ngữ nói hàng ngày song tác phẩm kịch loại bỏ những lời lẽ thô thiển cũng như những cách nói năng tự nhiên chủ nghĩa. Tài năng của một người biên kịch bộc lộ ngay trong khả năng vận dụng tối đa sức mạnh đặc biệt của ngôn ngữ hội thoại để cấu trúc tác phẩm và khắc họa hình tượng.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net