Trang chủ Thiền học Khí Công Tâm Pháp: Nguyên lý & Dụng công

Khí Công Tâm Pháp: Nguyên lý & Dụng công

by Ngo Thinh
639 views

Khí Công Tâm Pháp – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học.

1.  Nguồn gốc

Không biết từ bao giờ những dân tộc Á đông tìm thấy phương pháp rèn luyện sức mạnh một cách lạ thường là khí công. Người Á Đông có vóc dáng nhỏ bé, phải chống chọi với thiên

nhiên khắc nghiệt hết sức vất vả, phải chiến đấu với nhiều kẻ thù xâm lăng hung hãn, vì thế rất cần một nguồn sức mạnh khác thường để bổ sung cho cơ thể yếu đuối này. Khi đi sâu vào thực hành Khí công, ta sẽ thấy rằng công phu này là cả một triết lý phi thường, cả một kiến thức kỳ diệu về cơ thể học mà văn minh của người đời xưa cách đây mười mấy nghìn năm không thể nào đạt được.

Chuyện Hai Bà Trưng của nước ta cưỡi voi đánh giặc là dấu hiệu tổ tiên ta cũng đã thủ đắc được bí quyết luyện tập Khí công từ rất sớm. Nhiều chiến công oanh liệt của các triều đại chống lại các cuộc xâm lăng phương Bắc cũng cho thấy nền võ học của nước ta đã phát triển rất cao. Có những trận đánh, một quân sĩ ta phải đấu với mười lính giặc, mà vẫn thắng. Sức mạnh đó không thể là sức mạnh của cơ bắp đơn thuần.

Song song với các chiến tích hào hùng, ta cũng có huyền thoại về nguồn gốc dân tộc là con Rồng cháu Tiên. Phải chăng có sự liên hệ rất chắc chắn về nguồn gốc thần tiên của dân tộc với bí quyết Khí công? Phải chăng chỉ có các bậc thần tiên mới thủ đắc các bí quyết siêu phàm về Khí công như thế và truyền dạy lại cho con cháu mình? Phải chăng các huyền thoại về Thánh Gióng, Sơn Thánh, phép thuật của các đời vua Hùng… là không xa với sự thực? Nhưng rồi vì sợ người xấu luyện tập được các bí quyết đặc biệt rồi gây tổn hại cho người vô tội nên cha ông ta đã giấu giếm và làm thất truyền hầu hết.

Hiện nay, Trung Quốc quay lại nâng niu tôn trọng các truyện võ hiệp của Kim Dung, mà trong đó, Khí công là xương sống cho nguồn cảm hứng của tác giả.

Ngày nay, đất nước ta bước vào góp mặt với thế giới và phải cạnh tranh quyết liệt về mọi lĩnh vực để không bị lạc hậu, không bị bỏ rơi, không bị ăn hiếp. Nhưng sức vóc người Việt Nam ta nhỏ bé cũng đồng nghĩa với yếu kém về thể lực. Khi làm việc chung với người nước ngoài, ta bị đuối sức không theo nổi. Như vậy có nghĩa là ta sẽ không bao giờ đạt được những thành tựu như họ chỉ bởi vì không khỏe như họ. Thêm một điều đau lòng nữa là văn hóa đồi trụy tràn lan khiến cho lớp thanh niên tiêu phí sức khỏe vào các cuộc vui sa đọa, càng làm cho năng lực của quốc gia hao tổn thêm.

Muốn cải thiện tình trạng thể lực của dân tộc, ta không còn cách nào khác hơn là phải truyền dạy các phương pháp Khí công vào tất cả mọi người dân, nhất là trường học.

Nhiều phương pháp Khí công đã được giới thiệu đây đó và cũng được nhiều người hăm hở tham gia tập luyện. Nhưng cuối cùng dường như các phương pháp đó chỉ làm người ta bớt bệnh chứ không làm người ta có sức khỏe phi thường như sự truyền tụng về huyền thoại Khí công. Ta cần bí quyết thật sự của Khí công ngày xưa để nâng thể lực của cả dân tộc ta lên với thế giới.

Rồi người tu hành sống đời chay lạt đạm bạc cũng vậy. Nếu không có bí quyết rèn luyện thể lực thì sức khỏe cũng bị đe dọa, kéo theo sự sa sút tâm linh. Nhất là công phu thiền định lại càng đòi hỏi gay gắt một tiềm lực phi thường để hành giả có thể đi sâu vào an định. Chính đức Phật cũng là người đã thành tựu Khí công phi thường khi còn là thái tử nên khi xuất gia tu hành, Ngài đã dễ dàng nhiếp tâm như mong muốn.

Ta bắt đầu bằng các cách dụng công của thiền như Ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, biết rõ toàn thân, quán thân là vô thường hư ảo, thở đúng phương pháp của Phật dạy. Sau vài tháng hay vài năm thuần thục rồi, ta phải áp dụng Khí công Tâm Pháp để tạo ra tiềm lực. Rồi cuối cùng, chính Khí công Tâm pháp lại đưa ta vào sâu thiền định như định hướng ban đầu.

Khí công Tâm pháp là từ của các vị Tổ sư ngày xưa đặt cho Khí công mà có tính chất của thiền vì ngày đó chưa có danh từ Thiền từ Ấn độ sang.

2.  Nguyên lý của Khí công Tâm Pháp

Ta hãy quan sát quá trình phát triển của một cây xanh để hiểu về nguyên tắc của Khí công. Từ nơi hạt mầm, rễ cây sẽ mọc ra trước nhất và đi xuống dưới đất. Kế đến, đọt cây sẽ mọc sau và vươn lên trời. Khoảng chính giữa ngọn và rễ, ta có vị trí gọi là gốc cây.

Trong việc chăm bón cây, ta cũng chỉ chăm bón cho gốc rễ là chính, bằng cách tưới nước, bón phân. Cây héo, tưới nước dưới rễ; cây èo uột, bón phân dưới rễ. Nếu ngược lại, khi cây héo, ta tưới trên những tàng lá đang héo thì không có kết quả gì, chỉ hơi đỡ héo một chút, rồi sau đó cây sẽ chết khô không cứu vãn được.

Cũng vậy, hai chân ta chính là rễ cây, nơi giữ gìn sức mạnh của cơ thể. Ai bị thương tật về chân rồi thì sức khỏe sẽ suy yếu dần. Bụng ngực ta là thân cây, hai tay ta là nhánh cây, đầu ta là hoa quả cây. Gốc cây, phần cực kỳ quan trọng trong việc rèn luyện khí công, chính là phần bụng từ rốn trở xuống đến đáy (bao gồm cả hậu môn và cơ quan sinh dục).

Người luyện Khí công chính là thường xuyên tưới nước bón phân cho khu vực gốc cây này. Gốc cây cơ thể được chăm bón trong Khí công bằng hơi thở và sự để ý nhẹ nhàng. Ngoài ra tuyệt đối không dùng sức, không dẫn động, không co thắt, không gồng, không kéo, không đẩy…

Hệ thống huyệt đạo trong cơ thể là một tổ chức đặc biệt mà Y học Đông phương khám phá (có lẽ bởi các vị thần tiên ngày xưa) lại rất có ý nghĩa trong Khí công. Các huyệt đạo được liên kết với nhau theo từng đường kinh và lạc. Luôn luôn có từng cặp Kinh và Lạc đối xứng với nhau ở hai bên phải và trái. Chỉ có kinh Nhâm ở giữa phía trước và kinh Đốc ở giữa phía sau là đơn lẻ.

Kinh Nhâm xuất phát từ môi dưới chạy xuống dưới cằm, cổ, ngực, bụng, rốn, xuyên qua bộ phận sinh dục, vừa đến hậu môn.

Kinh Đốc xuất phát từ hậu môn, theo xương cùng lên thắt lưng, lên tiếp theo đường xương sống, lên gáy, lên đỉnh đầu, qua trước trán, xuống mũi, kết thúc ở môi trên.

Nhiều huyệt nằm rải rác trên hai Kinh này là đại huyệt, có thể sẽ dẫn đến tử vong nếu bị đánh trúng. Hai Kinh này khép kín với nhau thành vòng chu thiên. Nhiều phái Khí công tập trung tìm cách khai mở vòng Chu thiên này để đạt được sức mạnh siêu đẳng. Tuy nhiên, vì Ý và Khi bị dẫn lên đầu nhiều quá nên Châm Âm bị mất khiến hành giả bị điên loạn cũng không ít.

Chúng ta theo Khí công Tâm pháp sẽ tập trung bồi bổ phần gốc trước, tự nhiên chân khí sẽ chuyển lên khai mở và nuôi dưỡng toàn bộ huyệt mạch, làm cho não bộ phát triển kéo theo sự phát triển tâm linh Thiền định dễ dàng.

Trong việc bồi bổ phần gốc, ta chú trọng ba vị trí cực kỳ quan trọng, đó là:

  • Huyệt Đan điền, một điểm nhỏ dưới rốn khoảng 4 cm.
  • Huyệt Hội âm, một điểm nhỏ nằm giữa bộ phận sinh dục và hậu môn.
  • Ba đốt xương sống dưới cùng, gọi là Long vỉ quan.

Ba vị trí này nối với nhau thành một cung tròn không khép kín, cũng không đối xứng, vì huyệt Đan điền nằm ở vị trí cao hơn Long vỉ quan. Cung tròn này gọi là Khiêm quan.

Huyệt Đan điền tuy nằm ở dưới bụng, nhưng lại chịu trách nhiệm với thùy trán trên não. Khi Đan điền được sung mãn thì Thùy trán khai mở khiến hành giả đạt được Chánh niệm Tỉnh giác, tâm trở nên rỗng sáng, không bị xao lãng theo vọng tưởng.

Huyệt Hội âm tuy nằm ở dưới đáy nhưng lại chịu trách nhiệm với đỉnh đầu. Khi Hội âm sung mãn thì Đỉnh đầu khai mở khiến hành giả trở nên có trí tuệ sắc bén, dễ nhìn ra lỗi lầm sâu kín của mình, lâu ngày tạo nên trực giác.

Long vỉ quan chịu trách nhiệm vùng não rộng lớn phía sau. Khi Long vỉ quan sung mãn thì vùng não phía sau được khai mở khiến cho hành giả vào sâu trong định dễ dàng.

Khi toàn bộ Khiêm quan sung mãn thì tạng phủ dần dần được chỉnh sửa, cải thiện, bồi bổ, sức đề kháng được nâng cao. Chức năng của thận, gan, tim, phổi đều được tăng cường. Đặc biệt hai chân rắn chắc trước, từ từ hai tay sẽ mạnh theo sau.

3.  Dụng công

Muốn dụng công thực hành Khí công Tâm pháp này, trước hết hành giả phải có nền tảng của Thiền đạo Phật, bao gồm những công phu căn bản như ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, biết rõ toàn thân, quán thân là vô thường hư ảo, thở ra thở vào theo Tứ Niệm Xứ. Nền tảng này phải được củng cố vài năm cho vững chắc.

Hành giả cũng phải là người biết tu dưỡng Đạo đức với những tâm lý căn bản như Tôn kính Phật, từ bi thương yêu chúng sinh, khiêm hạ để tôn trọng mọi người. Nếu xuất hiện tâm lý Kiêu mạn thì lập tức phải dừng luyện tập Khí công liền vì tâm lý kiêu mạn sẽ kéo khí lực từ dưới Chân âm chạy lên dữ dội và phá hư bộ não không bao lâu sau đó.

Kế đến, hành giả cũng phải thường xuyên gây tạo nhiều công đức bằng cách giúp đỡ mọi người trong cuộc sống. Nếu có cơ hội thì không bao giờ tiếc công tiếc của để giúp người. Ngày xưa các võ sinh Thiếu Lâm tự phải công quả gánh nước bửa củi để tạo công đức rất nhiều trước khi đi vào luyện tập chuyên sâu.

Khi vào ngồi tập Khí công, hành giả cũng bắt đầu giống như nghi thức vào Thiền, tác ý khởi ba hoặc bốn tâm hạnh căn bản, dụng công theo Thiền khoảng 10 phút rồi mới bắt đầu áp dụng Khí công Tâm pháp như sau:

  • Bàn tay phải để dưới bàn tay trái như thường lệ, nhưng đan chen một ngón trỏ với nhau để giữ hai bàn tay cho kỹ.
  • Hai đầu ngón út chạm vào nhau và chỉa vào huyệt Đan điền. Chỉ chạm nhẹ, vừa đủ, không đẩy vào sâu, không rời ra khỏi da. Động tác này dùng để định vị huyệt Đan điền trong suốt buổi tập. Việc giữ nguyên hai ngón tay út suốt buổi tập như vậy khiến ta có cảm giác mất công, nhưng rất cần thiết nên phải tuân thủ.
  • Khi hít vào, ta cũng để cho hơi thở vào tự nhiên không can thiệp y như Thiền Tứ niệm xứ, nhưng Tâm nhẹ nhàng an trú tại một điểm Đan điền. Nhờ hai ngón tay út định vị Đan điền nên ta cứ việc để tâm an trú nhẹ nhàng tại đó, khi hơi thở vào. Điều cực kỳ hệ trọng là ta chỉ an trú ngoài da chứ không được để tâm sâu vào một ly nào bên trong da thịt. Hoàn toàn ở ngoài da. Chỉ ở ngoài da. Có người sẽ thắc mắc nếu để tâm như vậy thì đâu còn công phu biết rõ toàn thân của Thiền nữa. Đúng là lúc đó ta không còn hoàn toàn biết rõ toàn thân nữa, nhưng nhờ mấy năm biết rõ toàn thân nên ý niệm kiểm soát toàn thân vẫn âm thầm tồn tại.

Không lâu sau đó, khi tâm an định không còn vọng tưởng, tự nhiên cái biết toàn thân sẽ xuất hiện trở lại với trạng thái mới mẻ lạ lùng vững chắc.

  • Bước thứ hai là nín thở. Nín thở khác với dừng hơi thở. Dừng hơi thở chỉ là dừng lại mà không đóng van mũi lại. Còn nín thở là đóng van mũi y như khi ta lặn dưới nước phải nín thở đóng van mũi để không cho nước vào phổi vậy. Khi nín thở thì tâm ta an trú nhẹ nhàng ở huyệt Hội âm. Cũng phải nhớ là chỉ để ý ngoài da, không được để tâm sâu vào da một ly nào. Ta tập nín thở để tâm an trú Hội âm như vậy vài ba tháng cho quen rồi đổi sang phương pháp cố căn. Khi nín thở, ta cố căn một lần, hoặc hai lần, tùy khả năng mỗi người. Công phu Cố căn rất quan trọng, khiến cho não bộ ta vững mạnh lên từng ngày.
  • Bước thứ ba là khi hơi thở đi ra, nhớ là để cho hơi thở ra tự nhiên, ta không được can thiệp điều khiển, khi hơi thở đang đi ra thì ta an trú tâm tại Long vỉ quan (ba đốt xương sống dưới cùng). Nhớ là cũng chỉ an trú tâm ở ngoài sát da, không được để sâu vào đốt sống.

Nhớ là ta không được dẫn hơi thở đi, không được kéo, đẩy, gồng, níu gì cả. Chỉ nhẹ nhàng đổi chỗ an trú tâm theo ba bước khác nhau vậy thôi.

Dấu hiệu để biết ta tu đúng là nguyên vùng đáy của bụng dưới ấm dần lên, tâm rỗng nhẹ, dễ kiểm soát vọng tưởng, đi vào an định dần dần. Trong đời sống thì ta có sức khỏe hơn, trí óc minh mẫn hơn. Còn nhiều kết quả lý thú mà mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận khi dụng công tập luyện.

Bây giờ mỗi thời ngồi thiền, ta tập Khí công Tâm pháp này cũng chính là tu tập Thiền định, vì phương pháp Khí công giúp ta kiểm soát vọng tưởng hiệu quả hẳn lên, giống như ngày xưa Phật nhờ có nội lực sung mãn mà vào định dễ dàng.

Ngoài ra, trong bất cứ lúc nào rảnh rỗi, ta đều có thể tìm chỗ “dợt” năm hoặc mươi mười lăm phút gì cũng đều rất tốt. Ta có vòng tuần hoàn hỗ tương như sau:

  • Càng ngồi tập nhiều thì càng có công lực.
  • Càng có công lực thì càng ngồi được nhiều.

Nếu ta ngồi ít thì ít có công lực. Và ít có công lực thì lại không ngồi được lâu. Nếu khởi điểm của ta là ít công lực nên ngồi cũng không lâu, thì ta sẽ bổ sung bằng cách là ngồi nhiều lần.

Ta sẽ tranh thủ ngồi bất cứ khi nào có dịp, dù mỗi lần ngồi như vậy chỉ được năm mười phút. Nhưng nhờ ngồi nhiều lần nên công lực tăng lên dần dần, để khi vào thời ngồi chính lúc tối hoặc khuya thì ta sẽ ngồi được rất lâu.

Sau vài tháng hoặc vài năm, ta đổi sang một bước cao hơn, đó là:

  • Khi hơi thở vào, ta an trú tâm cả trên Khiêm quan, nghĩa là cả một đoạn cung tròn kéo từ Đan điền tới Hội âm và Long vỉ quan. Nhớ là cái cung tròn Khiêm quan đó nằm sát ngoài da, không được lún sâu vào da thịt một ly nhỏ nào.
  • Khi nín thở, vẫn an trú tâm tại Khiêm quan nhưng Cố căn vài cái. Công phu Cố căn này chỉ được thực hiện khoảng 15 phút đầu thôi, sau đó lúc nín thở không Cố căn nữa, chỉ tiếp tục an trú nhẹ nhàng tại Khiêm
  • Khi hơi thở ra, ta cũng chỉ an trú tâm trên Khiêm quan. Tuy cả ba bước đều an trú tâm tại Khiêm quan, nhưng khi tâm vào định, cả thân chúng ta hiện ra rất rõ, như cái Kim tự tháp sừng sững vững chắc. Cả tâm chúng ta cũng hiện ra rỗng suốt thanh tịnh, nhưng ý niệm bí mật sâu kín bị phát hiện nhanh chóng. Còn công lực thì tùy duyên phước mỗi người mà tăng tiến dần dần.

Giải đáp

Hỏi: Tập luyện Khí công như vậy có được giải thoát không?

Đáp: Nếu ai hướng tâm đi tìm công lực phi thường thì sẽ không giải thoát. Nếu ai hướng về định tâm để đi đến Vô ngã thì sẽ giải thoát.

Hỏi: Ngoài tư thế ngồi kiết già, có thể tập khí công trong tư thế khác được không?

Đáp: Ta có thể vừa chạy jogging vừa theo dõi để tâm ở Khiêm quan, nhớ nín thở ở bước thứ hai. Khi ngồi chuyện vãn với ai, ta vẫn âm thầm để tâm ở Khiêm quan để tranh thủ chút nào hay chút ấy.

Hỏi: Tại sao lại gọi là Khiêm quan?

Đáp: Vì đó là vị trí thấp nhất, hèn kém nhất. Nơi thấp nhất cũng là nơi phát sinh nguồn năng lực cho cơ thể. Cũng giống như hạnh Khiêm cung làm cho vô số đức hạnh khác nẩy nở theo.

Mong sao cho dân tộc ta, những người có lòng thiện, đều được tăng trưởng công lực để sống lợi ích hơn.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net