Trang chủ Mỹ học Giáo dục thẩm mỹ là gì? Bản chất, nội dung, hình thức

Giáo dục thẩm mỹ là gì? Bản chất, nội dung, hình thức

by Ngo Thinh
969 views

Bản chất của giáo dục thẩm mỹ

Khái niệm giáo dục thẩm mỹ trong mỹ học Mác – Lênin được xác định ở hai nghĩa:

Ở nghĩa hẹp, đó là giáo dục quy về cái đẹp: giáo dục cho con người biết thụ cảm, đánh giá và sáng tạo cái đẹp.

Ở nghĩa rộng, đó là sự giáo dục và tự giáo dục, phát huy mọi năng lực bản chất người theo quy luật của cái đẹp. Như vậy, giáo dục thẩm mỹ tồn tại mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống, nó đồng nghĩa với sự hình thành thẩm mỹ.

Giáo dục thẩm mỹ bao giờ cũng nhằm làm hình thành một chủ thể thẩm mỹ biết hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo trên mọi mặt của cuộc sống theo quy luật của cái đẹp.

Như vậy, giáo dục thẩm mỹ theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng đều hướng tới làm cho con người phát triển phong phú và hài hòa và làm cho văn hóa thẩm mỹ được xác lập trong các quan hệ xã hội.

Hay nói cách khác, bản chất của giáo dục thẩm mỹ theo quan điểm của mỹ học Mác – Lênin gắn liền với các hoạt động sáng tạo, nghĩa là con người luôn hướng tới những giá trị mới. Giáo dục thẩm mỹ làm hình thái năng động của chủ thể thẩm mỹ phát triển mạnh mẽ và tự do trên cơ sở nhân sinh quan và thế giới quan đúng đắn. Mỹ học Mác – Lênin khẳng định giáo dục thẩm mỹ là một bộ phận hợp thành sự nghiệp giáo dục toàn xã hội. Nó gắn bó chặt chẽ với giáo dục lao động, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần quốc tế và sự hài hoà giữa truyền thống với hiện đại, cá nhân với xã hội, thể xác với tinh thần. Nhưng giáo dục thẩm mỹ có tính đặc thù khác với mọi phương tiện giáo dục khác là ở bản chất của cái thẩm mỹ của nó. Tuy nhiên giáo dục thẩm mỹ và các hình thức giáo dục khác có mối liên hệ biện chứng với nhau và đều có một mục đích chung đó là sự hoàn thiện nhân cách con người.

Nội dung xã hội của giáo dục thẩm mỹ

Giáo dục thẩm mỹ mang nội dung xã hội sâu sắc trước hết phải nói đến tính dân tộc. Các chủ thể thẩm mỹ hưởng thụ, đánh giá và sáng tạo cái đẹp bao giờ cũng ở một dân tộc nhất định. Xa rời nội dung tính dân tộc, giáo dục thẩm mỹ sẽ đánh mất bản chất xã hội của nó.

Mỗi dân tộc trong xã hội có giai cấp đều có những quan hệ giai cấp khác nhau. Các tình cảm thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ và lý tưởng thẩm mỹ của giai cấp đều phụ thuộc vào điều kiện sinh sống và mục tiêu giáo dục của giai cấp đó. Trong xã hội có giai nhiều cấp khác  nhau cùng tồn tại thì thước đo giá trị thẩm mỹ bao giờ cũng thuộc về giai cấp thống trị.

Tĩnh xã hội của giáo dục thẩm mỹ còn gắn liền với tính thời đại, mỗi thời đại có mục tiêu, hình thức, biện pháp giáo dục và xây dựng các chủ thể thẩm mỹ khác nhau. Thời nô lệ, phong kiến, tư bản và ngày nay, các chủ thể đều mang dấu ấn của thời đại mình.

Các hình thức giáo dục thẩm mỹ

Giáo dục thẩm mỹ với chức năng mục đích:

Thứ nhất, tạo lập sự định hướng giá trị thẩm mỹ cho nhân cách; Thứ hai, phát triển năng lực sáng tạo thẩm mỹ cho nhân cách ấy. Với chức năng và mục đích như vậy, đòi hỏi phải có hình thức giáo dục thẩm mỹ cho phù hợp.

Mỹ học Mác – Lênin khẳng định giáo dục thẩm mỹ gắn bó chặt chẽ với giáo dục lao động. Lao động trong xã hội, trong cộng đồng là hình thức giáo dục thẩm mỹ đầu tiên. Ngoài việc lao động làm hoàn thiện con người ở cả mặt vật chất lẫn tinh thần mà còn bởi lẽ lao động làm nảy sinh tình cảm con người, tình cảm cộng đồng, nó làm cho con người quý trọng sản phẩm của bản thân mình cũng như của người khác trong xã hội. Từ đó, con người biết quý trọng những giá trị kết tinh trong lao động, trong đó có giá trị thẩm mỹ. Hơn nữa, trong thực tiễn lao động xã hội còn là cội nguồn của cảm hứng vô tận cho thưởng thức và mọi sự sáng tạo nghệ thuật với tư cách là đỉnh cao của sáng tạo thẩm mỹ.

Hình thức giáo dục thẩm mỹ thứ hai là thông qua cải thiện môi trường thẩm mỹ, trong đó có văn hoá giao tiếp, ăn mặc, quan hệ đối với vật dụng và với môi trường sống. Trong xã hội hiện đại, con người giữa biển rừng của tiện nghi do mình tạo ra, môi trường tự nhiên dường như thu hẹp lại và nhỏ bé hơn. Vì vậy vấn đề mỹ thuật của công nghệ, mỹ thuật của môi trường ngày càng trở nên quan trọng để tránh tình trạng kỹ trị, cơ giới một cách đơn điệu, chật hẹp…những phẩm chất tinh thần của con người.

Hình thái giáo dục bằng nghệ thuật giữ vị trí trung tâm trong số các hình thức giáo dục thẩm mỹ. Có thể nói xuất phát từ chức năng giáo dục của nghệ thuật nó còn là phương tiện của giáo dục thẩm mỹ. Nghệ thuật nhận ra, rút ngắn, tập hợp các lối sống khác. Nghệ thuật hướng về cái đẹp, cái tốt mà giáo dục con người. Khác với các hình thức giáo dục khác, nghệ thuật thông qua hình tượng của mình để cảm hoá con người. Các tác phẩm có nội dung nhân đạo cao cả là những sáng tạo nghệ thuật có tư cách giáo dục tốt (và ngược lại). Giáo dục nghệ thuật còn có thể tạo nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ở mỗi con người, nó làm tăng khả năng cảm xúc, khơi gợi khả năng sáng tạo của con người được tiếp xúc thường xuyên với nghệ thuật sẽ làm cho con người có tâm hồn thanh cao hơn và tính người hơn.

Giáo dục thẩm mỹ bằng các tư tưởng mỹ học là hình thức giáo dục cao nhất, nó cung cấp cho chủ thể thẩm mỹ những quan niệm cơ bản và đúng đắn để phân tích các giá trị thẩm mỹ. Giáo dục thẩm mỹ bằng các tư tưởng mỹ học dặc biệt quan trọng đối với các chủ thể đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ, nó sẽ tạo cơ sở để hình thành một thị hiếu thẩm mỹ phát triển và lành mạnh, một lý tưởng thẩm mỹ cao đẹp để góp phần định hướng thẩm mỹ cho chúng với tư cách là chủ thể thẩm mỹ.

Giáo dục thẩm mỹ là một bộ phận hợp thành sự nghiệp giáo dục trí, đức, thể mỹ của Đảng ta trong quá trình hình thành nhân cách con người trong quá trình đổi mới. Các nguyên lý mỹ học Mác – Lênin soi sáng mục tiêu giáo dục thẩm mỹ, hình thành sự phát triển hài hoà và toàn diện của con người ở đất nước ta trong giai đoạn hiện nay.

2.7/5 - (3 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]