Đô thị tiếng Anh là Urban; khu đô thị là Urban area.
1. Đô thị là gì?
Theo Luật số 30/2009/QH12 của Quốc hội, Luật quy hoạch đô thị:
Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.
Trong đó:
– Những đô thị là trung tâm chuyên ngành, khi chúng có vai trò và chức năng chủ yếu về một mặt nào đó như: Công nghiệp cảng, du lịch- nghỉ dưỡng, đầu mối giao thông v.v…
– Lãnh thổ đô thị gồm: Nội thành hoặc nội thị (gọi chung là nội thị) và ngoại ô. Các đơn vị hành chính của nội thị gồm: Quận và phường, còn các đơn vị hành chính của ngoại ô gồm: Huyện và xã.
– Quy mô dân số: Quy mô dân số tối thiểu của một đô thị không nhỏ hơn 4.000 người. Riêng ở miền núi, quy mô dân số tối thiểu của một đô thị không nhỏ hơn 2.000 người. Quy mô này chỉ tính trong nội thị.
– Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp: Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp của một đô thị không nhỏ hơn 60%. Tỷ lệ này chỉ tinh trong nội thị. Các đơn vị hành chính của nội thị gồm: Quận và phường, còn các đơn vị hành chính của ngoại ô gồm: Huyện và xã.
Lao động phi nông nghiệp bao gồm:
- Lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
- Lao động xây dựng cơ bản.
- Lao động giao thông vận tải, bưu điện, tín dụng, ngân hàng.
- Lao động thương nghiệp, dịch vụ, du lịch.
- Lao động trong các cơ quan hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, phục vụ nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
- Các lao động khác… ngoài khu vực sản xuất nông nghiệp.
– Cơ sở hạ tầng đô thị: Cơ sở hạ tầng đô thị gồm hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thông tin – liên lạc, cấp nước, cấp năng lượng, thoát nước, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường) và hạ tầng xã hội (nhà ở, các công trình thương nghiệp, dịch vụ công cộng, ăn uống, nghỉ dưỡng, y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, công viên, cây xanh và các công trình phục vụ lợi ích công cộng khác).
Cơ sở hạ tầng đô thị phản ánh trình độ phát triển, mức tiện nghi sinh hoạt của người đô thị và được xác định theo các chỉ tiêu cơ bản sau:
– Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt: Lít/người – ngày.
– Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt: Kwh/người. Mật độ đường phố: Km/km và đặc điểm hệ thống giao thông.
– Tỷ lệ tầng cao trung bình.
– Mật độ dân cư. Mật độ dân cư là chỉ tiêu phản ánh mức tập trung dân cư của đô thị được xác định trên cơ sở quy mô dân số nội thị và diện tích xây dựng trong giới hạn nội thị của đô thị. Đơn vị đo: Người/km2.
Các quốc gia châu Âu định nghĩa đô thị dựa trên cơ bản việc sử dụng đất thuộc đô thị, không cho phép có một khoảng trống tiêu biểu nào lớn hơn 200 mét. Thực tế một số quốc gia quy định về quy mô dân số và cơ cấu lao động đô thị như sau
Quy mô dân số và cơ cấu lao động phi nông nghiệp đô thị
Tên nước | Quy mô dân số (người) | Cơ cấu lao động phi nông nghiệp (%) |
Liên Xô (cũ) | 1000 | > 75 |
Ba Lan | 1000 | > 66,6 |
Việt Nam | 2000 | > 50 |
Các nước đang phát triển, ngoài việc sử dụng đất và mật độ dân số nhất định nào đó, một điều kiện nữa là phần đông dân số, thường là 75% trở lên, không có hành nghề nông nghiệp hay đánh cá.
Theo Marx và F. Enghels (quyển 46, phần I): “Sự tồn tại của đô thị tự bản thân nó khác hẳn vấn đề đơn giản là xây dựng nhiều nhà cửa độc lập với nhau, ở đây cái tổng hợp, cái chung nhất không phải là con số cộng của những bộ phận cấu thành. Đó là một cơ thể sống riêng biệt theo kiểu của nó”.
Theo Dumlao & Felizmenio 1976: Đô thị hay thành phố là một khu vực có mật độ gia tăng các công trình kiến trúc do con người xây dựng so với các khu vực xung quanh nó. Đô thị là một trung tâm dân cư đông đúc, có thể là thành phố, thị xã hay thị trấn nhưng thuật từ này thông thường không mở rộng đến các khu định cư nông thôn như làng, xã, ấp hay bản. Các đô thị được thành lập và phát triển thêm qua quá trình đô thị hóa.
Lãnh thổ đô thị gồm nội thành hay nội thị (gọi chung là nội thị) và ngoại ô. Các đơn vị hành chính của nội thị gồm quận, phường; Các đơn vị hành chính của ngoại ô gồm huyện, xã.
Theo Thông tư số 31/TTLD, ngày 20/11/1990 của liên Bộ Xây dựng và Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ: Đô thị là điểm tập trung dân cư với mật độ cao, chủ yếu là lao động phi nông nghiệp, có cơ sở hạ tầng thích hợp, là trung tâm tổng hợp hay trung tâm chuyên ngành có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, của một miền lãnh thổ, một tỉnh, một huyện hoặc một vùng trong tỉnh hoặc trong huyện.
Luật Quy hoạch Đô thị 2009 và Luật Quy hoạch Đô thị số 49/VBHN-VPQH ngày 10/12/2018 của Việt Nam xác định: Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn.
Có sự khác nhau trên là do sự khác nhau về sự phát triển lực lượng sản xuất mà trong đó đặc biệt là những cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng khoa học kỹ thuật, sự phân công lao động mới, sự xuất hiện các hình thức cư trú mới đô thị,
Việt Nam quy định đô thị là những thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ với tiêu chuẩn dân số cao hơn, nhưng cơ cấu lao động phi nông nghiệp thấp hơn xuất phát từ đặc điểm của nước ta là một nước đông dân, đất không rộng, đi từ một nước nông nghiệp lên CNXH… Cần nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong điều kiện cụ thể nước ta.
Đô thị đã có lịch sử phát triển trên 5000 năm cùng với quá trình nâng cao năng lực sản xuất của cải vật chất và phân công lao động của loài người; trở thành nơi tập trung cao độ về nhân khẩu, kinh tế và mọi hoạt động chính trị, xã hội làm cho hiệu suất sử dụng đất là cao nhất. Cùng với sự hình thành đô thị, đất đai cũng từng bước được chia thành đất đô thị, đất ngoại ô và đất nông thôn.
Hiện nay, đô thị được bổ sung thêm một tiêu chuẩn nữa về cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị: là đô thị, cơ sở hạ tầng có thể hoàn chỉnh, đồng bộ hoặc chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ nhưng phải có một quy hoạch chung cho tương lai.
Các khái niệm liên quan:
- Đô thị mới là đô thị dự kiến hình thành trong tương lai theo định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia, được đầu tư xây dựng từng bước đạt các tiêu chí của đô thị theo quy định của pháp luật.
- Khu đô thị mới là một khu vực trong đô thị, được đầu tư xây dựng mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở.
2. Phân loại đô thị
Theo Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/05/2009 của Chính phủ về phân loại đô thị đô thị bao gồm thành phố, thị xã, thị trấn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập. Đô thị Việt Nam được phân thành 6 loại như sau: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV, loại V. Các đô thị phân loại dựa trên sự khác biệt về chức năng kinh tế, quy mô dân số, mật độ dân số, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp, hệ thống công trình hạ tầng đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị. Trong đó, các chi tiêu về dân số là cơ sở chủ yếu để phân loại đô thị.
– Đô thị đặc biệt là thành phố trực thuộc trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc. Đô thị loại đặc biệt với quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, mật độ dân số khu vực nội thành từ 15000 người/km2 và tỉ lệ phi nông ngiệp trên 90% tổng dân số lao động.
– Đô thị loại I là thành phố trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành, có thể có các đô thị trực thuộc với quy mô từ 1 triệu người trở lên, mật độ dân số tối thiểu là 12000 người/km2.
– Đô thị loại II phải có tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 80% trở lên. Nếu là đô thị trực thuộc Trung ương thi quy mô dân số từ 800000 người trở lên, mật độ dân số trên 10000 người /km2.
– Đô thị loại III là thành phố hoặc thị xã thuộc tỉnh có các phường nội thành, các xã ngoại thành. Quy mô dân số trên 150000 người, mật độ dân số từ 6000 người/km2 trở lên và tỉ lệ dân số phi nông nghiệp từ 75% trở lên.
– Đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh có các phưởng nội thị và các xã ngoại thị. Quy mô dân số từ 50000 người trở lên và mật độ dân số 4000 người/km, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 70% trở lên.
– Đô thị loại IV, đô thị loại V là thị trấn thuộc huyện có các khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn. Quy mô dân số từ 4000 người trở lên, mật độ dân số trên 2000 người/km2 và tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 65% trở lên.
3. Đặc điểm, tính chất và chức năng của đô thị
3.1. Những đặc điểm cơ bản của đô thị
a. Đô thị là nơi tập trung nhiều vấn đề và có tính toàn cầu:
– Vấn đề môi trường: Tốc độ gia tăng quá nhanh về công nghiệp hoá và đô thị hóa dẫn đến phá huỷ một phần hệ môi trường sinh thái, gây ô nhiễm… trong khi khắc phục các sự cố rất chậm chạp, không đầy đủ vì nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân quan trọng là tài chính hạn chế.
– Vấn đề dân số: Tốc độ gia tăng quá nhanh về dân số và dân số đô thị, hai hướng chuyển dịch dân cư diễn ra song song. Theo chiều rộng: từ nông thôn vào thành thị (dân lao động), từ đô thị nhỏ vào đô thị lớn, từ nước nước kém phát triển đến nước phát triển, từ thành thị ra ngoại thành. Theo chiều sâu: chuyển dịch cơ cấu lao động, từ các hoạt động nông nghiệp sang phi nông nghiệp ngay trong lòng nông thôn (đầu tư thấp, hợp tâm lý người Việt Nam là ly nông bất ly hương…).
– Vấn đề tổ chức không gian và môi trường: Quy mô dân số đô thị tập trung quá lớn không điều hoà nổi gây bế tắc trong tổ chức môi trường sống đô thị.
b. Quan hệ thành thị và nông thôn luôn tồn tại, ngày càng trở nên quan trọng:
Khi muốn tìm hiểu hoạt động của đô thị, cần phải nghiên cứu vùng nông thôn. Không thể hiểu được đô thị hoạt động như thế nào nếu không biết đến những ảnh hưởng qua lại giữa đô thị và vùng nông thôn. Khi hệ thống địa giới hành chính bắt đầu được hình thành.
c. Đô thị là một thị trường lao động:
Người lao động muốn làm việc vì họ muốn khoản tiền kiếm được từ công việc, vì vậy họ cung cấp sức lao động của mình. Các ngành kinh tế muốn vận hành quá trình sản xuất có hiệu quả, chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của người lao động Nhưng sau đó người lao động sẽ mua những hàng hoá được sản xuất bởi các ngành kinh tế. Vì vậy các ngành cần đến lao động cũng như người lao động cần cung cấp sức lao động của mình. Lao động trong đô thị được chuyên môn hoá cao và do đó giá cả sức lao động ở đô thị cũng cao hơn ở nông thôn.
d. Đô thị là một thị trường tiêu thụ:
Đô thị là nơi tập trung đông dân với hoạt động sản xuất chuyên môn hoá cao, nên nhu cầu cung cấp, trao đổi hàng hoá, hay tiêu dùng cũng rất cao. Sự bố trí sắp xếp hệ thống dịch vụ, thương mại trong dự thầu là vấn đề quan trọng để phục vụ người dân đô thị.
e. Đô thị như là một nền kinh tế quốc dân:
Đô thị được coi như là một nền kinh tế quốc dân vì đô thị cũng được giới hạn về mặt hành chính, hoạt động của nó có tính độc lập tương đối.
3.2. Tính chất và chức năng cơ bản của đô thị
Tính chất và chức năng của đô thị là khởi điểm logic của phát triển kinh tế đô thị, cũng là kim chỉ nam quan trọng phát triển kinh tế đô thị, con đường phát triển đô thị. Nghiên cứu tính chất và chức năng đô thị có vị trí “chủ đạo hàng đầu” trong lĩnh vực quản lý và quy hoạch kinh tế đô thị.
Tính chất của sự vật chỉ tính quy định về bản chất, đặc điểm bên trong của sự vật ấy, tức đặc trưng của bản chất của sự việc, bản chất này do mâu thuẫn đặc thù nội bộ sự vật quyết định, nó hiện ra và tồn tại thông qua sự so sánh với các sự vật khác và có mối liên hệ với các sự vật khác.
Tính chất của đô thị, giới học thuật đã hiểu cụ thể theo thói quen nghiên cứu từ góc độ kinh tế học, chủ yếu chỉ chức năng chủ yếu của đô thị, là ngành sản xuất chủ đạo phản ánh chức năng chủ yếu của đô thị. Quan điểm này đã đưa vào “Từ điển kinh tế học đô thị”, tức là ngành sản xuất cơ sở của đô thị. Sau khi có ngành sản xuất cơ sở (cũng gọi là ngành sản xuất chủ yếu) đòi hỏi có những ngành sản xuất phụ trợ, dịch vụ và một hệ thống cơ cấu hoàn chỉnh tương ứng được hoàn thành, đây là hệ thống cơ cấu ngành sản xuất của đô thị.
Tính chất đô thị quan trọng ở chỗ: Ngành nghề chủ đạo và ngành nghề cơ sở có tác dụng hướng dẫn, lan tỏa và thúc đẩy quan trọng đối với ngành nghề phụ trợ và dịch vụ khác của đô thị. Tốc độ phát triển và hiệu quả của một đô thị không chỉ tùy thuộc vào các chức năng từng mức độ của ngành nghề chủ đạo và các ngành nghề trụ cột, nghề phù trợ và dịch vụ của đô thị mà còn tùy thuộc vào mức độ quan hệ và mức độ điều hòa giữa chúng như thế nào.
Tính chất của đô thị thể hiện: sau khi xác định chức năng chủ yếu của đô thị hoặc ngành sản xuất chủ đạo thì cần nghiên cứu xác định sâu hơn nữa ngành sản xuất phụ trợ và ngành dịch vụ cần phát triển tương ứng bám sát chức năng chủ yếu hoặc ngành sản xuất chủ đạo. Sự thể hiện của các ngành sản xuất sau cũng là chức năng tương quan của đô thị. Tính chất đô thị đặt vị trí đầu tiên là các hạng mục quy hoạch tổng thể đô thị, nó là căn cứ quan trọng hàng đầu của quy hoạch đô thị.
Cho nên, tính chất và chức năng đô thị thực tế là tiền đề nghiên cứu phát triển kinh tế đô thị và thực hiện tối ưu cơ cấu ngành sản xuất. Không nghiên cứu rõ tính chất và chức năng đô thị trước hết thì không thể bàn đến sự phát triển kinh tế đô thị và tối ưu hóa cơ cấu ngành sản xuất đô thị, càng không thể bàn đến sự điều hòa, sự phát triển bền vững với tốc độ nhanh, lành mạnh của kinh tế đô thị.
Nhưng sự nghiên cứu tính chất và chức năng đô thị không thể chỉ bàn trong phạm vi khu vực hành chính đô thị, mà cần có quan điểm có sự phân công của khu vực lao động và khu vực công nghiệp.
Tính chất và chức năng của đô thị có tính ổn định nhất định, nhưng lại không giống như con người mưu tìm “nghề nghiệp suốt đời”. Ngành nghề đô thị dựa vào các nhân tố tài nguyên, thị trường, kỹ thuật, tiền vốn để phát triển, các nhân tố này luôn thay đổi nên tính chất và chức năng của đô thị sẽ biến đổi tương ứng, nhưng lại không giống như con người hoàn thành một cách đơn giản theo kiểu “vượt rào”. Tỷ lệ cơ cấu giữa ngành nghề và các loại ngành nghề khác của đô thị thường ở trong quá trình luôn biến đổi. Bất cứ nơi nào và lúc nào đều có thể có sự trao đổi về chất năng động này phản ánh trên chừng mực rất lớn và có tính quyết định tốc độ và hiệu quả phát triển kinh tế đô thị.
Tính chất quan trọng của việc nghiên cứu tính chất và chức năng đô thị là:
- Nó là yêu cầu và sự thể hiện tất yếu của lý luận phân công và hợp tác của khu vực, là nhu cầu cùng phát triển phồn vinh của đô thị và khu vực;
- Nó là nhu cầu phát huy ưu thế đô thị, nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, thực hiện tối ưu cơ cấu ngành sản xuất đô thị, bảo đảm kinh tế đô thị phát triển liên tục, hài hòa;
- Nó là nhu cầu xác định chiến lược và quy hoạch phát triển đô thị nhằm phát triển có trật tự đô thị, tránh đặt hạng mục đầu tư mù quáng và sự mất kiểm soát trong phát triển;
- Nó là nhu cầu cải tạo đô thị, xây dựng đô thị, đổi mới đô thị, sang tạo sức sống và đặc sắc đô thị, xây dựng hình tượng đô thị, mở rộng ảnh hưởng đô thị.
4. Những lĩnh vực hoạt động được quan tâm tại đô thị
a. Những lĩnh vực hoạt động của đô thị
Nói đến sự hoạt động của đô thị là nói đến sự hoạt động của con người trong mối liên hệ với những tổ chức, cơ quan. gia đình. xã hội hoạt động trong sự phân công lao động xã hội nhất định. Nếu nhìn vẻ ngoài một đô thị ta thấy các hoạt động: Giao thông (đi lại), sản xuất, buôn bán, học tập, nghỉ ngơi, giải trí.. Liên quan tới các hoạt động đó là dường sả, đất đai, nhà ở, trưởng học, bệnh viện, công viên việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cả nhân và công cộng. Toàn bộ các hoạt động đó có thể gộp thành ba nhóm hoạt động lớn: di lại, nghỉ ngơi và làm việc. Người dân ở nhà hay đến công viên, nơi vui chơi giải trí là để nghỉ ngơi họ đến cơ quan công sở hay trường học là để làm việc học tập, hoạt động đi lại là điều kiện để họ di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, gắn với ba hình thái hoạt động đó là hàng loạt các dịch vụ khác nhau như nhà ở, trường học, bệnh viện, môi trường, công ty bảo hiểm, thông tin…
b. Những lĩnh vực hoạt động được quan tâm tại đô thị
Quản lý là hoạt động mang tính kinh tế – xã hội, người ta cần tính đến hiệu quả của công tác quản lý. Vì hoạt động đô thị đa dạng và phức tạp, cần có sự lựa chọn, phân loại đối tượng quản lý.
Có tám lĩnh vực của quản lý đô thị cần được quan tâm như sau: 1. Quản lý đất đai; 2. Cơ sở hạ tầng: 3. Dân số & lao động; 4. Phát triển kinh tế 5. Giao thông và thông tin; 6. Môi trường; 7. An ninh xã hội; 8. Tài chính đô thị.
Nguồn tham khảo:
- Nguyễn Đinh Hương, Nguyễn Hữu Đoàn, Giáo trình Quản lý đô thị, NXB thống kê, 2013
- Bùi Mạnh Hùng, Kinh tế Đô thị, NXB Xây dựng 2020
Mua sách Kinh tế Đô thị, Bùi Mạnh Hùng, NXB Xây dựng 2020 tại: Đây