Định ngữ là thành phần phụ trong câu. Định ngữ được nhận diện thông qua từ mà nó hạn định. Những từ này có thể là thành phần chính (chủ ngữ, vị ngữ) cũng có thể làm thành phần thứ (bổ ngữ). Có loại định ngữ cho cả câu. Quan hệ giữa định ngữ và đối tượng được định ngữ là quan hệ hạn định.
Trong câu, danh từ thường có các định ngữ sau:
Định ngữ chỉ lượng do số từ, đại từ chỉ định, phụ từ tạo thành. Ví dụ:
Mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một hàng quân danh dự.
Cả bầy hăng máu phóng như bay.
Định ngữ chỉ loại do danh từ vật thể (danh từ trung tâm có định ngữ là một danh từ chỉ đơn vị tự nhiên hay quy ước) tạo thành.
Ví dụ:
Mười tám cây vạn tuế tượng trưng cho một hàng quân danh dự.
Định ngữ chỉ loại kết hợp chặt chẽ với danh từ trung tâm, biểu thị sự vật được nêu trong câu.
Định ngữ miêu tả, đứng sau danh từ trung tâm (hoặc sau danh từ trung tâm và định ngữ chỉ loại) chỉ các đặc điểm riêng của vật được qui chiếu nêu ở cụm danh từ. Định ngữ miêu tả do từ, cụm từ chính phụ, cụm từ đẳng lập hay cụm chủ vị và các cấu trúc ngữ pháp tương đương tạo thành. Định ngữ miêu tả kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp (với danh từ trung tâm) bằng quan hệ từ.
Ví dụ:
Những người chủ vườn tốt bụng và hào phóng thấy thế chỉ cười, ánh mắt thích thú nhìn khách.
Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền.
Định ngữ chỉ xuất, đứng ở cuối cụm danh từ, kết thúc cụm danh từ. Định ngữ chỉ xuất thường do đại từ chỉ định hoặc danh từ riêng tạo thành. Một số định ngữ miêu tả cũng có thể có tác dụng chỉ xuất sự vật do danh từ trung tâm biểu thị.
Ví dụ:
Những em bé Hmông mắt một mí đang chơi đùa trước cửa hàng mậu dịch.