Danh từ là gì? Chức năng danh từ, phân loại và miêu tả danh từ.
1. Định nghĩa
Danh từ là những từ có ý nghĩa khái quát “ý nghĩa sự vật”. Đó là những từ gọi tên vật thể, hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hội hoặc những từ phản ánh khái niệm trừu tượng được con người nhận thức như các vật thể tồn tại trong hiện thực.
Ví dụ:
– Từ gọi trên vật thể: Ông bà, cha mẹ, thầy giáo, học sinh, bồ câu, bàn, cam…
– Từ gọi tên hiện tượng tự nhiên và xã hội: mưa, sét, ngày, đêm, làm, giá, công ty…
– Từ biểu thị khái niệm trừu tượng: chính trị, đạo đức, tâm hồn.
2. Các tiểu loại
Có thể chia thành 2 loại
a/ Danh từ riêng:
Là những từ dùng để gọi tên riêng của từng người, từng địa danh, từng sự vật … hay nói cách khác đó là những từ chỉ các sự vật riêng lẻ, cá biệt, duy nhất.
Đặc điểm ngữ pháp của danh từ riêng:
– Không kết hợp trực tiếp với những từ chỉ số lượng (số từ).
Ví dụ: Không thể nói: Những (cái) Hà Nội; Sáu Nguyễn Văn Nam
Trong thực tế, đôi khi có thể gặp các kết hợp gồm: Từ chỉ số lượng + danh từ riêng.
Ví dụ:
+ Đó là một Điện Biên Phủ trên không đối với không lực Mỹ.
+ Lớp tôi có hai Nguyễn Văn Nam.
+ Gia đình bạn tôi có ba Honda.
Trong những ví dụ trên tuy về hình thức kết hợp thì đều là:
Số từ + danh từ riêng nhưng về một biểu hiện ý nghĩa lại có sắc thái khác nhau.
TH1: Danh từ riêng không còn có ý nghĩa là địa điểm: Điện Biên, thị trấn Điện Biên … mà mang ý nghĩa tính chất “một Điện Biên Phủ – một thất bại có tính chất nặng nề như thất bại Điện Biên Phủ.
TH 2: Tuy vẫn là chỉ tên riêng một người nhưng do chỗ trùng nhau về tên nên có thể tính toán, phân lượng để tách hẳn một tên ra.
TH 3: Tên riêng chỉ còn ý nghĩa là một nhãn hiệu gắn cho sự vật. Thông thường tên riêng dùng làm nhãn hiệu này không phải gắn vào chỉ một sự vật và một loại sự vật, do đó mà chúng có thể kết hợp được với từ chỉ số lượng.
Ví dụ: Xe máy Honda, rượu Napôlêong
Vì vậy mà chúng ta có thể dùng nhãn hiệu thay thế cho tên sự vật đó: Mua một honda; Hôm nay cửa hàng không có (rượu) Napôlêong.
– Không kết hợp với những từ để hỏi như: nào, gì và các từ chỉ định: này, ấy.
Ví dụ:
+ Không nói Nguyễn Văn Nam nào?
+ Hà Nội này.
Tất nhiên nếu trường hợp có 2, 3 Nguyễn Văn Nam mà muốn tính toán, phân lượng thì vẫn có thể dùng.
Ví dụ: Sinh viên Trung Quốc có 2 người tên Hoa, anh muốn gặp Hoa nào?
– Danh từ riêng chỉ dùng trong tiếng Việt thường dùng dưới dạng kết hợp với danh từ khác để chỉ quan hệ xã hội, gia đình, gia tộc.
Ví dụ: Minh – bác Minh, Hạnh – cô Hạnh, Tạ Quang Bửu – Giáo sư Tạ Quang Bửu.
* Trong chính tả, danh từ riêng phải viết hoa.
b/ Danh từ chung:
Bao gồm tất cả những từ có ý nghĩa khái quát gọi tên một loại sự vật chứ không phải tên riêng của một sự vật.
Danh từ chung có các tiểu loại:
+ Danh từ loại thể (còn gọi là danh từ biệt loại) mang ý nghĩa mờ nhạt, không biểu thị sự vật hiện tượng nên dùng để xác định ý nghĩa cá thể, ý nghĩa chủng loại … con, cái (chiếc) , bức, tờ, cuộn, tấm (quyển), quả .
Danh từ loại thể thường đứng trước 1 danh từ chung chỉ 1 chủng loại nào đó: con gà, cái bàn ..
Danh từ loại thể “con” thường đứng trước danh từ chỉ chủng loại về động vật, “cái” đứng trước danh từ chỉ vật. Trong một số trường hợp “cái” thay thế cho “con”: con dao, con mắt, con sông …
+ Danh từ chỉ vật tổng thể (còn gọi là danh từ chung) là những danh từ bao hàm nhiều đơn thể gộp lại: quân đội, nhân dân, cha mẹ, giấy tờ, ông bà, sách vở … Những danh từ loại này không bao giờ kết hợp với danh từ loại thể. + Danh từ đơn thể là những danh từ chỉ chủng loại của sự vật: trâu, bò, cây, lá, người, ruộng, vườn, nhà, cửa .. . những danh từ thuộc loại này thường kết hợp với danh từ loại thể. Danh từ đơn thể biểu thị ý nghĩa khái quát về một chủng loại sự vật. Nó định danh (gọi tên) một loại sự vật nhất định.
+ Danh từ đơn vị là những danh từ mang nghĩa tính toán, đo lường sự vật: mẫu, thước, mét, cân, tấn, tạ, phút, giờ … Những danh từ này thường kết hợp với số từ và danh từ đơn thể: Ba cân cam, một giờ học.
+ Danh từ chỉ vị trí.
Hiện nay trong tiếng Việt có một số ít danh từ chỉ vị trí như: trên, dưới, trong, ngoài, trước, sau, xung quanh, đông, tây, nam, bắc. Những danh từ này có nghĩa rất khái quát.
Trên bảo dưới thi hành.
Ngoài ấy dạo này rét lắm !
Một số từ trong chúng đã được dùng như quan hệ từ.
+ Danh từ trừu tượng: Là những từ chỉ khái niệm về tự nhiên xã hội con người (tư tưởng, quan niệm trí tuệ, đạo đức, chiến lược, nhiệm vụ …), những từ chỉ những khái niệm khoa học thuật ngữ.
Danh từ trừu tượng không kết hợp với DT loại thể.
Tóm lại: Trừ loại DT dùng để định danh sự vật. Từ loại này bao gồm nhiều tiểu loại. Mỗi tiểu loại có đặc điểm ngữ pháp riêng của mình.
3. Chức năng ngữ pháp chủ yếu của danh từ.
– Làm chủ ngữ trong câu:
Ví dụ: Cuốn truyện này rất hay.
– Ít trực tiếp làm vị ngữ, làm vị ngữ phải có 2 điều kiện:
Kết hợp với từ “là”: Là + danh từ:
Ví dụ: Cây tre là bạn thân của nông dân Việt Nam.
Khi không có “là” phải dùng ngữ điệu.
– Làm bổ ngữ trực tiếp: Tôi muốn mua cuốn truyện này.
– Làm định ngữ (thành tố phụ trong cấu tạo ngữ danh từ riêng)
Ví dụ: Những rừng, lim, sến, táu, bạt ngàn.
– Làm yếu tố chính trong cấu tạo ngữ danh từ.
Ví dụ: Bóng tre trùm mát rượi.