Các nhóm tộc người là ví dụ về nhóm lớn xã hội có ý nghĩa trong quá trình xã hội lịch sử. Khác với tâm lý học giai cấp, các đặc điểm của các nhóm tộc người, trước hết là dân tộc được nghiên cứu nhiều hơn. Một nhánh đặc biệt của khoa học giao thoa giữa Tâm lý học xã hội và Dân tộc học – Tâm lý học tộc người, nghiên cứu riêng biệt những vấn đề nêu trên (Xtêphanhencô, 1999).
Truyền thống nghiên cứu Tâm lý học nhóm tộc người trong Tâm lý học xã hội bắt đầu từ các công trình của W.Wundt trong “Tâm lý học dân tộc”. Sự thâu thuộc về tộc người của cá nhân là nhân tố đặc biệt có ý nghĩa đối với Tâm lý xã hội học. Bởi lẽ nó xác định những đặc trưng nhất định của môi trường vi mô. Trong các điều kiện của môi trường đó, nhân cách được hình thành. Đặc trưng tộc người ở một mức độ nhất định tập trung trong kinh nghiệm lịch sử của mỗi tộc người và việc lĩnh hội các kinh nghiệm này là nội dung quan trọng nhất của quá trình xã hội hóa. Thông qua môi trường xung quanh gần gũi nhất trước tiên là gia đình, nhà trường, cá nhân theo từng mức độ phát triển tiếp cận với đặc trưng văn hóa tộc người, tập quán truyền thống, phương thức, ý thức về sự thâu thuộc vào tộc người phụ thuộc vào các điều kiện xã hội lịch sử cụ thể của sự tồn tại của tộc người đó.
Tương ứng với truyền thống được hình thành trong Tâm lý học xã hội nhóm lớn, trong tâm lý học cộng đồng tộc người phân biệt hai mặt: 1. Tính cách dân tộc – phần ổn định hơn cả – nếp tâm lý (bao gồm, tính cách khí chất và cả truyền thống, tập quán) của một tộc người hoặc cả một dân tộc; 2. Phương diện xúc cảm (bao gồm tình cảm dân tộc, tộc người).
– Tính cách dân tộc: Đây là khái niệm phổ biến hơn cả để mô tả các đặc điểm của nếp tâm lý tộc người (dân tộc). Mặc dù còn nhiều mâu thuẫn vả nhiều tranh luận liên quan đến nội dung của tính cách dân tộc nhưng trong các nghiên cứu cụ thể vẫn có sự đồng thuận tương đối lớn khi mô tả các nét tính cách dân tộc ở nhiều nhóm dân tộc riêng lẻ (tính dũng cảm, yêu lao động, khả năng kiềm chế…). Liên quan đến bản chất của tính cách dân tộc thì ở đây xuất hiện nhiều vấn đề gây tranh cãi. Trước tiên là nét tính cách dân tộc có quan hệ như thế nào với các nét tính cách của mỗi đại diện của nó. Liệu các nét tính cách có phải hoàn toàn chỉ có ở một dân tộc mà hoàn toàn không có ở các nhóm khác (tức là liệu có thể nói rằng một dân tộc nào đó yêu lao động, còn dân tộc khác – cởi mở). Cuối cùng các nét tính cách dân tộc và tính cách xã hội tác động qua lại như thế nào? Do vậy không chỉ đơn giản nói về tập hợp các nét tính cách mà chủ yếu là về mức độ biểu hiện của nét này hay nét khác trong tập hợp đó, về đặc trưng trong cách biểu hiện của nó: Không phải ngẫu nhiên các tài liệu tập trung vào việc xác định một số đặc trưng nào đó. Ví dụ, đặc trưng của người Anh là hài hước, mặc dù sự hài hước không chỉ có ở người Anh. Giải thích sự hình thành tính cách tộc người cũng là công việc được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Các nhà nghiên cứu đã đi theo nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải quyết vấn đề này. Từ cách tiếp cận dựa trên các điều kiện tự nhiên, khí hậu đến tiếp cận dựa trên sự giao thoa và khuyếch tán văn hóa; từ tiếp cận dựa trên các đặc điểm sinh học thể chất, đến tiếp cận hoạt động sống của tộc người. Tuy vậy, câu hỏi này vẫn cần những nghiên cứu tiếp
Trong nghiên cứu tính cách dân tộc, ngoài việc tìm hiểu tập quán và truyền thống, việc phân tích ngôn ngữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi lẽ, việc truyền lại các nét tính cách dân tộc được thực hiện trong quá trình xã hội hóa, trước tiên là trực tiếp qua ngôn ngữ. Tính ổn định tương đối của các nét tính cách dân tộc, dù có sự thay đổi của môi trường được giải thích bằng sự xuất hiện của sức ỳ nào đó, được đảm bảo bằng con đường chuyển giao kinh nghiệm giữa các thế hệ.
– Phương diện xúc cảm của tộc người bao gồm sự đồng nhất tộc người và ý thức tự giác tộc người. Các đặc trưng này liên quan đến ý thức của con người về sự thâu thuộc của bản thân vào một nhóm tộc người nhất định và sự trải nghiệm xúc cảm về việc đó, tức là tiếp nhận và trải nghiệm sự khác biệt văn hóa của nhóm mình với nhóm khác. Cùng với quá trình đó là sự xuất hiện của các khuôn mẫu tộc người.
Tính cộng đồng tâm lý có ở mọi nhóm tộc người được thể hiện trong sự hình thành tình cảm “chúng ta” nào đó. Đối với nhóm tộc người “tình cảm chúng ta” xác định ý thức về các đặc điểm của tộc người mình khác biệt với tộc người khác. Hình ảnh của các nhóm khác, trong đó thường bị làm tầm thường hóa, được hình thành dưới ảnh hưởng của các quan hệ liên nhóm, các quan hệ tạo ra tâm thế đặc biệt cho các đại diện của nhóm khác. Trong đó kinh nghiệm giao tiếp với nhóm tộc người khác có vai trò nhất định. Nếu các quan hệ này trong quá khứ mang tính thù địch thì màu sắc đó được di chuyển sang mỗi đại diện được gặp lại của nhóm đó và bằng cách đó hình thành tâm thế tiêu cực. Thường xuyên hơn cả, khuôn mẫu tộc người xuất hiện vì sự hạn chế của giao tiếp liên nhóm: các nét có ở những đại diện cá biệt của nhóm tộc người (khác) lần lượt được phổ biến ra toàn bộ nhóm (Stêphanhencô, 1999).
Khuôn mẫu được hình thành bằng cách đó sau này ảnh hưởng tới sự xuất hiện của thái độ thiện cảm hay không thiện cảm của tộc người. Bản thân sự ý thức về các đặc điểm của tộc người không chứa đựng định kiến trước chống lại tộc người khác. Nhưng vấn đề vẫn xảy ra cho tới khi sự tương phản của các khác biệt được nhận thức vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên rất dễ chuyển từ sự tương phản sang việc đánh giá nhóm tộc người khác, sang sự thân thiện hay không thiện cảm và khi đó có thể xảy ra sự hạ thấp hình ảnh của nhóm khác. Trong các khuôn mẫu tộc người luôn luôn có sự va chạm mạnh mẽ của những kiểu ảnh hưởng từ ngoài tộc người, trước hết là xã hội, lịch sử, chính trị, cũng như những ảnh hưởng được quy định bởi nội dung văn hóa… Cơ chế tiếp theo của việc biến khuôn mẫu tộc người thành định kiến và sau đó là sự củng cố định kiến trong các học thuyết chinh trị, tư tưởng – vấn đề không phải của Tâm lý học xã hội. Khuôn mẫu tộc người luôn được hình thành trong một vài bối cảnh xã hội nào đó và khi đó chúng có được một hình thức bền vững – định kiến, tức là một cấu tạo có màu sắc xúc cảm tiêu cực mang tính quy chuẩn, chúng dễ dàng được sử dụng như là vũ khí của sự thù hằn dân tộc. Cũng từ đó xuất hiện về phương diện tâm lý học hiện tượng trung tâm tộc người (hay trung tâm luận tộc người, hay tự kì tộc người) – đề cao nhóm tộc người mình, mong muốn tiếp nhận mọi hiện tượng cuộc sống từ lập trường của nó, xác định một cách thống nhất các nét tính cách của tộc người.
Tính tương đối của các khác biệt tâm lý giữa các nhóm là đặc trưng quan trọng của TLH nhóm tộc người (Kon, 1970). Những khác biệt này không thể tuyệt đối hóa và cần được xem như là cái phải sinh từ những điều kiện lịch sử nhất định, được củng cố trong chiều dài của hàng loạt các thế hệ (“sự chuyển giao văn hóa”). Dù cho có tính ổn định tương đối, các nét này có thể thay đổi theo lịch sử. Tâm lý học tộc người đã tích luỹ được một số lượng tương đối lớn những tư liệu thú vị liên quan đến những đặc điểm nếp tâm lý và hành vi của con người, bị quy định bởi sự thâu thuộc của họ vào một tộc người. Do vậy nhiệm vụ đặt ra cho Tâm lý học xã hội và Tâm lý học xã hội tộc người ngày nay tương đối phức tạp. Tính nóng bỏng chính trị của vấn đề trong thế giới hiện đại buộc phải giải quyết các vấn đề này với sự chính xác đặc biệt. Nguyên tắc bình đẳng các dân tộc, đặc trưng cho các chương trình chính trị của các quốc gia dân chủ không biểu thị sự thừa nhận tính giống nhau giữa các dân tộc. Từ đó chỉ ra các đặc điểm dân tộc, trong đó có sự khác biệt trong tâm lý dân tộc vẫn còn là một nhiệm vụ cấp thiết.