Trang chủ Trái đất và môi trường Đá trầm tích là gì? Phân loại đá trầm tích

Đá trầm tích là gì? Phân loại đá trầm tích

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 684 views

Khái niệm đá trầm tích

Đá trầm tích – gốc Latinh là Sedimentum nghĩa là sự lắng đọng. Đá trầm tích là sản phẩm của sự phá hủy cơ học và hóa học các đá đã tồn tại trước chúng do tác dụng của các nhân tố khác nhau (như sinh vật …) trên mặt hoặc ở phần trên cùng của vỏ Trái Đất. Sản phẩm của sự phá hủy được gió, nước chảy, băng hà mang đi và tích đọng ở biển, hồ và một phần trên đường vận chuyển (lòng sông, suối). Quá trình lắng đọng trầm tích xảy ra ở biển được gọi là trầm tích biển. Trầm tích lắng đọng ở biển nhưng vật liệu lắng đọng được đưa từ lục địa ra được gọi là trầm tích lục nguyên. Quá trình lắng đọng trầm tích xảy ra ở trong lục địa (dưới nước cũng như trên cạn) thì gọi là trầm tích lục địa.

Đá trầm tích chiếm 5% tổng khối lượng các đá trong vỏ Trái Đất, song lộ ra tới 75% diện tích bề mặt đất.

đá trầm tích

Khác với đá magma, đa số đá trầm tích có cấu tạo phân lớp và có di tích hữu cơ. Thành phần hóa học đa dạng hơn đá magma và đá biến chất đã tồn tại trước vì trong đá trầm tích có 3 loại thành phần: khoáng vật có trước khi thành tạo trầm tích, khoáng vật thành tạo ở các giai đoạn hình thành đá trầm tích và di tích hữu cơ.

Phân loại đá trầm tích

Căn cứ vào điều kiện thành tạo, đá trầm tích được chia làm 3 loại: Đá trầm tích hình thành ở mọi thời kỳ địa chất. Căn cứ vào các di tích hữu cơ (hóa thạch) tìm được trong đá, người ta có thể xác định được tuổi tương đối của tầng đá.

1-  Đá trầm tích cơ học

Đá trầm tích cơ học được hình thành từ sản phẩm phong hóa của nhiều loại đá, thành phần khoáng vật rất phức tạp. Có loại hạt rời phân tán như cát sỏi, đất sét; có loại các hạt rời bị gắn với nhau bằng chất gắn kết thiên nhiên như cát kết, cuội kết. Đá trầm tích cơ học được phân loại chi tiết hơn dựa trên thành phần độ hạt, cả độ hạt trung bình và khoảng dao động của độ hạt để phân loại và thành phần xi măng gắn kết chúng và được định tên từ loại đá hạt thô cho đến đá sét. Theo các thang phân chia độ hạt khác nhau mà việc phân chia đá trầm tích cũng như tên gọi của đá trầm tích cơ học cũng khác nhau.

Các loại đá hạt thô dựa trên độ mài tròn được chia thành loại tròn cạnh (cuội, sỏi kết) và loại sắc cạnh (dăm kết).

Các loại đá có độ hạt vừa là cát (nếu rời rạc) hay cát kết (nếu gắn kết). Loại đá hạt mịn được gọi là bột hay bột kết.

Loại nhỏ nhất là đá sét. Riêng đối với đá sét, việc phân loại và định tên dựa trên thành phần các khoáng vật sét.

2-  Đá trầm tích hóa học

Loại đá này được tạo thành do các chất hoà tan trong nước lắng đọng xuống rồi kết lại. Đặc điểm là hạt rất nhỏ, thành phần khoáng vật tương đối đơn giản và đều hơn đá trầm tích cơ học. Loại này phổ biến nhất là đôlômit, manhezit, túp đá vôi, thạch cao, anhydrit và muối mỏ.

3-  Đá trầm tích hữu cơ

Đá trầm tích hữu cơ được tạo thành do sự tích tụ xác vô cơ của các loại động vật và thực vật sống trong nước biển, nước ngọt. Đó là những loại đá carbonat và silic khác nhau như đá vôi, đá vôi vỏ sò, đá phấn, đá điatômit và trepen.

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]