Trang chủ Thiền học Cơ chế sinh lý của Thiền

Cơ chế sinh lý của Thiền

by Ngo Thinh
138 views

1.  Não bộ

Hoạt động của tâm thức gắn liền với hoạt động của não bộ. Chúng ta dùng chữ gắn liền để ám chỉ ý nghĩa có liên quan mật thiết nhưng không phải là một. Điều này có nghĩa là những hoạt động của tâm thức vừa dựa vào não bộ, vừa có thể độc lập với não bộ. Nếu não bộ bị tổn thương, lập tức tâm thức con người bị rối loạn, bởi vì tâm thức gắn liền với não bộ.Tuy nhiên khi chết, thần thức thoát khỏi xác, tâm thức thoát khỏi não bộ, thế mà tâm thức đó vẫn tiếp tục hoạt động, bởi vì tâm thức vẫn có thể độc lập với não bộ.Chính vì vấn đề có tính hai mặt đó mà chúng ta không được xem não bộ là tất cả của tâm thức, hay của Thiền. Nếu nghiên cứu Thiền mà chỉ đơn thuần dựa vào não bộ thì vẫn là phiếm diện. Nhưng nếu không biết gì về não bộ thì cũng lại là một thiếu sót. Khoa học vẫn đang ra sức tìm hiểu về não bộ của con người. Nhiều chức năng của não được khám phá dần dần.Trước hết, khi tâm thức hoạt động có nghĩa là não bộ hoạt động; ngược lại, khi tâm thức yên tĩnh có nghĩa là não bộ bớt hoạt động. Có một số dược chất có khả năng gây ức chế khiến não bộ bớt hoạt động, tạo ra cảm giác êm ả tạm thời. Thuốc phiện là một trong các loại đó. Tuy nhiên, những dược chất đó đều gây hiệu quả phụ, ví dụ như lệ thuộc (nghiện), mất sức đề kháng, suy giảm đạo đức…

Thiền là công việc làm giảm bớt hoạt động não bộ chỉ bằng chính tâm thức của mình. Có thể xác định Thiền là dùng tâm thức để làm yên lắng tâm thức, không dùng phương tiện bên ngoài.

Não bộ có nhiều trung khu thần kinh với các chức năng phức tạp khác nhau, nhưng liên lạc chặt chẽ với nhau. Các tế bào não truyền tín hiệu cho nhau vừa bằng các phân tử hóa học, vừa bằng sóng não. Hiện nay có máy đo sóng não. Tạm thời người ta chia não bộ ra những phần chính: cuống não, hành não, đồi thị, vỏ não (thuộc đại não), đại não và tiểu não.

Trong não cũng có các tuyến nội tiết như tuyến tùng, tuyến yên, điều khiển hoạt động của các tuyến nội tiết khác ở cơ thể bên dưới như tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục….

Máu đưa dưỡng chất lên nuôi não như glucose, protein, oxygen, vitamin… Áp lực của máu lên não cũng là vấn đề rất quan trọng. Áp lực máu bị thiếu cũng làm giảm khả năng của não. Áp lực máu bị cao cũng gây nguy hiểm tai biến mạch máu não với những hậu quả khôn lường.

2.  Hai hệ thần kinh đối lập

a. Hệ thần kinh thực vật và hệ thần kinh động vật

Thần kinh động vật là thần kinh hoạt động theo ý muốn của chủ thể (con người). Nó bao gồm những cảm giác, phản xạ, suy tư, tình cảm, sáng tạo, truyền mệnh lệnh cho cơ thể bên dưới. Có những vùng não có khuynh hướng hoạt động liên tục, và ngược lại, có những vùng não có chức năng ức chế sự hoạt động đó. Điều này có ý nghĩa lớn với người tu Thiền muốn giảm dần hoạt động của ý nghĩ.

Thần kinh thực vật là thần kinh tự động, độc lập ngoài ý muốn của chủ thể, điều khiển sự hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn, và những tâm thức sâu kín bí mật khác.

Tuy nhiên cũng có những hoạt động pha trộn cả hai, ví dụ như hơi thở, vừa tự động nhưng cũng có thể được điều chỉnh theo ý muốn. Hơi thở là trung gian giữa hai hệ thần kinh nên sử dụng hơi thở để tu Thiền là phương pháp tối ưu.

Khi vào định sâu, người ta bắt đầu kiểm soát được cả thần kinh thực vật. Có những thiền sư hay đạo sĩ có thể làm cho tim giảm nhịp đập theo ý muốn.

b.  Hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm

Hai hệ thần kinh này thuộc hệ thống thần kinh thực vật. Hệ giao cảm làm tăng cường các hoạt động của cơ, nội tiết, và cũng thúc đẩy ý tưởng tuôn trào. Ngược lại, hệ đối giao cảm làm ức chế các hoạt động đó, và cũng có nghĩa làm dịu bớt vọng tưởng tuôn trào.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là mặc dù người tu Thiền phải làm cho ý nghĩ giảm đi nhưng vẫn phải giữ sự tỉnh táo thường xuyên. Đây là trạng thái chưa được nghiên cứu trong sinh lý của Não bộ.

3.  Tránh những kích thích dây chuyền cho não

Bình thường từ trong sâu thẳm, các neurone (tế bào não) vẫn tự duy trì hoạt động bằng cách liên tục kích thích lẫn nhau, qua lại. Các tín hiệu cứ chuyển đi lan tràn khắp cả não. Những dữ liệu được chứa đựng trong não sẽ kích thích não hoạt động. bản năng tự duy trì hoạt động của chính mình được xem như là bản ngã.

Rồi trong suốt cuộc sống, những dữ liệu bên ngoài cứ tiếp tục được đưa thêm vào cũng kích thích não tiếp tục hoạt động.

Rồi chính những hoạt động cố ý của chúng ta như suy nghĩ, tưởng tượng, sáng tạo, mơ mộng, giận dữ, tham lam,… cũng kích thích các neurone lan truyền tín hiệu thành thói quen. Vì vậy, để giúp cho tâm an trú trong thiền được ổn định, chúng ta phải tránh gây nên những kích thích ban đầu như nóng giận, tham lam, ích kỷ … Chúng ta cũng xóa đi những thói quen nghĩ ngợi lung tung để cho các neurone không còn thói quen hưng phấn.

Những ý tưởng tiêu cực như tham lam, nóng giận, ích kỷ thì gây hưng phấn lan truyền cho não; trong khi những ý tưởng tích cực như vị tha, hiền lành, hy sinh, … lại giúp ức chế, nghĩa là giúp não bớt hoạt động.

4.  Tác động của đời sống

Chất serotonin tiết ra từ cuống não gây thành chất ngủ cũng là chất giúp não bớt hưng phấn trong đời sống bình thường. Nếu mất ngủ hoặc ít ngủ, serotonin ít phóng thích cũng gây não hưng phấn nghĩa là căng thẳng. Vì vậy, chúng ta phải quý giấc ngủ, không được ráng thức để làm việc trừ trường hợp bất đắc dĩ. Nên ngủ đúng giờ để dễ ngủ. Khi ngủ phải tác ý ngủ sâu. Ý niệm về từ bi cũng giúp giấc ngủ tốt hơn. tuy nhiên, ngủ quá cũng làm suy yếu thùy trán vốn chịu trách nhiệm về sự tỉnh giác.

Thức ăn chiếm một vị trí quan trọng trong việc tác động lên hoạt động của não. Có nhiều chất gây hưng phấn neurone quá mức như rượu, thuốc lá, ma túy tổng hợp, một số loại hóa dược, một số gia vị, một số loại thức ăn nào đó … Điều này ta phải khéo để ý trong cuộc sống để rút kinh nghiệm.

Những hoạt động thể lực tay chân lại có lợi cho việc làm dịu đi sự hoạt hóa của neurone. Do đó, nên duy trì những lao động thủ công sơ đẳng dù ta có làm việc bằng đầu óc nhiều hơn. Những hoạt động thể dục rất tốt cho sự ức chế não. Tuy nhiên sự hơn thua quá mức trong thi đấu thể thao lại kích thích não hưng phấn vô ích.

Những giải trí như đánh cờ lại sử dụng năng lực não rất nhiều và khiến não bị kích thích liên tục. Những trò vui ồn náo đông đảo cũng gây kích thích não vô ích.

Tuy nhiên những hoạt động từ thiện chân thành, kín đáo, khiêm tốn, tận tụy lại giúp não tỉnh táo và yên lắng hơn.

Nguồn tham khảo: Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net