Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Chủ nghĩa tượng trưng

Chủ nghĩa tượng trưng

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 723 views

Tượng trưng là kiểu tư duy nghệ thuật đã có trong văn học trung cổ phương Tây và trung đại phương Đông, nhưng ra đời với tư cách một tư trào là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa lãng mạn không chỉ có một bộ phận chuyển thành chủ nghĩa hiện thực, mà còn chuyển thành chủ nghĩa tượng trưng. Cũng là quy luật kế thừa và phủ định chủ nghĩa lãng mạn nhưng cái mà chủ nghĩa hiện thực kế thừa thì chủ nghĩa tượng trưng phủ định, còn cái mà chủ nghĩa hiện thực loại bỏ thì chủ nghĩa tượng trưng kế thừa. Chủ nghĩa tượng trưng gạt bỏ cảm quan lịch sử, trách nhiệm xã hội, nhưng kế thừa tính chủ thể khoa trương, cảm quan huyền bí của chủ nghĩa lãng mạn. Trong sáng tác của những nhà lãng mạn thế kỷ XIX, đã bắt đầu có yếu tố tượng trưng. Nhà người chăn cừu của A. Vigny (1797- 1863), Phòng ở dưới giàn nho của A.Lamartine (1790-1869) đã có sử dụng yếu tố ám thị nhiều hơn là giải thích, hàm súc nhiều hơn là giãi bày.

Chủ nghĩa tượng trưng nảy sinh trong văn học Pháp với những tên tuổi lừng lẫy như Ch. Baudelaire (1821-1867), P. Verlaine (1844-1896), A. Rimbead (1854-1891), Mallarmé (1842-1848)…Sau đó lan rộng thành hiện tượng văn hoá toàn châu Âu, bao gồm sân khấu, hội hoạ, âm nhạc như M.Maeterdinck (Bỉ, 1862-1949), George (Pháp, 1868-1933), G.Hauptmann (Đức, 1862-1946), H. Hofmannsthal (Áo, 1874-1924), O.Wide (Anh, 1854- 1900)… Ở Nga chủ nghĩa tượng trưng xuất hiện vào những năm 90 với N. Minski (1855- 1937), O.Merezkovski (1866-1941), A. Blok (1880-1921), A. Belưi (1880-1934),

B.I.Ivanov (1866-1949)… nhưng mãi đến năm 1886, nhà thơ Pháp J.Moréas (1858) mới ra Tuyên ngôn của chủ nghĩa tượng trưng nên người ta lầm tưởng rằng đến đây mới xuất hiện chủ nghĩa tượng trưng. Bản tuyên ngôn này xuất hiện khi Baudelaire qua đời đã gần hai mươi năm, Rimbead đã “rửa tay gác bút” hơn mười năm và các tác phẩm tượng trưng nổi tiếng của Verlaine, Mallarmé đều đã ra đời. Do đó tuyên ngôn của Moréas chỉ là sự tổng kết, đúc rút về lý thuyết và là người phát ngôn cho chủ nghĩa tượng trưng mà thôi. Và, tuy chủ nghĩa tượng trưng còn ảnh hưởng lớn đến tiến trình văn học thế kỷ XX, nhưng tác động mạnh mẽ của nó vẫn là ở thế kỷ XIX.

Cơ sở triết học của chủ nghĩa tượng trưng xuất phát từ tư tưởng của Platon (427- 347TCN), Kant (1724-1860), A. Schopenhauer (1788-1860), F. Nietzshe (1844-1900). Họ đối lập với chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật, chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa duy vật trong triết học, họ đưa ra nguyên lý về mỹ học và thi học của mình trong đó nhấn mạnh tính nhị nguyên của cái thực tại và cái tinh thần, đối lập với tính xã hội và cá nhân. Tính tinh thần sát nhập với tôn giáo, coi vô thức trực giác là chủ yếu, trong sáng tác nghệ thuật, đưa đến chủ nghĩa duy mỹ, sản phẩm của quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật, chủ nghĩa tượng trưng cho rằng thi ca là nhằm biểu hiện “những tư tưởng nguyên uỷ”, nó là kẻ thù của sự “miêu tả khách quan”, nghệ thuật mang cái đẹp thuần tuý, “những thứ nào vô dụng mới đẹp, những loại có ích đều xấu”, nghệ thuật có “tính độc lập tuyệt đối”, “không cho phép thơ có mục đích nào ngoài bản thể của nó, cũng không cho phép thơ có nhiệm vụ nào khác ngoài việc mang lại mỹ cảm tuyệt đối trong lòng bạn đọc”. Cái hay, cái đẹp của thơ được quyết định bởi tính nhạc và âm luật của chính nó: “Những con chữ rạng rỡ lấp lánh, cộng thêm với tiết tấu và âm nhạc, đó chính là thơ”. Tiêu biểu cho quan niệm “nghệ thuật thuần tuý” này là nhà văn Mỹ E. Poe (1809-1849), người được Baudelaire mến chuộng vì đồng quan niệm và giới thiệu tác phẩm sang Pháp cho rằng “một bài thơ tự nó, vì bài thơ này đúng là một bài thơ, ngoài ra không có gì khác, một bài thơ viết ra chỉ vì thơ mà thôi” (Nguyên lý thơ). Chia thế giới tinh thần ra ba lĩnh vực là “trí tuệ thuần tuý, cảm quan đạo đức, và hứng thú”, E. Poe cho rằng chỉ có hứng thú mới dẫn đến cái đẹp, còn trí lực chỉ dẫn đến chân lý, còn đạo đức chỉ mang đến đạo nghĩa. Beadelaire là người đồng điệu với E. Poe, cũng có sự hô ứng rằng: “Thơ tự nó đã đầy đủ, thơ là vĩnh hằng, chưa từng cầu viện gì bên ngoài nó”. Ông tán thành cách chia thế giới tinh thần của E. Poe và nhấn mạnh: “Thơ không giống với khoa học và đạo đức, nếu không thì sẽ suy thoái và chết đi. Nó không lấy chân thực làm đối tượng, nó chỉ lấy tự thân làm mục tiêu (…) Chân thực không có quan hệ gì với thơ. Ma lực làm nên một bài thơ, tất cả những ưu nhã và không thể chống cự đều có thể tước hết mọi quyền uy và sức mạnh của chân thực. Ngoài việc làm thơ thuần tuý chỉ vì khoan khoái, không có loại thơ nào vĩ đại không hổ thẹn với cái danh hiệu đó” (Beaudelaire mỹ học luận văn tuyển). Beaudelaire còn đề cao tính tưởng tượng đến tột cùng để tạo ra cảm giác tương giao. Ông đã làm hẳn một bài thơ có nhan đề Tương giao trong đó bộc lộ rõ quan niệm của mình: “Thiên nhiên như một ngôi đền thần thánh, có trụ cột sống động. Thỉnh thoảng phát ra những ngôn ngữ mơ hồ. Người đi đến đó như xuyên qua một khu rừng tưởng tượng, khu rừng lộ rõ những ánh mắt thân thiết chăm chú nhìn con người phảng phất từ xa xăm vọng lại những hồi âm dằng dặc du dương. Cùng nhau dựng thành một nhất thể u tối sâu thẳm. Vô biên mênh mang như đêm đen, như ánh sáng. Hương thơm, màu sắc, âm hưởng như tương giao lẫn nhau…” Cảm giác tương giao này có được nhờ phát huy cao độ trí tưởng tượng. Nó đã từng là thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, nhưng được chủ nghĩa tượng trưng khai thác triệt để hơn. Hình tượng tượng trưng là đa nghĩa, bất định, nó ghi lại sự tồn tại của “khu vực bí ẩn” (Mallarmé) của “những cái vô tình và những thế lực định mệnh” (Maeterlinck). Chủ nghĩa tượng trưng cho rằng biểu hiện nội tâm là “chân thực cao nhất”, là mục tiêu của sáng tạo nghệ thuật, nhất là đối với thơ: “Thơ ở chỗ sáng tạo – Mallarmé viết – phải từ tâm linh của nhân loại lấy ra hàng loạt trạng thái, nhiều loạt ánh sáng thuần khiết, tính thuần khiết này hoàn mỹ đến mức, chỉ cần ca hát rất hay những trạng thái và ánh sáng tâm linh, khiến cho nó loé sáng, tất cả những điều đó quả thật là kho báu của con người: ở đó có tượng trưng, có sáng tạo và cái từ “thơ ca” mới thật sự có được ý nghĩa của nó. Tóm lại, đó là tính sáng tạo duy nhất có thể có được của loài người” (Về sự phát triển của văn học). Vượt xa hơn những nhà lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng phản đối tái hiện hiện thực, mà tập trung biểu hiện nội tâm nhưng đẩy đến mức cao hơn là tượng trưng, ám thị, mộng tưởng “ám thị từng điểm một, để biểu hiện ra được một trạng thái tâm linh”. Nghĩa là, thơ không trực tiếp miêu tả đối tượng mà chỉ ám thị, mộng tưởng mới kì diệu, bởi vì: “Thơ phải mãi mãi là một câu đố, đó chính là mục đích của thơ văn” (Mallarmé).

Chủ nghĩa tượng trưng yêu cầu “thơ phải có nhạc tính” (Verlaine), chính trong âm nhạc “tâm hồn nhà thơ mới tiếp cận được cái đẹp thần thánh” (E. Poe). Họ quan niệm thơ như một bản hoà âm huyền ảo, có nét nào đó tương đồng giữa sự sinh sôi của tạo hoá với sự sáng tạo thơ ca. Nếu tạo hoá là một tượng trưng tổng hợp của một bài ca vĩ đại, thì thơ là một đoản khúc hợp thành trong đó. Chủ nghĩa tượng trưng sử dụng các biểu tượng vật thể làm thủ pháp gây ấn tượng. Lối sáng tác của họ (tính liên tưởng, lối nói bóng gió ám thị) đã góp phần cách tân và mở rộng ý thức nghệ thuật. Trung tâm của nhận thức và sáng tạo của chủ nghĩa tượng trưng là trực giác xen lẫn với bừng ngộ, thần bí, khải thị và trạng thái kích động cao. Tuy có yếu tố suy đồi nhưng chủ nghĩa tượng trưng khao khát cái mới, tiên cảm được những biến chuyển và không chấp nhận trật tự tư sản- một thực tại thù địch với nghệ thuật và các lý tưởng tinh thần.

Chủ nghĩa tượng trưng còn bừng dậy thời kỳ hậu tượng trưng với các tác giả như P.Valéry được coi là “nhà thơ lớn nhất nước Pháp thế kỷ XX”; Th. Eliot người từng được trao giải Nobel về văn học (1948) và người có ảnh hưởng lớn nhất đối với văn học Mỹ hiện đại; rồi đến các nhà thơ như W. Yeats (Anh), E.Montaler (Ý)…Ở nước ta nhìn lại phong trào thơ mới, không ít các tác giả đã ảnh hưởng chủ nghĩa tượng trưng như Xuân Diệu (1916-1985), Huy Cận (1919- 2005), Vũ Hoàng Chương (1916-1976) và đặc biệt là ở Đinh Hùng (1920-1967), Bích Khê (1916-1946):

Ai đem phân chất một mùi hương

Hay bản cầm ca tôi chỉ thương

Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc

Như thuyền ngư phủ lạc trong sương

(Xuân Diệu)

Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm

Nàng là hương hay nhan sắc lên hương

Mắt ngời châu rung ánh sóng nghê thường

Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc

Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc

Và chút trăng say đọng ở làn môi

Hai vú nàng! hai vú nàng! Chao ôi

Cho tôi nút một dòng sâm ngọt lộng

(Bích Khê)

Xét về thành tựu và sức sống lâu dài, ngoài chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, thì chủ nghĩa tượng trưng là phương pháp sáng tác có vị trí quan trọng trong tiến trình văn học.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]