Trình bày nguồn gốc và những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh?
Chủ nghĩa hiện sinh là một trường phái triết học chủ yếu trong trào lưu chủ nghĩa nhân bản phi duy lý. Triết học hiện sinh ra đời vào đầu thế kỷ XIX, được khai sinh tại Đan Mạch bởi Kiếckêgơ (S. Kierkegaard 1813 – 1855). Chủ nghĩa hiện sinh phát triển mạnh ở Đức và Pháp từ những năm 20 đến 60 của thế kỷ XX với các nhà triết học tiêu biểu như: Haiđơgơ (Heidegger), Xáctơrơ (J. Sartre),Giaxpơ (Jaspers), Mácxen (Marcel), v.v… Tư tưởng chính của triết học hiện sinh là vấn đề tồn tại của con người. Triết học hiện sinh ra đời do hai nguyên nhân:
Một mặt, do mâu thuẫn của xã hội tư bản đẩy con người vào tình trạng tha hóa, chủ nghĩa hiện sinh ra đời để lên án và kêu gọi con người phải tự cứu lấy mình; mặt khác, phản ứng khuynh hướng tuyệt đối hóa vai trò của khoa học, sùng bái kỹ thuật; hạ thấp hoặc xem nhẹ mặt tinh thần, tâm hồn của cuộc sống con người, v.v…
Triết học hiện sinh là một trường phái triết học phức tạp, nhưng về cơ bản họ coi sự hiện sinh của cá nhân, sự cảm thụ chủ quan, sự thể hiện tâm lý có tính chất phi lý của cá nhân là nội dung chủ yếu của triết học hiện sinh. Nghiên cứu triết học hiện sinh chủ yếu thể hiện ở các phương diện bản thể luận, nhận thức luận, luân lý và quan điểm lịch sử xã hội.
Khái niệm hữu thể và hiện hữu là những khái niệm cơ bản của triết học hiện sinh. Theo họ, hữu thể chỉ cái gì đó đang tồn tại, nhưng chưa là một cái gì đó cụ thể. Hiện hữu không chỉ cái đang tồn tại mà còn là cái đang sống đích thực với diện mạo riêng vốn có của nó. Do đó, hiện sinh không phải là giới tự nhiên hoặc sự vật, mà là con người, chỉ có con người mới hiện sinh. Hiện sinh của con người không phải là sự tồn tại lịch sử cụ thể của họ trong những quan hệ xã hội, mà là sự tồn tại tinh thần của nhân vị và chính sự tồn tại đó mới có thể lý giải ý nghĩa của toàn bộ thế giới. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng của triết học là phân tích về mặt bản thể luận đối với hiện sinh, tức là mô tả sự tồn tại bản chất con người trong hoạt động ý thức phi duy lý của cá nhân. Thực chất đây là bản thể luận duy tâm chủ quan.
Về mặt nhận thức luận, chủ nghĩa hiện sinh cho rằng tri thức thu được bằng khoa học dựa trên lý tính là hư ảo. Theo họ, để đạt đến hiện sinh chân chính thì có thể dựa vào trực giác phi lý tính. Rằng chỉ có trong cuộc sống đau khổ, cô đơn, tuyệt vọng, v.v… con người mới có thể trực tiếp cảm nhận sự tồn tại của mình.
Về luân lý, chủ nghĩa hiện sinh phản đối mọi hình thức quyết định luận trong đạo đức, phủ nhận sự tồn tại của các nguyên tắc đạo đức. Chủ nghĩa hiện sinh tuyệt đối hóa chủ nghĩa cá nhân cực đoan, khi cho rằng tự do là bản chất hiện sinh của cá nhân có tính tuyệt đối không phụ thuộc vào hiện thực.
Về quan điểm lịch sử xã hội, chủ nghĩa hiện sinh cho rằng chỉ có cá nhân mới là hiện sinh chân thực, xã hội chỉ là phương thức hiện sinh của cá nhân và không chân thực. Do đó tồn tại xã hội đã bóp chết hiện sinh chân chính của con người, rằng lịch sử không thể nhận thức được, lịch sử chẳng qua chỉ là biểu hiện bên ngoài của tồn tại người, mà sự tồn tại của con người không thể nhận thức được.