Ý nghĩa của Chỉ và Quán – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học.
Thông thường chúng ta vẫn nghe phân biệt hai loại Thiền Chỉ và Thiền Quán. Trong một số hệ phái, Thiền Quán được xem là chính thống ; còn Thiền Chỉ bị coi là ngoại đạo. Tuy nhiên, trong thực tế, dụng công cũng như trong kinh điển Nikaya truyền thống, cả hai loại Thiền đều có giá trị như nhau.
“Chỉ” có nghĩa là dừng lại “Quán” có nghĩa là xem xét
“Thiền” thì luôn luôn có nghĩa là phải đạt được nội tâm thanh tịnh không còn suy nghĩ.
Nếu so sánh ba ý nghĩa trên thì “Chỉ” có vẻ gần với “Thiền” hơn. “Quán” có vẻ như còn động hơn.
1. Chỉ
Ý nghĩa căn bản của Chỉ có nghĩa là dừng; Tuy nhiên “Chỉ”còn có nhiều nghĩa khác.
Ví dụ: Khi vọng tưởng khởi lên, ta liền khởi lên một mệnh lệnh cho tâm “hãy yên lặng”, vọng tưởng liền tắt. Mệnh lệnh đó chính là Chỉ.
Ví dụ: Khi nhìn thấy một món vàng bạc quý giá, tâm ta xuất hiện ý tham. Ta liền tự nhủ “thôi, đừng tham nữa!”. Ngay đó, ý tham liền hết, tự nhủ, tự răn, tự kềm chế như thế chính là Chỉ.
Trong kinh điển Nikaya. Đức Phật thường hay bảo hãy trừ diệt ác pháp, hãy trừ diệt cấu uế của tâm… Sự trừ diệt như thế cũng là Chỉ.
Rồi kế đến, những phương pháp an trú tâm tại một vị trí nào đó cũng thuộc về Chỉ.
Ví dụ: Có hành giả an trú tâm tại mũi để theo dõi hơi thở ra vào. Sự theo dõi hơi thở thuộc về “Quán”, nhưng sự an trú tại một vị trí thuộc về Chỉ.
Ví dụ: Có hành giả an trú tại lòng hai bàn tay đang để lên nhau và thấy rất an ổn. Sự an trú như thế cũng thuộc về “Chỉ”.
Có hành giả an trú tâm ở hai vùng não phía sau và cảm thấy dễ kiểm soát vọng tưởng từ lúc mới khởi. Đó cũng là Chỉ mặc dù sự kiểm soát thuộc về Quán.
Có hành giả an trú tâm ở huyệt Nguyên Quang (dưới huyệt khí Hải bốn phân) và cảm thấy tâm yên lắng dễ chịu.
Có hành giả khi ngồi thiền bị đau chân mà cảm thấy chưa cần thiết phải xả thiền, nên an trú tâm tại nơi đau để đối diện với cái đau, để tập sự chịu đựng không phản kháng. Đó cũng là Chỉ.
Có hành giả tâm bẩm sinh dễ yên lắng, khi bắt chân ngồi thiền, chỉ cần hơi kềm nhẹ lúc đầu một chút là Tâm được vào định. Tác ý kềm nhẹ nhẹ lúc đầu như thế cũng là Chỉ.
2. Quán
Ý nghĩa căn bản của Quán là xem xét, nhưng sự xem xét đó chỉ đúng khi nó đưa tâm vào Định. Nếu càng xem xét càng động thì sự quán chiếu đó không đúng.
Quán là xem xét một đối tượng dựa trên một đạo lý.
Ví dụ: Khi hành giả quán thân, thì quán trên đạo lý Vô Thường, cứ tự nhắc tới nhắc lui một cách thông thả là thân này Vô Thường. Nhờ xem xét như vậy nên trong thâm sâu, tâm hành giả thoát khỏi tham đắm chấp trước và dần dần không khởi vọng tưởng nữa.
Có khi hành giả quán ra bên ngoài và nhìn thấy trần gian như mộng ảo phù du. Nhờ xem xét như vậy nên tâm hành giả không còn ham muốn vào thế gian và đi vào an định. Tuy nhiên, khi hướng ra bên ngoài, chúng ta dễ “Quán” luôn mọi người mọi loài là hư ảo. Như vậy rơi vào lỗi mất Từ Bi và xem thường chúng sinh. Quả báo của lỗi đó quá nặng. Tuy quán thế gian là hư ảo nhưng hành giả phải khởi Từ Bi đối với vạn loài hữu tình.
Từ Bi cũng là một phép quán cực kỳ quan trọng trong Đạo Phật. Không có nền tảng Từ Bi, dù chúng ta có đắc Định thì vẫn chưa phải Đạo Phật. Vì vậy những ngày đầu đến với Đạo Phật, hành giả phải huân tập chan rãi tình thương yêu chúng sinh một cách sâu đậm vững chắc, và phải phát triển lòng Từ Bi đến suốt cuộc đời.
Đối với quán bất tịnh thì phải lấy thân mình mà quán, đừng quán thân người khác. Quán thân mình bất tịnh đến thuần thục thì tự nhiên không còn tham đắm thân thể người khác. Còn nếu quán thân người khác là bất tịnh thì giống như rơi vào lỗi chê bai người nên sẽ mắc quả báo tham đắm mạnh về sau (“ghét của nào trời trao của đó”). Thật ra cái gốc của tâm Vô Nhiễm xả ly tham dục là do công đức lễ kính Phật, tôn trọng mọi người. Nếu không biết lễ Phật, không biết tôn trọng mọi người, tự cho mình hơn… thì nhân cách sẽ giảm sút và tham dục phát khởi.
3. Những pháp môn có cả hai ý nghĩa Chỉ và Quán
Có những Pháp Môn thật ra bao gồm cả Chỉ và Quán .
Ví dụ: Phép Quán Hơi Thở. Việc xem xét theo dõi hơi thở ra vào thì không cần phải kèm theo một Đạo Lý nào. Vì không có Đạo Lý kèm theo nên rất giống với Chỉ. Hơn nữa, có khi hành giả an trú tâm tại ống mũi để theo dõi hơi thở nên càng thuộc về Chỉ. Tuy nhiên sự tỉnh giác theo dõi cũng có thể được xem là Quán.
Trường hợp an trú tâm tại vùng não phía sau cũng vậy. An trú tâm là thuộc về Chỉ, trong khi sự tỉnh giác kiểm soát vọng tưởng là thuộc về Quán.
Có trường hợp tâm hành giả khởi lên một phiền não, một pháp bất thiện như tham dục, sân hận, buồn khổ, … hành giả liền an trú Tâm ngay nơi niệm bất thiện để đối diện xem nó là cái gì, từ đâu mà khởi, liền đó tâm phiền não bất thiện tan biến. Việc an trú Tâm như thế có thể gọi là Chỉ ; nhưng sự đối diện, sự tìm hiểu, sự thắc mắc thì thuộc về Quán.
Nơi công phu Điều thân ban đầu, hành giả vừa biết toàn thân, vừa thấy thân này là hư giả, cũng là bao gồm cả Chỉ và Quán, mặc dù thiên về Quán nhiều hơn.
4. Quán và Chỉ thay đổi qua lại
Có trường hợp hành giả khởi đầu sự tu tập bằng cách Quán Vô thường. Đến khi Tâm yên lắng rồi thì không cần quán nữa, chỉ cần giữ Tâm một chỗ nơi vùng não phía sau mà thôi – Trú Tâm trước trán dễ phát hào quang, nhưng cũng dễ khởi ngã mạn. Như vậy, giai đoạn đầu hành giả tu Quán nhưng về sau biến dần thành Chỉ.
Trường hợp hành giả khó nhiếp tâm nên khởi câu niệm Phật để sám hối. Tâm niệm sám hối như thế cũng thuộc về Quán. Lát sau buông câu niệm Phật và giữ được tâm yên lắng trở lại. Đó cũng là Quán đổi Chỉ.
Trường hợp hành giả theo dõi Hơi thở cho đến khi Tâm vào Định thì không còn cần phải cố gắng theo dõi nữa mà Hơi thở trở nên tự động kéo sự chú ý của Tâm vào đó khiến cho Tâm yên một cách tự nhiên. Giai đoạn này cũng thuộc về Chỉ.
Lại có trường hợp hành giả đang nhiếp tâm yên ổn bỗng bị vọng khởi khó kềm chế. Hành giả không thể tiếp tục an trú tâm nữa mà phải xem xét nguyên nhân tại sao. Đến khi nào hành giả tìm thấy được lỗi lầm đã xuất hiện một vài ngày trước đó, rồi thành tâm niệm Phật sám hối thì tâm mới dần dần yên trở lại. Đó cũng là Chỉ nhưng chuyển qua Quán tạm thời.
Ta có thể hiểu Chỉ và Quán qua hình ảnh minh họa như sau. Khi việc đất nước chưa yên, ông vua phải lo toan, chống đỡ, dọn dẹp. Đó là Quán. Quán có công năng dọn dẹp, phá chấp của Tâm. Khi đất nước yên bình ông vua ngồi yên trên ngai vàng để nghỉ ngơi và tiếp tục quan sát nhẹ nhàng, khi cần thì chỉ việc ra lệnh. Đó là Chỉ. Chỉ vừa có tính nghỉ ngơi mà vẫn biết rõ vừa ra lệnh.
Khi Quán đã khiến Tâm yên ổn thì tự nhiên phải chuyển dần qua Chỉ để cũng cố sức định. Đôi khi Tâm khởi vọng, định bị trục trặc, thì phải trở lại dùng Quán để dọn dẹp chướng ngại. Giống như ông vua, khi thì nghỉ yên, khi thì chống đỡ.
Không bao giờ việc tu tập thiền định luôn luôn suôn sẻ thẳng tiến mãi. Ai tu tập thiền định đều thấy sức định khi tiến khi thối rất nhiều lần. Vì vậy phải biết dụng công linh động, dụng công phối hợp, và không được cố chấp một bề Chỉ và Quán.
5. Chỉ Quán với Định Tuệ
Dù tu Chỉ hay Quán, nhưng hành giả phải đạt được kết quả Định Tâm qua bốn mức thiền mà Phật đã nhắc đi nhắc lại suốt cuộc đời giáo hóa. Khi vào Định rồi thì tâm giống như đang tu Chỉ vì được an trú, nhưng sức tỉnh giác biết rõ thì giống như Quán
Nhiều người tu thiền được Định Tâm an ổn nhưng không có gì để trình bày thuyết giảng. Nếu có ai hỏi thì cũng trả lời theo công phu của mình, nhưng cũng nói đơn sơ giản dị, không biết trình bày khúc chiết chi tiết. Hầu hết những trường hợp như thế là do tu thiền về Chỉ, tâm dễ vào định. Đến khi nào Trí Tuệ khai phát (Ngộ đạo) thì hành giả xuất hiện biện tài hỏi đáp.
Nhưng cũng có trường hợp Ngộ đạo rồi mà vị này vẫn không thuyết Pháp được vì nhân quả chưa đủ, biện tài không xuất hiện. Dù sao khả năng thuyết Pháp có được cũng là do Phước. Có người tu thiền tâm chưa vào định mà đã có kiến giải đã có thể trình bày thuyết giảng.
Trường hợp như vậy là do tu tập thiền về Quán. Trí Quán cũng làm xuất hiện kiến giải hỏi đáp lanh lợi. Người này càng vào Định thì càng tăng trưởng kiến giải biện tài. Tuy nhiên nếu hành giả ở trong trường hợp này thì dễ bị tồn tại tâm tế khó dứt trừ được. Phải lắng sâu để dứt trừ tâm tế thì mới vào được sơ thiền.
Đôi khi người ta dễ lầm lẫn giữa kiến giải và Tuệ. Người có tu tập, có học hỏi rồi có thể nói năng lưu loát để trình bày Giáo Lý thì chỉ được gọi là có kiến giải chứ chưa phải là Tuệ. Trí Tuệ chỉ thực sự xuất hiện sau khi hành giả thuần thục trong Định.
Tuệ cũng có hai loại:
- Loại Tuệ giống như Thần thông biết chuyện quá khứ vị lai, biết tâm người khác.
- Loại Tuệ thứ hai là thấy được Đạo Lý.
Những Đạo Lý cao cả như Tứ Diệu Đế, Mười hai Nhân duyên, Thất giác chi… Nếu không có Trí Tuệ của Phật thì đến bây giờ cũng không ai nhìn thấy cả.
Trí Tuệ Thần thông tuy khó mà không khó lắm. Trí Tuệ Đạo Lý mới thật sự là khó và cần thiết cho nhân loại
Nhiều vị tu hành đắc định có thần thông, biết nhiều chuyện trên đời, nhưng có khi vẫn chưa thấy được Đạo Lý thấu đáo, có khi thuyết Pháp vẫn sai với ý của Phật. Trí Tuệ để thấy được Đạo Lý rất là quý và rất là khó. Như vậy chúng ta phải phân biệt sự khác nhau giữa:
- Chỉ: là dừng tâm để an trú.
- Quán:là xem xét dựa trên Đạo Lý Phật dạy.
- Kiến giải: là sự lanh lợi tạm thời do học, do sáng ý.
- Tuệ thần thông: là loại Tuệ giác tâm linh biết nhiều chuyện mà người thường không thể biết
- Tuệ Đạo lý: là Trí Tuệ thực sự thấy được Chân Lý, lẽ phải trong cuộc sống, trong vũ trụ.
- Định: là kết quả do Chỉ và Quán đem lại khiến tâm không còn vọng tưởng. Định có nhiều tầng bậc.