Chất lượng cuộc sống (CLCS) là một khái niệm tổng hợp, có nội dung rất phong phú liên quan đến mọi mặt của cuộc sống con người. Nó thể hiện trong những nhu cầu được thoả mãn về vật chất cũng như tinh thần của cá nhân, cộng đồng và toàn thể xã hội. CLCS phụ thuộc vào khả năng đáp ứng ngày càng tốt hơn một cách bền vững và ổn định những nhu cầu cơ bản của cuộc sống (mọi người có việc làm và thu nhập đầy đủ, có điều kiện ở, mặc, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ, giao tiếp ngày một tốt hơn); được sống trong một môi trường an toàn, sạch sẽ, trong một xã hội trật tự và lành mạnh.
CLCS là một khái niệm động, phát triển từ thấp lên cao phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế, chế độ chính trị, quan niệm về văn hóa và truyền thống của mỗi dân tộc, ở từng giai đoạn phát triển của hình thái xã hội.
CLCS có quan hệ qua lại với nhiều yếu tố như nguồn tài nguyên, sự phát triển dân số, hệ thống chính trị xã hội, lối sống, các giá trị văn hóa, tôn giáo và trình độ phát triển kinh tế của xã hội…
CLCS phản ánh điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường sinh thái… trong đó con người tồn tại và phát triển. Theo William Ben, CLCS được đặc trưng bởi 12 điểm:
- An toàn;
- Sung túc về kinh tế;
- Công bằng theo pháp luật;
- An ninh quốc gia;
- Được bảo hiểm lúc già, ốm đau;
- Hạnh phúc tinh thần;
- Sự tham gia vào đời sống xã hội;
- Bình đẳng về giáo dục, nhà ở và nghỉ ngơi;
- Chất lượng đời sống văn hóa;
- Quyền tự do công dân;
- Chất lượng môi trường kỹ thuật giao thông, nhà ở, thiết bị sinh hoạt, thiết bị giáo dục, y tế. . . );
- Chất lượng môi trường sống.
Như vậy CLCS thường được hiểu rất rộng, phản ánh sự đáp ứng những nhu cầu trước hết là những nhu cầu cơ bản tối thiểu của con người. Mức đáp ứng đó càng cao thì CLCS càng cao. Ngày nay ở nhiều nước đã xây dựng được các chỉ số cụ thể phản ánh CLCS dựa trên việc khảo sát và xác định những nhu cầu cơ bản tối thiểu (Basic Minimum Needs – BMN).