Trang chủ Tâm lý học Cấu trúc của nhóm xã hội

Cấu trúc của nhóm xã hội

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 391 views

Cấu trúc của nhóm xã hội: cấu trúc chính thức, cấu trúc không chính thức, chuẩn mực nhóm.

1. Cấu trúc chính thức

Khi các cá nhân gia nhập nhóm và nhóm được hình thành, các cá nhân sẽ tương tác qua lại để cùng thực hiện mục đích và hoạt động cùng nhau của nhóm. Mỗi cá nhân có những năng lực riêng, có những nhu cầu và kì vọng riêng. Các yếu tố này được thể hiện và ảnh hưởng đến quá trình tương tác. Nhưng để nhóm có thể tồn tại và thực hiện được hoạt động của nó thì các cá nhân phải nằm trong những mối liên hệ và quan hệ nhất định. Mối quan hệ tương đối ổn định, tương đối bền vững giữa các cá nhân để tạo thành một nhóm toàn vẹn gọi là cấu trúc nhóm. Về nguyên tắc, các cá nhân có thể khác nhau, có thể thay đổi, nhưng các liên hệ đó sẽ tương đối ổn định. Một khi cấu trúc nhóm thay đổi nó sẽ làm nhóm biến đổi về chất và hình thành một loại nhóm khác. Như vậy, các thành phần nằm ở “đầu mối” của mỗi quan hệ đó gọi là các vị trí. Có thể hình dung: các liên hệ giữa các vị trí trong nhóm tạo ra một cấu trúc – bộ xương của nhóm, trên cơ sở đó “con người” nhóm có được hình dạng cụ thể và có những hoạt động cụ thể.

Từ cách hiểu đó, cấu trúc chính thức của nhóm là những mối quan hệ mang tính chất công việc được quy định trước, phụ thuộc vào chức năng xã hội mà nhóm phải thực hiện, trong đó các vị trí được quy định một cách rõ ràng. Nhóm chỉ thực hiện tốt chức năng của nó khi các vị trí đó hoạt động một cách hiệu quả và có sự liên hệ chặt chẽ với các vị trí khác.

Trong Tâm lý học xã hội, vị trí trong cấu trúc nhóm bao gồm hai thành tố: vị thế và chức năng của vị trí (cá nhân) trong nhóm. Vị thế có thể coi như quyền tự quyết của cá nhân khi cá nhân chiếm giữ một vị trí trong các quan hệ trong nhóm từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình duy trì vị trí đó. Như vậy, giữa các cá nhân trong nhóm có mối quan hệ theo thứ bậc thì vị thế của họ cùng khác nhau. Vị thế của cá nhân chỉ có thể được xác định trong mối quan hệ với vị thế của cá nhân khác trong toàn bộ cấu trúc nhóm. Trong thực tế vị thế thường được hiểu là biểu hiện các quyền lực, các quyền lợi, các đặc quyền gắn với một vị trí.

Thành tố thứ hai của vị trí là chức năng của cá nhân khi chiếm giữ vị trí đó đóng góp cho hoạt động của nhóm. Các vị trí có thể có các chức năng khác nhau. Cá nhân chiếm giữ một vị trí cần thực hiện các chức năng tương ứng. Các chức năng đó có thể là chức năng thực hiện, giám sát hay lên kế hoạch…

Như vậy, cấu trúc chính thức của nhóm được xác định chủ yếu trên cơ sở công việc của nhóm. Nó đảm bảo cho hoạt động của nhóm trong việc thực hiện các chức năng xã hội của nhóm.

2. Cấu trúc không chính thức

Trong bất kì nhóm nào cũng tồn tại hai loại quan hệ cơ bản: quan hệ công việc nhằm thực hiện các chức năng của nhóm và quan hệ liên nhân cách giữa các thành viên. Quan hệ liên nhân cách là quan hệ dựa trên xúc cảm giữa các thành viên. Cơ sở của quan hệ này không phải là vị trí (bao gồm vị thế và chức năng như trình bày ở trên) mà là xúc cảm và sự gắn bó xúc cảm giữa các cá nhân. Trong mỗi nhóm, một số cá nhân có sự liên hệ chặt chẽ hơn về mặt xúc cảm so với các cá nhân khác. Đây là hiện tượng mang tính quy luật. Bên trong bất kì một nhóm nào, sự gắn bó (về mặt xúc cảm) cũng phân bố không đồng đều. Chính các mối liên hệ về mặt xúc cảm giữa các thành viên trong nhóm tạo ra cấu trúc không chính thức của nhóm. Từ đó có thể coi cấu trúc không chính thức của nhóm là những mối quan hệ giữa các thành viên mang tính xúc cảm được quy định bởi các đặc điểm tâm lý xã hội của các thành viên. Cấu trúc không chính thức góp phần quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí tâm lý của nhóm.

Do tính chất của hai loại quan hệ trong nhóm là khác nhau, nên cấu trúc không chính thức và cấu trúc chính thức có nhiều điểm khác biệt. Cấu trúc không chính thức không được quy định từ trước. Sự hình thành của cấu trúc này chủ yếu dựa trên các tiếp xúc xúc cảm trực tiếp của các thành viên. Nó hình thành một cách tự phát dựa trên sự thân thiện, thiện cảm hay không thiện cảm giữa các thành viên. Do đó, cấu trúc không chính thức khó có thể được mô tá một cách rõ ràng với các vị trí trong các mối quan hệ cụ thể giống như ở cấu trúc chính thức. Đồng thời các cá nhân trong cấu trúc không chính thức không có các thứ bậc rõ ràng, chức năng của các cá nhân cũng không được quy định rõ. Vị trí tương đối nổi bật trong cấu trúc không chính thức là thủ lĩnh. Cấu trúc không chính thức có thể không trùng với cấu trúc chính thức và trong đa số trường hợp là như vậy. Để phát hiện được cấu trúc này cần sử dụng phương pháp đặc trưng – đó là trắc đạc xã hội.

Tuy vậy, trong thực tế không tồn tại cấu trúc chính thức thuần túy mà nó luôn tồn tại song hành với cấu trúc không chính thức. Cấu trúc không chính thức xuất hiện một cách tự phát. Cấu trúc này thường được hình thành dựa trên sự liên kết các thành viên bởi các hứng thú chung, các liên hệ thân tình hay các mối quan tâm nào đó. Sự tồn tại của các cấu trúc không chính thức trong lòng cấu trúc chính thức đặc biệt được quan tâm vì nó có tác động mạnh đến nhóm.

3. Chuẩn mực nhóm

Chuẩn mực nhóm: Xem tại đây.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net