Trang chủ Tiếng Việt Câu nghi vấn (câu hỏi) là gì?

Câu nghi vấn (câu hỏi) là gì?

by Ngo Thinh
425 views

Khái niệm, đặc trưng câu nghi vấn

Câu nghi vấn là câu có nội dung nêu lên điều chưa biết hay còn hoài nghi mà người nói muốn người nghe trả lời, hoặc giải thích cho rõ thêm. Tuy nhiên, nhiều khi câu nghi vấn dùng để biểu thị ý nghĩa cầu khiến, khẳng định, phủ định, đe dọạ, thách thức, tranh luận, mỉa mai, phỏng đoán, ngờ vực, v.v… và không yêu cầu người đối thoại trả lời.

– Về hình thức cấu tạo, câu nghi vấn là câu có từ ngữ nghi vấn và ngữ điệu nghi vấn. Khi viết, câu nghi vấn được kết thúc bằng dấu chấm hỏi. Có thể chia tách các nhóm từ ngữ để biểu thị nội dung nghi vấn như sau:

Dùng các đại từ (hoặc tổ hợp đại từ) biểu thị ý nghĩa nghi vấn: gì, ai, nào, (như) thế nào, sao, (tại) sao, (ở) đâu, bao giờ,…:

  1. Bà ơi, bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm? (Truyện cười dân gian Việt Nam)
  2. Thỏi sắt to như thế, làm sao bà mài thành kim được? (Truyện ngụ ngôn)
  3. Người đâu gặp gỡ làm chi? (Nguyễn Văn Xe)
  4. Nhà có gà vịt gì không, chị Hai? (Nguyễn Du)

– Dùng các tiểu từ tình thái à, ư, hứ, hả, chứ, nhé,… đặt ở cuối câu để chuyển đổi câu đó thành câu nghi vấn:

  1. (Con chào bố.) Con chuyển máy cho mẹ nhé? (Tiếng Việt 2, tập một)
  2. Cháu đã về đấy ư? (Thạch Lam)
  3. Cậu không thấy đạn réo à? (Tiếng Việt 4, tập hai)

– Dùng các phụ từ chỉ ý khẳng định, phủ định (có, không, chưa, đã,…) phối hợp với nhau thành một khuôn nghi vấn; giữa chúng có thể có từ hay: có… (hay) không?, có phải… (hay) không? đã… (hay) chưa? rồi… (hay) chưa?,… Ví dụ:

  1. (Cùng máu đỏ da vàng với nhau.) Nhưng… anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không? (Hà Văn Cầu – Vũ Đình Phòng)
  2. Có đau không chú mình? (Tiếng Việt 4, tập hai)
  3. Cháu đã ăn cơm chưa? (Thạch Lam)

– Dùng từ hay đặt giữa hai vế câu để biểu hiện sự nghi vấn lựa chọn. Chẳng hạn:

  1. Mình đọc hay tôi đọc? (Nam Cao)
  2. Mình thương ta thật hay thương chơi? (Ca dao)
  3. Anh về hẳn hay còn đi nữa? (Nguyễn Thị Ngọc Tú)

(Lưu ý: Các từ gì, ai, đâu, nào,… vừa có thể tồn tại với tư cách là đại từ nghi vấn và với những tư cách khác như đại từ phiếm chỉ, phụ từ phủ định. Chẳng hạn xét từ đâu: Anh đi đâu? (đại từ nghi vấn); Tôi thì đi

đâu cũng được., (đại từ phiếm chỉ); Tôi đâu có đi., (phụ từ phủ định). Hoặc xét từ hay: Anh cần báo hay tạp chí?, (đại từ nghi vấn biểu thị sự nghi vấn lựa chọn); Báo hay tạp chí đều được., (liên từ biểu thị quan hệ tuyển lựa)… Vì vậy, khi xem xét và xác định chúng cần phải gắn với ngữ cảnh, nói cách khác, việc xem xét về loại câu phải căn cứ vào cả hai yếu tố nội dung, mục đích phát ngôn và hình thức thể hiện).

Phân loại

1. Câu nghi vấn chính danh

Câu nghi vấn chính danh (câu nghi vấn trực tiếp) là câu hỏi để yêu cầu một lời giải đáp (hỏi người đối thoại để yêu cầu trả lời hoặc hỏi chính mình để tự giải đáp). ý nghĩa của câu hỏi có thể được xác định thông qua ý nghĩa của sự tương ứng giữa câu hỏi và câu đáp. Một câu hỏi như Nam dự thi học sinh giỏi toán hay văn? Câu đáp phải là Nam thi (học sinh giỏi) toán hoặc Nam thi (học sinh giỏi) văn hoặc Nam thi cả toán lẫn văn. Những câu đáp như Nam đâu có học gì đâu, Nam học kém lắm thi thế nào được., không đáp ứng được yêu cầu của người hỏi. Sự tương ứng nghĩa giữa câu hỏi và câu đáp là điều bắt buộc (không tính đến những trường hợp sử dụng câu đáp với mục đích tu từ).

Biến tố X (yếu tố chứa nội dung nghi vấn) có thể có bất cứ kích thước nào và khả năng gì trong cấu trúc logic ngôn từ của câu hay trong những cấu trúc ngữ pháp nội bộ của ngữ đoạn. Xét trên bình diện thông báo, biến tố X làm thành tiêu điểm của câu hỏi và câu trả lời, nó là cái “mới” cần thông báo. Ví dụ:

  1. Mấy giờ rồi em? (Bây giờ là 8 giờ 30 anh ạ.)
  2. Bao giờ thì mẹ về? (Nhanh thì mai con ạ.)
  3. Cuốn sách này của ai? (Thưa thầy, sách của em ạ.)
  4. Bạn đang ở đâu đấy? (Mình đang ở Vinh.)
  5. Em đã viết xong chưa? (Thưa thầy, em viết rồi ạ.)

Phương tiện chỉ biến tố X có thể là những đại từ bất định ai, gì, đâu (ở đâu, từ đâu), sao (vì sao, tại sao), nào (thế nào), bao (nhiêu), mấy hoặc là những danh từ có định tố bất định, như cái gì, việc gì, người nào, thứ mấy, lúc nào, v.v..

Có thể hỏi về toàn bộ sự tình Nam có làm bài không? hoặc chỉ hỏi về một tham số nào đó của sự tình Khi nào thì Nam làm bài?/ Nam làm bài gì thế?/ Nam hay ai đang làm bài? Mỗi loại nội dung hỏi được hình thức hoá bằng một kiểu cấu trúc nhất định.

Có thể phân loại câu nghi vấn chính danh thành các tiểu loại sau:

* Câu nghi vấn tổng quát (câu hỏi “có/không”): có nội dung hỏi về toàn bộ nội dung sự tình. Hình thức hỏi tổng quát được ngữ đoạn hoá thành một hình thức riêng. Loại câu hỏi này thường có kiểu cấu trúc có… không, đã… chưa; không / chưa luôn được đặt ở vị trí kết thúc câu (không tính trường hợp có bộ phận chêm xen như Chị có đi không ạ?).

Nội dung câu nghi vấn tổng quát là những yêu cầu cho biết về tính đúng sai (chân/ngụy) của cả một mệnh đề nên những yếu tố nghi vấn (và những yếu tố dùng để trả lời) chính là những động từ tình thái làm trung tâm vị ngữ, kết hợp với một yếu tố tình thái đặt ở cuối câu hỏi.

Trả lời các loại câu hỏi này là có / không hoặc rồi / chưa.

  1. Con có ăn không? (có/không ạ)
  2. Con đã làm bài chưa? (rồi/chưa ạ)
  3. Con có yêu nó không? (có/không ạ)
  4. Cháu đã ra riêng chưa? (rồi/chưa ạ)

* Câu nghi vấn chuyên biệt là loại câu hỏi có nội dung hỏi về một tham tố của sự tình. Tham tố đó có thể là chủ thể hoặc đối thể của hành động, trạng thái đặc trưng hoặc có thể là nguyên nhân, mục đích, cách thức, phương tiện của sự tình hoặc chủ thể sự tình.

Câu nghi vấn chuyên biệt được cấu tạo như một câu trần thuật với một yếu tố nghi vấn (vốn do một

đại từ bất định làm nòng cốt) biểu thị biến tố không xác định X đặt ở vị trí do chức năng cú pháp của nó quy định. Những từ ngữ dùng để hỏi nguyên nhân như sao, tại sao, vì sao bao giờ cũng được đặt trước nòng cốt câu, trừ khi nó được xử lí như một vị ngữ (có là mở đầu) hoặc được tách ra khỏi mệnh đề tiền ước thành một bộ phận ghép. Chẳng hạn so sánh:

  1. Vì sao hôm qua em không đi học?
  2. Hôm qua, vì sao em không đi học?
  3. Hôm qua, em không đi học là vì sao?

Những trường hợp có yếu tố nghi vấn tương đối phức hợp như vì (những) lí do gì, do (những) nguyên nhân nào có thể đặt ở trước hay sau mệnh đề tiền ước.

* Câu nghi vấn hạn định (câu hỏi song tuyển): Người hỏi hạn định giá trị của biến tố chưa xác định trong một phạm vi nhất định. Khi hỏi:

  1. Bạn thi vào khoa Toán hay khoa Lí?
  2. Bạn thi vào khoa nào, toán hay Lí?
  3. Bạn thi vào khoa Toán à?
  4. Bạn thi vào khoa nào, Toán à?

Người hỏi đã hạn định nội dung hỏi – đáp trong một phạm vi của hai khả năng (xem ví dụ a, b)) hoặc n khả năng (xem ví dụ c, d).

Thuộc loại câu nghi vấn chính danh, ngoài ba loại câu nghi vấn có tính chất “cổ điển” như vừa nêu, còn phải kể đến ba kiểu sau:

(1) Câu hỏi mở đầu bằng có phải và kết thúc bằng không, ở giữa là một mệnh đề trọn vẹn. Ví dụ:

  1. Có phải anh vừa gửi bài cho em không?
  2. Có phải anh không gửi bài cho em không?
  3. Có phải anh sẽ chuyển trường không?

Để trả lời câu nghi vấn kiểu này phải dùng phải và không (phải), mà không dùng có và không như đối với câu nghi vấn tổng quát.

Nghĩa của loại câu nghi vấn này khác với nghĩa của câu nghi vấn “Có/không” ở chỗ nó tiền giả định cái mệnh đề được đưa ra hỏi (coi như đã có người nào nói như thế hoặc nghĩ như thế), trong khi câu nghi vấn “Có/không” không có một tiền giả định như vậy.

(2) Một biến thể của kiểu câu hỏi 1 là kiểu câu hỏi được cấu tạo bằng cách ghép ngữ đoạn phải không, chứ, đúng không, có không, sau mệnh đề được đưa ra hỏi, nhiều khi với một chỗ ngưng ngắn giữa hai ngữ đoạn. Ví dụ:

  1. Em đã đọc rồi phải không/đúng không?
  2. Mày thách tạo phải không/phỏng? (phỏng biến âm của phải không)
  3. Em không giận tôi chứ?
  4. Mắt xanh chẳng để ai vào có không? (Nguyễn Du)

Cũng như kiểu câu hỏi 1, mệnh đề được đưa ra hỏi có thể là khẳng định hay phủ định, được tiền giả định. Nhưng khác với kiểu câu hỏi 1, kiểu câu hỏi 2 thiên về tính chân xác của mệnh đề được tiền giả định nhiều hơn: “Tôi biết rằng P, nhưng muốn anh xác nhận thêm (tuy cũng có thể anh sẽ phủ nhận)”.

(3) Thứ ba là trường hợp của các câu hỏi có sử dụng tiểu từ tình thái ở cuối câu. Mỗi nhóm tiểu từ tình thái sử dụng cuối câu có khả năng biểu thị những khác biệt tinh tế về tình thái đối với mệnh đề được hỏi. Chẳng hạn:

+ Với à, hả cũng có thể cấu tạo những câu hỏi có ý nghĩa tương tự loại câu hỏi 2: Em đã quên rồi à/hả?; Bài dễ thế mà em không hiểu ư /hả?

+ Với ư, sao cũng vậy, những nghĩa lại ít thiên về tính chân xác của mệnh đề đi trước hơn, và có thêm sắc thái ngạc nhiên về mệnh đề ấy. Ví dụ: Nó chưa về sao ư? Chuyện ầm ĩ cả lên thế mà anh không biết sao / ư?

+ Với nhỉ đặt ở cuối câu có nội dung mệnh đề như một nhận xét, đánh giá, tiêu liệu, phỏng đoán, báo hiệu yêu cầu được người nghe biểu thị sự đồng tình, chia sẻ ý kiến, ví dụ: Cái áo này đẹp nhỉ? Con bé xinh nhỉ?…

+ Tương tự, câu có tiểu từ tình thái nhé, có thể có giá trị báo hiệu một yêu cầu mà người nói muốn được người nghe tán thành; ví dụ: Đừng quên anh, em nhé?; Cháu cho bác gửi cái này nhé?; Anh về nhé?; v.v…

“Các câu nghi vấn (câu hỏi) của tiếng Việt, cũng như rất nhiều thứ tiếng khác, ngoài cái giá trị hỏi (cần thông báo) là giá trị ngôn trung trực tiếp của nó còn có thể có một (những) giá trị ngôn trung phái sinh (phủ định, tỏ ý ngờ vực, thách thức, tranh luận, v.v.) và trong nhiều trường hợp, cái giá trị ngôn trung “phát sinh” này lại là công dụng và mục đích duy nhất của câu nói, trong khi tính nghi vấn vẫn chỉ còn là một hình thức thuần tuý, may mà chỉ góp một sắc thái tu từ (hùng biện) nào đó cho câu nói. Riêng trong tiếng Việt, có những hình thức nghi vấn chỉ dùng để phủ định: công dụng của những câu như “Tôi có nói gì đâu?” hay “Nó có bao giờ trốn học” không bao giờ là “hỏi”, mặc dầu về hình thức đó là những câu hỏi mang ngữ điệu nghi vấn và được người nghe cảm giác như những câu hỏi (nhưng lại hiểu như những lời phủ nhận, chối bỏ). Nhìn từ góc độ nghĩa và dụng pháp, đó là những câu phủ định mang một màu sắc, một giọng điệu riêng (giọng điệu này không nhất thiết là “sự bác bỏ” ( ). Tiếng Việt có cả một âm giai gồm rất nhiều cung bậc chuyển từ ý hỏi thực sự, thuần tuý qua nhiều sắc độ gợi ý ngờ vực, hoài nghi, đến chỗ gần như phủ định hay khẳng định, rồi đến chỗ phủ định hay khẳng định quyết liệt, với những sắc thái cảm xúc khác nhau. Trên bình diện liên nhân cũng vậy, từ cách hỏi thẳng thừng cho đến chỗ chỉ gợi lên một ý nghĩa mơ hồ cũng có cả một âm giai phong phú. Điều này cũng thấy có trong câu trần thuật khẳng định hay phủ định”. (Xem Cao Xuân Hạo, 2004, sđd).

2. Câu nghi vấn không chính danh (câu nghi vấn gián tiếp)

Trong thực tế giao tiếp, có những câu có hình thức câu hỏi nhưng không có yêu cầu cung cấp một thông báo nào tương ứng với nội dung câu hỏi. Những câu như: Mày có muốn ăn đòn không?; Trời ơi, thế có khổ không?; Người đâu gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không? (Nguyễn Du) là lời yêu cầu, lời cảm thán, nỗi băn khoăn, được thể hiện dưới hình thức của một câu hỏi.

Có thể phân loại câu nghi vấn gián tiếp thành các tiểu loại sau:

* Câu nghi vấn có giá trị cầu khiến

Về hình thức, có những câu có cấu tạo giống như câu hỏi nhưng lại có nội dung sai khiến. Có những câu có hình thức giống như câu nói tổng quát (“có … không?” / X không). Cấu trúc hỏi nhưng mục đích sai khiến trong hầu hết mọi trường hợp đã làm cho màu sắc “sai khiến, mệnh lệnh” giảm bớt đi. Chẳng hạn so sánh:

a. Bác trông giùm cháu cái xe được không ạ?

→ Bác hãy trông xe hộ cháu.

b. Bác cho phép cháu được thưa chuyện với bác độ vài phút được không ạ?

→ Bác hãy nói chuyện với cháu độ vài phút.

c. Anh ngồi lui ra một chút dược không?

→ Anh hãy ngồi lui ra một chút.

d. Mày có im đi không?

→ Mày hãy im đi.

* Câu nghi vấn có giá trị phỏng đoán hay ngờ vực, ngần ngại

Những câu nghi vấn mở đầu bằng phải chăng, hay là không biết, biết hoặc kết thúc bằng chăng, không biết, nhỉ, đây, bây giờ, có nội dung và mục đích bày tỏ một thái độ phân vân, không quả quyết, ngờ vực, ngần ngại đối với tính chân xác của mệnh đề được biểu thị trong câu.

a. Người đâu gặp gỡ làm chi

Trăm năm biết có duyên gì hay không? (Nguyễn Du)

b. Biết làm sao đêm nay? (Nguyên Hồng)

c. Biết đi đâu bây giờ? Về thì đâm đầu vào đâu? (Ngô Tất Tố)

d. Không biết có kịp về nhà trước khi trời tối không?

So với câu nói chính danh và những câu nghi vấn có giá trị ngôn trung gián tiếp, kiểu câu hỏi này có thể dùng trong độc thoại hay trong đối thoại, có thể được trả lời trực tiếp (vào đề) hay không trực tiếp, hoặc không cần được trả lời. Nó thường nhằm biểu hiện một cảm xúc, khêu gợi những suy tưởng ở người đọc. Ví dụ:

a. Tiếng gì xa vắng thế? (Tiếng võng kẽo kẹt kêu buồn buồn từ nhà ai vọng lại. Thỉnh thoảng câu ru em lại cất lên từng đoạn ạ ời… Hình như chị ru em). (Băng Sơn)

b. (Rừng cây im lặng quá. Một chiếc lá vàng rơi lúc này cũng có thể khiến người ta giật mình. Lạ quá, chim chóc chẳng nghe con nào kêu). Hay vừa có tiếng chim ở một nơi xa lắm, vì không chú ý mà tôi không nghe được chăng? (Đoàn Giỏi)

c. Có khi nào bạn nghĩ rằng bầu trời thu xanh ngắt đến nao lòng của thi sĩ Yên Đổ kia lại được tạo nên bởi toàn là bụi? (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

* Câu nghi vấn có giá trị cảm thán

Có kiểu câu sử dụng hình thức nghi vấn nhưng lại mang ngữ điệu có sắc thái cảm thán và không yêu cầu trả lời. Hình thức nghi vấn chỉ lộ ra ở một số từ ngữ nghi vấn hay bất định biết mấy, biết bao, bao nhiêu, chừng nào, nhường nào, sao, đâu, (đã… chưa), gì (mà) và ở cách cấu trúc câu mà các từ ngữ này yêu cầu. Ví dụ:

  1. Đẹp biết bao những lời chân thực ấy!
  2. Trời ơi, thế có khổ không?
  3. Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao? (Nguyễn Du)
  4. Đã xấu mặt chưa?

(Nguồn: TS. Nguyễn Thị Ly Kha, Giáo trình tiếng Việt II)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]