Trang chủ Nghiên cứu khoa học Câu hỏi nghiên cứu là gì? Cách xác lập câu hỏi nghiên cứu tốt

Câu hỏi nghiên cứu là gì? Cách xác lập câu hỏi nghiên cứu tốt

by Ngo Thinh
2,1K views

Câu hỏi nghiên cứu là gì? Có những loại câu hỏi nghiên cứu nào? Cách để xác lập câu hỏi nghiên cứu. Tiêu chuẩn và cách xây dựng câu hỏi nghiên cứu.

Khái niệm

Nghiên cứu một vấn đề là tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó. Đặt câu hỏi nghiên cứu là cách tốt nhất để xác định vấn đề nghiên cứu.

Ngược lại, khi ta đã xác định được vấn đề nghiên cứu thì ta đặt câu hỏi để trả lời vấn đề nghiên cứu đó.

Bản chất câu hỏi nghiên cứu liên quan đến các hành động: khám phá, mô tả, kiểm định, so sánh, đánh giá tác động, đánh giá quan hệ nhân quả.

Các loại câu hỏi nghiên cứu

  • Câu hỏi nhằm mô tả sự vật, hiện tượng nghiên cứu.
  • Câu hỏi nhằm so sánh các sự vật, hiện tượng nghiên cứu.
  • Câu hỏi nhằm tìm hiểu mối quan hệ nhân quả giữa các đặc tính (biến) của sự vật hiện tượng.
  • Câu hỏi về các giải pháp, hàm ý chính sách khả

Làm thế nào để xác lập câu hỏi nghiên cứu tốt

Câu hỏi nghiên cứu được rút ra trực tiếp từ vấn đề nghiên cứu. Có thể có một câu hỏi duy nhất hay một vài câu hỏi cho vấn đề nghiên cứu.

Theo Nguyễn Văn Tuấn (2011), câu hỏi nghiên cứu tốt phải đáp ứng ít nhất 3 trong 5 tiêu chuẩn FINER.

  • F là viết tắt của feasibility (khả thi): Một câu hỏi nghiên cứu tốt phải khả thi, có nghĩa là phải có khả năng trả lời được câu hỏi đó.
  • I là viết tắt của interesting (thú vị): Một câu hỏi nghiên cứu tốt phải thú vị đối với nhà khoa học, xứng đáng để theo đuổi.
  • N là viết tắt của novelty (có cái mới): Làm nghiên cứu là một việc làm tạo ra thông tin mới, phương pháp mới, ý tưởng mới hay phát hiện mới. Một nghiên cứu chỉ lặp lại những gì người khác đã làm thì không có cái gì mới, giá trị nghiên cứu thấp.
  • E là viết tắt của ethics (đạo đức): Một nghiên cứu kinh tế phải tôn trọng quyền con người, doanh nghiệp, luật pháp quốc gia, không làm tổn thương người, doanh nghiệp, lợi ích quốc gia và phải bảo mật tuyệt đối (không được tiết lộ thông tin cá nhân ra ngoài).
  • R là viết tắt của relevant (liên đới): Thật ra, chữ “liên đới” ở đây có nghĩa là có ảnh hưởng. Một câu hỏi nghiên cứu mà nếu tìm được câu trả lời và có thể làm thay đổi một chính sách là một câu hỏi quan trọng.

Ví dụ 1. Xác định câu hỏi nghiên cứu. Đề tài: “Đổi mới kiểm tra đánh giá trong dạy học hiện nay”.

Câu hỏi nghiên cứu:

Câu hỏi 1. Các hình thức đánh giá đang được áp dụng là gì?

Câu hỏi 2. Có sự khác biệt ở giảng viên nam hay giảng viên nữ không?

Câu hỏi 3. Có sự tương quan giữa mức độ ứng dụng và sự hỗ trợ của nhà trường không?

Ví dụ 2. Xác định câu hỏi nghiên cứu. Đề tài: “ Tăng trưởng kinh tế và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở TPHCM”.

Câu hỏi nghiên cứu:

Câu hỏi 1. Yếu tố FDI có ảnh hưởng đến tăng trưởng không? Câu hỏi 2. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI?

Câu hỏi 3. Mức độ tác động của các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI là như thế nào?

Tiêu chuẩn và cách xây dựng câu hỏi nghiên cứu

Câu hỏi hướng tới vấn đề mang tính quy luật

Câu hỏi hướng tới mối quan hệ (bản chất, lặp đi lặp lại) giữa các nhân tố. Những hiểu biết về mối quan hệ giữa các nhân tố thường tồn tại theo thời gian. Câu hỏi dạng này vì vậy khác với câu hỏi mang tính mô tả hoặc câu hỏi hướng vào giải pháp.

  • Nếu câu hỏi nghiên cứu mang tính mô tả, dạng như “thực trạng của chất lượng nguồn nhân lực” thì câu trả lời sẽ chỉ có ý nghĩa vào đúng thời điểm nghiên cứu này. Ngay sau khi công bố kết quả “thực trạng” đã thay đổi.
  • Nếu câu hỏi hướng vào giải pháp thì cần nhớ rằng không có giải pháp vạn năng cho mọi tổ chức, ngành, địa phương. Như vậy giải pháp đề xuất, nếu may mắn là đúng, sẽ chỉ có ý nghĩa cho “đơn vị” được nghiên cứu mà không có ý nghĩa rộng rãi.

Câu hỏi có cơ sở thực tiễn/hoặc lý thuyết

Câu hỏi nghiên cứu không thể được đề xuất một cách tùy tiện theo cảm tính và ý thích của nhà nghiên cứu. Về cơ bản, câu hỏi phải có cơ sở thực tiễn và cơ sở khoa học.

  • Cơ sở thực tiễn thể hiện ở chỗ câu hỏi nghiên cứu gắn với vấn đề thực tiễn quan quan tâm.
  • Cơ sở khoa học thể hiện ở việc câu hỏi nghiên cứu hướng vào khoảng trống tri thức mà các nhà nghiên cứu để lại.

Các nhân tố, yếu tố trong câu hỏi có phạm vi, ý nghĩa rõ ràng

Sự rõ ràng của câu hỏi phụ thuộc vào sự rõ ràng trong ý nghĩa và phạm vi của nhân tố đề cập tới. Nếu các nhân tố đề cập đã được định nghĩa, đo lường hoặc có phạm vi rõ ràng trong các nghiên cứu trước thì sẽ dễ dàng định hướng nghiên cứu. Ngược lại, nếu đây là những nhân tố trừu tượng, nhân tố có phạm vi rộng rãi hoặc chứa đựng nhiều cách hiểu khác nhau thì câu hỏi nghiên cứu cũng sẽ không rõ ràng.

Ví dụ câu hỏi nghiên cứu: “Hội nhập quốc tế ảnh hưởng như thế nào tới tái cấu trúc doanh nghiệp ở ngành A” là một câu hỏi có nhân tố không rõ ràng. Thứ nhất “hội nhập quốc tế” là một thuật ngữ lớn, không nói rõ hội nhập của ai (nền kinh tế, ngành hay địa phương” và về những gì. Thứ hai, “tái cấu trúc doanh nghiệp” là một thuật ngữ có nhiều nghĩa. “Tái cấu trúc doanh nghiệp” có thể nói tới việc thay đổi cơ cấu tổ chức, cơ cấu sản phẩm, thị trường, thậm chí cả việc sắp xếp lại lao động,..Câu hỏi liên quan tới các nhân tố trừu tượng và không rõ nghĩa như vậy sẽ không thể thực hiện tốt vai trò định hướng và xác lập giá trị khoa học của đề tài.

Câu hỏi có khả năng trả lời được

Câu hỏi nghiên cứu phải có tính khả thi trong việc tìm bằng chứng để trả lời. Nếu câu hỏi quan trọng, rất thú vị nhưng không có khả thi thì nên loại bỏ khỏi đề tài nghiên cứu. Ví dụ mặc dù việc nghiên cứu tác động của một số đặc điểm trong chương trình đào tạo đại học về quản trị kinh doanh tới sự thành công của các doanh nhân là một chủ đề thú vị, song nếu nghiên cứu sự thành công thì có thể phải cần tới 10 năm và đó là khoảng thời gian quá dài để một nghiên cứu sinh có thể thực hiện được. Đây là câu hỏi không khả thi cho một nghiên cứu sinh.

3/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net