Trang chủ Tâm lý học Các quy luật tâm lý cá nhân

Các quy luật tâm lý cá nhân

by Ngo Thinh
1,4K views

Tìm hiểu các quy luật tâm lý cá nhân.

1. Quy luật tâm lý hành vi

a. Khái niệm hành vi

Hành vi là cách ứng xử trong một hoàn cảnh nhất định được biểu hiện bằng lời nói, hành động, cử chỉ nhất định (theo Đại Từ điển Tiếng Việt – Nguyễn Như Ý (chủ biên) – NXBĐHQGTPHCM, 1/2007).

Con người có hành động và cách xử thế trước các tình huống rất đa dạng không ai giống ai. Khoa học tâm lý đã góp phần quan trọng giúp ta nhận biết được mối quan hệ có Tính quy luật giữa hành vi, thái độ của con người với Tính khí và động cơ hành vi của họ.

b. Mối quan hệ giữa hành vi và Tính khí

Giữa hành vi và Tính khí (Khí chất) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong cùng điều kiện, hoàn cảnh thì những người có Tính khí khác nhau sẽ có hành vi, thái độ khác nhau. Ví dụ: Khi bị nhà quản trị hiểu lầm và trừng phạt không đúng thì người sôi nổi sẽ có những phản ứng gay gắt, người điềm tĩnh thì nhẹ nhàng, giải thích để nhà quản trị hiểu rõ sự việc, người ưu tư thì hồi hộp lo sợ….

c. Vai trò của động cơ với hành vi

Động cơ đóng vai trò quan trọng đối với hành vi, thái độ của cá nhân. Mỗi hành động của cá nhân đều bắt nguồn từ những động lực thúc đẩy khác nhau.

– Khái niệm động cơ: Động cơ có thể hiểu là lực tác động, điều khiển bên trong của cá nhân, thúc đẩy họ hành động để đạt được mục đích nào đó của cá nhân.

– Thành tố cấu tạo nên động cơ: Động cơ được cấu tạo bởi ba thành tố là nhu cầu, tình cảm và ý thức. Hai thành tố nhu cầu và tình cảm thường gắn với nhau như hình với bóng. Nhu cầu là trạng thái thiếu hụt một cái gì đó, là trạng thái mất cân bằng về mặt tâm lý trong cơ thể. Chính trạng thái này đòi hỏi con người phải hành động để lập lại cân bằng. Khi nhu cầu được thỏa mãn sẽ xuất hiện tình cảm tích cực, ngược lại khi nhu cầu không được thỏa mãn, trạng thái mất cân bằng không được khắc phục sẽ làm cho con người xuất hiện tình cảm tiêu cực.

– Phân loại và ảnh hưởng của động cơ đến hành vi:

Động cơ bao gồm:

  • Động cơ hưởng thụ;
  • Động cơ dâng hiến;
  • Động cơ tự thể hiện.

Động cơ là cái nằm bên trong mỗi cá nhân, khó nắm bắt được một cách trực quan, nhưng thông qua hoạt động cụ thể của người lao động, nhà quản trị có thể nhận biết được động cơ của họ. Động cơ được bộc lộ ra ngoài thông qua các biểu hiện tâm lý (hứng thú, ước mơ, hoài bão, niềm tin và lý tưởng) thành xu hướng, mục tiêu cuộc sống của mỗi người. Vì vậy, nhìn vào xu hướng, mục đích sống ta có thể đoán biết được động cơ của cá nhân có trong sáng không.

Nhờ thành tố ý thức mà mục đích, phương pháp thỏa mãn nhu cầu của con người mang Tính nhân văn cao cả. Chẳng hạn, nhu cầu ăn uống của loài vật được thỏa mãn thông qua các hoạt  động bản năng (ăn sống, nuốt tươi, cắn xé…). Ngược lại, để thoả mãn nhu cầu ăn uống của mình, con người đã tiến hành một cách có ý thức, vệ sinh… nhờ có thành tố ý thức mà nhu cầu, tình cảm của con người xác định được mục đích, hướng đi mang Tính văn minh và nhân bản cao, thoát khỏi bản năng tự nhiên.

Nhu cầu và tình cảm của con người rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, động cơ và mục đích để thỏa mãn chúng không giống nhau, tùy thuộc vào ý thức rèn luyện của bản thân, môi trường và biện pháp giáo dục, trình độ văn hóa, xã hội, phong tục tập quán…

Trong quá trình hành động của con người để thực hiện mục tiêu đã định, sẽ gặp các xung đột do người khác tạo ra, hoặc do hoàn cảnh, điều kiện không thích hợp. Lúc đó, con người sẽ tùy theo Tính khí, bản năng và động cơ mà có các dạng hành vi theo các tuyến có Tính quy luật, và dù muốn hay không muốn cuối cùng cũng phải đi đến thích nghi, để tồn tại, nghĩa là con người tự điều chỉnh hành vi của mình.

Con người hoạt động trong môi trường xã hội bị ràng buộc bởi các chuẩn mực, sự giáo dục của gia đình, của các nhóm không giống nhau, bản năng và động cơ cũng khác nhau, nên các quy luật tâm lý hành vi của con người chịu ảnh hưởng bởi hành vi của nhóm cộng đồng.

2. Quy luật tâm lý lợi ích

 a. Khái niệm lợi ích

Lợi ích là những cái có lợi, những cái cần thiết đối với con người. Lợi ích chi phối thái độ và hành động của con người.

b. Các loại lợi ích

Lợi ích có thể được hiểu và phân loại như sau:

  • Lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài: Hai lợi ích này cũng có lúc thống nhất, nhưng cũng có những lúc không thống nhất, thậm chí là trái ngược
  • Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và lợi ích chung: Các lợi ích này có nội dung và phạm vi khác nhau và hay mâu thuẫn nhau. Tâm lý phổ biến là coi lợi ích cá nhân nặng nhất, sau đó đến lợi ích nhóm, rồi mới đến lợi ích
  • Lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần: Lợi ích vật chất thường thấy rõ ngay, lợi ích tinh thần là to lớn và bền vững hơn nhiều so với lợi ích vật chất.

c. Nội dung quy luật tâm lý lợi ích

Lợi ích là động lực cơ bản của các hành động có ý thức của con người. Con người khi làm việc gì cũng đều Tính đến lợi ích.

Trong các tập thể, thường có các xung đột lớn là xung đột lợi ích. Vì bản chất con người là tư hữu, ham muốn lợi ích.

Trong mỗi giai cấp có sự khác nhau về năng lực, hoàn cảnh… nên cũng tạo ra sự khác nhau trong phân phối lợi ích. Từ sự khác nhau về lợi ích đã làm nảy sinh những các trạng thái tâm lý phức tạp như: Ghen tị, ganh đua, chế giễu, chê cười…

Nhìn chung, trong xã hội số đông vẫn có xu hướng quan tâm tới lợi ích chung, lợi ích lâu dài, lợi ích tinh thần. Vì họ biết rằng trong đó hàm chứa lợi ích cá nhân, lợi ích trước mắt và lợi ích vật chất. Trên cơ sở đó lợi ích cá nhân mới được đảm bảo chắc chắn và lợi ích vật chất mới phong phú.

3. Quy luật tâm lý tình cảm

a. Khái niệm và cơ chế hình thành

Con người chúng ta vừa sống bằng lý trí, vừa sống bằng tình cảm. Nặng về lý trí, con người sẽ trở thành khô khan lạnh lùng, khô cứng, không thuận lòng người. Trái lại, nếu quá nặng về tình cảm sẽ dẫn con người đến sai lầm, sướt mướt, ủy mị, vô nguyên tắc, không có tác dụng tích cực với gia đình và xã hội.

– Khái niệm

Tình cảm có Tính bền vững, ổn định vì vậy nếu biết được đặc điểm tình cảm của một người nào đấy, ta có thể phán đoán được các yếu tố chính yếu trong họ. Tình cảm mang Tính chân thực, nó phản ánh chính xác nội tâm thực của con người, cho dù người đấy có cố tình che giấu bằng các hành vi giả tạo bên ngoài.

Tình cảm được thể hiện thông qua các xúc cảm cụ thể và tình cảm càng sâu sắc bao nhiêu thì xúc cảm sẽ càng thể hiện mãnh liệt bấy nhiêu. Vì vậy chúng ta cũng có thể dùng xúc cảm của một người để đánh giá tình cảm của họ. Tuy nhiên trong một số trường hợp tình cảm không đồng nhất với xúc cảm. Ví dụ: Có những người biểu hiện cảm xúc rất mãnh liệt khi phản ứng trước các quyết định (kỷ luật) một cá nhân nào đó thể hiện anh ta rất quý người bị kỷ luật, tuy nhiên tình cảm của anh ta với người đó có khi là ngược lại.

– Cơ chế hình thành tình cảm

Tình cảm được hình thành từ các xúc cảm cùng loại, nhiều xúc cảm cùng loại hình thành nên tình cảm. Vì vậy muốn hình thành tình cảm, thì trước hết phải tạo ra các xúc cảm tương ứng. Ví dụ: Nhà quản trị muốn người lao động có tình cảm tốt đẹp với doanh nghiệp, thì trước hết phải tạo ra những xúc cảm tích cực như quan tâm, lo lắng cho họ và gia đình họ làm cho họ cảm động. Cần chú ý rằng trong quá trình hình thành tình cảm có nhiều yếu tố chi phối (môi trường xã hội, ấn tượng ban đầu, định kiến…) chứ không phải chỉ đơn thuần là từ cảm xúc.

b. Những quy luật tâm lý tình cảm

Những quy luật của đời sống tình cảm

  • Quy luật lây lan tình cảm: Tình cảm của một cá nhân có thể bị ảnh hưởng từ lây lan tâm lý từ người khác.
  • Quy luật thích ứng: Một cảm xúc, một tình cảm nào đó được lặp đi lặp lại một cách không đổi, thì cuối cùng sẽ bị suy yếu và lắng xuống (sự chai sạn về mặt tình cảm).
  • Quy luật tương phản: Một cảm xúc, tình cảm này có thể làm tăng cường một cảm xúc, tình cảm đối lập với nó.
  • Quy luật di chuyển: Xúc cảm, tình cảm của con người có thể di chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác.
  • Quy luật pha trộn: Những cảm xúc, tình cảm khác nhau thậm chí đối lập nhau có thể xuất hiện đồng thời ở một người, chúng không loại trừ nhau, mà quy định lẫn nhau.

4. Quy luật tâm lý về nhu cầu

a. Khái niệm nhu cầu

Nhu cầu là những đòi hỏi mà con người cần có để sống, tồn tại và phát triển. Nhu cầu là động lực hành động của con người, từ đó nảy sinh ra nhiều trạng thái tâm lý đa dạng và phong phú.

Con người có nhiều nhu cầu. Theo Abraham Maslow con người có 5 bậc nhu cầu sau:

Tháp nhu cầu của Maslow

  • Nhu cầu sinh lý cơ bản;
  • Nhu cầu an toàn;
  • Nhu cầu xã hội (nhu cầu được chấp nhận);
  • Nhu cầu được kính trọng (địa vị xã hội);
  • Nhu cầu tự thể hiện (nhu cầu hiện thực hóa bản thân).

b. Các quy luật tâm lý về nhu cầu

– Nhu cầu của con người luôn phát triển đến vô tận. Sự phát triển của nhu cầu có thể tuần tự hoặc nhảy vọt tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi người và của các nhóm xã hội, nhưng không bao giờ dừng lại.

– Mức độ thỏa mãn giảm dần: Nhu cầu nào được đáp ứng đầu tiên bao giờ cũng có độ thích thú cao, sau đó sẽ giảm dần.

Sự diễn biến của nhu cầu: Tâm lý nhu cầu nhiều khi tỏ ra đỏng đảnh không trùng với nhu cầu thực, có khả năng thay đổi nhanh chóng. Vì con người một lúc có nhiều nhu cầu khác nhau, nên họ phải lựa chọn, giải quyết các nhu cầu lần lượt phù hợp với khả năng tài chính, thể lực, thời gian hoặc ngoại cảnh, điều kiện…

(Nguồn: Topica, Đặc điểm và các quy luật tâm lý cá nhân trong quản trị kinh doanh)

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]