Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Các nhân tố ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp

Các nhân tố ảnh hưởng đến tài chính doanh nghiệp

by Ngo Thinh
1,2K views

Hoạt động tài chính doanh nghiệp trong các doanh nghiệp là không giống nhau. Sự khác biệt đó chịu sự chi phối của các nhân tố cơ bản là: Hình thức pháp lý tổ chức doanh nghiệp; Đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành kinh doanh và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Hình thức pháp lý tổ chức doanh nghiệp

Có nhiều cách phân loại doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu thức khác nhau như: căn cứ vào lĩnh vực kinh doanh, căn cứ theo đối tượng kinh doanh, căn cứ theo đặc điểm hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong phạm vi chương này chúng ta tìm hiểu tiêu thức phân loại doanh nghiệp căn cứ vào tính chất sở hữu vốn.

Ở Việt Nam, theo Luật Doanh nghiệp (năm 2014), căn cứ vào tính chất sở hữu vốn, các loại hình doanh nghiệp chủ yếu bao gồm:

  • Doanh nghiệp tư nhân;
  • Công ty hợp danh;
  • Công ty trách nhiệm hữu hạn;
  • Công ty cổ phần.

Hình thức pháp lý tổ chức doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức tài chính doanh nghiệp như: Phương thức hình thành và huy động vốn, việc tổ chức quản lý sử dụng vốn, việc chuyển nhượng vốn, việc tổ chức quản lý sử dụng vốn, phân phối lợi nhuận và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với khoản nợ của doanh nghiệp…

Những ảnh hưởng của hình thức tổ chức pháp lý doanh nghiệp đến quản trị tài chính của các loại hình doanh nghiệp thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:

a. Doanh nghiệp tư nhân: Là doanh nghiệp do 1 cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

– Chủ doanh nghiệp là người đầu tư vốn và chỉ có thể huy động vốn từ bên ngoài qua các hình thức đi vay. Tuy nhiên, việc huy động vốn từ bên ngoài là rất hạn hẹp và loại hình doanh nghiệp này không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khóan nào để huy động vốn trên thị trường. Qua đó, cho thấy, nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân là rất hạn chế, vì vậy loại hình doanh nghiệp này chỉ thích hợp với việc kinh doanh quy mô nhỏ.

– Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp, có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp của mình, có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác hoặc có quyền tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Việc thực hiện cho thuê hay bán doanh nghiệp hoặc tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu của pháp luật hiện hành.

– Lợi nhuận sau thuế là tài sản hoàn toàn thuộc quyền sở hữu và sử dụng của chủ doanh nghiệp.

– Chủ doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động (nghĩa là, về mặt tài chính, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của doanh nghiệp). Đây là một điều bất lợi của hình thức doanh nghiệp này.

b. Công ty hợp danh là doanh nghiệp trong đó:

– Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh còn có thể có thành viên góp vốn.

– Các thành viên hợp danh phải là các cá nhân, có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.

– Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

– Trong cty hợp danh, các thành viên hợp danh có quyền quản lý công ty, tiến hành các hoạt động kinh doanh nhân danh công ty; có quyền ngang nhau khi quyết định các vấn đề quản lý công ty; cùng liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn có quyền được chia lợi nhuận theo tỷ lệ quy định tại điều lệ công ty nhưng không được quyền tham gia quản lý công ty và hoạt động kinh doanh nhân danh công ty.

– Ngoài vốn điều lệ, công ty hợp danh có thể huy động vốn từ bên ngoài qua các hình thức đi vay, không được phát hành bất kỳ loại chứng khóan nào để huy động vốn.

– Các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty, còn các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

c. Công ty trách nhiệm hữu hạn:

Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành ở Việt Nam, có 2 dạng công ty trách nhiệm hữu hạn là: Công ty trách nhiệm hữu hạn coa 2 thành viên trở lên và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

– Công ty TNHH có 2 thành viên trở lên: Là doanh nghiệp trong đó:

  • Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp và doanh nghiệp.
  • Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. o Thành viên có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng thành viên không vượt quá 50. o Thành viên của công ty có quyền biểu quyết tương ứng với phần vốn góp. Thành viên phải góp vốn đầy đủ, đúng hạn như đã cam kết.
  • Ngoài vốn góp của các thành viên, công ty có quyền lựa chọn hình thức và cách thức huy động vốn theo quy định của pháp luật (đi vay, phát hành trái phiếu…) nhưng không được phát hành cổ phiếu.
  • Trong quá trình hoạt động, theo quyết định của Hội đồng thành viên, công ty có thể tăng hoặc giảm vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
  • Lợi nhuận sau thuế thuộc về các thành viên của công ty, việc phân phối lợi nhuận do các thành viên quyết định, số lợi nhuận mỗi thành viên được hưởng tương ứng với phần vốn góp vào công ty.

– Cty TNHH một thành viên: Là doanh nghiệp do 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức làm chủ sở hữu và chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

  • Cty TNHH một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Đối với cty TNHH một thành viên, phải xác định và tách bạch tài sản của chủ sở hữu công ty và tài sản của công ty: Chủ sở hữu công ty là cá nhân phải tách bạch các chi tiêu của cá nhân và gia đình mình với các chi tiêu trên cương vị là Chủ tịch công ty và Giám đốc.

– Cty TNHH một thành viên không được quyền phát hành cổ phiếu.

d. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

+ Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần

+ Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

+ Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác, trừ trường hợp có quy định của pháp luật.

+ Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa.

+ Ngoài các hình thức huy động vốn thông thường, công ty cổ phần có thể phát hành các loại chứng khóan (cổ phiếu, trái phiếu) ra công chúng để huy động vốn nếu đủ tiêu chuẩn theo luật định.

+ Việc phân phối lợi nhuận sau thuế thuộc quyền quyết định của Đại hội cổ đông công ty.

Như vậy, có thể thấy rằng: Mỗi loại doanh nghiệp đều có những ưu, nhược điểm riêng (Bảng 1). Trong đó, công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có quy mô lớn nhất và chứa đựng nhiều vấn đề liên quan đến quản trị tài chính. Mặt khác, đây cũng là loại hình công ty đã và đang đóng vai trò chủ yếu ở các nước phát triển và sẽ đóng vai trò chủ yếu ở Việt Nam trong tương lai cùng với tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Bảng 1. Tóm tắt ưu, nhược điểm của các loại hình doanh nghiệp

2. Đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành kinh doanh

Hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp thường được thực hiện trong một hoặc một số ngành kinh doanh nhất định. Mỗi ngành kinh doanh có những đặc điểm kinh tế – kỹ thuật riêng có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tổ chức tài chính doanh nghiệp.

– Những doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại, dịch vụ thì tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao hơn, tốc độ chu chuyển của tài sản ngắn hạn cũng nhanh hơn so với ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng.

– Những doanh nghiệp sản xuất ra những loại sản phẩm có chu kỳ sản xuất ngắn thì nhu cầu tài sản ngắn hạn giữa các thời kỳ trong năm thường không có biến động lớn, doanh nghiệp cũng thường xuyên thu được tiền bán hàng, nhờ đó có thể dễ dàng bảo đảm cân đối giữa thu và chi bằng tiền, cũng như đảm bảo nguồn vốn cho nhu cầu kinh doanh.

– Ngược lại, những doanh nghiệp sản xuất ra những loại sản phẩm có chu kỳ sản xuất dài, phải ứng ra lượng tài sản ngắn hạn lớn hơn. Những doanh nghiệp hoạt động trong những ngành sản xuất có tính thời vụ thì nhu cầu về tài sản ngắn hạn giữa các thời kỳ trong năm chênh lệch nhau rất lớn, giữa thu và chi bằng tiền thường không có sợ ăn khớp về thời gian. Đây là điều phải tính đến trong việc tổ chức tài chính, nhằm đảm bảo vốn kịp thời, đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo cân đối giữa thu và chi bằng tiền.

3. Môi trường kinh doanh

Mỗi doanh nghiệp đều tồn tại và hoạt động trong một môi trường kinh doanh nhất định. Môi trường kinh doanh bao gồm tất cả những điều kiện bên trong và bên ngoài có tác động đến các hoạt động của doanh nghiệp. Các yếu tố đó bao gồm:

a. Các yếu tố thuộc môi trường bên ngoài doanh nghiệp

– Cơ sở hạ tầng của nền kinh tế

Nếu cơ sở hạ tầng phát triển (hệ thống giao thông, công nghệ thông tin Internet, điện thoại, điện nước…) thì sẽ giảm bớt được nhu cầu vốn đầu tư của doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, thời gian trong kinh doanh. Ngược lại, nếu cơ sở hạ tầng không phát triển, doanh nghiệp sẽ tốn chi phí, thời gian vận chuyển do mạng lưới giao thông không phát triển; doanh nghiệp lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí có thể mất uy tín do không có Internet, điện thoại…

– Tình hình tăng trưởng và phát triển kinh tế vĩ mô

Một nền kinh tế đang trong quá trình tăng trưởng thì có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đầu tư phát triển, từ đó đòi hỏi doanh nghiệp phải tích cực áp dụng các biện pháp huy động vốn để đáp ứng yêu cầu đầu tư. Cụ thể, khi nền kinh tăng trưởng, thu nhập bình quân/người cao, mọi người sẵn sàng mở hầu bao để chi tiêu, làm cho tổng cầu của xã hội tăng, kích thích sản xuất phát triển, kích thích các doanh nghiệp huy động vốn để đáp ứng yêu cầu đầu tư. Mặt khác, khi thu nhập bình quân/người cao, khả năng tiết kiệm tăng làm cho khả năng đầu tư tăng, sẽ tạo lợi thế cho doanh nghiệp khi huy động vốn.

Ngược lại, nền kinh tế đang trong tình trạng suy thóai thì doanh nghiệp khó có thể tìm được cơ hội tốt để đầu tư.

– Chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với doanh nghiệp như: chính sách thuế, chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách xuất nhập khẩu, chế độ khấu hao tài sản cố định… Đây là yếu tố tác động lớn đến các vấn đề về tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ, khi gia nhập WTO, Việt Nam phải thực hiện lộ trình cắt giảm hàng rào thuế quan, các doanh nghiệp trong nước không còn được Nhà nước bảo hộ như trước đây nữa đòi hỏi các doanh nghiệp phải định hướng, cơ cấu lại hoạt động của mình cho phù hợp.

– Lãi suất tín dụng và lạm phát

Lãi suất tín dụng và lạm phát là các yếu tố có tác động tương tác với nhau. Khi lạm phát tăng, làm cho lãi suất tín dụng tăng, ngược lại khi lạm phát giảm, sẽ làm cho lãi suất tín dụng giảm.

Khi lạm phát tăng, nền kinh tế sẽ gặp khó khăn, giá cả các yếu tố đầu vào của doanh nghiệp tăng, khối lượng hàng hóa giảm, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm sút, khả năng cung ứng vốn giảm, lãi suất tăng… đẩy doanh nghiệp rơi vào phá sản và suy thóai. Ngược lại, khi lạm phát ổn định sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động, gia tăng lợi nhuận.

– Tình hình thị trường tài chính và hệ thống các trung gian tài chính

Hoạt động của doanh nghiệp gắn liền với thị trường tài chính, nơi mà doanh nghiệp có thể huy động gia tăng vốn, đồng thời có thể đầu tư các khoản tài chính tạm thời nhàn rỗi để tăng thêm mức sinh lời của vốn hoặc có thể dễ dàng hơn thực hiện đầu tư tài chính gián tiếp. Sự phát triển của thị trường tài chính làm đa dạng hóa các công cụ và các hình thức huy động vốn cho doanh nghiệp.

– Mức độ cạnh tranh

Nếu doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh cao đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn cho việc đổi mới thiết bị, công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, cho quảng cáo, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm…

b. Các yếu tố thuộc môi trường bên trong doanh nghiệp

– Các quy định trong nội bộ doanh nghiệp:

Các quy định trong nội bộ doanh nghiệp như điều lệ, quy chế hoạt động, quy chế quản lý của doanh nghiệp, quy định về chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cá nhân… là căn cứ để người lao động tuân theo và là căn cứ để giám sát, đánh giá kết quả hoạt động của từng bộ phận trong doanh nghiệp.

– Trình độ công nghệ kinh doanh của doanh nghiệp:

Một doanh nghiệp trang bị công nghệ kinh doanh hiện đại (thể hiện ở sự đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp) sẽ sản xuất ra những sản phẩm tốt, đáp ứng được yêu cầu thị trường, tiết kiệm được nhiên liệu.

Ngược lại, nếu công nghệ kinh doanh lạc hậu sẽ sản xuất ra những sản phẩm chất lượng kém, không theo kịp thị hiếu, không tiêu thụ được, chi phí nhiên liệu lại cao.

– Văn hóa của doanh nghiệp:

Văn hóa doanh nghiệp xác lập môi trường làm việc của người lao động. Yếu tố này tác động trực tiếp đến tâm lý của người lao động, tác động đến năng suất lao động, đến lòng nhiệt tình với công việc được giao, tác động đến lòng trung thành và ý thức trách nhiệm của người lao động. Mặt khác, văn hóa của doanh nghiệp sẽ gây dấu ấn đối với khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp gây được dấu ấn tốt đối với khách hàng, làm cho khách hàng hài lòng, lần sau sẽ lại tìm đến với doanh nghiệp, thậm chí còn trở thành người quảng cáo cho doanh nghiệp.

– Quan điểm, thái độ, phong cách lãnh đạo

Quan điểm, phong cách lãnh đạo của cán bộ quản lý rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động tài chính doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp có năng lực điều hành quản lý tốt, có phong cách lãnh đạo tiên tiến, quan điểm rõ ràng, minh bạch sẽ tập hợp được lực lượng, thu hút được nhân tài, phát huy được sức mạnh tập thể, giúp cho doanh nghiệp ngày càng phát triển.

(Lytuong.net – Nguồn: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net