Trang chủ An toàn lao động và môi trường Các biện pháp tổ chức an toàn điện trong xí nghiệp

Các biện pháp tổ chức an toàn điện trong xí nghiệp

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 203 views

Nắm bắt được các biện pháp tổ chức an toàn điện trong xí nghiệp bao gồm trách nhiệm của các xí nghiệp trong công tác an toàn điện và các yêu cầu về hồ sơ tài liệu, dụng cụ an toàn điện, tổ chức nhân sự.

1. Trách nhiệm của các xí nghiệp trong công tác an toàn điện

1. Đảm bảo về tình trạng các thiết bị điện và an toàn điện cho các cán bộ công nhân viên. Quản lý, vận hành và bảo dưỡng các thiết bị điện theo đúng các điều khoản trong quy phạm.

2. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo thực hiện (phổ biến huấn luyện và kiểm tra) quy phạm. Đảm bảo tất cả cán bộ, công nhân viên khi làm việc, tiếp xúc với những thiết bị điện đều phải qua kiểm tra về sự hiểu biết các điều khoản trong quy phạm và có nhiệm vụ chấp hành nghiêm chỉnh các điều khoản đó trong phạm vi công tác của mình.

3. Phổ biến nội dung công tác quản lý an toàn điện tại các đơn vị gồm các công việc sau:

  • Đảm bảo các thiết bị điện và mạng điện vận hành an toàn;
  • Thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho thiết bị và an toàn cho con người khi tiếp xúc với điện;
  • Đề xuất các biện pháp phòng tránh tai nạn điện và sự cố về điện;
  • Huấn luyện, kiểm tra về an toàn điện cho cán bộ công nhân viên.

4. Phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ phận hoặc cán bộ quản lý an toàn điện. Đảm bảo an toàn điện cho cán bộ công nhân viên và thiết bị điện thuộc phạm vi được phân công quản lý. Tuỳ theo mức độ và hậu quả, việc vi phạm các điều khoản trong quy phạm này sẽ bị xử lý bằng phạt hành chính, kỷ luật hay pháp luật hiện hành.

2. Yêu cầu về kiểm tra, nghiệm thu khi xây lắp và sửa chữa điện

1. Mỗi loại thiết bị và công trình điện trong xây dựng và sửa chữa đều phải tổ chức nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn và nghiệm thu tổng thể theo yêu cầu của tiêu chuẩn Việt Nam và yêu cầu của thiết kế.

2. Trong quá trình vận hành thiết bị điện, mạng điện. Định kỳ 3 tháng 1 lần, đơn vị sử dụng điện phải tiến hành tự kiểm tra việc sử dụng các thiết bị điện, tình trạng các thiết bị đó và các vấn đề có liên quan đến an toàn điện.

3. Ngoài việc kiểm tra định kỳ, cần tiến hành kiểm tra đột xuất tuỳ theo nhiệm vụ công tác, trước mùa mưa bão hay trước nguy cơ có thể xảy ra tai nạn, sự cố về điện.

4. Nội dung kiểm tra, thời hạn kiểm tra về an toàn điện phải được đưa vào nội dung tự kiểm tra định kỳ của các bộ phận chức năng theo hướng dẫn của giám đốc.

5. Hồ sơ kiểm tra nghiệm thu phải được lưu giữ bảo quản sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của quản lý, vận hành.

3. Yêu cầu về hồ sơ tài liệu

1. Đơn vị sử dụng điện cần phải có các hồ sơ, tài liệu sau:

– Sơ đồ mạng điện chung cung cấp điện trong đơn vị từ nguồn đến các thiết bị và các nơi có sử dụng điện;

– Lý lịch từng thiết bị điện, trong đó có ghi số hiệu nhà chế tạo, nơi chế tạo, số liệu và đặc tính kỹ thuật, số liệu thử nghiệm các quá trình thay đổi, sửa chữa, biên bản kiểm tra;

– Nội quy an toàn điện của đơn vị;

– Quy trình vận hành của từng loại thiết bị theo thuyết minh sử dụng, có phương án xử lý sự cố.

2. Trong khi cải tạo, sửa chữa làm thêm mới, phải ghi ngay mọi sự thay đổi vào sơ đồ mạng điện hay lý lịch thiết bị và phải nêu nguyên nhân và người cho phép thay đổi.

3. Nội quy sử dụng an toàn thiết bị điện phải được cán bộ phụ trách đơn vị ban hành, bao gồm các nội dung sau:

– Quyền hạn, trách nhiệm, quan hệ và nhiệm vụ của công nhân vận hành sử dụng;

– Trình tự khởi động và ngừng thiết bị;

– Thể thức vận hành sử dụng trong thời gian làm việc bình thường và các biện pháp xử lý sự cố;

– Biện pháp đề phòng tai nạn điện và phòng cháy chữa cháy.

4. Quy trình vận hành an toàn thiết bị điện cần phải được viết rõ ràng dễ đọc, để ở nơi dễ thấy để nhắc nhở công nhân viên thực hiện.

4. Yêu cầu về dụng cụ làm việc và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị đầy đủ dụng cụ làm việc, phương tiện bảo vệ cá nhân đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và phù hợp với công việc giao cho người lao động.

2. Công nhân, cán bộ kỹ thuật làm việc ở các thiết bị điện đã được cắt điện toàn bộ, cắt điện một phần hay không cắt điện phải sử dụng đầy đủ các trang bị bảo vệ cá nhân và dụng cụ an toàn cần thiết được quy định cho từng công việc cụ thể.

3. Các dụng cụ làm việc, phương tiện bảo vệ cá nhân có yêu cầu về sức bền và về độ cách điện như: dây an toàn, mũ cách điện và mũ an toàn công nghiệp, kìm cách điện, ủng cách điện, bao tay cách điện, ghế hoặc thảm cách điện… phải được kiểm tra định kỳ 6 tháng 1 lần theo tiêu chuẩn Việt Nam và được ghi vào hồ sơ tình trạng của các phương tiện bảo vệ.

4. Người sử dụng lao động chỉ được phép cấp phát cho người lao động các loại trang thiết bị bảo vệ cá nhân và trang bị dụng cụ an toàn đã được kiểm tra đạt yêu cầu về kỹ thuật an toàn và đã được dán nhãn, đánh dấu theo quy định của tiêu chuẩn Việt Nam hoặc của nhà quản lý.

5. Phải sử dụng các phương tiện bảo vệ đúng với phạm vi sử dụng và mục đích của các phương tiện đó. Cấm dùng các phương tiện bảo vệ vào các mục đích sinh hoạt khác.

5. Yêu cầu về nhân sự

1. Chỉ những người đủ 18 tuổi trở lên có đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định của cơ quan quản lý nhân sự hoặc của Bộ y tế và đã qua đào tạo kỹ thuật an toàn điện mới được phép làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị có điện áp.

2. Người sử dụng lao động phải có văn bản giao nhiệm vụ đối với người quản lý kỹ thuật điện của đơn vị và cấp thẻ an toàn cho người lao động làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị mang điện.

3. Định kỳ ít nhất mỗi năm một lần người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện lại và bổ sung kiến thức về kỹ thuật an toàn điện cho cán bộ quản lý và người lao động làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị có điện áp.

Người lao động làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị có điện áp phải thành thạo về phương pháp cấp cứu người bị điện giật.

4. Định kỳ hàng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động làm các công việc liên quan đến điện.

Người lao động làm nhiệm vụ xây lắp, sửa chữa liên quan đến điện trong điều kiện khó khăn (ví dụ: trong các đường hầm nhỏ hẹp, cột cao…) còn phải được kiểm tra tim mạch, huyết áp trước mỗi đợt công tác.

6. Yêu cầu an toàn khi làm việc

1. Người sử dụng lao động phải bố trí ít nhất 2 người cùng làm các công việc sau:

– Vận hành máy phát điện, trạm phân phối điện;

– Tháo lắp, sửa chữa thiết bị điện trên mạng điện, trên các máy công tác;

– Tháo lắp dây điện và phụ kiện đường dây dẫn điện trên cao (trên cột hoặc trong đường hầm cáp, cáp ngầm trên tường…).

2. Người lao động làm các công việc liên quan đến xây lắp, sửa chữa, vận hành thiết bị điện, mạng điện có nghĩa vụ tuân thủ nghiêm chỉnh quy trình thao tác, nội quy làm việc, sử dụng bảo quản các trang thiết bị, dụng cụ làm việc, trang thiết bị bảo vệ cá nhân để bảo đảm an toàn sức khoẻ cho bản thân và cho những người cùng làm việc.

3. Khi trời có dông, sét cấm làm mọi công việc ở đường dây điện trên không, ở các đầu vào và các thiết bị đóng cắt đấu trực tiếp với đường dây điện trên không.

4. Cắt điện làm việc phải được thực hiện từ mọi phía với phần mang điện bằng các thiết bị đóng cắt hoặc bằng cách tháo cầu chảy và treo biển báo “Cấm đóng điện, có người đang làm việc”.

5. Khi làm việc trên các đường dây song song với đường dây có điện áp trên 1000V phải đảm bảo khoảng cách giữa người làm việc với đường điện như sau:

  • 0,7m đối với điện áp từ 1kV đến 15 kV;
  • 1,0m đối với điện áp đến 35 kV;
  • 1,5m đối với điện áp đến 110 kV;
  • 2,5m đối với điện áp đến 220 kV;
  • 4,5m đối với điện áp đến 500 kV.

Khi làm việc với các đường dây giao chéo với đường dây có điện áp trên 1000V thì phải thông báo và thống nhất các biện pháp bảo đảm an toàn đối với cơ quản quản lý đường dây cao áp.

6. Tuỳ theo môi trường và chức năng của máy, thiết bị, công trình điện mà phải thực hiện một hay nhiều biện pháp đảm bảo an toàn sau:

– Dùng loại cách điện thích hợp, trường hợp đặc biệt dùng loại cách điện tăng cường;

– Bố trí cự ly thích hợp đến phần mang điện hoặc bọc kín phần mang điện;

– Làm rào chắn;

– Dùng khoá liên động cho khí cụ điện hoặc rào chắn để ngăn ngừa thao tác nhầm;

– Cắt tự động một cách nhanh chóng và tin cậy những phần dẫn điện, thiết bị điện bị chạm chập, hư hỏng;

– Nối đất hoặc nối trung tính bảo vệ vỏ của thiết bị điện hoặc bộ phận kim loại có thể bị chạm vỏ;

– San bằng điện thế; dùng biến áp cách ly hoặc dùng điện áp an toàn;

– Dùng hệ thống tín hiệu, báo hiệu, biển cấm.

7. Người bị tai nạn điện giật phải được sơ cứu, cấp cứu kịp thời. Mọi sự cố và tai nạn về điện phải được khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo. Đồng thời phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố, tránh tai nạn tái diễn.

(Lytuong.net – Nguồn: Giáo trình Kỹ thuật an toàn điện, Trường cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]