Trang chủ Trái đất và môi trường Biến đổi khí hậu là gì? Biểu hiện, nguyên nhân, tác động và ứng phó

Biến đổi khí hậu là gì? Biểu hiện, nguyên nhân, tác động và ứng phó

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 2,1K views

1. Biến đổi khí hậu là gì?

Thuật ngữ “Biến đổi khí hậu” được dùng để chỉ những thay đổi của khí hậu vượt ra khỏi trạng thái trung bình đã được duy trì trong một khoảng thời gian dài, thường là một vài thập kỉ hoặc dài hơn, do các yếu tố tự nhiên và/ hoặc do các hoạt động của con người trong việc sử dụng đất và làm thay đổi thành phần của bầu khí quyển (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008).

Một cụm từ đôi khi được sử dụng như một từ đồng nghĩa với Biến đổi khí hậu (BĐKH) là hiện tượng nóng lên toàn cầu, tuy nhiên chúng không phải là một. Nóng lên toàn cầu là xu hướng tăng lên về nhiệt độ trung bình của Trái Đất, còn BĐKH là khái niệm rộng hơn chỉ những thay đổi lâu dài của khí hậu trong đó bao gồm cả về nhiệt độ, lượng mưa, mực nước biển dâng và rất nhiều các tác động tới tự nhiên và con người. Khi các nhà khoa học nói về vấn đề BĐKH, họ quan tâm tới hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra bởi các hoạt động của con người.

2. Một số biểu hiện của biến đổi khí hậu

a/ Thế giới (IPCC, 2007b và IPCC, 2012)

(IPCC – Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu)

– Nhiệt độ trung bình tăng lên

Nhiệt độ trung bình trên thế giới đã gia tăng kể từ khi bắt đầu thời kì Cách mạng Công nghiệp với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong lịch sử Trái Đất. Theo IPCC, trong 100 năm qua (1906- 2005), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,74°C. Trong 50 năm cuối, nhiệt độ trung bình tăng nhanh gấp 2 lần. Thập kỉ 1991-2000 là thập kỉ nóng nhất kể từ năm 1861, thậm chí là trong 1000 năm qua ở Bắc bán cầu.

– Mực nước biển dâng: 

Mực nước biển trung bình toàn cầu đã tăng với tỉ lệ trung bình 1,8 mm/năm trong thời kì 1961-2003 và tăng nhanh hơn với tỉ lệ 3,1 mm/năm trong thời kì 1993-2003. Nguyên nhân là do quá trình giãn nở nhiệt của nước và do băng lục địa tan (ở hai cực và các đỉnh núi cao).

– Thiên tai và các hiện tượng thời tiết/ khí hậu cực đoan

Đã có những ghi nhận về sự thay đổi của một số những hiện tượng cực đoan kể từ những năm 1950 đến nay. Trong đó:

+ Số lượng những ngày và đêm lạnh đã có sự suy giảm, và số lượng những ngày và đêm ấm đã gia tăng trên hầu hết các lục địa.

+ Có một số bằng chứng cho thấy các dấu hiệu về sự gia tăng của các ngày nắng nóng kỷ lục tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ.

+ Trên quy mô toàn cầu, có nhiều khu vực đã ghi nhận được sự gia tăng số lượng các ngày mưa lớn.

+ Do những hạn chế trong việc đo đạc và ghi chép về xoáy thuận nhiệt đới (bão và áp thấp nhiệt đới), hiện nay chưa có được những thống kê chính xác về xu hướng xuất hiện của chúng trong hơn nửa thế kỷ Tuy nhiên, đã có những biểu hiện dịch chuyển về phía hai cực trong đường đi của các xoáy thuận cận nhiệt đới.

+ Đối với các hiện tượng cực đoan như vòi rồng, mưa đá và tố lốc, do sự không đồng nhất trong đo đạc và dữ liệu hạn chế nên hiện nay vẫn chưa xác định được những biểu hiện thay đổi.

+ Các đợt triều cường lớn có xu hướng gia tăng do sự gia tăng mực nước biển trong nửa cuối thế kỷ 20.

b/ Việt Nam (BTNMT, 2011)

(BTNMT – Bộ Tài nguyên và Môi trường)

– Nhiệt độ trung bình tăng lên

Trong 50 năm qua (1958-2007), nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam tăng lên khoảng 0,5oC đến 0,7oC. Nhiệt độ trung bình năm của 4 thập kỉ gần đây (1961- 2000) cao hơn trung bình năm của 3 thập kỉ trước đó (1931-1960). Theo kịch bản biến đổi khí hậu 2009, dự đoán đến cuối thế kỉ 21, nhiệt độ sẽ tăng: 1,6-3,6oC ở miền Bắc và 1,1-2,6oC ở miền Nam so với thời kì 1980-1999.

– Mực nước biển dâng: 

Số liệu quan trắc tại các trạm hải văn dọc bờ biển Việt Nam cho thấy tốc độ dâng lên của mực nước biển trung bình tại Việt Nam là khoảng 3 mm/năm trong giai đoạn 1993-2008, tương đương với tốc độ tăng trung bình trên thế giới. Kịch bản biến đổi khí hậu 2009 dự đoán đến giữa thế kỉ 21 mực nước biển có thể dâng thêm 28-33 cm và đến cuối thế kỉ 21 dâng thêm từ 65-100 cm so với thời kì 1980-1999.

– Thiên tai và các hiện tượng thời tiết/ khí hậu cực đoan

Bão: Trong những năm gần đây, các cơn bão có cường độ mạnh với mức độ tàn phá nghiêm trọng đã xuất hiện nhiều hơn trên Biển Đông. Các cơn bão đổ bộ vào đất liền có xu hướng chuyển dịch về phía Nam, mùa bão kéo dài hơn, kết thúc muộn hơn, và khó lường trước.

Lượng mưa: Nhiệt độ tăng cũng làm cho mưa trở nên thất thường, phân bố lượng mưa theo mùa và theo vùng có sự thay đổi. Vào mùa mưa, các vùng phía Bắc có ít mưa hơn, các vùng phía Nam có nhiều mưa hơn. Số lượng các đợt mưa lớn gia tăng trên hầu hết các khu vực.

Các đợt không khí lạnh đã suy giảm rõ rệt. Tuy nhiên, số các đợt lạnh bất thường lại có xu hướng diễn ra thường xuyên hơn.

c/ Biến đổi khí hậu trong lịch sử

Trong suốt quá trình lịch sử, khí hậu Trái Đất đã thay đổi nhiều lần.

3. Xu thế BĐKH trong thế kỉ 21

3.1 Thông tin chung về kịch bản biến đổi khí hậu

Xu thế biến đổi khí hậu hiện nay cũng như trong thế kỷ 21 phụ thuộc chủ yếu vào mức độ phát thải các khí nhà kính, hay sâu xa hơn đó chính là mức độ phát triển kinh tế – xã hội trong tương lai. Việc phát thải khí nhà kính trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào những hệ thống vận động phức tạp và chịu sự chi phối của những yếu tố như: (i) mức độ gia tăng dân số thế giới và mức độ tiêu dùng, (ii) mức độ phát triển kinh tế xã hội, (iii) mức độ thay đổi và phát triển của công nghệ.

Sự tiến triển trong tương lai của những yếu tố này mang tính bất định rất lớn, hay nói một cách khác, không ai biết chắc chắn trong tương lai những yếu tố này sẽ thay đổi như thế nào. Chính vì vậy, một trong những phương pháp được đưa ra và sử dụng phổ biến hiện nay đó là sử dụng các kịch bản khác nhau của tương lai.

Kịch bản không phải là những dự đoán hay dự báo, mà là những giả định về tương lai hay một tập hợp giả định về những tương lai khác nhau. Bằng việc đưa ra những kịch bản khác nhau về tương lai, chúng ta có thể có những nhận định về những thay đổi tương lai của các hệ thống/yếu tố phức tạp kể trên, và thông qua đó đưa ra những bức tranh phát thải khí nhà kính khác nhau và đánh giá những xu thế biến đổi khí hậu có thể xảy ra. (IPCC, 2000).

Thông tin cơ bản về những kịch bản phát thải khí nhà kính của IPCC và việc lựa chọn các kịch bản BĐKH cho Việt Nam (BTNMT, 2011)

Trong Báo cáo đặc biệt về các kịch bản phát thải khí nhà kính năm 2000, IPCC đã đưa ra 40 kịch bản, phản ánh khá đa dạng khả năng phát thải khí nhà kính trong thế kỷ 21. Các kịch bản phát thải này được tổ hợp thành 4 kịch bản gốc là A1, A2, B1 và B2 với các đặc điểm chính sau:

Kịch bản gốc A1: Kinh tế thế giới phát triển nhanh; dân số thế giới tăng đạt đỉnh vào năm 2050 và sau đó giảm dần; những công nghệ mới được truyền bá nhanh chóng và hiệu quả; thế giới có sự tương đồng về thu nhập và cách sống, có sự tương đồng giữa các khu vực, giao lưu mạnh mẽ về văn hoá và xã hội toàn cầu. Trong đó, kịch bản A1 được chia thành các nhóm dựa theo mức độ phát triển công nghệ:

  • A1FI (A1 – Fossil Fuel Intensive): Tiếp tục sử dụng thái quá nhiên liệu hóa thạch (kịch bản phát thải cao);
  • A1B (A1 – Balanced): Có sự cân bằng giữa các nguồn năng lượng (kịch bản phát thải trung bình);
  • A1T (A1 – Predominently non-fossil fuel): Chú trọng đến việc sử dụng các nguồn năng lượng phi hoá thạch (kịch bản phát thải thấp).

Kịch bản gốc A2: Thế giới không đồng nhất, các quốc gia hoạt động độc lập, tự cung tự cấp; dân số tiếp tục tăng trong thế kỷ 21; kinh tế phát triển theo định hướng khu vực; thay đổi về công nghệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế tính theo đầu người chậm (kịch bản phát thải cao, tương tự như A1FI).

Kịch bản gốc B1: Kinh tế phát triển nhanh giống như A1 nhưng có sự thay đổi nhanh chóng theo hướng kinh tế dịch vụ và thông tin; dân số tăng đạt đỉnh vào năm 2050 và sau đó giảm dần; giảm cường độ tiêu hao nguyên vật liệu, các công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên được phát triển; chú trọng đến các giải pháp toàn cầu về ổn định kinh tế, xã hội và môi trường (kịch bản phát thải thấp, tương tự như A1T).

Kịch bản gốc B2: Dân số tăng liên tục nhưng với tốc độ thấp hơn A2; chú trọng đến các giải pháp địa phương thay vì toàn cầu về ổn định kinh tế, xã hội và môi trường; mức độ phát triển kinh tế trung bình; thay đổi công nghệ chậm hơn và manh mún hơn so với B1 và A1 (kịch bản phát thải trung bình, được xếp cùng nhóm với A1B).

Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng và công bố năm 2009 theo các kịch bản phát thải khí nhà kính ở mức thấp (B1), trung bình (B2) và cao (A2, A1FI), trong đó kịch bản trung bình B2 được khuyến nghị cho các Bộ, ngành và địa phương làm định hướng ban đầu để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Kế thừa các nghiên cứu đã có và trên cơ sở các kết quả tính toán của các mô hình khí hậu ở Việt Nam, các kịch bản phát thải khí nhà kính được chọn nhằm cập nhật kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam trong báo cáo kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam năm 2011 bao gồm: B1 (kịch bản thấp), B2, A1B (kịch bản trung bình), A2 và A1FI (kịch bản cao).

3.2. Một số nhận định về xu thế BĐKH tại Việt Nam đến cuối thế kỷ 21

Theo những nghiên cứu và cập nhật về Kịch bản Biến đổi khí hậu và Nước biển dâng cho Việt Nam (BTNMT, 2011), những diễn biễn cụ thể về tình hình BĐKH tại Việt Nam được phỏng đoán như sau:

a. Về nhiệt độ:

Theo kịch bản phát thải thấp: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm tăng từ 1,6 đến 2,2oC trên phần lớn diện tích phía Bắc lãnh thổ và dưới 1,6oC ở đại bộ phận diện tích phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào).

Theo kịch bản phát thải trung bình: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình tăng 2-3oC trên phần lớn diện tích cả nước, riêng khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có nhiệt độ trung bình tăng nhanh hơn so với những nơi khác. Nhiệt độ thấp nhất trung bình tăng từ 2,2-3,0oC, nhiệt độ cao nhất trung bình tăng từ 2,0-3,2oC. Số ngày

có nhiệt độ cao nhất trên 35oC tăng 10-20 ngày trên phần lớn diện tích cả nước.

Theo kịch bản phát thải cao: Đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm có mức tăng phổ biến từ 2,5 đến trên 3,7oC trên hầu hết diện tích nước ta.

b. Về lượng mưa:

Theo kịch bản phát thải thấp: Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng phổ biến khoảng trên 6%, riêng khu vực Tây Nguyên có mức tăng ít hơn, chỉ vào khoảng dưới 2%.

Theo kịch bản phát thải trung bình: Đến cuối thế kỷ 21, lượng mưa năm tăng trên hầu khắp lãnh thổ. Mức tăng phổ biến từ 2-7%, riêng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tăng ít hơn, dưới 3%. Xu thế chung là lượng mưa mùa khô giảm và lượng mưa mùa mưa tăng. Lượng mưa ngày lớn nhất tăng thêm so với thời kỳ 1980-1999 ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và giảm ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Tuy nhiên ở các khu vực khác nhau lại có thể xuất hiện ngày mưa dị thường với lượng mưa gấp đôi so với kỷ lục hiện nay.

Theo kịch bản phát thải cao: Lượng mưa năm vào cuối thế kỷ 21 tăng trên hầu khắp lãnh thổ nước ta với mức tăng phổ biến khoảng 2-10%, riêng khu vực Tây Nguyên có mức tăng ít hơn, khoảng 1-4%.

c. Về một số yếu tố khí hậu khác:

Khí áp tăng trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam và Biển Đông.

Độ ẩm tương đối giảm trên hầu khắp cả nước, nhất là phía Đông Bắc Bộ và Nam Bộ.

d. Về nước biển dâng:

Theo kịch bản phát thải thấp: Vào cuối thế kỷ 21, mực nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 54-72 cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái trong khoảng từ 42-57 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 49-64 cm.

Theo kịch bản phát thải trung bình: Vào cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 62-82 cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái trong khoảng từ 49-64 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 57-73 cm.

Theo kịch bản phát thải cao: Vào cuối thế kỷ 21, nước biển dâng cao nhất ở khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang trong khoảng từ 85-105 cm; thấp nhất ở khu vực Móng Cái trong khoảng từ 66-85 cm. Trung bình toàn Việt Nam, mực nước biển dâng trong khoảng từ 78-95 cm.

Nếu mực nước biển dâng 1 m, sẽ có khoảng 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập. Gần 35% dân số thuộc các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên 9% dân số vùng đồng bằng sông Hồng và Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng trực tiếp. Trên 4% hệ thống đường sắt, trên 9% hệ thống quốc lộ và khoảng 12% hệ thống tỉnh lộ của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

4. Nguyên nhân của biến đổi khí hậu

4.1 Nguyên nhân của BĐKH và Hiệu ứng nhà kính

Nguyên nhân chính của BĐKH là sự gia tăng nồng độ các khí nhà kính (CO2, CH4…) trong bầu khí quyển.

Theo các nhà khoa học, sự biến đổi của khí hậu trong vòng 150 năm trở lại đây xảy ra chủ yếu do các hoạt động khai thác và sử dụng tài nguyên không hợp lí của con người, đặc biệt là việc khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng như các tài nguyên khác như đất và rừng. Những hoạt động này đã làm gia tăng nồng độ các khí nhà kính trong bầu khí quyển.

Vậy, chúng ta hãy tìm hiểu về khí nhà kính và hiệu ứng nhà kính.

Bầu khí quyển của Trái Đất chứa một số loại khí đặc biệt gọi là khí nhà kính vì cách mà chúng làm ấm Trái Đất tương tự như cách người ta giữ nhiệt cho các ngôi nhà làm bằng kính để trồng cây. Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm: hơi nước (H2O), khí cacbon đioxit (CO2), khí metan (CH4), khí đinitơ oxit (N2O), các hợp chầt halocacbon (CFC, HFC, HCFC) và khí ozon (O3) trong tầng đối lưu.

Những khí này giống như một chiếc chăn có độ dày vừa đủ, giúp giữ ấm cho Trái Đất ở trong khoảng nhiệt độ thích hợp, khiến sự sống có thể phát triển và sinh sôi nảy nở. Nếu không có những khí này, nhiệt từ Mặt Trời sẽ không được giữ lại và bề mặt Trái Đất sẽ trở nên lạnh lẽo.

Hiệu ứng nhà kính là khả năng giữ nhiệt của bầu khí quyển ngay phía trên bề mặt Trái Đất, do các khí nhà kính có khả năng giữ lại nhiệt tỏa ra từ bề mặt Trái Đất và mây, và phát lượng nhiệt đã giữ đó trở lại vào bầu khí quyển.

  1. Bức xạ Mặt Trời xuyên qua bầu khí quyển đến bề mặt Trái Đất.
  2. Một phần năng lượng bức xạ phản xạ lại không gian.
  3. Phần năng lượng còn lại làm bề mặt Trái Đất nóng lên và phát nhiệt vào bầu khí quyển.
  4. Một phần nhiệt bị các khí nhà kính trong khí quyển giữ lại làm Trái Đất ấm hơn.

Quá trình này được gọi là “hiệu ứng nhà kính”.

“Hiệu ứng nhà kính tự nhiên” đóng vai trò rất quan trọng cho sự sống của Trái Đất. Nếu không có hiệu ứng nhà kính, Trái Đất sẽ quá lạnh, con người và các sinh vật không thể tồn tại được.

Các khí nhà kính và hiệu ứng nhà kính chỉ trở thành một vấn đề lớn khi mà bầu khí quyển của chúng ta có quá nhiều các khí này. Đây chính là thực trạng hiện nay của bầu khí quyển. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và thậm chí cả những bãi chôn lấp rác thải trên toàn thế giới hàng ngày đang phát thải vào khí quyển một lượng lớn các khí nhà kính như cacbon đioxit (CO2), metan (CH4), đinitơ oxit (N2O) v.v….

Hiệu ứng nhà kính được gây ra do việc phát thải các khí nhà kính thông qua các hoạt động của con người kể trên được gọi là Hiệu ứng nhà kính tăng cường”.

Trước Cách mạng Công nghiệp, khí hậu Trái Đất đã trải qua thời kì ổn định kéo dài hàng nghìn năm. Hoạt động của con người không tạo ra nhiều khí nhà kính thải vào khí quyển.

Năm 1850, Cách mạng Công nghiệp lan rộng trên thế giới với nhiều phát minh vượt bậc làm thay đổi cuộc sống của con người như khai thác mỏ, công nghiệp, giao thông vận tải…

Từ đó, con người bắt đầu thay đổi môi trường. Chúng ta đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá và khí tự nhiên để vận hành máy móc, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát điện và các nhu cầu về năng lượng khác. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đã thải khí nhà kính vào bầu khí quyển. Không những thế, bùng nổ dân số trong hai thập kỉ qua cũng góp phần làm tăng nồng độ khí nhà kính.

Điều này giống như chúng ta chuyển từ một chiếc chăn mỏng sang một chiếc chăn dày. Kết quả là, trong vòng 150 năm qua, khí hậu Trái Đất bắt đầu thay đổi nhanh hơn theo chiều hướng ấm dần lên.

4.2 Các khí nhà kính

a/ Các loại khí nhà kính chính

Mặc dù nitơ (78%), oxi (21%) và agon (0,93%) chiếm đến 99,93% thể tích khí quyển Trái Đất, nhưng vai trò điều chỉnh nhiệt độ của bầu khí quyển lại thuộc về một vài trong số rất ít những khí còn lại, đó chính là các khí nhà kính như hơi nước (H2O), cacbon đioxit (CO2), metan (CH4), đinitơ oxit (N2O) và các hợp chất halocacbon (IPCC, 2007b). Các khí nhà kính có thể phát sinh trong tự nhiên và từ hoạt động của con người.

Từ Cách mạng Công nghiệp vào thế kỉ 19 cho đến nay, lượng khí CO2 trong khí quyển đã tăng lên khoảng 35% – mức tăng chưa từng có trong lịch sử tự nhiên của Trái Đất, cụ thể là từ 280 ppm (phần triệu) tới 379 ppm vào năm 2005 (IPCC, 2007c).

Cũng từ sau Cách mạng Công nghiệp, lượng khí N2O trong khí quyển đã tăng thêm 18%. Do N2O có thể tồn tại lâu trong khí quyển, những hoạt động tạo ra N2O ngày hôm nay vẫn sẽ gây ra hiệu ứng nhà kính trong nhiều thập kỉ tới.

Nồng độ CH4 trong khí quyển hiện nay tăng hơn gấp đôi so với thời kì trước Cách mạng Công nghiệp.

Tuy các hợp chất HFC và HCFC không làm suy giảm tầng ozon, các chất này vẫn là khí nhà kính có khả năng gây ra hiệu ứng nhà kính gấp hàng nghìn lần so với CO2. Hơn nữa, với thời gian tồn tại rất dài, các halocacbon sẽ gây ra những tác động lâu dài tới bầu khí quyển của chúng ta.

b/ “CO2 tự nhiên” có phải là loại khí có hại?

Hoàn toàn không!

“Các khí nhà kính tự nhiên” trong đó có khí CO2 đóng vai trò rất quan trọng cho sự sống của Trái Đất, giúp giữ ấm Trái Đất, tạo điều kiện cho con người và các sinh vật có thể tồn tại và phát triển. Tất cả các loài động vật trên thế giới đều hít vào khí O2 và thở ra khí CO2, vì đây là quá trình rất cần thiết để cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của cơ thể sống. Trung bình mỗi lần hít thở, một người sẽ thải vào bầu khí quyển khoảng 0,04 gam CO2. Ngược lại với con người và các loài động vật khác, thực vật có khả năng quang hợp dưới tác dụng của ánh sáng Mặt Trời, chúng hấp thụ CO2 trong không khí và tích trữ dưới dạng đường glucozơ để phục vụ cho quá trình sinh trưởng của mình. Ngoài ra, CO2 có thể được thải vào không khí một cách tự nhiên do các quá trình phun trào của núi lửa, do sự phân hủy xác động thực vật hoặc có thể được hòa tan vào trong nước.

Tất cả các hoạt động trên là những phần không thể thiếu của vòng tuần hoàn cacbon, một hệ thống tuần hoàn tự nhiên có vai trò tạo ra sự cân bằng giữa những nguồn hấp thụ và phát thải khí CO2 vào bầu khí quyển.

Chu trình Cacbon

c/ Khí CO2 và cuộc Cách mạng Công nghiệp

Mặc dù bầu khí quyển Trái Đất hiện nay tồn tại nhiều loại khí nhà kính khác nhau, nhưng trong đó CO2 đóng vai trò quan trọng gây ra hiệu ứng nhà kính. Đặc biệt khí CO2 có thể tồn tại trong bầu khí quyển tới 200 năm.

Trước khi có cuộc Cách mạng Công nghiệp, nồng độ khí CO2 trong khí quyển dao động ở mức 280 phần triệu (ppm).

Sau cuộc Cách mạng Công nghiệp, nồng độ đó đã tăng liên tục lên đến 380 ppm. Hiệu ứng nhà kính do khí CO2 gây ra quá mức cần thiết khiến nhiệt độ bề mặt địa cầu tăng nhanh, kéo theo nhiều tác động tiêu cực cho đời sống trên Trái Đất.

Ngưỡng BĐKH nguy hiểm là khi nhiệt độ tăng thêm khoảng 2oC, nồng độ khí nhà kính tăng trên 450 ppm CO2 tương đương, khi đó tình trạng môi trường sinh thái bị hủy hoại ở mức không thể khắc phục được.

Theo các báo cáo của Ban Liên Chính phủ về BĐKH, hàm lượng các khí nhà kính cơ bản đều tăng lên rõ rệt trong những thập kỉ gần đây. Trong đó, các hoạt động của con người đóng góp vào lượng phát thải khí nhà kính năm 2004 như sau:

Việc tiêu thụ năng lượng trong các ngành sản xuất năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng… đóng góp phần lớn lượng phát thải khí nhà kính:

  • Sản xuất năng lượng: 25,9%.
  • Giao thông vận tải: 13,1%.
  • Công nghiệp: 19,4%.
  • Sử dụng năng lượng trong các tòa nhà (thương mại và dân cư): 7,9%.

Hoạt động lâm nghiệp: Phá rừng, phân hủy sinh khối bề mặt (sau phá rừng), cháy rừng… đóng góp khoảng 17,4%.

Hoạt động nông nghiệp: Làm đất, phân bón, các chất thải nông nghiệp… khoảng 13,5%.

Các hoạt động khác (quản lí rác thải và nước thải…): 2,8%.

Nguồn phát thải các khí nhà kính năm 2004

d/ Dấu chân cacbon

Khi sản xuất hay sinh hoạt, nhiều hoạt động của con người sẽ phát thải ra một lượng cacbon đioxit và các khí nhà kính khác. Ví dụ: Đi ô tô sẽ thải ra lượng khí nhà kính thấp hơn máy bay, điện sản xuất từ năng lượng Mặt Trời sẽ thải ra lượng khí nhà kính thấp hơn nhiều so với điện sản xuất từ than.

Để đo lường lượng khí nhà kính mà con người hay một quốc gia thải ra, người ta đưa ra khái niệm “dấu chân cacbon”. Dấu chân cacbon là tổng lượng khí nhà kính mà con người tạo ra trong hoạt động sinh sống và sản xuất

hàng ngày, được tính bằng lượng (tấn) khí CO2 tương đương (gồm khí CO2 và các khí nhà kính khác quy ra mức tương đương với CO2). Dấu chân cacbon của một người (hay một quốc gia) là tổng tất cả các phát thải CO2 được tạo ra bởi hoạt động của người (quốc gia) đó trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm).

Việc tính toán dấu chân cacbon sẽ giúp chúng ta hiểu rõ các hoạt động sinh sống và sản xuất của con người tác động ra sao tới biến đổi khí hậu, từ đó sẽ giúp kiểm soát và giảm thiểu các tác động tiêu cực.

5. Tác động của biến đổi khí hậu

Sơ đồ nguyên nhân, biểu hiện và tác động của biến đổi khí hậu

5.1. Tác động của BĐKH

a/ Tác động của BĐKH trên thế giới

BĐKH tác động lên mọi thành phần của Trái Đất bao gồm cả môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và sức khỏe của con người. Tuy nhiên có thể nhận thấy hai mức độ ảnh hưởng của BĐKH được nêu dưới đây (UNESCO, 2010).

Những tác động sơ cấp do ảnh hưởng của việc tăng nhiệt độ trong môi trường tự nhiên như:

  • Các sông băng tan chảy nhanh hơn dự đoán.
  • Mực nước biển toàn cầu đang tăng lên, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng châu thổ thấp và các quốc đảo nhỏ.
  • Số lượng các siêu bão cấp 4 và 5 tăng gần gấp đôi trong 30 năm qua.

Bên cạnh đó do cuộc sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào môi trường tự nhiên như nước, thực phẩm, hàng hóa, giao thông, năng lượng, công ăn việc làm…, những tác động sơ cấp kể trên trở nên trầm trọng hơn và tạo ra những tác động thứ cấp ảnh hưởng đến những nguồn tài nguyên mà chúng ta cần như:

  • Nguồn nước: Hạn hán, và tác động liên quan đến chất lượng nước và nguồn cung cấp nước.
  • Thực phẩm: Năng suất và chất lượng chăn nuôi và trồng trọt bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, chất lượng đất…
  • Hệ sinh thái: Tác động tới các khu bảo tồn quốc gia, khu bảo tồn đa dạng loài, rừng tự nhiên và rừng trồng.
  • Sức khỏe: Các bệnh truyền nhiễm và các bệnh liên quan đến nhiệt độ.

Tác động của biến đổi khí hậu

b/ BĐKH tác động tới Việt Nam như thế nào?

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong các nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị những ảnh hưởng nặng nề. Theo tính toán trong kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam năm 2009, nếu nước biển dâng 3 m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 25% GDP.

Tác động đến mực nước biển

Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km. Trên 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và trên 30% diện tích đồng bằng trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình có độ cao dưới 2,5 m so với mặt biển. Đây là những khu vực sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất khi nước biển dâng, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ lấy mất đất khiến người dân phải sơ tán, nước biển dâng còn làm đất nhiễm mặn và thoái hóa dẫn đến không canh tác được.

Theo kịch bản BĐKH, diện tích bị ngập nếu mực nước biển dâng lên tương ứng như sau:

  • Nước biển dâng 0,25 m: Diện tích ngập lên đến trên 14% ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; 12% ở thành phố Hồ Chí Minh và 5% ở Thừa Thiên Huế. Các khu vực khác hầu như không bị ngập.
  • Nước biển dâng 0,5 m: Diện tích ngập lên đến 32% ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; 15% ở thành phồ Hồ Chí Minh và 5,6% ở Thừa Thiên Huế. Các khu vực khác hầu như không bị ngập.
  • Nước biển dâng 1 m: Diện tích ngập lên đến 67% ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; 21% ở thành phồ Hồ Chí Minh; 11,2% ở đồng bằng sông Hồng; 7,1% ở Thừa Thiên Huế; 5,7% ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Ở Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đồng Nai có 1-2,5% diện tích bị ngập. Ở các tỉnh ven biển khác, diện tích bị ngập chưa đến 1% và riêng Ninh Thuận hầu như chưa bị ảnh hưởng.

Hàng loạt các ngành kinh tế chịu tác động như:

  • Nông nghiệp: Thu hẹp đất canh tác do bị ngập mặn, xói mòn…
  • Lâm nghiệp: Hệ sinh thái suy giảm.
  • Thủy sản: Tài nguyên biển và ven biển bị suy giảm, nước biển xâm nhập sâu vào đất liền giết chết nhiều loại động thực vật nước ngọt.
  • Giao thông vận tải: Ảnh hưởng cả đường bộ, đường thủy, đường sắt, bến cảng…
  • Du lịch: Mất bãi tắm, thu hẹp địa điểm thăm quan và lưu trú cho du khách…

Tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học (Võ Quý, 2009)

Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên quý giá của đất nước. Tuy nhiên BĐKH đang làm thay đổi diện mạo của các hệ sinh thái.

Ranh giới của các vùng sinh thái bị thay đổi:

  • Các kiểu rừng nguyên sinh, thứ sinh ở Việt Nam có thể dịch chuyển, mở rộng hoặc thu hẹp.
  • Nhiều loài côn trùng, chim và cá đã di cư sang những vùng sinh sống khác.

Các loài sinh vật thay đổi dần cách thức sinh tồn của mình:

  • Nhiều loài cây, côn trùng, chim và cá đã chuyển dịch lên phía bắc và lên các vùng cao hơn.
  • Nhiều loài thực vật nở hoa sớm hơn.
  • Nhiều loài chim đã bắt đầu mùa di cư sớm hơn.
  • Nhiều loài động vật đã vào mùa sinh sản sớm hơn.
  • Nhiều loài côn trùng đã xuất hiện ở khu vực khí hậu lạnh.
  • Sâu bệnh phát triển phá hoại cây trồng.

Các nhà khoa học nhận thấy nhiều loài cây trên dãy Hoàng Liên Sơn đang phải “sơ tán” lên cao hơn để tồn tại. Ví dụ như loài thông Vân San Hoàng Liên – một loài chỉ tìm thấy duy nhất tại đây (đặc hữu), trước đây sinh trưởng ở độ cao 2.200-2.400 m, nay chỉ có thể gặp ở độ cao 2.400-2.700 m.

Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan

Các hiểm họa thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên, khắc nghiệt và bất thường hơn như mưa lớn, lũ lụt, khí nóng, bão, hạn hán, hỏa hoạn, nhiễm mặn, bệnh dịch… Ảnh hưởng của chúng khó có thể kiểm soát được.

Bão: Trong những năm gần đây, các cơn bão có cường độ mạnh với mức độ tàn phá nghiêm trọng đã xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam. Các cơn bão có xu hướng chuyển dịch về phía nam, mùa bão kéo dài hơn, kết thúc muộn hơn, và khó lường trước. Nguyên nhân là do các cơn bão được hình thành từ những vùng nước ấm, không khí ẩm ướt và gió hội tụ. Chính vì vậy, khi nhiệt độ bề mặt của đại dương tăng do sự gia tăng nhiệt độ của Trái Đất, các cơn bão càng dễ hình thành hơn và có khả năng lấy được nhiều năng lượng từ đại dương hơn để trở thành các cơn bão lớn và/ hoặc siêu bão.

Lũ lụt và hạn hán: Nhiệt độ tăng làm cho mưa trở nên thất thường, phân bố lượng mưa ở các vùng có sự thay đổi. Những vùng mưa nhiều, lượng mưa càng nhiều hơn, cường độ mưa lớn hơn. Các vùng hạn càng khô hạn hơn. Hạn hán trong mùa hanh khô làm tăng nguy cơ cháy rừng.

Tác động đến tài nguyên nước

Mặc dù là quốc gia có nguồn tài nguyên nước phong phú, Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước, do phần lớn lượng nước mặt chảy qua Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nước láng giềng. Theo dự báo hơn 8,4 triệu người ở Việt Nam có thể bị ảnh hưởng (ADB, 2009) do tổng lượng dòng chảy của sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị suy giảm.

BĐKH cùng với nước biển dâng làm thay đổi sự phân bố tài nguyên nước. Những thay đổi về chế độ mưa có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô.

Hạn hán dẫn đến tình trạng thiếu nước cho các hoạt động nông nghiệp. Nó cũng dẫn đến tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Mùa hè năm 2010, nhiệt độ cao khiến nhu cầu về điện tăng. Hạn hán đã dẫn đến tình trạng thiếu nước ở các đập thủy điện, gây thiếu điện trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn cung cấp nước ngọt cũng sẽ trở nên hạn hẹp do nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn khi nước biển dâng.

Tác động đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực

+ Tăng nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Hàng chục ngàn hecta diện tích đất canh tác ở vùng đất thấp đồng bằng ven biển, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long đã và đang bị xâm nhập mặn do nước biển dâng cũng như do hạn hán vào mùa khô, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và an ninh lương thực quốc gia.

+ Nhiệt độ tăng, thời gian hạn hán kéo dài, dịch bệnh lây lan, cỏ dại và sâu bệnh phát triển có thể khiến cho năng suất cây trồng suy giảm.

+ Gia súc và gia cầm có nhiều nguy cơ mắc dịch bệnh trên diện rộng.

+ Đồng cỏ chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi thay đổi mùa sinh trưởng.

+ Sự gia tăng các thiên tai khiến cho nhiều địa phương bị mất trắng mùa màng và gia súc.

Tất cả những khó khăn này làm tăng rủi ro trong nông nghiệp, đẩy giá lương thực lên cao làm tình trạng đói nghèo càng trở nên nghiêm trọng.

Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với 75% dân số sống bằng nông nghiệp. Cuộc sống của người dân vẫn còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và hoạt động sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Sự gia tăng của các thiên tai đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, như đợt rét kéo dài 33 ngày năm 2008 đã làm chết 33.000 con trâu bò và thiệt hại hàng chục ngàn hecta lúa đã cấy và mạ non.

Tác động đến sức khỏe

Nhiệt độ ấm hơn khiến cho các loài côn trùng gây bệnh và kí sinh trùng như muỗi xuất hiện ở những vùng mới đem theo các bệnh truyền nhiễm như sốt rét và sốt xuất huyết.

Thiếu nước, nắng nóng cũng gia tăng nguy cơ mắc bệnh, thậm chí tử vong liên quan đến nguồn nước và nắng nóng.

Khi nhiệt độ tăng lên, gánh nặng suy dinh dưỡng, tiêu chảy, các bệnh tim, phổi và các bệnh lây nhiễm tăng theo. Các hậu quả tiêu cực về sức khỏe xảy ra nhiều nhất ở các khu vực có điều kiện sống thấp, trong đó người nghèo, người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em, đặc biệt ở vùng ven biển, chịu rủi ro cao.

Tổ chức Y tế Thế giới ước tính 150.000 ca tử vong hàng năm là do ảnh hưởng của BĐKH, một nửa trong số đó là ở châu Á – Thái Bình Dương (WHO, 2005).

Tác động đối với năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải và xây dựng

Những hoạt động công nghiệp dễ bị tổn thương nhất sẽ xảy ra ở dải ven biển và những vùng đồng bằng châu thổ thường bị lũ lụt, nơi mà nền kinh tế của nó phụ thuộc chặt chẽ vào tài nguyên khí hậu nhạy cảm và những nơi dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là những vùng đang đô thị hóa nhanh.

Nhiệt độ tăng cùng với số ngày nắng nóng tăng lên làm tăng nhu cầu tiêu thụ năng lượng để làm mát và thông gió trong các hoạt động công nghiệp, giao thông và dân dụng, nhất là ở các thành phố, khu công nghiệp.

Những thay đổi trong phân bố mưa, bốc hơi ảnh hưởng đến tài nguyên nước sẽ tác động đến các hoạt động của các hồ chứa và nguồn năng lượng thủy điện.

Nước biển dâng, thiên tai, nhất là bão, mưa lớn, ngập lụt ảnh hưởng đến các dàn khoan và hệ thống vận chuyển dầu khí trên biển, các công trình xây dựng năng lượng, cảng biển, giao thông, dân dụng ở ven biển.

5.2. Ai bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH

– Người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.

Người nghèo – Họ là ai?

Nghèo đói là vấn đề không của riêng quốc gia nào mà là vấn đề chung của cả thế giời. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về nghèo, nhưng tựu chung thì: “Nghèo là trạng thái con người không duy trì được những nhu cầu (cả về vật chất và tinh thần) của mình ở mức tối thiểu”.

Để xác định người nghèo, có nơi sử dụng các thước đo về mức thu nhập, sở hữu tài sản, hay cơ hội họ được hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản… Và có các chuẩn nghèo khác nhau giữa các khu vực, thời kì và cả tiêu chuẩn đánh giá của các tổ chức.

Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra hai chuẩn nghèo là 1 đô la Mỹ/ngày và 2 đô la Mỹ/ngày để đảm bảo tính so sánh quốc tế. Căn cứ theo chuẩn nghèo là 1 đô la Mỹ/ngày thì nước ta có 13,1% dân số là người nghèo, theo chuẩn 2 đô la Mỹ/ngày thì con số đó là 58,5% (tức là hơn một nửa dân số không có được 40.000 đồng/ngày).

Ở nước ta, việc xác định đói nghèo được căn cứ theo thu nhập bình quân. Theo Quyết định 09/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, chúng ta có thể sử dụng từ “người nghèo” cho những người có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/ tháng (đối với khu vực nông thôn), và 500.000 đồng/tháng (đối với khu vực thành thị).

Ai là người dễ bị tổn thương? Tại sao họ dễ bị tổn thương?

Một người hay một nhóm người được gọi là dễ bị tổn thương khi cần được hỗ trợ để sống độc lập bằng chính nguồn lực của mình (sức khỏe, kiến thức…) và tham gia an toàn, tích cực vào cộng đồng.

Trên thực tế, người dễ bị tổn thương là người có một hoặc nhiều đặc điểm sau đây:

  • Không có khả năng tự chủ về kinh tế (trẻ em, người già, phụ nữ…).
  • Yếu về thể chất và cần sự trợ giúp của người khác (phụ nữ mang thai, người bị bệnh, người khuyết tật, người có HIV…).
  • Ít có cơ hội tiếp cận thông tin, các hoạt động xã hội và các dịch vụ cơ bản (người dân tộc thiểu số, người ở vùng sâu vùng xa, người khuyết tật…).

Họ dễ bị tổn thương bởi khả năng chống đỡ yếu với những ảnh hưởng tâm lí từ điều kiện bên ngoài và rất dễ trở thành người nghèo khi có các chấn động làm ảnh hưởng đến sinh kế của họ.

Dễ bị tổn thương (hay tình trạng dễ bị tổn thương) là gì?

Trong bối cảnh BĐKH thì tình trạng dễ bị tổn thương được hiểu là những đặc điểm hoặc điều kiện có tác động bất lợi đến cá nhân, cộng đồng trong việc đối phó với thiên tai.

Dễ bị tổn thương có thể thể hiện trên các mặt của phát triển bền vững:

  • Kinh tế: thu nhập thấp không đủ hoặc chỉ vừa đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản trong sinh hoạt; cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ; thiếu khả năng được đáp ứng các dịch vụ công cộng cơ bản (y tế, giáo dục, nước sạch…), v…
  • Xã hội: ít tham gia vào các tổ chức đoàn thể cũng như hoạt động cộng đồng tại địa phương; địa vị xã hội thấp…
  • Môi trường: sinh sống nhiều đời tại những khu vực dễ bị tổn thương do tác động bởi thiên tai; chịu ảnh hưởng từ việc xả thải trong các hoạt động kinh tế tại địa phương…
  • Thái độ: tâm lí tự ti, bi quan, thiếu sự đoàn kết với tập thể…

6. Ứng phó với biến đổi khí hậu

6.1 Chiến lược ứng phó với BĐKH

BĐKH là một vấn đề toàn cầu tác động lên tất cả các quốc gia và lên toàn thể chúng ta. Nó đã trở thành một “tình huống khẩn cấp” và thế giới chỉ còn chưa đầy một thập kỉ để thay đổi tình hình. Nếu lựa chọn hành động ngay hôm nay, chúng ta có thể tránh được nguy cơ thảm họa khí hậu của thế kỉ 21 cho các thế hệ tương lai.

Tất cả các nước đều phải thực hiện cả hai chiến lược ứng phó với BĐKH.

– Giảm nhẹ BĐKH là ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu thông qua việc giảm phát thải khí nhà kính.

– Thích ứng với BĐKH bao gồm tất cả những hoạt động, những điều chỉnh trong hoạt động của con người để thích nghi và tăng cường khả năng chống chịu của con người trước tác động của BĐKH và khai thác những mặt thuận lợi của nó.

Sơ đồ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu

Ví dụ:

Các biện pháp giảm nhẹCác biện pháp thích ứng
– Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng: sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng và hiệu suất cao, tránh tổn thất năng lượng.

– Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo: gió, năng lượng Mặt Trời, thủy điện nhỏ, điện thủy triều, địa nhiệt…

– Bảo vệ và tăng cường các bể chứa và hấp thụ khí nhà kính: trồng và bảo vệ rừng, khai thác rừng hợp lí, chống cháy rừng; trồng rừng ngập mặn…

– Tăng cường thu hồi khí nhà kính từ các mỏ khai thác than, dầu khí, bãi rác thải…

– Biện pháp công nghệ: công nghệ sinh học (đa dạng hoá cây trồng với các giống cây ngắn ngày, cây có khả năng chịu úng, chịu hạn hán, chịu mặn, năng suất cao); công nghệ xây dựng; công nghệ vật liệu mới (chống nóng cho toà nhà); lập hệ thống cảnh báo sớm sự thay đổi của thời tiết; sản xuất loại áo chống nóng…

– Biện pháp công trình: củng cố đê chắn sóng và đê biển; xây dựng nhà kiên cố cho người dân ở các vùng bị ảnh hưởng của bão lũ; cải tiến hệ thống canh tác và tưới tiêu; sử dụng vật liệu mới trong xây dựng (nhẹ, cách âm, cách nhiệt, bền, chịu được nước)…

– Biện pháp về thể chế và chính sách: ban hành và thực hiện quy chế cấm khai thác gỗ; cải tiến quy hoạch sử dụng đất để giảm lũ quét, úng ngập; nâng cấp cơ sở hạ tầng (di chuyển nhà ở đến nơi an toàn; tổ chức các trạm y tế trên thuyền); phát triển hệ thống tín dụng ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp.

– Biện pháp truyền thông, giáo dục: truyền thông về BĐKH đến người dân; dạy bơi cho phụ nữ và trẻ em; rèn luyện khả năng sẵn sàng thay đổi thói quen và phong tục (thói quen ăn uống, rèn luyện sức khỏe, thay đổi lịch thời vụ…).

6.2. Các nỗ lực của quốc tế ứng phó với BĐKH

Liên Hiệp Quốc đã có nhiều cố gắng trong cuộc chiến chống BĐKH toàn cầu. Những kết quả quan trọng là Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH và Nghị định thư Kyoto.

Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (UNFCCC) – có hiệu lực từ ngày 19 tháng 3 năm 1994

Công ước đã được 155 nước trong đó có Việt Nam kí kết tham gia tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới của LHQ tại Rio de Janeiro (1992). Công ước tạo ra một khuôn khổ chung nhằm đẩy mạnh những lỗ lực toàn cầu để giải quyết các vấn đề liên quan đến BĐKH.

Mục tiêu của Công ước nhằm đạt được sự ổn định khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu.

Để đạt được mục tiêu này, Công ước đưa ra những biện pháp dựa trên những nguyên tắc về: tính công bằng; trách nhiệm chung nhưng có phân biệt; khả năng tương thích cùng các điều kiện kinh tế và xã hội của các nước phát triển và đang phát triển; nhu cầu về các biện pháp phòng ngừa; sự phát triển và một hệ thống kinh tế mở.

Cho đến nay đã có 189 nước trên thế giới tham gia phê chuẩn Công ước quốc tế này.

Nghị định thư Kyoto (KP) – có hiệu lực từ ngày 16 tháng 12 năm 2005

Nhằm tăng cường cơ sở pháp lí về trách nhiệm thực hiện UNFCCC, Hội nghị các bên lần thứ 3 của UNFCCC tại Tokyo, Nhật Bản, tháng 11 năm 1997 đã thông qua Nghị định thư Kyoto.

Mục tiêu chính của Nghị định thư là hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện phát triển bền vững và các nước phát triển thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính định lượng nhằm góp phần đạt được mục tiêu chung của UNFCCC.

Thành quả chính của Nghị định thư Kyoto là xác định những chỉ tiêu giảm phát thải của các nước công nghiệp và thành lập ba cơ chế linh hoạt để các bên tham gia Nghị định thư có thể cùng nhau phối hợp thực hiện mục tiêu chung. Đó là:

  • Cơ chế cùng thực hiện (JI).
  • Cơ chế Phát triển sạch (CDM): đây là cơ chế liên quan trực tiếp đến các nước đang phát triển và là cơ chế được xếp vào loại ưu tiên.
  • Buôn bán phát thải quốc tế (IET).

6.3 Nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH

Nhận thức rõ tác động của BĐKH, Việt Nam đã sớm tham gia các hoạt động ứng phó của khu vực và quốc tế về BĐKH.

– Tham gia kí Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (UNFCCC) ngày 11/6/1992 và phê chuẩn UNFCCC ngày 16/11/1994.

– Tham gia kí Nghị định thư Kyoto (KP) ngày 03/12/1998 và phê chuẩn Nghị định ngày 25/9/2002.

– Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biển đổi khí hậu năm 2008.

– Thông qua Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào tháng 6 năm 2010.

– Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu năm 2011.

Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta đã đạt được một số thành công bước đầu được quốc tế ghi nhận. Hai cơ sở pháp lí quan trọng làm cơ sở cho các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu là Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và Chiến lược quốc gia về BĐKH.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH

Mục tiêu chiến lược của chương trình là đánh giá được mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạch hành động có tính khả thi để ứng phó hiệu quả với BĐKH cho từng gia đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng cacbon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình bao gồm:

  • Đánh giá được mức độ biến đổi của khí hậu Việt Nam do BĐKH toàn cầu và mức độ tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương.
  • Xác định được các giải pháp ứng phó với BĐKH.
  • Tăng cường được các hoạt động khoa học công nghệ nhằm xác lập các cơ sở khoa học và thực tiễn cho các giải pháp ứng phó với BĐKH.
  • Củng cố và tăng cường được năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về BĐKH.
  • Nâng cao được nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực.
  • Tăng cường được hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế trong ứng phó với BĐKH.
  • Tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành và địa phương.
  • Xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động của các bộ, ngành và địa phương ứng phó với BĐKH; triển khai các dự án, trước tiên là các dự án thí điểm.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo ba giai đoạn: giai đoạn Khởi động (2009-2010), giai đoạn Triển khai (2011- 2015) và giai đoạn Phát triển (sau 2015).

6.4. Chiến lược quốc gia về BĐKH 2011

Mục tiêu chung

Phát huy năng lực của toàn đất nước, tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng người dân và tài sản, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế cacbon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh và phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu và tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất.

Mục tiêu cụ thể

Đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Nền kinh tế cacbon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế – xã hội.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế của Việt Nam; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế – xã hội; phát triển và nhân rộng lối sống, mẫu hình tiêu thụ thân

Góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế của Việt Nam để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

6.5. Là một cá nhân, mỗi chúng ta có thể làm gì?

Chính phủ và các tổ chức quốc tế có vai trò đi đầu trong việc ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, việc ngăn chặn và ứng phó với BĐKH cũng có thể bắt đầu từ chính gia đình và bản thân chúng ta, những tế bào nhỏ nhất của xã hội. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:

CẬP NHẬT THÔNG TIN. Hãy tìm hiểu những chính sách – kế hoạch ứng phó với BĐKH và tiến bộ khoa học mới nhất. Đây là những thông tin quan trọng giúp bạn thuyết phục những người khác cùng thực hiện tốt hơn.

HÃY THAY ĐỔI. Hãy thực hiện một lối sống thân thiện với môi trường và là tấm gương để lôi cuốn những người xung quanh cùng thay đổi; hành động và kiểm soát lượng khí thải trong bất cứ hoạt động nào như: tiêu thụ năng lượng, thói quen mua sắm, sử dụng phương tiện giao thông… Những nỗ lực của bạn sẽ được nhân lên gấp bội. Những ví dụ dưới đây rất đơn giản và dễ thực hiện:

Trong gia đình

  • Tận dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày và trong nhà dùng các bóng đèn tiết kiệm điện.
  • Chỉ bật bình nóng lạnh vừa đủ (từ 7-10 phút), tiết kiệm điện năng. Hiện nay Việt Nam đã có loại bình nóng lạnh bằng năng lượng Mặt Trời.
  • Rút hẳn phích điện và tắt đèn khi bạn không dùng thiết bị hoặc khi ra khỏi nhà (tivi, đèn bàn, quạt, máy giặt,…), vừa tiết kiệm điện lại tăng tuổi thọ cho thiết bị.
  • Sử dụng điều hòa ở mức 26 độ hoặc hơn.
  • Hãy làm cho ngôi nhà của bạn sạch và Hạn chế sử dụng các hóa chất vì ta và môi trường. Hãy thay thế hóa chất bằng các biện pháp sinh học hoặc các chất có nguồn gốc từ thực vật.
  • Thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày: ăn nhiều rau xanh hơn, vừa tốt cho sức khỏe, vừa góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
  • Hạn chế thải rác vì rác khi phân hủy sẽ tạo ra khí metan. Hãy sử dụng các đồ vật có tuổi thọ bền và phân loại những vật dụng có thể tái sử dụng. Rác thải hữu cơ có thể làm phân bón cây.

Ngoài đường phố

  • Đi bộ hoặc đi xe đạp tới các địa điểm gần, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu khí gây ô nhiễm.
  • Đi chung xe với bạn bè, đồng nghiệp (đi học, đi chơi…), vừa tiết kiệm lại vừa vui vẻ.
  • (Với xe máy) Tắt máy khi dừng đèn đỏ nếu bạn thấy đèn đỏ quá 30 giây.

Tại trường học – nơi làm việc

  • Giảm lượng giấy sử dụng. Giấy hiện chiếm tới 70% rác thải văn phòng. Chỉ in nếu bạn thấy cần thiết. Nếu phải in hay photo, hãy in/photo trên 2 mặt trước khi ném chúng vào thùng rác nhé.
  • Đưa ra những lời nhắc nhở. Hãy tạo ra những biển báo nhắc nhở mọi người hãy tiết kiệm nước và điện trong các nhà vệ sinh, phòng học, nơi làm việc của bạn. Hãy cho mọi người biết rằng họ có thể giúp tiết kiệm bao nhiêu nước và điện bằng những việc làm đơn giản.

Khi mua sắm

  • Giảm bớt túi ni lông: túi ni lông đang tràn ngập khắp nơi, khó phân hủy (có thể mắc lại dưới đất, trôi theo những trận mưa, nổi trên sông hồ) làm ô nhiễm đất và đại dương. Hãy luôn mang theo túi của bạn khi đi chợ.
  • Chọn mua các thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Hãy để ý một số thiết bị điện như nhãn sử dụng năng lượng hiệu quả.
  • Chọn mua các sản phẩm địa phương, vì vận chuyển sản phẩm nhập khẩu sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu, do đó sẽ phát thải nhiều khí nhà kính.

Tại cộng đồng

  • Tham gia trồng cây, bảo vệ rừng và biển. Bạn có thể đã biết cây xanh đem lại rất nhiều lợi ích cho con người, trong đó có lợi ích giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do khả năng hấp thụ cacbon đioxit. Nhưng bạn có biết đại dương cũng chính là một bể chứa khí cacbon đioxit khổng lồ đấy.
  • Dạy bơi cho trẻ em và phụ nữ vì đây là nhóm người dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra. Bơi là một kĩ năng quan trọng giúp họ có thể tự bảo vệ chính mình trong mùa bão lũ.
  • Hãy tìm hiểu và áp dụng các hoạt động thích ứng với BĐKH tại địa phương, đặc biệt hỗ trợ các khu vực và đối tượng dễ bị tổn thương.
  • Chuẩn bị cẩn thận trước khi thực hiện một hoạt động. Đề phòng những thay đổi khí hậu và thời tiết bất thường để có thể thích ứng với những thay đổi của khí hậu và có thể giảm lượng khí phát thải.

XANH HÓA NGHỀ NGHIỆP. Rất đơn giản, bạn hãy áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường ngay trong ngành học hoặc trong lĩnh vực mình đang theo học hoặc đang công tác. Ví dụ, những bạn đang học xây dựng hoặc kiến trúc không chỉ thiết kế những tòa nhà đẹp mà còn thân thiện với môi trường, có hệ thống xử lí rác thải hợp lí, khuôn viên nhiều cây xanh, tận dụng các vật liệu địa phương…

TRUYỀN THÔNG – GIÁO DỤC. Hãy chia sẻ kiến thức, thông tin và những sáng kiến của bạn với bạn bè, thầy cô, đồng nghiệp và các tổ chức, đoàn thể nơi bạn sống để cùng nhau hướng tới những việc làm thân thiện với môi trường.

HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN. Hãy tham gia và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường. Những hoạt động tình nguyện của các cá nhân, tập thể có tác động to lớn tới những nỗ lực phát triển cộng đồng bền vững trước mắt và lâu dài.

LAN TỎA, KẾT NỐI SỨC MẠNH TẬP THỂ.

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Hãy tin rằng hành động của bạn dù nhỏ, nhưng cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi! 

(Nguồn: Tài liệu dạy và học về ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Giáo dục và Đào tạo)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]