Vương triều Lý – Trần (1010 – 1400)
* Về chính trị – xã hội thời Lý – Trần
Sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đã cho dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long và đặt tên nước là Đại Việt (1054). Kể từ đây, trong suốt 4 thế kỷ, nhà Lý (1010 – 1225) và nhà Trần (1225 – 1400) đã nối tiếp nhau tạo lập và phát triển hệ thống hành chính quốc gia, xây dựng các bộ luật thành văn ngày càng hoàn chỉnh, tăng cường tiềm lực anh ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc nền độc lập của dân tộc.
– Hệ thống hành chính và bộ máy quan lại: Quan chế thời Lý – Trần có quy củ và chặt chẽ hơn các triều đại trước.
Ở trung ương: Đứng đầu là vua, nắm mọi quyền hành và mang tính chất cha truyền con nối. Thông thường khi lên ngôi, vua lập ngay con trưởng làm Thái tử. Riêng thời Trần, nhà Trần đặt chế độ Thái thượng hoàng (tức là hai vua cùng cai trị thiên hạ). Điều này có tác dụng lớn trong việc ngăn chặn tình trạng các đại thần chuyên quyền, cướp ngôi khi vua còn nhỏ tuổi.
Giúp việc cho vua là bộ máy quan lại gồm nhiều bậc: các đại thần (Tể tướng giữ chính sự, Tam thái, Tam thiếu, Tư đồ, Bộc xạ…). Các chức này thường được phong thêm “Bình chương quân quốc trọng sự” với ý nghĩa là được bàn việc nước cùng vua.
Dưới đại thần là hệ thống các cơ quan chỉ đạo các hoạt động của nhà nước gọi chung là Hành khiển. Thời Lý, Hành khiển là tên gọi một số quan chức thừa hành cao cấp. Thời Trần, Hành khiển được tổ chức thành ty, có các chức quan: tả hữu Thị lang, Thượng thư. Theo Ngô Sĩ Liên “Chế độ nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ, ở hương của mình. Khi nào có việc vào làm Tể tướng mới tóm giữ việc nước, song chỉ nắm đại cương thôi, còn quyền thuộc về Hành khiển”*. Ngoài ra còn có một số cơ quan giúp việc khác như: Ngự sử đài, Hàn lâm viện, Quốc tử giám, Quốc sử viện… Về quân sự có các chức: Phiêu kỵ tướng quân, Thân vệ tướng quân, Cấm vệ Thượng tướng quân, Đại tướng… (* Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc đến ngày nay), Sđd, tr 80.)
Ở địa phương: Thời Lý, cả nước được chia thành 24 lộ và một số đạo, trại, châu. Dưới lộ có huyện, hương. Năm 1242, nhà Trần chia lại địa giới hành chính thành 12 lộ. Dưới lộ là phủ, huyện, xã. Đứng đầu lộ, phủ là An phủ sứ, Trấn phủ sứ, Tri phủ. Đứng đầu châu là: Tào vận chánh phó sứ, Tri châu. Đứng đầu huyện có Lệnh úy, Chủ bạ. Xã được chia thành 2 loại: Xã lớn do Đại tư xã đứng đầu; Xã nhỏ do Tiểu tư xã đứng đầu. Tất cả đều do nhà nước bổ nhiệm.
Thời Lý, các quan lại hầu hết đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Sang thời Trần, tất cả các chức vụ quan trọng trong triều đều giao cho vương hầu, quý tộc nhà Trần nắm giữ. Do vậy, quyền lực tập trung vào tay nhà nước trung ương.
– Quân đội: Nhà nước Lý – Trần chú trọng xây dựng lực lượng quốc phòng vững mạnh. Tổ chức quân đội khá quy củ và chặt chẽ. Quân đội thời Lý – Trần có: cấm quân (bảo vệ kinh thành và nhà vua) và quân các lộ, phủ. Bộ phận quân thường trực được chia làm 5 phiên, thay nhau về cày cấy. Đó là chính sách “ngụ binh ư nông”, vừa có tác dụng đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo số quân cần thiết. Riêng thời Trần, lực lượng quân đội của các vương hầu rất mạnh, góp phần quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông.
– Luật pháp: Năm 1042, nhà Lý biên soạn và cho ban hành bộ luật Hình thư. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của chế độ phong kiến Việt Nam. Sang thời Trần, nhà nước cho soạn Quốc triều hình luật (1230). Nội dung chủ yếu của pháp luật thời Lý – Trần là đều nhằm bảo vệ nhà nước trung ương tập quyền, quyền lợi của giai cấp thống trị (đặc biệt là vua và tầng lớp quý tộc). Đối với tội phản nghịch, phản quốc (bị xếp vào tội thập ác) thì bị trừng trị rất nặng. Bên cạnh đó, nhà nước cũng rất nghiêm khắc trong việc giữ gìn phép nước, bảo vệ sản xuất, củng cố an ninh, quốc phòng.
Nhìn chung, pháp luật thời Lý – Trần mở đầu thời kỳ pháp luật thành văn và đưa pháp luật chính thức đi vào cuộc sống. Tinh thần pháp trị ngày càng cao nhưng cái gốc là nhân đức vẫn được chú trọng. Đây là nét đặc sắc trong pháp luật thời Lý – Trần, tuy tính đẳng cấp và giai cấp vẫn rõ nét.
– Đối ngoại: Tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao tích cực, chủ trương giao hảo với các nước xung quanh nhưng kiên quyết chống trả các hành động xâm phạm đất đai, bảo vệ độc lập.
– Xã hội: Thời Lý – Trần chế độ đẳng cấp đóng vai trò quan trọng, xã hội chia thành 3 đẳng cấp:
+, Đẳng cấp thứ nhất: gồm quý tộc thân thuộc và quan chức. Đẳng cấp này nắm mọi đặc quyền, đặc lợi.
+, Đẳng cấp thứ hai là dân thường gồm: địa chủ, nông dân, thợ thủ công, thương nhân. Đây là lực lượng sản xuất chính, phải chịu mọi nghĩa vụ đối với nhà nước (đóng thuế, đi lao dịch).
+, Đẳng cấp thứ ba là điền nô, gia nô, nô tì. Đây là đẳng cấp thấp kém nhất trong xã hội. Số lượng ngày càng tăng khi chế độ điền trang phát triển.
Tuy bị xã hội thời Lý – Trần phân hóa thành các đẳng cấp song trong một chừng mực nhất định, mối quan hệ giữa vua quan và dân còn tương đối gần gũi, chan hòa. Sự phân biệt đẳng cấp chưa gay gắt như các giai đoạn sau.
* Về kinh tế thời Lý – Trần
Ruộng đất: Ruộng đất công làng xã là bộ phận ruộng đất lớn nhất thời Lý – Trần. Do dân số ngày càng tăng nên nhà nước rất chú trọng đến vấn đề khai hoang, lập làng. Nhà nước đặt chức đồn điền sứ chuyên chăm lo việc mộ dân đi khai hoang. Do vậy, các vùng ven sông, ven biển được khai phá ngày càng nhiều, đất đai ngày càng mở rộng. Phần lớn các làng ở Bắc bộ và Trung bộ được thành lập vào thời kỳ này. Đặc biệt là dưới thời Trần, năm 1266, nhà Trần khuyến khích các vương hầu, quý tộc đi khai hoang, lập làm điền trang.
Nông nghiệp: vẫn là nền tảng chủ yếu. Sản xuất nông nghiệp được nhà nước khuyến khích như: xây dựng đê điều và thành lập các cơ quan chuyên trách về đê điều (đặt chức Hà đê sứ), bảo vệ sức kéo, kêu gọi dân phiêu tán trở về quê cũ làm ăn, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” trong quân đội, cấm buôn bán hoàng nam làm nô tỳ, khuyến khích khai hoang lập điền trang… Thậm chí, vào những năm mất mùa đói kém, nhà nước giảm thuế hoặc miễn thuế cho nông dân, phát chẩn cho dân nghèo. Những chính sách này có tác dụng tích cực, bảo đảm nhân công, sức kéo và khuyến khích sản xuất ngông nghiệp phát triển, năng suất tăng, đời sống nhân dân ổn định.
Công thương nghiệp: Các ngành nghề thủ công phát triển đều khắp và đa dạng. Ở trung ương, triều đình cho mở rộng các quan xưởng (còn gọi là Cục bách tác), chuyên sản xuất binh khí, đồ trang sức, đóng thuyền, đúc tiền, xây cung điện… cho nhà nước. Ở địa phương, các làng nghề, các phường thủ công xuất hiện ngày càng nhiều. Các ngành nghề ươm tơ dệt vải, làm đồ gốm, làm giấy, làm đồ trang sức… rất phổ biến. Bốn công trình to lớn, thể hiện sự lao động sáng tạo của người thợ thủ công Đại Việt bấy giờ là: chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh, tượng phật Quỳnh Lâm và tháp Báo Thiên. Những công trình này được xếp vào “An Nam tứ đại khí”.
Buôn bán trong và ngoài nước khá phát đạt. Nhiều chợ làng và liên làng mọc lên khắp nơi. Nhà Lý – Trần cho đúc tiền đồng để tiện việc trao đổi, các đơn vị đo lường được thống nhất. Thăng Long lúc bấy giờ có 61 phường, chia thành hai khu vực: kinh thành và phố phường. Các phường ở Thăng Long vẫn còn mang nặng tính làng xã, buôn bán nhiều hơn sản xuất. Đặc biệt, thời Lý – Trần, thuyền buôn của các nước Gia Va, Xiêm La, Hồi Hột… đã đến buôn bán với nước ta.
Nhìn chung, trong suốt 4 thế kỷ, với nhiều chính sách và biện pháp tích cực của vương triều Lý – Trần, nhân dân ta đã xây dựng được một nền kinh tế tự chủ, toàn diện, vừa đảm bảo được đời sống, vừa đáp ứng được nhu cầu của các cuộc kháng chiến lâu dài, bảo vệ độc lập dân tộc.
(Nguồn tham khảo: Trần Văn Thức, Giáo trình tiến trình lịch sử Việt Nam)