Khái niệm về hồn và phách (dân gian còn gọi là vía)
Hồn, phách (hay vía – theo cách gọi của dân gian) là một khái niệm tương đối phức tạp, và được các nhà nghiên cứu đề cập đến dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Hồn, phách (vía) cũng là cụm được nhắc tới nhiều trong các sách viết về phong tục, tín ngưỡng ở Việt Nam nhưng giải thích về vấn đề này lại vô cùng phong phú và phức tạp, cho đến giờ chưa có một khái niệm chung nào cho Hồn, Phách hay Vía. Trong tâm linh của người Việt từ xưa đã cho rằng tất cả mọi vật trong vũ trụ và thế gian này đều có linh hồn, và nó tồn tại với rất nhiều cái tên: Hồn, linh hồn, phách, vía, ma, quỷ, thần, thánh, yêu. Quan niệm hồn phách, hồn vía khá phổ biến trong các tộc người ở Việt Nam nói chung và người Việt nói riêng, ở mỗi tộc người quan niệm về hồn phách, hồn vía lại khác nhau.
Theo quan niệm thông thường của người Việt, con người ai cũng có hồn, phách (hay vía) khi chết, phách bị tiêu tan cùng thể xác, chỉ còn hồn không thể mất. “Thác là thể xác, còn là tinh anh” (Tinh anh cũng tức là linh hồn).
Tuy nhiên, trong thực tiễn đời sống con người và xã hội, vấn đề Hồn phách lại biểu hiện không hề đơn giản. Bởi người Việt Nam từ ngàn xưa chịu ảnh hưởng qua lại của nhiều luồng tư tưởng văn hóa phương Đông và phương Tây: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, Công giáo,…
Nguyễn Văn Huyên cho rằng: “Hồn là chỉ các hồn tinh thần, còn vía là chỉ những linh hồn vật chất. Hồn thiêng hơn vía. Vì thế, khi người ta còn sống mọi người tránh nói tới hồn của người đó. Còn “Vía có thể gây hại. Vía có những tính chất khác nhau tùy theo người có vía: có những người có vía tốt và lành; những người khác có vía xấu và dữ. Vía tốt đem lại điều phúc: mọi người tìm cách gặp vía tốt. Vía xấu có ảnh hưởng tai hại: trong mọi công việc, người ta thường tránh vía xấu”. Tác giả cũng cho rằng: Cái chết của con người là do hồn vía bỏ đi. Những hồn vía này rời khỏi thân thể người lúc còn hơi thở cuối cùng. Và hồn sau khi chết cũng có những nhu cầu và ước muốn như người sống.
Nguyễn Duy Hinh có dẫn trong Tả truyện, Chiêu Công thất niên đề cập đến hồn và phách và được tác giả dịch nghĩa: “Khi con người mới sinh ra thì đã có phách, đã có phách rồi thì biểu hiện dương là hồn, nếu như vật rất tinh thì Hồn Phách mạnh. Khổng Dĩnh Đạt giải thích hồn phách là tên gọi của thần linh vốn từ Hình Khí mà có. Hình, Khí đã khác nhau thì Hồn, Phách mỗi cái cũng một khác. Cái linh phụ vào Hình thì gọi là Phách, cái thần phụ vào Khí là Hồn. Cái Linh phụ vào Hình chỉ khi sơ sinh thì tai mắt tâm thức tay chân vận động kêu khóc thành tiếng; đó là cái linh của Phách. Cái thần phụ vào Khí chỉ tinh thần trí thức dần dần hiểu biết, đó là cái thần phụ vào Khí. Đồng thời tác giả cũng đã đưa ra những lý giải về mặt chức năng để chúng ta có thể phân biệt hồn và phách (vía): Phách điều kiển các chức năng như tai, mắt, tâm thức tay chân vận động nói năng. Đó là cái linh (thiêng) phụ vào Hình tức Xác con người. Còn Hồn là cái phụ vào Khí khiến cho con người dần dần có tinh thần, tính khí” và theo ông hồn, phách ở đây được giải thích theo lý luận Hình và Khí. Hình là phần vật chất; Khí là phần phi vật chất; Hình và Khí thống nhất thành con người. Phách là cái bản năng tự nhiên con người điều tiết sinh mệnh con người. Hồn là Thần của con người tức là cái Thiêng biến hóa muôn màu muôn vẻ. Khi con người chết thì cả Hồn và Phách đều rời thân thể vật chất con người tức là rời Xác, nhưng thông thường nói Hồn lìa Xác. Như vậy Hồn mới là chủ thể trong Khí.
Cùng với cách giả thích Hồn, Phách theo lý luận Hình và Khí có Đào Duy Anh ông cho rằng: “Hồn là cái linh phụ vào phần khí của con người, là phần khinh thanh, người ta chết thì bay lên không còn phách là cái linh phụ vào phần hình của người, là phần trọng trọc, khi người ta chết thì tiêu xuống đất”. Nói chung, khái niệm hồn, phách giải thích theo lý luận Hình và Khí là rất trừu tượng và không được người dân biết đến.
Còn Trần Ngọc Thêm lại giải thích và cho rằng: “Con người có cái vật chất và cái tinh thần. Cái tinh thần trừu tượng, khó nắm bắt, nên người ta đã thần thánh hóa nó thành khái niệm “linh hồn” và linh hồn đã trở thành đầu mối của mọi tín ngưỡng. Người Việt và một vài dân tộc Đông Nam Á còn tách Linh hồn ra thành hồn và vía. Vía là khái niệm chung gian giữa xác cụ thể và hồn trừu tượng. Trong Hồn và Vía thì vía phụ thuộc vào thể xác, còn Hồn trừu tượng nên được xem là độc lập với thể xác con người. Khi chết thì Hồn và Vía đều lìa khỏi xác, nhưng vía gần với thể xác hơn (nặng hơn) nên bay là là dưới mặt đất rồi tiêu tan, còn hồn nhẹ hơn nên tiếp tục tồn tại trong một cõi khác. Lê Văn Lân cũng cho rằng: “Dân Lạc Việt vào đời tối cổ cũng giống như nhiều dân tộc khác đã tin vào sự người chết biến ra ma và vạn vật có hồn thiêng nên có tục thờ cúng linh hồn…” . Theo đó, con người gồm có hai phần là Hồn và Thể Phách nhưng bản thân ông lại không có một khái niệm cụ thể nào về hồn và phách.
Nguyễn Thừa Hỷ đề cập đến vấn đề này và cho rằng: “Bản thân con người có hồn và phách (dân gian gọi là vía), do Thần tạo nên, nhập vào hài nhi khi mới hình thành trong bụng mẹ hoặc lúc mới sinh. Hồn thuộc dương tính, tạo nên tâm hồn trí tuệ. Phách thuộc âm tính tọa thành cơ thể và chất dinh dưỡng. Khi chết hồn theo khí bay về trời, tồn tại mãi mãi, còn Phách theo huyết trong hình hài sẽ trở về tan vào đất”. Những lý giải về hồn và phách của Nguyễn Thừa Hỷ có thể nói là dễ hiểu và không trừu tượng như các cách giải thích của tác giả ở trên và gần hơn với quan niệm của người dân về Hồn và Vía. Không chỉ vậy, ông còn đề cập đến nguồn gốc của hồn và phách do “Thần” tạo ra.
Một chủ đề cũng được các học giả đề cập và chưa có sự thống nhất đó là số lượng và vị trí của Hồn và Vía. Do ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo Trung Hoa và dựa theo các sách cổ Trung Hoa thì ở người Việt cũng phân ra ba loại hồn: Thai quang (ánh sáng sao Thai, chỉ phần tốt đẹp thanh cao nhất); Sảng linh (sự diệu sáng suốt), chỉ trí tuệ có cả thiện và ác và U tinh (phần thuần túy mờ tối), chỉ phần xấu nhất, che lấp phần sáng và thiện. Tác giả Langlet thì giải thích 3 hồn đó là: Linh hồn trí tuệ (ở trong não, khi chết bay về trời); linh hồn cảm xúc (nằm trong ngực, khi chết xuống mồ) và linh hồn tự nhiên (nằm trong bụng khi chết xuống địa ngục). Còn L.Cadière cho 3 hồn đó là: Sinh hồn, giác hồn, và thần hồn. Đào Duy Anh thì cho rằng ba hồn tương ứng với “Tam tiêu” trong cơ thể con người (Đó là 3 miền: Trên dạ dày, giữa dạ dày và trên bàng quang) (Tam tiêu là miền miệng trên dạ dày gọi là thượng tiêu, miền giữa dạ dày gọi là trung tiêu, miền trên bàng quang là gọi là hạ tiêu). Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng: Người Việt có 3 hồn, đó là Tinh, khí và thần. Tinh là sự tinh anh trong nhận thức (nhờ các quan năng, các vía mang lại). Khí là khí lực làm cho cơ thể hoạt động. Thần là thần thái, là sự sống nói chung. Dù khác nhau, nhưng những cách giải thích đó đều chung ở một điểm là trật tự của ba hồn đó theo trình tự tự thoái, càng về sau chất lượng hồn càng kém.
Sự giải thích về số Vía hay Phách còn “mù mờ hơn”.Một số học giả như: Đào Duy Anh, Trần Ngọc Thêm thì thiên về các chức năng sinh lý của con người cho rằng: Đàn ông có 7 vía tương ứng với 7 lỗ giác quan (thất khiếu) tương ứng hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi và miệng. Còn đàn bà có thêm 2 vía nữa là 9 vía vì có thêm chức năng mang thai và sinh con. Bên cạnh đó, còn có luận điểm thiên về tâm lý giải thích vía (phách) tạo thành tình cảm của con người kể đến như: Lê Văn Lân cho rằng: Thất Phách (vía) còn gọi là thất tình gồm: hỉ (vui), nộ (giận), ai (buồn), cụ (sợ), ái (yêu), ố (ghét), dục (thèm muốn), trong khi hồn tạo thành thiên tính trời ban.
Nhìn chung, Hồn và phách đều ở dạng phi vật thể, vô hình nên cũng có thể gọi chung là hồn, để phân biệt với phần xác hữu hình. Khi một người tắt thở cũng là lúc hồn lìa khỏi xác. Và trong tín ngưỡng của người Việt người ta tin rằng con người chết chỉ về mặt thể xác còn hồn chỉ là rời sang một thế giới khác, nhưng vẫn có mối liên hệ tác động tới cuộc sống của con người. Từ quan niệm về hồn, phách (vía) là cơ sở và nguồn gốc để sinh ra Ma, quỷ trong tín ngưỡng của người Việt.