Trang chủ Tâm linh Thần là gì?

Thần là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 627 views

Khái niệm Thần

Có thể nói, Thần là một khái niệm vô cùng rộng lớn và phức tạp.Thần, luôn song hành trong đời sống tín ngưỡng của người Việt nhưng để tìm một khái niệm cho nó quả là một việc không hề đơn giản. Người Việt tôn thờ và tin tưởng tất cả những sức mạnh hữu hình hay vô hình, do đó tất cả đời sống tôn giáo của họ, họ đã dựa vào một sự tin tưởng vững chắn là: Thần có ở khắp mọi nơi, ở trong nhà, ở ngoài sân, ở ngoài vườn, trên ngọn cây, ở Đình làng và bất cứ nơi nào có một miếu thờ hoặc hoàn cảnh thuận tiện cho sự trú ngụ của một vị thần, thậm trí tổ tiên cũng chính là một vị thần che chở cho con cháu. Và khó có thể kể hết các vị Thần như L.Cadière cho rằng: “Thần thánh người Việt đông vô số: Các thần từ người mà thành, các thần của các sức mạnh thiên nhiên, các thần đá, thần cây, súc vật, các thần trời, thần khí, thần đất; các thần thánh thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng; các chủ thần, các vương thần mà ta phải hăm dọa, tìm cách chế ngự; thần lành, thần dữ, thần quái ác, thần cá nhân, thần tập thể, thần nam, thần nữ. Và Toan Ánh cũng cho rằng: “mỗi sức mạnh có thể là một vị thần, mỗi nghề nghiệp có Thần Thánh riêng, mỗi địa phương cũng vậy, và đi sâu hơn mỗi nơi đều có thể có một vị thần, …cả đến thời gian cũng có thần riêng, mỗi năm có một vị thần gọi là Hành Khiển Đại Vương, mỗi tháng cũng vậy. Lại có thể được coi là Thần các linh thú…”. Và trong phong tục tập quán của người Việt tin rằng tất cả các vị Thần Linh đều có ảnh hưởng đến đời sống, vận mệnh của con người từ lúc con người vừa là một bào thai cho đến khi nhắm mắt vào lòng đất. Tất cả những biến cố của đời người đều có thể do những ảnh hưởng của các vị thần. Vậy Thần là gì?

Nguyễn Duy Hinh đề cập đến “Thần” ông đã phân tích về nguồn gốc của chữ Thần, quan niệm về Thần ở nước ta qua các thời kỳ lịch sử. Ông đặc biệt nhấn mạnh quan niệm thần của người Việt, ông cho rằng: “Thần là cái Thiêng không xác định gồm có các hiện tượng tự nhiên như Thần Sấm, Thần cây Đa…., nhân thần như các vị Thành Hoàng. Thần là cái Thiêng vô hình biến hóa khôn lường có thể thiện ác tùy vào thái độ con người đối xử với Thần. Kính thì thiện, bất kính thì ác. Thần không thiện, ác; thiện hay ác không ở bản thân Thần mà ở lòng người. Thần là sự nhị phân của Tâm. Thần từ Tâm con người ra”. Ở đây, Nguyễn Duy Hinh đã đưa ra khái niệm Thần là cái “Thiêng”, và Thần hòa nhập với nhận thức về cái Thiêng, mà cái Thiêng thì vốn trừu tượng, là cái ẩn tàng trong vạn vật, nó có thể là các hiện tượng tự nhiên, cây cỏ, động vật và con người. Đề cập đến cái Thiêng của con người, theo ông con Người cũng thần bí như vạn vật. Cho nên bản thân con người cũng chứa đựng cái Thiêng. Con người Thiêng thì đồng nhất với Thần. Thần là sự ngoại tại hóa cái Thiêng vô hình ẩn tàng trong con người bằng xương, bằng thịt. Thần là con Người lý tưởng, toàn năng chi phối mọi quan hệ, mọi hình thái của cái Sống, cái Chết.

Còn Nguyễn Thừa Hỷ lại khái niệm hóa : Thần là sự kết tự của tinh và khí thành những cá thể, vô hình nhưng cũng có thể chuyển hóa thành hữu hình. Có những thần linh phiêu diêu trên thế giới, hoặc nhập vào các thiên thể như tinh tú hoặc các hiện tượng tự nhiên như gió, mưa, sấm sét. Có những thần linh dưới hạ giới, ẩn trong các vật thể như núi (Sơn Tinh), sông (Hà Bá), cỏ cây (thần cây đa, cây si), các động vật (thần Hổ, thần Cá Voi). Thần nhập vào con người tạo thành hồn, phách khi con người còn sống và biến thành ma quỷ khi con người chết đi. Từ những quan niệm trên đã hình thành một hệ thống Thần ở Người Việt vô cùng phong phú và đa dạng.

Khi Nho giáo thâm nhập vào nước ta, việc thờ cúng các thần linh của người dân cũng được nhà nước biết đến và lợi dụng. Họ đã tiến hành việc phong thần cho một số vị thần với chủ chương bồi đắp tên tuổi cho một số vị thần có liên quan đến các nhân vật lịch sử, để từ đấy các nhân vật lịch sử được tàng ẩn, lưu danh dưới bóng các nhiên thần, trở thành các nhân thần. Đồng thời, trong thời kỳ này trên nền tảng của những tư tưởng Nho giáo đã tiến hành phân loại Thần linh.Các khái niệm phúc thần (đồng nhất với chính thần), tà thần, yêu thần, dâm thần ra đời. Theo quan niệm của nho giáo, phúc thần chính là thần có thể có nguồn gốc từ nhân thần hoặc thiên thần và được chia làm 3 hạng mục: Thượng đẳng thần, trung đẳng thần, hạ đẳng thần.

Tiêu chí hay nói đúng hơn phẩm chất để một vị Thần được gọi là phúc thần – chính thần là các vị này đã có hành động giáng phúc cho người dân. Cụ thể là phù dân giúp nước bảo vệ một khu vực nào đó, chống ngoại xâm, báo trước một tai họa nào đó để cho dân tránh, có công khai mở xóm làng, được nhà vua và nhân dân nhớ ơn, triều đình xác phong, nhân dân tôn kính. Ngoài các vị thần trên, còn một số thần mà nhân dân thờ phụng khác thì các nhà nhà nho cho là thờ bậy bạ, các hạng ấy gọi là tà thần, yêu thần, đê tiện thần như: Thần gắp phân, thần ăn xin, thần chết nghẹn, thần trẻ con, thần rắn, thần rết…Sở dĩ bị coi là yêu thần, tà thần vì Nho giáo căn cứ vào hành trạng của thần. Hành trạng ấy được nhìn nhận, đánh giá theo những chuẩn mà Nho giáo đặt ra về: Đạo đức và chính trị của các thần. Đó là những người chết vào giờ linh, ra oai, ra phép khiến dân sợ mà lập đền thờ hoặc là những thần tà dâm.Tuy nhiên, đó chỉ là sự phân biệt của nhà nước phong kiến còn người dân họ không quan tâm đến hành trạng của các thần, xuất thân của các thần. Họ vẫn tìm các thần để cầu viện được người an – vật thịnh. Và Thần như một thứ quyền lực siêu nhiên luôn cận kề trong cuộc sống của con người, thống lĩnh cuộc sống của họ, và rồi hạnh phúc hay bất hạnh của con người cũng tùy thuộc vào sự can dự của Thần Thánh.

3/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net