Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước

Thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 141 views

Quy định pháp luật về thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước

Thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước được quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 như sau:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho thuê đất đối với tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân.

Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định; Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.

Qua thực tế điều tra, khảo sát tại một số địa phương cho thấy, thẩm quyền cho thuê đất của địa phương được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với những trường hợp đất cho thuê thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh ký thì Sở Tài nguyên và Môi trường phải đi thẩm định phần diện tích đất cho thuê, sau đó báo cáo trình UBND cấp tỉnh ra quyết định phê duyệt cho thuê đất. Hầu hết các đối tượng khảo sát cho rằng luật quy định thẩm quyền quyết định cho thuê đất đối với tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, khai thác sử dụng đất của các tổ chức kinh tế.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc thực hiện thẩm quyển cho thuê đất vẫn chưa được đảm bảo đúng trình tự theo luật định. Có trường hợp đất cho thuê thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh nhưng UBND cấp huyện phải làm báo cáo, hoặc tờ trình xem xét hồ sơ giao đất và cho thuê đất (ý kiến tình trạng pháp lý phần đất cho thuê) làm tăng thêm thủ tục hành chính cho bên thuê đất. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi thuê đất nếu có vi phạm về sử dụng đất thì UBND cấp huyện lập tờ trình hoặc báo cáo với UBND tỉnh để giải quyết, xử lý.

Kết quả khảo sát về thẩm quyền cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 cũng cho thấy một số bất cập trong việc phân cấp thẩm quyền cho thuê đất. Theo quy định tại Điều 56, 57, 58 Luật Đất đai năm 2013 về phân cấp thẩm quyền cho thuê đất trong trường hợp dự án lấy vào đất  trồng lúa trên 10ha trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này là rất hợp lý trong chương trình bảo vệ an ninh, lương thực của quốc gia. Tuy nhiên, đại đa số các dự án hiện nay chủ yếu lấy vào đất lúa (ví dụ các tỉnh Thái Bình, Vĩnh Long, Long An). Điều kiện để thuê đất đối với các dự án này là phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Sự “tắc nghẽn” từ thị trường sơ cấp về cho thuê đất này dẫn đến nhiều dự án bị chậm trễ, bị treo, làm mất nhiều thời gian cho các tổ chức sử dụng đất thuê. Hơn nữa, khi tổ chức kinh tế phải chờ văn bản chấp thuận của cơ quan Trung ương và Nghị quyết Hội đồng nhân dân nếu không giải quyết được sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư.

Vấn đề đặt ra ở đây là pháp luật nên có quy định về ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực này hay không, Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng hoặc ủy quyền cho địa phương. Tuy nhiên, ủy quyền như thế nào, trách nhiệm của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền cũng như hiệu quả của vấn đề ủy quyền ra sao lại là điều pháp luật về đất đai phải quan tâm và xem xét.

Như vậy, luật quy định thẩm quyền quyết định cho thuê đất đối với tổ chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, khai thác sử dụng đất của các tổ chức kinh tế. Việc xác định thẩm quyền thuê đất dựa vào chủ thể sử dụng đất chứ không dựa vào mục đích sử dụng đất. Mặt khác, với quy định như vậy đã làm rõ việc phân cấp thẩm quyền cho thuê đất ở cấp tỉnh, huyện, xã; trong đó mở rộng thẩm quyền cho thuê đất đến cấp huyện là phù hợp với thực tiễn và nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

(Nguồn: Nguyễn Khánh Ly, Luận án tiến sĩ Luật học, 2016)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]