Người sử dụng đất được hiểu là những chủ thể mà pháp Luật Đất đai dự liệu cho họ có khả năng được Nhà nước cấp quyền sử dụng đất ở Việt Nam khi có nhu cầu sử dụng.
Tổ chức sử dụng đất ở Việt Nam nói chung có thể là các chủ thể được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác.
Khái niệm người sử dụng đất được quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai năm 2013, theo đó, người sử dụng đất là những đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất bao gồm: i) Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức); ii) Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân); iii) Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ; iv) Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo; v) Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ; vi) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; vii) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Tuy nhiên, trong phạm vi nghiên cứu của luận án, người sử dụng đất thuê đất ở đây đượcgiới hạn là các hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
* Chủ thể sử dụng đất là cá nhân
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, cá nhân sử dụng đất ở Việt Nam bao gồm: cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành không giải thích thế nào là cá nhân trong nước và thế nào là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cho nên, để hiểu rõ chủ thể cá nhân sử dụng đất nói chung, chúng ta chỉ có thể dựa vào các quy định cụ thể về sử dụng đất của các chủ thể này để hình dung tư cách pháp lý của từng loại cá nhân trên trong Luật Đất đai mà thôi.
* Chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình
Theo quy định tại Điều 2 Khoản 29, Luật Đất đai năm 2013, Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.
Như vậy, cơ sở để xác định quan hệ giữa các thành viên trong hộ không phải là quan hệ về hôn nhân, nuôi dưỡng, huyết thống mà là quan hệ tài sản hay đóng góp công sức lao động. Tuy nhiên, trong quan hệ đất đai, đặc biệt là khi cấp đất cho hộ gia đình thì làm thế nào để cơ quan quản lý đất đai xác định được các thành viên nào là trong một hộ gia đình là điều rất phức tạp và khó khăn. Thực tiễn áp dụng pháp Luật Đất đai buộc các cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải xác định hộ gia đình dựa trên quan hệ gia đình cư trú, sử dụng hộ khẩu như là cơ sở để xác định một tập hợp những người nào đó là thành viên của một hộ gia đình. Rõ ràng, định nghĩa về hộ gia đình trong luật khó áp dụng, nhưng hiểu hộ gia đình theo cách mà thực tế thực hiện thì chưa nói đến việc trái luật mà bản thân giải pháp này vẫn có những hạn chế nhất định.
* Chủ thể sử dụng đất là tổ chức kinh tế
Điều 3 khoản 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Tổ chức kinh tế bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật dân sự, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”.
Các tổ chức kinh tế trong nước nói trên đều là các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, được quy định trong Hiến pháp và các ngành luật khác, và không hẳn đã có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh.
* Chủ thể sử dụng đất là cộng đồng dân cư
Cộng đồng dân cư là chủ thể sử dụng đất hoàn toàn mới, chỉ xuất hiện từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực. Tại Khoản 3 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 quy định về cộng đồng dân cư là một trong những đối tượng sử dụng đất, bao gồm“cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục tập quán hoặc có chung dòng họ”, trong đó người đại diện hợp pháp sẽ chịu trách nhiệm về việc khai thác sử dụng đất của cộng đồng. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không giải thích hay quy định thêm về chủ thể này, cụ thể không quy định việc xác định ai là đại diện hợp pháp của cộng đồng dân cư. Có thể thấy, cộng đồng dân cư là một chủ thể rất mới trong pháp Luật Đất đai, cũng chưa từng được đề cập bởi các luật khác nên không thể tham chiếu từ các luật khác. Đây cũng là điểm mới trong các quy định về người sử dụng đất ở Việt Nam vì lần đầu tiên, Luật Đất đai đã thể chế hóa được chính sách dân tộc vào trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm và phức tạp này thông qua quy định về chủ thể cộng đồng dân cư. Nhưng nhìn chung các quy định về chủ thể này hiện nay vẫn còn rất chung và chưa cụ thể.
(Nguồn: Nguyễn Khánh Ly, Luận án tiến sĩ Luật học, 2016)