Trang chủ Thiền học Những chướng ngại của Thiền định

Những chướng ngại của Thiền định

by Ngo Thinh
219 views

Những chướng ngại của Thiền định – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

Trừ những bậc Bồ tát thị hiện, còn lại ai cũng phải gặp nhiều chướng ngại trên con đường tu tập Thiền định. Vì vậy ta phải hiểu rõ bản chất những chướng ngại đó để vững tâm vượt qua. Có những chướng ngại dễ được vượt qua, nhưng cũng có những chướng ngại làm ta vất vả cả đời. Ta phải biết nghiệp của mình cũng như phải biết cơ cấu của từng chướng ngại để chuẩn bị tinh thần cho sự chiến đấu lâu dài. Đừng vì thấy chướng ngại rồi chán nản bỏ cuộc. Tu tập thiền định là chuyện của nhiều kiếp. Mỗi kiếp chuyên cần là một bước tiến đến gần sự Giác ngộ nếu ta giữ vững chí nguyện của mình.

1.  Sự bất ổn của thân

Thân thể và não bộ có liên quan mật thiết thế nên khi thân chưa ổn định, còn bị trạo cử quá nhiều, ngồi kiết già chưa vững thì hành giả chưa thể nhiếp tâm an ổn được. Đây là chướng ngại thứ nhất của người tu thiền.

Không phải đợi đến khi phá được triền cái Trạo cử thì ta mới có sự yên ổn của thân, mà chỉ cần ngồi quen một thời gian là thân trở nên ổn định. Phải tuân thủ những nguyên tắc căn bản của công phu Điều thân như ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại, buông lỏng, nhưng bất động không nhúc nhích. Đây là điểm Trung đạo ban đầu, không cho phép thân nhúc nhích nhưng cũng không được gồng cứng. Nguyên tắc căn bản này cực kỳ quan trọng, sẽ theo ta suốt cuộc đời tu hành, sẽ giúp ta phá trừ nhiều thiền bệnh, sẽ giúp ta vượt qua nhiều ảo ảnh trong thiền tập.

Suốt đời ta phải luôn luôn dựa trên công phu Điều thân này để tiến bước, không bao giờ được rời khỏi công phu giữ thân đúng tư thế, mềm mại, bất động. Khi công phu Điều thân đã vững chắc, tự nhiên nội tâm sẽ hiện ra để ta thấy rõ và kiểm soát. Đây là điểm mấu chốt không thể khác. Nhiều phái thiền không lấy việc Điều thân làm công phu căn bản, chỉ đi thẳng vào tâm để kiểm soát tâm. Phương pháp như vậy không căn bản, và gây ra những hậu quả bất lợi về sau.

Khi đi thẳng vào tâm để kiểm soát tâm như thế, có thể người này cũng nhiếp được tâm, hoặc chưa nhiếp được tâm, nhưng lâu dài về sau Âm lực bị tiêu hao khiến cho cuống não bị sưng lên và vỏ não lập tức sôi lên với vô số loạn tưởng.

Còn khi bắt đầu bằng công phu Điều thân, giữ kỹ công phu Điều thân, kết hợp an trú tại một điểm Đan điền, lâu dài tự nhiên cái biết trải khắp cả thân và tâm, thấy rõ nội tâm, thấy rõ vọng tưởng khi mới manh nha, và dễ dàng trừ diệt. Con đường căn bản này giúp cho hành giả phát triển thành quả tu tập càng về sau càng ổn định.

Chướng ngại thứ nhất về sự bất ổn của thân phải được vượt qua bằng sự kiên trì quyết tâm của mỗi người, ráng giữ thân bất động và mềm mại, lâu ngày tự nhiên thân thể tạm yên để công phu tiến triển.

2.  Vọng tưởng

Chướng ngại thứ hai, và cũng là chướng ngại chính của việc tu tập Thiền định chính là vọng tưởng.

Có người nhiếp tâm dễ dàng, nhưng cũng có người nhiếp tâm rất vất vả. Đây là nhân duyên riêng, năng khiếu riêng của mỗi người, không ai giống ai. Nói đến Thiền định là nói đến mục tiêu nội tâm vắng lặng không còn vọng tưởng. Vì vậy dù chúng ta sử dụng nhiều phương tiện như thế nào, cũng phải có một điểm chủ yếu phải thành tựu, đó là hết vọng tưởng.

Tuy nhiên nếu ta hấp tấp đi thẳng vào nội tâm, chỉ biết có việc diệt trừ vọng tưởng, tức là ta thiếu sự chuẩn bị cần thiết vững chắc phía trước như tạo ra một Âm lực dồi dào, một thân thể an ổn, một Đạo đức thuần thục, một công đức sung mãn. Người khôn ngoan trí tuệ là người biết chuẩn bị những nền móng đầy đủ trước khi tiến tới mục tiêu chính.

Và khi tâm đã đạt được sự vắng lặng cũng không phải là hết việc. Đó chỉ là khởi đầu cho một quá trình Thiền định thật sự sắp tới.

Đức Phật đã dạy rất nhiều phương pháp nhiếp tâm diệt trừ vọng tưởng theo nhiều căn cơ khác nhau, và tất cả những phương pháp đó đều nhất quán xuyên suốt. Sau này nhiều bậc đại sư cũng lập thêm ra những pháp môn khác để giúp nhiếp tâm, nhưng cũng góp phần làm đạo Phật bị phân hóa. Ngày nay chúng ta cần tìm lại pháp môn của chính đức Phật truyền dạy để được lợi ích lớn lao và có căn bản vững chắc, cũng như giúp tìm lại sự chung đồng đoàn kết cho đạo Phật. Thường thì những pháp môn sau Phật hay được ca tụng là siêu việt, thậm chí còn hay hơn cả Phật, ví dụ như thành ngữ siêu Phật vượt Tổ là một minh chứng. Chúng ta dễ tìm gặp những người tu hành trong đạo Phật đang thực hành một pháp môn của một đại sư tổ sư nào đó, với thái độ cũng cuồng tín tin chết tin sống. Họ không có cơ duyên gặp được sự truyền dạy một pháp môn chính thống của Phật. Nếu họ may mắn có kết quả thì chỉ góp phần làm cho đạo Phật bị biến thái nhanh hơn.

Là một Tăng sĩ có trách nhiệm với Phật Pháp, ta phải cương quyết lấy pháp môn chính thống của Phật làm chỗ dựa, làm tiêu chuẩn. Ta cũng phải biết khuyên mọi người lấy pháp môn tu hành chính thống của Phật để làm chỗ chung đồng cho đạo Phật. Từ từ đạo Phật phải được đưa trở về một giềng mối để có được đoàn kết hòa hợp như ngày xưa.

Khi ta thực hành đúng theo đường lối căn bản của Phật dạy, với nền tảng công đức, Đạo đức, Khí công, Điều thân, dần dần tâm ta sẽ yên lắng. Thời gian để tâm đi vào yên lắng tùy thuộc vào căn cơ nhân duyên của mỗi người. Có người vài năm, có người vài chục năm.

Khi vọng tưởng đã yên lắng, đó là lúc ta vượt qua được chướng ngại thứ hai.

3.  Ảo giác

Chướng ngại thứ ba sẽ xuất hiện khi ta đã bớt vọng tưởng, tâm đã bắt đầu yên lắng, đó là những ảo giác, ảo ảnh, linh ảnh… kỳ lạ.

Thật vậy, khi tâm đã yên lắng, ta sẽ phải đối diện với những điều mà trong cuộc sống không hề có. Đây lại là một thử thách lớn cho hành giả vì chúng ta không hề được nghe nói đến những điều lạ lùng này.

Có người thấy ánh sáng nhiều màu chiếu lòa trước mặt; có người thấy thân mình như ngồi giữa hư không; có người thấy cảnh giới cõi trời hiện ra; có người thấy mùi thơm ngạt ngào tỏa khắp phòng; có người thấy nghe vang giữa không trung những lời giảng Phật Pháp rất độc đáo; có người thấy Bồ tát đến ban phép lành; có người thấy hoa sen mọc đầy ao nước trong xanh đẹp đẽ; có người nghe tiếng nổ lớn trong đầu, hoặc tiếng nổ lụp bụp bên tai; có người thấy như đang có nhiều vị ở đâu đến cùng đang ngồi thiền chung với mình; có người thấy thân mình nóng ran hoặc mát lạnh; có người nghe tiếng nhạc trời vang vang; có người thấy thân mình trở nên trong suốt…

Tất cả những ảo giác như thế có thể đến từ nguyên nhân bên ngoài, hoặc nguyên nhân bên trong.

Nguyên nhân bên ngoài là có thể những vong linh, thần linh, chư thiên tìm đến khi thấy hành giả có sự tiến bộ. Những ma chướng cũng từ đó trỗi dậy. Ta rất dễ khởi lên tự hào kiêu mạn khi thấy những thắng cảnh hiện ra, rồi công đức bị tổn giảm, và thế là công phu sẽ bị lui sụt. Nguyên nhân bên trong là chính Hành ấm của ta đã sáng tạo, chế tác ra những linh ảnh đó chứ không ai khác. Có khi ta thấy hiện ra cả một đoạn đối thoại lưu loát giữa các vị thiên tử về đạo lý, nhưng thật ra chính Hành ấm của ta đã dựng nên tất cả. Hành ấm ta rất vi tế nhỏ nhiệm nên khó được nhận biết. Hành ấm tạo ra ảo ảnh mà ta cứ tưởng ảo ảnh đến từ bên ngoài rồi cho rằng mình đã cao siêu xuất chúng. Cuối cùng thì tâm kiêu mạn sẽ phá hoại tất cả công trình tu tập từ trước đến giờ.

Ta phải xác định rằng tất cả những ảo giác, ảo ảnh, linh ảnh đó đều do tâm ta còn phiền động từ trong vi tế, dù cho nhìn sơ sài bên ngoài thì vọng tưởng đã yên lắng. Vì tâm ta còn phiền động nên tác nhân bên ngoài mới tìm đến. Vì tâm ta còn phiền động nên hành ấm mới bí mật dàn dựng đủ thứ chuyện.

Những ảo ảnh, ảo giác đó có một sự gọi mời rất nguy hiểm, đó là khiến cho ta tò mò. Ta sẽ cảm thấy lạ lùng và tò mò theo dõi những ảo giác đó sẽ diễn tiến tiếp tục như thế nào. Không ngờ khi tò mò như thế, ta đã rơi vào bẫy của ma. Khi tò mò như thế, vô tình ta đã tiếp thêm năng lực nuôi dưỡng cho những ảo ảnh đó được tồn tại phát triển. Khi những ảo ảnh đó phát triển rồi thì nội tâm ta đã bị ảo giác chiếm ngự làm chủ, ta không còn làm chủ được tâm hồn mình nữa. Từ đây cho đến ngày bị điên thật sự cũng không còn xa.

Vì vậy, biết được như thế, ta phải nguyện lòng là hễ bất cứ một ảo giác nào xuất hiện là ta phải diệt trừ tức khắc, không tò mò nuôi dưỡng thêm một giây nào. Chính sự dứt khoát chối bỏ ảo giác, diệt trừ ảo giác là bản lĩnh của người tu thiền, và khiến cho ảo giác không tồn tại tiếp tục. Sau đó tâm ta mới yên ổn để tiếp tục vào sâu thiền định.

Sau nhiều lần dứt khoát với ảo giác như thế, ta sẽ vượt qua chướng ngại thứ ba này, và chuẩn bị đối mặt với chướng ngại thứ tư.

4.  Thần thông diệu dụng

Thần thông diệu dụng là chướng ngại thứ tư của người tu thiền sau khi hành giả đã vượt qua những ảo giác. Đây là chướng ngại khó vượt qua nhất vì nó quá sức diệu kỳ vĩ đại.

Khi tu đến mức độ thành tựu được Thần thông diệu dụng có nghĩa là hành giả đã đạt đến cảnh giới rất cao nên vô cùng tự tin nơi công phu của mình. Lúc này hành giả dường như không còn nghe lời ai nữa vì khó có ai bằng mình. Nếu hành giả không chuẩn bị trước tinh thần để xử lý khi thành tựu diệu dụng thì hành giả sẽ bị phá hoại tất cả bởi chính diệu dụng của mình. Thật ra các bậc Alahán cũng có đại thần thông đại diệu dụng mà Phật gọi là tam minh lục thông, nhưng thần thông của Alahán không gây tổn hại vì các ngài đã vượt qua chấp ngã. Còn chướng ngại thần thông mà chúng ta nói ở đây là loại thần thông xuất hiện khi tâm đã an định khá sâu nhưng chưa tan hết chấp ngã.

Có khi hành giả biết tâm của người khác rõ ràng mỗi khi họ khởi ý nghĩ bất chợt nào khi họ đứng gần mình. Thậm chí dù ở xa, hành giả vẫn có thể biết được phần nào tâm trạng của đối tượng đó.

Có khi hành giả biết rõ cuộc đời quá khứ của ai đó khi nhìn họ, và cũng lần lượt biết luôn tương lai của người đó luôn. Có khi hành giả xuất hiện thần lực cuồn cuộn trong cơ thể đến nổi có thể nhảy rất cao hoặc đánh ra chưởng rất mạnh. Có khi hành giả có thể đặt tay vào người khác, hoặc để tay cách xa mà vẫn truyền lực chữa bệnh cho họ. Có khi hành giả ngồi thiền mà hào quang chiếu sáng rực cả khu vực chung quanh.

Có khi hành giả khai mở thần nhãn để thấy rõ người cõi siêu hình như các vong linh, các thiên thần, và có thể tiếp xúc truyền thông với họ. Có khi hành giả vận nhãn lực nhìn xuyên trong bóng tối và thấy rõ mọi thứ.

Có khi hành giả có thể can thiệp vào số phận của người khác khi biết trước nghiệp duyên của họ bằng cách nhờ vả thần thánh giúp hộ và kêu người đó tự thân làm phước để giải nghiệp. Rất nhiều, rất nhiều loại thần thông xuất hiện khi hành giả đạt được sự an định thẳm sâu. Lúc này hành giả sẽ được mọi người tôn xưng như thần thánh, như Phật sống. Người tu đến như vậy cũng rất là vĩ đại. Tuy nhiên chính vì Bản ngã chưa hết nên cái vinh quang cũng chính là cái tai họa. Vinh quang sẽ làm Bản ngã tăng trưởng; Bản ngã tăng trưởng lại làm tan vỡ công đức; công đức tan vỡ sẽ kéo theo sự thoái chuyển của kết quả tu tập. Đó là lý do tại sao nhiều vị tu đến mức có thần thông rồi lại thoái chuyển đến độ tệ hại không ngờ. Hoặc có vị kiếp này có thần thông nhưng kiếp sau lại trở thành người tầm thường, chỉ còn lại tâm mến đạo, còn lại cái chủ quan tự tin quá sức không bao giờ chịu nghe lời khuyên bảo của ai.

Vì vậy, khi bắt đầu thực hành Thiền định, ta phải hiểu cặn kẽ về những chướng ngại trên con đường Thiền, và một trong những chướng ngại đó chính là Thần thông Diệu dụng. Hiểu như vậy, khi ta thấy mình có năng lực thần thông, ta sẽ quyết tâm bỏ qua, không quan tâm, không sử dụng, không khoe khoang, không vui mừng tự hào. Quyết tâm bỏ qua thần thông là một điều phi thường vì không dễ dàng chút nào. Giữa một thế gian tầm thường mà ta là một siêu nhân thì khó ai mà im lặng kín đáo khiêm tốn được. Phải là người có thiện căn chứng ngộ vô biên mới có thể xem Thần thông như không được. Hầu hết ai cũng “chết” ngang chỗ thần thông này. Trước khi bắt đầu thực hành Thiền định, ta phải lễ Phật phát nguyện rằng sau này nếu có thần thông, xin cho con biết xem như không để giữ được tâm khiêm hạ tận cùng. Phải phát nguyện dần dần vì tới khi đó thì phát nguyện không kịp nữa.

Ảo giác thì ta có thể vượt qua được, trừ diệt được; còn thần thông thì sẽ bám theo ta cho tới ngày giải thoát viên mãn. Chỉ cần một giây phút nhẹ lòng khởi lên tự hào vì có thần thông là lập tức đường giải thoát của ta bị ngăn ngại. Đây là thử thách dai dẳng nhất, lì lợm nhất mà cũng hấp dẫn nhất. Nếu ta không có trí tuệ và đại nguyện sâu dày thì không ai chịu nỗi thử thách lâu dài như vậy.

Những ai có thể vững vàng giữ được tâm khiêm hạ, không quan tâm tới năng lực thần thông thì xem như có thể ổn định để đi tiếp con đường giải thoát với một chướng ngại cuối cùng.

5.  Chấp ngã

Chấp ngã là hàng rào cuối cùng ngăn cản sự giải thoát. Thật ra ta phải nói vô minh là rào cản cuối cùng, là chướng ngại cuối cùng, là kiết sử cuối cùng mới đúng, nhưng vì vô minh và Bản ngã là một bản chất dù có hai tên gọi, hai sắc thái. Thế nên ta nói Chấp ngã là rào cản cuối cùng cũng không sai.

Chấp ngã là cái gì vô hình vô tướng, sâu thẳm, tuy có mà chẳng ai nhìn thấy được. Ngay cả những bậc chứng ngộ có thần thông diệu dụng rồi vẫn chẳng thấy bóng dáng Bản ngã ở đâu dù Bản ngã chưa hết. Nếu ai may mắn được chân sư thiện hữu cảnh báo nhắc nhở thì không dám coi thường lơ đễnh vì biết Bản ngã vẫn đang tồn tại và sẵn sàng phá hoại tiến trình tu tập mà ta đã dày công vun đắp từ nhiều kiếp. Còn nếu ai không may mắn, không được chân sư thiện hữu nhắc nhở cảnh báo thì sẽ chủ quan cho rằng mình đã thành tựu siêu xuất thế gian khi thấy tâm mình cực kỳ thanh tịnh, thần thông mình đã tràn đầy.

Chúng ta ra đời không gặp Phật, tu tới đâu cũng không ai đánh giá giùm, chỉ vì lý tưởng Giác ngộ và Độ sinh mà cố gắng đi tới. Vì vậy ta phải dè dặt cẩn thận không được chủ quan, phải luôn coi chừng Bản ngã lừa gạt để ta trở nên kiêu mạn vô ích.

Đối với chướng ngại cuối cùng này, hành giả chỉ cần thầm tự nhắc mình vẫn còn Chấp ngã là đủ. Khi nào đủ duyên thì tự nhiên chấp ngã sẽ tan để thành tựu Giác ngộ tối thượng viên mãn. Trên đây là những chướng ngại tiêu chuẩn khi ta tu đúng hướng. Còn vô số những thiền bệnh xảy ra khi ta dụng công sai lầm cũng làm ta khổ sở không ít, sẽ nói sau.

Câu hỏi: Đối với mỗi chướng ngại như thế, ta nên phát nguyện như thế nào, tạo công đức gì để vượt qua?

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]