Trang chủ Thiền học Hơi thở trong Thiền đạo Phật

Hơi thở trong Thiền đạo Phật

by Ngo Thinh
191 views

Hơi thở trong Thiền đạo Phật – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

1.  Ý nghĩa của Hơi thở

Hơi Thở là nhu cầu tối thiết yếu của sự sống. Nếu nhịn ăn hơn mười ngày, cơ thể mới nguy hiểm; nếu nhịn uống hơn ba ngày, cơ thể sẽ nguy hiểm; nhưng chỉ cần mất hơi thở trong hai hoặc ba phút là ta chết liền. Vì thế, lúc nào ta cũng phải đang thở ra thở vào. Oxygène được phổi hấp thu, và được máu đưa đi khắp cơ thể, nhất là đưa lên não. Nếu thiếu Oxy não, não sẽ hư hại nghiêm trọng rất khó phục hồi.

Hơi thở vừa có thể được điều khiển bởi thần kinh ý thức (động vật) vừa có thể được điều khiển bởi thần kinh vô thức (thực vật). Có nghĩa là dù ta không để ý đến, cử động thở vẫn tồn tại do thần kinh Vô thức điều khiển; hoặc dù ta để ý đến, thì lập tức cử động thở chuyển sang chịu sự điều khiển của thần kinh Ý thức. Ta sẽ thấy rằng, không để ý thì thôi, khi vừa để ý đến thì lập tức hơi thở trở nên mạnh hơn, lúng túng hơn, đòi hỏi phải điều chỉnh cho thích hợp. Chỉ tiếc rằng ta chủ động điều khiển chưa được bao lâu thì lại quên mất để chạy theo vọng tưởng.

Khi ta nhiếp tâm bằng cách chú ý đến một đối tượng nào đó, tâm ta cũng sẽ bị chấp vào ý niệm đó. Ví dụ, ta nhìn một điểm sáng như đầu cây nhang để chú tâm, ta sẽ bị ý niệm về cây nhang chiếm dần tâm hồn; ta nghĩ về một câu đạo lý “Ai là người đầu tiên đã xuất hiện trên Trái Đất?”, cũng làm cả một bộ não quay cuồng khuấy động. Nhưng khi ta chú ý vào hơi thở ra, hơi thở vào thì các ý niệm lại yên lắng dần. Đây là một tính chất rất đặc biệt mà tạo hóa ban cho con người. Theo ngôn ngữ của Y khoa thì khi thần kinh thở hưng phấn thì những vùng thần kinh khác tự động đi vào ức chế.

Điều đặc biệt kế tiếp nữa là khi ta nhẹ nhàng biết hơi thở ra hơi thở vào một cách rõ ràng, tự nhiên sức tỉnh giác tăng dần. Sức tỉnh giác hiện diện thường xuyên lại tạo nên nhân điện (điện sinh học) dần dần cho cơ thể. Nhân điện làm cải thiện sức đề kháng của cơ thể (immune) tốt hơn. Những nhà chuyên luyện khí công còn sử dụng hơi thở để tạo nên một loại sức mạnh khác thường mà ta hay gọi là nội công. Tuy nhiên, thời đại kỹ thuật chiếm ưu thế này cũng góp phần làm mai một dần sự truyền thừa về những bí quyết nội công như thế.

Bây giờ tập theo dõi hơi thở có thể không làm ta mạnh phi thường như người xưa, nhưng chắc chắn giúp ta khỏe hơn nếu không tập.

Khi ta chủ động kiểm soát hơi thở, dĩ nhiên ta không cần phải thở mạnh, nhưng sự trao đổi dưỡng khí O2 và thán khí CO2 được luân lưu tốt hơn. Phổi cũng được rèn luyện dẻo dai hơn tránh nguy cơ những bệnh như lao, viêm…

Theo Y học và Võ học Đông phương, bên cạnh không khí mà ta hít thở này, còn một loại khí khác có khả năng thẩm thấu vào các bắp thịt, gân, xương, tạng phủ, nhất là lưu chuyển theo các hệ thống huyệt đạo phức tạp vô hình của cơ thể. Khí này mới chính là nguồn lực phi thường của cơ thể. Họ tưởng tượng dẫn khí lưu chuyển theo những kinh huyệt quan trọng để kích thích tiềm lực. Huyệt đan điền dưới rốn 5 cm là một huyệt chủ yếu nhất cho sự khai mở nội lực như thế. Tập lâu ngày, cái cảm giác có một luồng hơi hiện diện ở bụng là rất thật.

Sự buông lỏng toàn thân theo Thiền đạo Phật cũng giúp cho khí dễ dàng thẩm thấu khắp cơ thể. Đây là điểm khác nhau giữa ngoại công và nội công, vì ngoại công buộc phải luyện tập gồng cứng cơ bắp. Bài Thái cực quyền của phái Võ Đang là một tinh hoa của Võ học Đông phương vì phép đánh mềm mại buông lỏng chậm rãi kỳ lạ. Tuy nhiên quần chúng chỉ được học cái vỏ, còn những bí quyết cao siêu hơn có thể đã bị giữ lại.

2.  Hơi thở trong Thiền đạo Phật

Trong bài kinh Niệm Hơi Thở, Trung bộ kinh, Nikaya, đức Phật có dạy về 17 giai đoạn hơi thở. Song song với hơi thở ra hơi thở vào, hành giả còn phải có những tác ý cần thiết, phức tạp dần dần. Trong bài này, chúng ta chưa cần nêu ra đầy đủ 17 hơi thở đó, chỉ trình bày những căn bản quan trọng.

Trước khi đi vào tu tập hơi thở, chúng ta buộc phải thành thạo công phu Điều thân, không thể coi thường. Thân thể phải được giữ bất động, mềm mại, buông lỏng, đúng tư thế. Toàn thân cũng phải được biết rõ mà trong kinh gọi là cảm giác toàn thân. Nếu điều thân chưa vững mà vội vã bước sang tu tập hơi thở thì hại nhiều hơn lợi.

Trước hết, hơi thở vào, ta biết rõ là hơi thở vào; hơi thở ra, ta biết rõ là hơi thở ra. Có một điều đơn giản là khi theo dõi hơi thở, ta biết là đang có thở, nhưng lại không để ý rõ là đang thở ra hay đang thở vào. Đây cũng là do thiếu chăm chú, thiếu tỉnh giác. Vì vậy, để rèn luyện sự chăm chú và tỉnh giác, chúng ta phải biết rõ là hơi thở đang ra hay đang vào. Ta sẽ thấy rõ hơi thở vào, rồi dừng lại, rồi đi ra, rồi dừng lại, rồi đi vào… nghĩa là ta theo dõi sự chuyển động của hơi thở một cách sát sao từng chút một. Nếu có lúc nào ta lơ mơ không rõ hơi đang ra hay đang vào, hay đang dừng lại để chuẩn bị đổi chiều, tức là ta đang mất tỉnh giác.

Ta cũng có thể phạm một sai lầm là tưởng tượng di chuyển theo hơi thở bắt đầu từ mũi vào dần đến ngực, ức, bụng với mục đích biết hơi thở đi tới đâu, rồi lại theo hơi thở đi ra cho đến mũi. Khí công thì có thể có phương pháp này, nhưng Thiền của đạo Phật thì không. Di chuyển tâm theo hơi thở như vậy làm cho tâm bị động, và não sẽ căng thẳng.

Tốt nhất ta nên đứng yên một chỗ mà theo dõi sự ra vào của tâm.

Có một chỗ rất cụ thể mà bắt buộc hơi thở phải luôn luôn đi ngang qua khi vào hay ra, đó là ống mũi. Nếu ta để ý tại một chỗ trong ống mũi để kiểm soát hơi thở ra hay vào thì tâm rất nhanh chóng được nhiếp chặt, vọng tưởng dễ lắng dịu. Tuy nhiên, khi để ý tại ống mũi như vậy, ta đã chú ý vào phía trên cơ thể, tức là phần rất dương. Lâu ngày âm lực làm gốc cho cơ thể bị hao tổn dần và nhiều bệnh tật xuất hiện, kể cả bệnh về thần kinh não. Chỉ có người nào đã có âm lực dồi dào thì mới nhiếp tâm bằng cách trụ tâm ở ống mũi và đắc định luôn.

Một vài trường phái đề nghị trụ tâm ở ức ngay giữa ngực để theo dõi hơi thở ra vào. Thật ra ức cũng thuộc về phần Dương, nên trụ tâm lâu ngày ở đó cũng không tốt.

Một vài trường phái đề nghị trụ tâm ở bụng dưới để theo dõi sự phồng xẹp của bụng và biết là hơi thở ra hay vào. Vô tình phương pháp này phù hợp với quy luật âm dương khiến cho hành giả phát triển được tiềm lực khi thực hành như vậy.

Tuy nhiên, sự phồng xẹp của bụng chỉ có ở giai đoạn đầu. Lâu ngày khi tâm đã yên lắng thì hơi thở không còn mạnh đến nỗi làm bụng phồng xẹp rõ rệt nữa. Nếu duy trì sự phồng xẹp của bụng một cách cố ý thì làm trở ngại việc nhiếp tâm.

Một đề xuất hợp lý kết hợp những ưu điểm trên là trụ tâm nhẹ nhàng tại một điểm Đan điền để theo dõi hơi thở ra vào. Trú tâm như vậy không lệ thuộc vào sự phồng xẹp của bụng. Tuy nhiên, một khó khăn sẽ xảy ra với người chưa thể vừa biết rõ toàn thân nhuần nhuyễn lại vừa để ý một điểm nhỏ ở Đan điền. Hơn nữa, ban đầu hơi thở dường như chưa thông đến bụng nên để tâm dưới bụng giống như chẳng dính gì đến hơi thở. Nhưng nếu chịu khó một thời gian thì những khó khăn trên sẽ hết, hành giả có thể vừa biết toàn thân, vừa để ý một điểm Đan điền, vừa theo dõi hơi thở ra vào rõ ràng không lầm lẫn.

Khi an trú tâm ở Đan điền để theo dõi thở ra vào, thỉnh thoảng vọng tưởng vẫn khởi lên. Nếu vọng tưởng còn quá mạnh, tâm ta sẽ bị thất niệm quên mất việc theo dõi hơi thở. Nếu vọng tưởng không mạnh, ta dễ nhớ được hơi thở hơn. Nguyên nhân của vọng tưởng mạnh hay yếu là một bí mật của Nhân quả. Đây chính là lúc mà vai trò của phước được đề cao. Người đủ phước sẽ dễ nhiếp tâm hơn người ít phước. Chính vì vậy mà Phật đã sắp đặt chánh nghiệp (làm phước) trước chánh niệm và chánh định (Bát Chánh Đạo).

Nếu cảm thấy việc nhiếp tâm không dễ dàng, chúng ta phải siêng năng gây tạo công đức suốt cả đời còn lại, đừng bướng bỉnh bỏ hết để chăm lo nhiếp tâm hoài sẽ mất cả chì lẫn chài, nghĩa là vừa không được kết quả thiền định, vừa không có phước. Chừng nào trong khi bận rộn làm các việc công đức mà vẫn nhiếp tâm dễ dàng mỗi khi ngồi thiền tức là công đức đã bắt đầu có.

Kế đến, hơi thở vào dài, ta biết hơi thở dài; hơi thở vào ngắn, ta biết hơi thở ngắn.

Hầu hết người tu tập pháp môn hơi thở hay bị một sai lầm nghiêm trọng là ráng thở dài hơn bình thường, nghĩa là luôn can thiệp vào hơi thở. Ở đây Phật dạy ta phải biết rõ, nhưng không được can thiệp vào hơi thở. Đây là một trung đạo khéo léo.

Hành giả tỉnh táo thụ động quan sát hơi thở ra vào rõ ràng nhưng không can thiệp, không cố ý điều khiển hơi thở. Chắc chắn hơi thở sẽ không đều đặn suốt thời gian ngồi thiền. Những vọng động bí mật của nội tâm sâu kín sẽ chi phối vào hơi thở khiến cho hơi thở khi mạnh khi yếu, khi dài khi ngắn khác nhau.

Khi nội tâm yên tĩnh, hơi thở êm dịu và dài hơn; khi nội tâm có xung động, dù âm thầm, hơi thở sẽ mạnh và ngắn hơn.Ta chỉ việc theo dõi và ghi nhận sự biến chuyển như thế chứ không can thiệp điều chỉnh cho hơi thở trở nên đều đặn như ý mình muốn. Đây là một đặc tính khác lạ của Thiền đạo Phật so với các loại Thiền hay Khí công khác. Khi thực hành đúng theo lời Phật dạy như thế, ta sẽ thấy tâm trầm tĩnh từ trong sâu thẳm. Còn việc can thiệp điều khiển hơi thở theo ý mình có thể khiến tâm có vẻ như nhanh chóng tắt vọng tưởng, nhưng trong sâu thẳm lại bị khuấy động.

Những hơi thở căn bản để tu tập thiền định được kể thêm như sau:

  • Biết rõ toàn thân khi thở vào; biết rõ toàn thân khi thở ra. Hơi thở này nhắc chúng ta không được quên biết rõ khắp thân. Và suốt đời chúng ta không bao giờ được quên công phu biết rõ toàn thân này. Khi chứng được từng mức thiền, chúng ta cũng chỉ dựa vào trạng thái của thân để đánh giá chứ không đi đâu
  • Biết thân là vô thường khi thở vào; biết thân là vô thường khi thở ra. Hơi thở này giúp chúng ta hết chấp thân dần dần. Chấp thân là cái chấp căn bản và rất là khủng khiếp. Chấp ngã sâu kín cũng được hỗ trợ bởi chấp thân. Phá được chấp thân làm tâm ta nhẹ nhàng bớt phiền não rất nhiều. Tuy nhiên để hiểu thế nào là thân vô thường, trước đó chúng ta phải phân tích theo như Phật dạy trong bài kinh Niệm Thân. Chúng ta phải thấy sự biến đổi của thân từ khi trẻ đến già, từ già đến chết, từ chết đến tan hoại hoàn toàn, kể cả xương cũng tan thành tro bụi bay theo gió.
  • Nguyện lòng thương yêu chúng sinh khi thở vào; nguyện lòng thương yêu chúng sinh khi thở ra. Hơi thở này có công năng diệt trừ vọng tưởng rất tốt những khi vọng tưởng quá mạnh hay làm ta Thất niệm. Chính cái phước của tâm Từ bi giúp cho ta tỉnh giác hơn và thoát ra vọng tưởng.
  • Biết tâm vẫn còn phiền động khi thở vào; biết tâm vẫn còn phiền động khi thở ra. Hơi thở này được áp dụng khi tâm ta đã yên lắng. Thật ra khi tâm yên lắng thì chẳng cần mất công khởi ý nhắc nhở phiền phức. Chỉ vì khi tâm yên lắng, ta hay âm thầm tự khen mình để làm thành sự kiêu mạn tự hào bí mật vô cùng nguy hiểm nên Hơi thở này giúp ta ngăn chận ý niệm kiêu mạn tự hào. Dù cho tâm có tạm thời yên lắng, những phiền não, xao động, chấp trước… vẫn chưa nhúc nhích chút nào. Vọng tưởng vẫn có thể dấy động trở lại, phiền não vẫn có thể bất ngờ xuất hiện trở lại. Vì vậy sự cảnh giác, không chủ quan là cần thiết và là công đức.

Mới ban đầu ta chỉ vừa thở vừa biết thân. Lâu ngày tự nhiên biết rõ thêm nội tâm dù không cố ý. Lúc đó, ta vừa biết hơi thở, vừa biết toàn thân, vừa biết nội tâm. Cùng một lúc biết cả ba điều mà vẫn nhẹ nhàng thoải mái.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]