Trang chủ Thiền học Điều thân

Điều thân

by Ngo Thinh
243 views

Điều thân – Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

1.  Điều thân là công phu căn bản

Tuy ý nghĩa chính của Thiền là nhiếp tâm nhưng căn bản của việc nhiếp tâm lại chính là hoàn chỉnh tư thế ngồi của thân. Không phải vô tình mà ba đời chư Phật đều tọa thiền trong tư thế kiết già. Tư thế đó có liên quan chặt chẽ đến công phu nhiếp phục nội tâm.

Một số người chủ trương dễ dãi về tư thế, cho rằng ngồi như thế nào cũng được, là chưa thấy rõ tầm quan trọng của tư thế kiết già. Đúng là ngoài giờ toạ thiền chính thức thì ta có thể tu trong mọi oai nghi, đứng ngồi gì cũng được. Nhưng trong công phu chính thì tư thế kiết già là bắt buộc.

Thân và Tâm là một hợp thể thống nhất. Những gì có liên quan đến thân đều có liên quan đến tâm, và ngược lại. Khi muốn giữ gìn sức khỏe của thân thì ta luôn được các thầy thuốc khuyên là phải giữ gìn tâm hồn lành mạnh yên tĩnh. Khi muốn nhiếp phục nội tâm thì ta lại được Phật dạy về công phu điều thân làm nền tảng dụng công.

2.  Ngồi đúng tư thế

Trước khi tọa thiền, ta có thể lễ Phật phát nguyện và cầu gia hộ.

Trải một tấm tọa cụ trên mặt bằng phẳng. Kích thước tọa cụ làm sao rộng hơn diện tích ngồi lên là được. Tọa cụ có thể làm bằng vải dày, bằng chiếu lát, hoặc bằng một miếng nệm mỏng vài phân, miễn sao ngăn hơi ẩm dưới đất thấm lên trên và giúp bớt cấn da thịt là được.

Sau này có một số vị sử dụng thêm một cái gối kê mông gọi là bồ đoàn. Bồ đoàn làm cho ta có cảm giác đỡ phải ráng giữ lưng cho thẳng do phần mông đã được nâng lên một chút. Tuy nhiên bù lại bồ đoàn cũng có mặt trái. Chính cái cố gắng giữ lưng cho thẳng khiến cho lâu ngày sức mạnh tinh thần của ta mạnh mẽ hơn. Ngồi bồ đoàn làm mất đi ưu điểm này. Thêm nữa, ngồi bồ đoàn, sức nặng cơ thể chỉ còn dồn trên ba điểm: mông, và hai đầu gối, lâu ngày sẽ gây cấn khó chịu. Ngồi không có bồ đoàn, sức nặng toàn thân trải đều trên mông và hai đùi nên dễ chịu hơn. Khi đi đâu, ta cũng không cần phải mang theo bồ đoàn cồng kềnh. Đừng mặc quần áo bó chặt. Nếu thời tiết mát mẻ, ta có thể ngồi trong Chánh điện mặc áo tràng. Khung cảnh trang nghiêm giúp ta dễ nhận được sự gia hộ của Tam Bảo hơn.

Theo tư thế kiết già, ta bắt chân trái đặt lên đùi phải, sau đó kéo chân phải gát lên đùi trái (thật ra chân phải gát lên cả bắp vế và đùi trái). Do bị bắt tréo nên chân phải ghì xuống rất mạnh khiến cho khớp bàn chân trái chịu lực rất căng. Những người gân khớp bàn chân bị yếu, hoặc người lớn tuổi gân cũng bị yếu thì không chịu nổi sự đè căng như thế, rất đau và không thể yên tâm ngồi lâu được. Vì vậy, cho phép trong trường hợp đó, hành giả được dùng miếng khăn xếp lại kê phụ chịu lực ngay phía dưới khớp bàn chân trái. Nhưng đừng lạm dụng kê độn lên dày quà, chỉ vừa đủ thì thôi.

Hai bàn chân nằm vắt lên hai đùi ở một vị trí vừa phải, không quá sát hông, cũng không quá xa hông. Có vài trường phái Yoga bắt ngồi kéo hai bàn chân sát hông. Thiền đạo Phật không như thế.

Hai bàn tay đặt chồng lên nhau và cùng ngửa lên trên, nằm trên hai gót chân. Hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau. Giữ bàn tay thẳng đẹp, đừng để bàn tay cong vòng.

Hai cánh tay khuỳnh ra xa hông. Nhớ giữ đừng để hai cánh tay ép sát hông. Giữ hai cánh tay như vậy có vẻ mất công, nhưng đó là điều kiện để tâm thêm sức mạnh. Nếu hai cánh tay lơi lỏng ở gần hông, sau này việc nhập định bị chướng ngại.

Lưng giữ cho thẳng, nhưng đừng ưỡn thẳng quá sức sẽ làm mau mệt và căng thần kinh não. Hai vai xuôi tự nhiên, tránh nghiêng bên cao bên thấp.

Đầu không ngẩng lên, có vẻ hơi cúi xuống một chút xíu. Đừng để nghiêng qua một bên, hay quay qua một bên.

Thông thường khi lưng bị cong xuống thì đầu lại bị ngẩng lên. Lưng giữ được thẳng thì đầu lại tự nhiên hơi cúi xuống chút xíu.

Miệng ngậm kín, lưỡi để lên chân răng trên. Khi tâm nhiếp được, tự nhiên răng sẽ cắn chặt với nhau.

Mắt nên mở rõ và nhìn xuống, đối với thời gian vài năm bắt đầu tu tập. Đến chừng nào hành giả thành tựu Chánh niệm tỉnh giác, dù nhắm mắt mà vẫn không bị mê mờ thì mới nên nhắm mắt.

Khi mở mắt nhìn xuống, ta nên giữ cho cảnh vật luôn luôn hiện bày rõ ràng, không bị mờ mờ ảo ảo. Giữ tầm mắt nhìn khoảng tám tấc dưới đất phía trước, không ngó đi qua chỗ khác. Tuy nhiên ta lại không chú ý vào ngoại cảnh vì phải lo tập trung kiểm soát toàn thân.

3.  Công phu Điều Thân

Sai khi ngồi xuống thành lập tư thế hoàn chỉnh chính xác như thế rồi, ta bắt đầu thực hiện công phu Điều Thân.

Trước hết, ta luôn luôn xem chừng, kiểm soát khắp thân xem có phần nào đi sai ra ngoài những tiêu chuẩn đã nêu trên hay không. Những phần đã bị khóa kín như hai chân thì không sợ. Còn lại ta phải để ý xem những phần khác như hai bàn tay có thẳng đẹp không, hai cánh tay có bị ép gần sát hông không, lưng có bị chùng xuống không, hai vai có bị lệch không, đầu có bị nghiêng không, mắt có bị ngó chỗ khác không.

Tuy ngồi bất động không nhúc nhích, nhưng cứ phải kiểm tra tới lui hoài các phần của cơ thể. Đó là công phu Điều thân căn bản, mà bất cứ cái gì căn bản đều quan trọng.

Khi vọng tưởng khởi lên khiến ta bị quên thì thôi, còn khi sực tỉnh thì không cần diệt trừ vọng tưởng, mà chỉ cần quay trở lại kiểm tra tất cả bộ phận cơ thể là đủ.

Phần Điều thân kế tiếp là kiểm tra toàn thân xem có được mềm mại và bất động chưa. Chúng ta dễ bị hai lỗi là gồng cứng vài cơ bắp nào đó, hoặc nhúc nhích một vài bộ phận nào đó. Hai lỗi đó làm tâm bị chướng ngại, vì như ta đã biết, mỗi phần trên cơ thể đều có liên quan đến một khu vực của não. Thân bị lay động hay căng thẳng gồng cứng thì não cũng ảnh hưởng theo.

Khi thân ta giữ được buông lỏng, mềm mại, đồng thời cũng không nhúc nhích, não sẽ bắt đầu ổn định dần dần. Những stress tiềm tàng trong não từ lâu cũng bắt đầu được tháo gỡ.

Ban đầu ta kiểm tra liên tục xem toàn thân có chỗ nào bị sai tư thế không; kế đến ta kiểm tra một cách tinh tế hơn là xem có bộ phận nào bị gồng cứng hay nhúc nhích không, toàn thân có được mềm mại và bất động chưa, nhất là các ngón tay, ngón chân, bắp đùi, bắp vế, bắp tay.

Sự kiểm tra thường xuyên như thế chính là công phu Điều thân. Kiểm tra tư thế là Điều thân ở mức độ cơ bản; kiểm tra sự mềm mại bất động là Điều thân ở mức độ sâu hơn.

Giữ thân nghiêm trang cũng chính là giữ tâm nghiêm trang; giữ thân bất động cũng chính là giữ tâm có điều kiện bất động; giữ thân mềm mại cũng chính là giữ tâm có điều kiện thư giãn khinh an.

Ngay trong lần thực hành tọa thiền đầu tiên, ta nên cố gắng Điều thân 30 phút. Hãy lấy thân làm gốc cho tâm. Đây là nguyên tắc vàng của công phu tu tập thiền định. Sau này ta sẽ dần dần thấy rõ sự nhiếp tâm không bao giờ rời xa sự kiểm soát thân. Điều thân cho đúng là bắt đầu và cũng là vĩnh viễn.

Thời gian thực hành Điều thân kỹ lưỡng chuyên chú như vậy phải được một tháng trở lên. Sau đó ta sẽ bước sang các công phu kế tiếp của Thiền định chồng ghép lên trên công phu Điều thân này.

Câu hỏi: Hãy học thuộc lòng bài Điều Thân này, và viết lại đầy đủ những ý chính mà không cần xem tài liệu.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net