Trang chủ Thiền học Thiền là gì?

Thiền là gì?

by Ngo Thinh
276 views

I. Khái niệm về thiền

1. Ý nghĩa từ vựng của Thiền

Thiền là từ chữ Hán,……., đọc đủ là Thiền na, có xuất xứ từ tiếng Pàli Jhàna, có nghĩa là gom tâm lại, nhiếp tâm lại. Tuy nhiên, ngữ căn Jhà lại có liên quan đến ý nghĩa thiêu đốt.

Jhàpeti Thiêu đốt

Jhàpana sự đốt lửa

Jhàyana sự thiêu đốt, sự tham thiền

Jhàyì người tham thiền

Jhàyaka người tham thiền

Có lẽ ngày xưa những người ngồi thiền hay đốt lửa gần đấy hoặc thấy trong người ấm lên như có đốt lửa nên đã sử dụng hai từ này gần nhau như vậy.Về sau, về phía Trung hoa, người ta gán thêm từ phía sau như Thiền quán, Thiền định, Thiền tọa, Thiền tông, Thiền khách, Thiền đường, Thiền sư,…. Ít ai dùng cả hai âm Thiền na như xưa.

Tuy nhiên, Ý nghĩa chính của Thiền vẫn là sự thực hành đưa đến tâm trí an tĩnh, không xuất hiện ý nghĩ, không dấy động tình cảm, và vẫn sáng suốt.

Người ta vẫn liên hệ Thiền với tư thế ngồi kiết già bất động vì từ đức Phật cho đến các vị thánh nhân đều ngồi thiền với tư thế đó. Sự phát triển rộng hơn cho phép người ta thực hành Thiền khi đi bộ thong thả, đúng phương pháp. Còn đối với những người có khả năng giữ được tâm, kiểm soát tâm thường xuyên thì được gọi là người biết Thiền trong bốn oai nghi đứng đi nằm ngồi.

thiền là gì

thiền là gì

2. Trước Phật đã có Thiền

Theo lịch sử của Phật thì khi mới từ bỏ hoàng cung xuất gia làm sa môn, Phật đã đến tham học với hai vị đạo sĩ nổi tiếng đương thời là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Hai vị này được cho là đã chứng được Vô sở hữu xứ định và Phi tưởng Phi phi tưởng xứ định. Đó đã là hai mức định cực kỳ cao, có thần thông, và gần sát tới bờ mé của Giải thoát.

Đức Phật đã nhanh chóng chứng được y hệt như các vị thầy của mình và được các vị đó quý trọng mời hợp tác trong việc hướng dẫn cho những người còn lại. Đức Phật đã nêu ra một câu hỏi về bản ngã và vì không được giải đáp thỏa đáng, Ngài đã ra đi để tự mình giải quyết phần còn lại. Sau này Đức Phật đã tự mình giải quyết vấn đề trọng yếu đó và thành lập một tôn giáo mới cho thế giới.

Các vị đạo sĩ thời đó chịu ảnh hưởng của các kinh điển Vệ đà (Veda) gồm bốn quyển và Áo nghĩa thư (Upanishad) –Veda có nghĩa là trí tuệ; Upanishad có nghĩa là ngồi với nhau. Vệ đà có trước rất sớm khoảng 1000 năm trước công nguyên; Áo nghĩa thư có khoảng 200 năm trước công nguyên. Giáo nghĩa của các kinh điển này thường chú trọng đến Brahman (Phạm thiên) và Atman (Bản ngã). Thiền định được xem là phương pháp để Atman hòa đồng cùng Brahman. Một đại ngã, thần ngã, thánh ngã cũng được xem là mục tiêu của sự tu tập. Nhưng Đức Phật đã phát hiện ra là tất cả trạng thái đó đều còn chỗ cho Bản ngã tồn tại nên không thể giải thoát. Đức Phật đã tự tìm cách thoát được Bản ngã sau 49 ngày nhập định dưới cội cây Bồ đề và đạt được được giác ngộ. Đây là điểm mấu chốt khác nhau giữa thiền của đạo Phật và thiền của ngoại đạo Ấn Độ.

3. Sau Phật vẫn tiếp tục phát sinh nhiều phái Thiền khác

Ấn Độ giáo mượn nhiều ý tưởng của đạo Phật để hoàn thiện chính mình, xuất hiện đường lối

Yoga nổi tiếng ngày nay. Yoga vừa luyện thân thể, vừa luyện định lực, vừa luyện luân lý. Duy thức học trong Phật giáo Phát triển đi sâu vào phân tích tâm lý để mong tìm sự giải thoát. Rồi Mật tông xuất hiện, phát triển mạnh về phía Tây tạng, đưa thêm thần chú, ấn quyết, mạn đà la (mantra) vào nghi thức và sự tu luyện tạo nên một Phật giáo có quyền năng kỳ bí.

Thiên Thai tông của Ngài Trí Khải cũng gây ảnh hưởng rất lớn trên phương diện tu tập thiền quán.

Cuối cùng là Thiền tông với vô số huyền thoại và thiền sư đã chiếm ưu thế gần như tuyệt đối suốt nhiều thế kỷ ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên.

Những phái thiền về sau này tuy vẫn thuộc về đạo Phật, nhưng đường lối tu hành bên trong vẫn có chỗ sai khác với đạo Phật từ thuở ban đầu. Cũng có một vài lối Thiền có khuynh hướng cực đoan, hay bài bác, kể cả bài bác Giáo lý.

4. Thiền và thế giới hiện nay

Hiện nay Thiền đang được nghiên cứu khắp nơi trên thế giới như một môn vệ sinh tinh thần, thể dục trí não. Nhiều quốc gia đã mạnh dạn đưa môn thực hành thiền vào học đường, trại giam. Nhiều tín đồ, tu sĩ của các tôn giáo khác cũng âm thầm nghiên cứu thực hành Thiền. Đồng với xu thế phát triển Thiền của Phật giáo, thì Khí công của Trung quốc, Yoga của Ấn độ giáo cũng đang cạnh tranh phổ biến. Phải nói thế kỷ 21 này, thế giới sẽ chứng kiến nhiều điều ngoạn mục về xu thế tu tập tâm linh trên khắp hành tinh. Quốc gia nào chậm bước sẽ lạc hậu tức khắc.

5. Thiền và Phật giáo Việt Nam

Sự tu tập Thiền của Việt Nam chỉ phát triển trở lại khoảng 30 năm gần đây, và đang trở thành trọng tâm của Phật giáo, mặc dù khuynh hướng Niệm Phật, Tụng kinh vẫn còn nhiều ưu thế. Đó là do Phật giáo Việt Nam đang có khuynh hướng hòa theo sự Phát triển của Phật giáo thế giới vốn thiên vị về Thiền. Tuy nhiên, số Tăng sĩ Việt Nam thực hành Thiền một cách đều đặn ổn định mỗi ngày thì chưa cao, nhiều người tu Thiền tùy hứng tùy lúc, chưa xem Thiền là công phu không thể thiếu của sự tu hành đạo Phật. Chúng ta phải hiểu rằng Thiền đem lại sức mạnh cho Đạo Phật để mà gắng công tu tập.

6. Thiền trong một tổng thể

Mặc dù Thiền là phương pháp nhiếp tâm vào thanh tịnh yên lắng, nhưng Thiền không thể tách rời khỏi một tổng thể của con người. Tổng thể đó gồm những điều như sau: Sức khỏe, Đạo đức, Giới hạnh, Công đức, Đạo lý, Kỹ thuật. Nghĩa là Thiền giả phải sống một đời sống lành mạnh, làm được nhiều việc phước, có sức khỏe, hiểu kỹ về Giáo lý, nắm được phương pháp nhiếp tâm trong khi ngồi thiền… Thiếu một trong những điều trên đây, Thiền không thể thành tựu.

7. Thực hành là quan trọng

Muốn hiểu Thiền thì phải thực hành Thiền với tất cả quyết tâm. Muốn hiểu sâu đạo Phật cũng phải thực hành Thiền với tất cả ý chí. Chúng ta không thể nghiên cứu Thiền bằng cách nghiền ngẫm lý thuyết. Sự thực hành Thiền sẽ rất gian khổ, nếu thiếu ý chí và thiện căn, người ta sẽ bỏ cuộc.

Câu hỏi: Điểm khác biệt giữa Thiền của đạo Phật và Thiền của Ngoại đạo là chỗ nào?

II. Định nghĩa về thiền

1.  Định nghĩa Thiền là công việc làm an định nội tâm

Nếu định nghĩa Thiền là một công việc làm an định nội tâm thì Thiền là một động từ. Đó là sự thực hành, sự tu tập của nội tâm, không mang ý nghĩa hành động của thân thể bên ngoài.

Nếu có những phương pháp kết hợp việc tu tập nội tâm với các động tác của cơ thể thì các động tác đó cũng chỉ là phụ, việc thực hành bên trong tâm mới là điểm chính yếu. Ví dụ như kinh hành (Thiền đi), trà đạo (Thiền uống trà), cung đạo (Thiền bắn cung)…

Khi nói rằng thiền trong mọi oai nghi, mọi hoàn cảnh có nghĩa là luôn cố gắng làm cho tâm được thanh tịnh trong khi đang làm việc hay đang giải quyết công việc bên ngoài. Hành giả phải giống như chia tâm ra làm hai, một dành để giải quyết công việc, một dành để kiểm soát tâm. Tuy cực khổ, nhưng công đức tu hành như vậy rất lớn.

2.  Định nghĩa Thiền là trạng thái của một nội tâm an định

Định nghĩa thứ hai này cho Thiền có ý nghĩa một danh từ. Đó là một trạng thái nội tâm đã thay đổi khác với lúc còn lăng xăng xao động. Tuy nhiên tùy theo mức độ bớt vọng tưởng mà tâm sẽ có những trạng thái khác nhau.

Trạng thái căn bản đầu tiên là Chánh niệm Tỉnh giác. Đó là lúc tâm bắt đầu không còn xao lãng, thường xuyên nhớ được sự dụng công của mình. Vọng tưởng tuy còn nhưng bị phát hiện ngay vừa mới chớm khởi nên không làm mê mờ tâm, không dẫn tâm đi lang thang từ ý nghĩ này sang ý nghĩ khác. Tâm có trạng thái rỗng rang sáng tỏ, nhẹ nhàng.

Càng vào sâu trong định thì nhiều trạng thái thù thắng xảy ra, tuy nhiên song song với việc lắng yên vọng tưởng thì sức tỉnh giác cũng càng lúc càng mạnh. Không bao giờ Thiền có nghĩa là nội tâm yên lắng và mờ mịt. Thiền luôn luôn phải là vừa không vọng tưởng, vừa tỉnh giác. Đó cũng là lý do tại sao khi bắt đầu tu tập Thiền, chúng ta phải tập biết toàn thân, biết hơi thở, biết nội tâm…

Vọng tưởng được hóa giải, được kiểm soát bởi cái biết chứ không phải bởi sự tránh né hay che lấp. Có người đã tránh né vọng tưởng bằng cách nghĩ về một vấn đề nào đó. Có người đã che lấp vọng tưởng bằng cách giữ trong tâm một hình tượng đẹp.

Ưu điểm của việc biết rõ vọng tưởng là càng đi sâu, ta càng phát hiện những sai lầm trong Đạo đức của mình để chỉnh sửa. Những phương pháp tránh né hay che lấp thì không có được ưu điểm này.

Để giúp cho cái biết được mạnh và sáng, chúng ta tuyệt đối không bao giờ được dằn ép, gồng bộ não, chăm chú quá sức. Chúng ta chỉ cần nhẹ nhàng biết rõ toàn thân thì dần dần cái biết sẽ mạnh lên một cách tự nhiên. Toàn thân chúng ta là một bộ máy đặc biệt, sẽ giúp cho sức tỉnh giác mạnh lên khi ta thường xuyên biết rõ toàn thân.

3.  Định nghĩa Thiền là cả một đời sống đẹp

Với định nghĩa thứ ba, Thiền là một bức tranh tổng thể của một đời sống tốt đẹp trên nhiều phương diện. Dĩ nhiên căn bản của Thiền vẫn là một nội tâm an tĩnh, nhưng người ta vẫn đòi hỏi Thiền cũng phải là cả một đời sống thánh thiện, chuẩn mực, mà vẫn ung dung, tiêu sái, đầy trí tuệ, khôn ngoan.

Vì đỉnh cao của nội tâm thuần thiện chính là nội tâm an định nên tận trong thẩm sâu tâm hồn, ai cũng cho rằng người tu Thiền phải có một đời sống đạo đức đầy giới hạnh. Nếu ai hiểu Thiền chỉ là nội tâm an định mà không liên quan gì đến đạo đức thì họ đã hiểu sai. Một người tu Thiền phải luôn luôn rất đạo đức thánh thiện.

Người tu Thiền cũng biết kiểm soát tâm nên luôn biết kiềm chế bản thân trước những trò vui quá đáng. Vì vậy đời sống họ rất chuẩn mực nghiêm túc. Họ có thể khôi hài, nhưng không bao giờ giỡn cợt. Họ biết chiêm ngưỡng nghệ thuật, nhưng không bao giờ say đắm.

Người tu Thiền là người không bị cố chấp nên rất ung dung tiêu sái. Những lề thói vô ích ràng buộc con người sẽ không còn được chấp nhận. Những hình thức lòe loẹt phô trương sẽ không còn được xem nặng. Người tu Thiền chú trọng vào giá trị chân thật của Đạo đức, an vui, trí tuệ.

Người tu Thiền thường xuyên kiểm soát rõ chính mình nên lâu ngày trở nên tinh tế với những sự việc bên ngoài. Cũng nhờ như thế mà trí tuệ dần dần phát triển. Người tu Thiền có thể nhận định mọi điều trong cuộc sống sâu sắc hơn, thấu đáo hơn, và do vậy cũng trở nên khôn ngoan hơn. Ngoài ý nghĩa chính là sự an định nội tâm, người tu Thiền luôn được đánh giá cao về toàn bộ tư cách và trí tuệ. Do vậy, nhiều khi người ta không còn gọi là tu thiền, mà gọi là sống thiền.

4.  Phong cách điềm đạm

Điềm đạm có nghĩa ngược với vội vã hấp tấp vụt chạc. Người điềm đạm không bao giờ mở miệng nói khi chưa biết chắc là lời nói sẽ tốt đẹp, cũng như không bao giờ quyết định làm khi chưa biết chắc kết quả của việc làm. Chính sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nói hay làm khiến người tu Thiền có phong cách điềm đạm. Điều này có nguyên nhân từ những giờ phút ngồi thiền yên lặng quan sát chính mình, diệt trừ những vọng động tầm thường từ trong sâu kín.

Khi tâm yên lắng hơn, chúng ta sẽ bỏ đi những lời nói hay việc làm vô nghĩa, chỉ thích nói những điều có giá trị chân thật. Từ đó, người tu Thiền tự kềm chế không cho phép mình nói hay làm bừa bãi.

Ngoài ra điềm đạm còn có nghĩa là không thích bày tỏ nhiều nên ít nói, chỉ nói khi thật sự cần thiết. Người tu Thiền có tiến bộ thì tự nhiên không còn tâm ham muốn cho mọi người phải để ý đến mình. Đôi khi chúng ta phải gánh vác công việc được thầy bạn giao phó, nhưng chỉ lo toan công việc vì lợi ích mọi người chứ không vì sự nổi trội cá nhân. Tuy nhiên chúng ta cũng nên phân biệt với người ít nói vì không biết gì để nói, cục mịch, ngây ngô, khờ khờ. Không phải người ít nói nào cũng là người thâm trầm điềm đạm. Có những người ít nói nhưng lại là người rất nóng tính. Có những người ít nói nhưng rất hiểm độc, để tâm lâu dài những điều người khác làm phật lòng và mong có dịp trả đũa.

5.  Phong cách vui vẻ

Điều đặc biệt là người tu Thiền lại có phong cách vui vẻ mặc dù điềm đạm.

Đôi khi chúng ta bắt gặp những hình tượng trong truyện hay phim về những người hùng điềm đạm, thâm trầm, khó hiểu, và đôi khi phảng phất nét buồn buồn lãng mạn. Phong cách đó không giống với người tu Thiền. Người tu Thiền tuy ít nói nhưng gương mặt lại hoan hỷ nhẹ nhàng. Chúng ta sẽ thấy người tu Thiền có vẻ như vừa không chất chứa gì trong tâm, vừa có cái gì quý giá tràn đầy trong đó. Ta thấy người tu Thiền vừa sắc bén, nhưng lại vừa thân thiện dễ gần. Tuy nhiên, dù có phong cách vui vẻ, nhưng người tu Thiền lại biết ưu tư trăn trở trước vận mệnh của Phật Pháp, không bao giờ làm người vô trách nhiệm. Phật Pháp thịnh hay suy đều có nguyên nhân từ nơi sự tu hành hoằng hóa của đệ tử Phật, không phải ngẫu nhiên.

III. Ý nghĩa của Thiền trong bát chánh đạo

Theo Bát Chánh đạo, Thiền thuộc về Chánh niệm và Chánh định, đứng ở vị trí cuối cùng của lộ trình tu tập giải thoát theo Phật Pháp, nghĩa là khá cao. Tuy nhiên không có cái gì ở trên cao mà lại không được nâng đỡ bởi những cái ở dưới thấp. Do đó, căn bản của Thiền chính là

 

những chi phần khác trong Bát Chánh đạo như Chánh Kiến, Chánh Tư duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh tấn.

 

Muốn sự tu Thiền được vững chắc, hành giả phải thực hành các chi phần trên thật dày, nhiều thời gian, sung mãn. Chánh Nghiệp được hiểu là làm phước. Hành giả phải tạo phước rất lớn mới có thể dễ nhiếp tâm vào định. Chính vì không nắm vững sự liên quan của Thiền trong Bát Chánh đạo mà nhiều người đã chủ trương rằng muốn tu Thiền phải ở yên, không làm gì cả để khỏi bận tâm. Thật ra, càng bận tâm làm điều thiện chừng nào, người ta lại dễ nhiếp tâm chừng nấy.

Trong Bát Chánh đạo, chỉ có Chánh Kiến là học, còn lại các chi phần khác đều là hành. Ngày trước các trường Phật Học thiên về Học. Ngày nay các vị tôn túc đã bắt đầu ý thức về Hành. Ngay khi còn ở Trường, Tăng Ni sinh đã phải được cho thực hành những gì mình đã học để củng cố đạo hạnh. Rút kinh nghiệm ở nhiều giai đoạn trước, thiếu thực hành, Tăng Ni sinh ra trường không làm gì được nhiều cho công tác Phật sự.

1.  Với Chánh kiến

Chánh Kiến là sự hiểu biết đúng về Giáo Pháp, về ý nghĩa của cuộc sống. Trong Chánh Kiến, luật Nhân Quả Nghiệp Báo được xem là một nền tảng quan trọng. Khi có sự hiểu biết về luật Nhân Quả sâu sắc, chúng ta biết tự kềm chế kiểm soát chính mình trong từng ý nghĩ hay hành vi, và điều đó góp phần hoàn thiện Đạo đức cá nhân.

Chánh kiến cũng là sự định hướng giải thoát rõ ràng để khi tu Thiền, ta không lạc qua những mục đích nhỏ bé khác.

Chánh kiến cũng giúp ta xác định mục tiêu Vô ngã của Thiền định khiến cho ta không bị tăng trưởng bản ngã khi có những dấu hiệu tu tiến.

Chánh kiến như là tấm bản đồ vạch rõ đường đi đến giác ngộ. Nếu bản đồ sai (tà kiến) thì ta không thể đi đến đích giác ngộ dù có gắng công tu tập. Để có được Chánh kiến, ta phải học hỏi Giáo lý. Tuy nhiên, rừng Giáo lý mênh mông, trải qua nhiều ngàn năm, thật sự đã có sự pha tạp thêm thắt. Nếu không có duyên lành, không được Phật gia hộ, ta sẽ không học được những Giáo lý chuẩn xác đúng hướng; có khi chỉ học được những quan điểm lệch lạc theo cá nhân của một số người hay một tông phái chuyên biệt nào đó. Ngay từ ban đầu trong việc học Giáo lý, ta phải hết sức cẩn thận và phải biết cầu Phật gia hộ.

2.  Với Chánh Tư duy

Bước đầu của việc tu tập Thiền định luôn luôn là công phu thanh lọc nội tâm cho thuần thiện. Từ rất lâu, tâm ta là sự trộn lẫn giữa những ý niệm Thiện và Ác, đúng và sai, Chánh và Tà.

Không bao giờ có một nội tâm thanh tịnh mà còn tồn tại Ác niệm. Phải đi xuyên qua cả một quá trình thanh lọc suy nghĩ đến mức thuần thiện thì sự thanh tịnh mới xuất hiện kế theo đó. Hành giả phải tự biết nghiêm khắc đánh giá những ý nghĩ của mình thường xuyên. Ta chưa dừng được ý nghĩ, nhưng mỗi ý nghĩ đi qua rồi, ta phải lập tức đánh giá xem ý nghĩ đó là thiện hay ác, đúng hay sai. Nếu đó là ý nghĩ sai quấy thì ta phải âm thầm sám hối ngay.

Lâu dần, tiến lên một bước nữa, ta chỉ còn khởi những ý nghĩ lành mà thôi. Khi tâm đã thuần thiện, vấn đề còn lại là giải quyết giữa tịnh và động.

Những tâm niệm bất thiện luôn luôn kích thích sự xao động, ngược lại, những tâm niệm thiện luôn luôn giữ gìn tâm về phía an tĩnh. Vì vậy, Chánh Tư duy và Chánh Niệm có mối liên quan chặt chẽ.

3.  Với Chánh Ngữ

Thiền được ứng dụng trong lời nói nghĩa là hành giả phải luôn kiểm soát được câu nói trước khi phát ra ngoài. Hành giả ban đầu tập đắn đo cân nhắc lời nói của mình trên năm khía cạnh sau:

  • Điều sắp được nói ra là đúng hay sai với Đạo lý.
  • Điều sắp được nói ra có nên nói hay không.
  • Những người này có thích hợp để được nghe không.
  • Ta nói ra trong tâm trạng bình an hay phiền não.
  • Nếu những điều này được lan rộng thì có hại gì không.

Lúc mới thực hành thì ta sẽ thấy hơi bị chậm chạp, lâu ngày trí tuệ xét nét sẽ tăng nhanh, và khi thuần thục thì mỗi lời nói đều ẩn chứa sự chín chắn sâu sắc. Sự tỉnh táo xét nét vấn đề và xét nét nội tâm khi phát biểu cũng là một thể cách của Thiền.

4.  Với Chánh Nghiệp

Chánh Nghiệp tức là làm phước, là tạo công đức. Trong công phu thiền định, phương pháp hay kỹ thuật chỉ là bề nổi. Chính công đức từ vô số việc làm Thiện mới là yếu tố quan trọng âm thầm chi phối và giúp ta nhiếp được tâm vào an định. Thiếu phước, không ai có thể nhiếp tâm vào định.

Khi làm điều Thiện, tâm thiện của ta được củng cố vững chắc hơn là chỉ suy nghĩ về điều thiện. Thiện tâm vững chắc cũng có nghĩa là định tâm dễ hiện hữu hơn. Đó là quy trình tâm lý có tính nguyên tắc.

Kế nữa, khi ta giúp cho mọi người an vui, ta đã gieo nhân lành an vui cho chính mình. Cộng chung vô số niềm an vui đó, ta sẽ có được nội tâm an định.

Từ những nguyên tắc về tâm lý và nhân quả đó, chúng ta phải sống suốt một đời siêng năng làm những điều thiện để hỗ trợ cho công phu thiền định. Ai cho rằng tu Thiền phải không làm thiện hay ác chỉ là hiểu lầm.

5.  Với Chánh Mạng

Chánh mạng là một sinh kế, một nghề nghiệp, một cách nuôi thân hiền lành và chân chính. Người cư sĩ thì có vô số nghề nghiệp để lựa chọn miễn sao vừa làm ra tiền vừa không gây ác nghiệp. Người cư sĩ được khuyến khích làm giàu để có tiền làm phước. Cư sĩ trong đạo Phật cũng phải biết giúp nhau làm ăn.

Tu sĩ thì hầu như chỉ sống nhờ sự giúp đỡ cúng dường của cư sĩ. Khi nhận sự giúp đỡ của cư sĩ như thế thì 50% công đức tu hành phải trả lại cho thí chủ. Như vậy, người xuất gia phải tu tập Thiền định rất tinh cần và rất có phẩm chất mới có dư công dức tích lũy lại cho mình.

6.  Với Chánh Tinh tấn

Chánh Tinh tấn là quyết tâm cực độ cần phải hun đúc trước khi bước vào tu tập Thiền định vì công phu Thiền định cực kỳ khó khăn, phức tạp, tỉ mỉ, gian khổ. Nhiều người theo đạo Phật nhưng không theo nổi con đường Thiền định vì lý do này. Nhưng nếu không có sức định sâu thì không thể vượt qua Ngã chấp để Giải thoát.

Tuy nhiên Chánh Tinh tấn không khuyến khích sự liều mạng. Người tu Thiền phải tỉnh táo biết lúc nào nên cố gắng, lúc nào nên lui lại chuẩn bị thêm.

IV. Ý nghĩa siêu nhiên của Thiền

1.  Tính hai mặt của Vũ trụ

Những gì khoa học ngày nay khám phá về chất liệu làm nên Vũ trụ chỉ là một mặt. Đầu tiên, chất liệu làm nên vũ trụ là vật chất gồm các nguyên tố hóa học, với cấu trúc căn bản là nguyên tử. Rồi những dạng tồn tại khác, không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, như Trường điện từ, sóng vô tuyến, plasma, laser… tiếp tục được xếp vào chất liệu của thiên nhiên, của vũ trụ. Tất cả những chất liệu đó tạo nên những thiên thể lớn lao trong vũ trụ như các Thiên hà.

Nhưng một điều làm các nhà khoa học băn khoăn là số liệu tính toán về khối lượng vật chất trong vũ trụ không phù hợp với thực tế chuyển động của các thiên thể. Dường như còn gấp mười lần khối lượng dấu mặt mà khoa học chưa tìm thấy.

Khối lượng chất liệu dấu mặt đó chừng nào sẽ được tìm thấy thì ta chưa biết, nhưng theo lời Phật dạy, chúng ta biết còn rất nhiều cõi giới siêu hình như các cõi trời, ngạ quỷ, địa ngục. Có thể chính sự tồn tại của các cõi trời đã ảnh hưởng đến sự chuyển động của các thiên thể.

Theo Vũ trụ quan của đạo Phật thì còn những cõi giới siêu hình bên cạnh cõi giới vật chất mà chúng ta đang cư trú; bên cạnh những chúng sinh mang thân vật chất, còn có những chúng sinh mang thân siêu nhiên để tồn tại ở cõi siêu hình. Ta có thể tạm gọi chất liệu siêu nhiên đó là tâm linh. Và như vậy, Vũ trụ được tạo thành bởi ít nhất hai chất liệu: vật chất và tâm linh. Chất liệu Tâm linh đó là gì thì hiện nay chưa được khoa học nghiên cứu để có thể lập nên một hệ thống lý luận logic. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn hiểu rõ hơn về vũ trụ hoặc nguồn gốc sự sống thì chúng ta phải quan tâm nhiều đến sự hiện diện của chất liệu tâm linh của vũ trụ.

2.  Thiền như là con đường tìm thấy chân lý của Vũ trụ

Trong khi khoa học khởi điểm đi tìm chân lý của Vũ trụ bằng con đường vật chất thì đạo Phật đi tìm chân lý của Vũ trụ bằng con đường Thiền định. Ngoài những ích lợi về giải thoát, đạo đức, an lạc, Thiền còn cho ta sự thấu hiểu về Vũ trụ khi ta tiến dần vào trong sự an định nội tâm. Khi ta tiến dần vào sự an định, tâm ta cũng tiến dần vào thế giới Tâm linh, thoát dần khỏi thế giới vật chất. Lúc đó, cái nhìn của chúng ta về cuộc sống cũng khác đi rất nhiều, bớt chấp vào danh lợi của thế gian. Ta có thể nói rằng mối dây liên hệ giữa hai chất liệu vật chất và tâm linh của vũ trụ chính nằm nơi tâm của chúng sinh. Chúng ta không thể đi tìm cõi giới huyền linh bằng một phương tiện kỹ thuật, dù kỹ thuật đó cao siêu đến đâu. Chúng ta chỉ có thể tìm thấy khía cạnh tâm linh của vũ trụ bằng cách đi xuyên qua nội tâm an định. Càng vào định sâu chừng nào thì vũ trụ càng phơi bày rõ ràng chừng nấy.

Khi tâm an trú trong định, thân thể và thế giới vật chất này trở nên mờ nhạt dần, không còn quan trọng như lúc trước nữa. Tuy nhiên, tâm hồn của hành giả lại tỉnh giác hơn, sáng suốt hơn. Chính sự tỉnh giác đó khiến cho hành giả tự tin nơi cái nhìn mới của mình không phải là một ảo giác.

Ngoài ra, những khả năng đặc biệt xuất hiện dần dần càng chứng tỏ tính chân thật của thế giới tâm linh đó. Những vị thánh có thể biết những chuyện từ xa, biết trước chuyện sẽ đến, biết những chuyện còn bị che dấu, và có thể có nhiều thần thông khác. Riêng trong đạo Phật, một vị được gọi là chứng Alahán (Arahanta) phải có đủ sáu loại thần thông. Vị Arahanta có thể biết nhân duyên từ vô lượng kiếp của mình hay của bất cứ chúng sinh nào khác, và dĩ nhiên, biết rõ luật Nhân quả Nghiệp báo đã chi phối chặt chẽ đời sống của chúng sinh như thế nào.

Luật Nhân quả là một nguyên lý cực kỳ quan trọng của vũ trụ. Thiếu hiểu biết về Nhân quả, chúng ta mất đi một mảng lớn chân lý trong kiến thức của loài người. (Trường Phật học phải nhanh chóng đưa môn Nghiệp Báo học vào chương trình giảng dạy) Vị Arahanta có thể nhìn thấy chúng sinh tồn tại trong các cõi giới siêu hình khác như cõi trời, địa ngục, ngạ quỷ… Những cõi giới đó vừa độc lập, vừa liên quan đến cõi người chúng ta. Việc hiểu rõ về những cõi giới siêu hình giúp chúng ta sống đúng hơn, đạo đức hơn, khiêm tốn hơn, và đặc biệt là không bị mê tín. Hiểu sai về cõi giới siêu hình là nguyên nhân đưa đến mê tín. Phủ nhận cõi giới siêu hình cũng lại là một khiếm khuyết trầm trọng của tri thức. Thiền phát huy năng lực tâm linh tiềm ẩn nơi mỗi người. Thật ra sức mạnh cơ bắp cũng có một phần yếu tố tâm linh.

Trí thông minh cũng có một phần yếu tố tâm linh. Khi tâm thanh tịnh, năng lực tâm linh được phát triển dần hỗ trợ cho sức cơ bắp và hoạt động trí não.

Có thể nói một nội tâm yên tĩnh và sáng suốt là cánh cửa mở ra kho tàng tâm linh bất tận, hay là cánh cửa thông lưu với các cõi giới cao hơn.

Tâm cũng có tính hai mặt giống như vũ trụ. Khi loạn động, cái tâm đó bị kết dính vào thế giới vật chất. Khi thanh tịnh, cái tâm đó hướng dần lên thế giới tâm linh. Đây là nguyên lý quan trọng của Tâm.

3.  Cảnh giác với những ảo giác và mê tín

Mặc dù Thiền có một ý nghĩa siêu nhiên rất lớn, nhưng nếu không khéo, chúng ta sẽ dễ bị lạc vào những ảo giác và mê tín.

Ảo giác là những hình ảnh hay âm thanh hiện ra trong tâm mà ta cứ tưởng là những thực thể nên bị dẫn dụ vào thế giới huyễn hoặc hoang đường cho đến khi không còn là con người bình thường được nữa. Ảo giác đó có thể là do chính nội tâm ta tạo nên, hoặc do chúng sinh trong thế giới siêu hình tác động. Dĩ nhiên tất cả đều do nghiệp chi phối. Chúng ta đã bị tổn phước gì đó nên ảo giác mới xuất hiện để phá rối tâm thức. Ảo giác đó có khi là những vị Thánh chúng ta khát ngưỡng, những mơ ước thầm kín, những quá khứ bí ẩn, những cảnh giới lạ lùng đẹp đẽ, những sinh thể kỳ dị, những lời nói đạo lý tuyệt vời… Nếu không hiểu rõ, chúng ta sẽ tin những ảo giác đó là thật rồi tò mò đi theo mãi. Có khi chúng ta còn tự hào cho mình đã thành công trên đường tu tập.

Hoặc khi nghe nói Thiền là con đường siêu nhiên, chúng ta sẽ nghe lời giải thích sai lạc, hoang đường, thần bí, dối trá của các tà sư về cõi giới siêu hình. Họ thêu dệt hoặc suy diễn không đúng với sự thật, chỉ cốt đề cao cá nhân họ giống như thần thánh, tự cho mình liên lạc được với thế giới siêu hình, dụ dỗ người tin theo để rồi lợi dụng lợi dưỡng hưởng thụ.

Vì vậy, tuy biết Thiền là con đường siêu nhiên vượt thế, nhưng chúng ta không nên chú ý nhiều vào năng lực tâm linh, mà chỉ nên quan tâm đến Đạo đức giới hạnh. Nếu có đánh giá sự tu tập của ai, chúng ta cũng căn cứ trên Đạo đức giới hạnh. Nếu nghe ai nói những điều cao siêu kỳ lạ, chúng ta cũng đừng để bị lung lạc mà chỉ nên để ý đạo đức giới hạnh của người đó.

4.  Cõi tạm bợ

Mọi điều trên đời đều vô thường thay đổi, không tồn tại lâu. Thế giới vật chất này không phải là chỗ chúng ta ở mãi. Nếu tu hành chân chính, chúng ta sẽ tiến lên dần các cõi cao hơn, đó là những cõi trời mà Phật vẫn thường đề cập. Tuy nhiên, sự tu hành chân chính lại được đánh giá theo những gì chúng ta làm được cho thế giới hiện tại này. Vì thế, tuy không tham luyến thế gian, nhưng chúng ta lại rất tận tụy với thế gian này. Đó là Trung đạo chân chính nhất.

Nhưng rồi những cõi siêu nhiên cao hơn cũng không phải là cái cứu cánh mà đạo Phật nhắm tới. Cứu cánh giải thoát Niết bàn của Phật là một cảnh giới tối cao mà không một ngôn từ nào diễn tả được trọn vẹn.

Nguồn tham khảo: Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]