Trang chủ Tôn giáo học Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội Công giáo

Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội Công giáo

by Ngo Thinh
1,1K views

Giáo hội theo định nghĩa của Kinh thánh là một cộng đồng hữu hình có tổ chức mà Chúa Giê-su lập ra trước khi về trời để lưu tồn sự hiện diện của Chúa nơi trần thế. Nói chung Giáo hội Công giáo có bốn đặc điểm:

Duy nhất: Chỉ có một giáo hội Công giáo Rô-ma, trong đó các tín hữu cùng đức tin, cùng chịu các bí tích, cùng phục quyền giáo hoàng.

Thánh thiện: chỉ sự thiêng liêng. Giáo hội do Chúa Giê-su lập bởi thánh ý Chúa, Giáo hội là nguồn của sự thánh thiện.

Công giáo (với ý nghĩa phổ quát): là đạo mà ai tin sẽ được cứu rỗi linh hồn.

Tông truyền: là xây dựng trên nền tảng các thánh tông đồ, các vị lãnh đạo hội thánh là kế vị các thánh tông đồ, giáo lý hội thánh dạy cũng do các thánh tông đồ truyền lại.

Những đặc điểm đó không phải là bất biến (Vì có Chính thống, Công giáo, Tin lành, Anh giáo và Giáo hội phương Đông)

Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội Công giáo

Cơ cấu tổ chức và phẩm trật của Giáo hội Công giáo sắp xếp như sau: Giáo Hoàng, Giám mục đoàn, Hồng y đoàn, Giáo hội địa phương, Giáo hội cơ sở.

Giáo Hoàng còn gọi là giáo chủ được tín đồ tôn xưng là Đức Thánh cha, người kế vị Thánh Phê-rô, Tông đồ. Giáo Hoàng đại diện của Chúa, là vị chủ chăn tối cao đối với toàn thể tín đồ Công giáo86. Giáo Hoàng có quyền tối cao, toàn diện và trực tiếp đối với Giáo hội. Sau Va-ti-căng I (1890), Giáo Hoàng được thêm một ân sủng đặc quyền làm tăng thêm  quyền lực của mình là “không bao giờ sai lầm về đức tin” (Trên cương vị Giáo Hoàng thì không bị sai lầm trong hành đạo).

Giáo Hoàng do Hội đồng Hồng y bầu ra khi Tòa thánh trống ngôi, và giữ nguyên chức vị đó cho đến cuối đời. Phẩm phục màu trắng.  Giáo  Hoàng thực hiện quyền lực của mình thông qua giám mục đoàn, Hội đồng Hồng y và bộ máy giáo triều Va-ti-căng.

Gíám mục đoàn bao gồm tất cả các giám mục trên thế giới hợp lại  với Giáo Hoàng, để duy trì hiệp thông và cai quản toàn Giáo hội. Đây là thiết chế quan trọng nhất để hỗ trợ quyền lực của Giáo Hoàng. Giám mục đoàn được Giáo Hoàng triệu tập và điều khiển gọi là “Công đồng chung”87. Công đồng chung quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến đức  tin, đường hướng hoạt động, chấn chỉnh tổ chức và chỉ có hiệu lực khi Giáo Hoàng cùng các thành viên của Công đồng chấp thuận, Giáo Hoàng chính thức phê chuẩn và công bố.

Thượng Hội đồng Giám mục (thường gọi là Synod), được thiết lập ngày 15 tháng 09 năm 1965 vào đời Giáo Hoàng Phao lô VI, chỉ được triệu tập khi không cần thiết phải triệu tập Công đồng chung. Synod bao gồm các đại biểu được lựa chọn từ các miền trên thế giới. Giáo Hoàng phê chuẩn thành viên Synod và ấn định nội dung bàn thảo. Giữa các kỳ họp của Synod có một văn phòng làm việc dưới sự chỉ đạo của tổng thư ký do Giáo Hoàng chỉ định. Synod được xem là cơ quan thường trực của Giám mục đoàn.

Hồng y có ba bậc: Giám mục, linh mục và phó tế.

Hồng y Giám mục được Giáo Hoàng ban tước hiệu cho một nhà thờ quanh Rô-ma.

Bậc Linh mục và Phó tế được Giáo Hoàng ban cho một nhà thờ nội thành Rô-ma.

Từ Giáo Hoàng Gioan XXIII (1958), Hồng y phải là Giáo sỹ, nếu chưa có chức giám mục thì phải thụ phong giám mục. Hồng y được Giáo Hoàng tấn phong và công bố trước Hồng y đoàn. Các Hồng y làm việc  trong giáo triều nghỉ hưu ở tuổi 75. Các Hồng y trên 80 tuổi không được tham gia bầu Giáo Hoàng. Số lượng Hồng y của Công giáo có ấn định nhưng không ổn định: Trước thế kỷ XVI thường là 75 vị; thời Giáo Hoàng Gioan XXIII là 79 vị; hiện nay là 163 vị, trong đó có 120 vị trong tuổi bầu Giáo Hoàng. Tất cả các Hồng y của giáo hội lập thành một công đoàn riêng gọi là Hồng y đoàn.

Giáo triều Va-ti-căng

Giáo triều Va-ti-căng là cơ quan đầu não của giáo hội Công giáo được tổ chức như bộ máy nhà nước thế quyền88. Trước đây cơ cấu khá cồng kềnh và nặng về phong kiến. Sau Công đồng Va-ti-căng II, bộ máy được cải tổ gọn nhẹ, năng động hơn để phù hợp với yêu cầu mới. Giáo triều gồm các cơ quan:

Văn phòng thư ký Giáo Hoàng có hai chức danh chính là Quốc vụ khanh Tòa thánh (tương đương với Thủ tướng) và Thư ký ngoại vụ (tương đương bộ trưởng bộ ngoại giao).

– Các thánh bộ của Giáo triều gồm mười hai bộ:

  1. Bộ Giáo lý đức tin (Thánh vụ),
  2. Bộ đặc trách giám mục (Bộ cơ mật),
  3. Bộ các giáo hội phương Đông (trước là một bộ phận của bộ truyền giáo),
  4. Bộ phụng sự và kỷ luật bí tích (gồm lễ nghi và bí tích),
  5. Bộ giáo sỹ (thay cho bộ Công đồng),
  6. Bộ phúc âm hóa (thay cho bộ truyền giáo),
  7. Bộ phong  thánh,
  8. Bộ giáo vụ đặc biệt,
  9. Bộ nghi thức lễ tân,
  10. Bộ chủng viện Đại học,
  11. Bộ dòng tu (thay bộ tu sỹ),
  12. Bộ quản lý tài sản và đền thánh Phê-rô.

– Các tòa án giáo triều gồm ba tòa là: Tòa ân giải, Tòa thượng thẩm, Tòa chung thẩm.

– Các Hội đồng Giáo Hoàng (còn gọi là văn phòng) đảm nhiệm các vấn đề về tôn giáo và xã hội khác nhau cũng gồm mười hai hội đồng:

  • Hội đồng Giáo hoàng đặc trách giáo dân,
  • Hội đồng Giáo hoàng đặc trách gia đình,
  • Hội đồng Giáo hoàng hợp nhất những người thờ Chúa Ky-tô,
  • Hội đồng Giáo hoàng đối thoại với các tôn giáo,
  • Hội đồng Giáo hoàng phụ trách mục vụ cho các dân du mục,
  • Hội đồng Giáo hoàng phụ trách cho các nhân viên y tế,
  • Hội đồng Giáo hoàng cổ vũ công lý và hòa bình,
  • Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội,
  • Hội đồng Giáo hoàng về văn hóa,
  • Hội đồng Giáo hoàng về đồng tâm (Cor Unum),
  • Hội đồng Giáo hoàng về giải thích văn bản.

Cơ sở vật chất của Giáo triều Va-ti-căng là rất lớn, ngoài 90 triệu USD được Mút-sô-lô-ni bồi thường vào năm 1929, Va-ti-căng có lợi tức 50% trong số một tỷ USD, chủ sở hữu 250.000 ha ruộng ở Italia, 1/3 diện tích trồng trọt ở Tây Ban Nha, 1/5 bất động sản ở Rô-ma.

Đài phát thanh Va-ti-căng là một trong những đài mạnh nhất thế giới, phát liên tục hàng ngày bằng 35 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt Nam.

Báo chí và các ấn phẩm khác về tôn giáo được in bằng nhiều thứ tiếng và phát hành rộng khắp thế giới.

Từ 1990 Va-ti-căng còn có thêm một đài truyền hình viễn thông truyền hình đi khắp thế giới.

Địa phận còn gọi là “Giáo hội riêng” là một cộng đoàn tín hữu trong một địa danh nhất định, là cấp hành chính chính thức của Giáo hội trực thuộc Tòa Va-ti-căng về mọi phương diện. Giám mục cai quản địa phận ngoài tri thức và hạnh kiểm tốt, thì tuổi đời ít nhất là 35 tuổi và phải chịu chức linh mục ít nhất là năm năm, do tòa Va-ti-căng ban phong. Giám mục địa phận có tam quỳên trong phạm vi tôn giáo, cứ năm năm một lần phải  báo cáo với Giáo Hoàng về tình hình của địa phận và phải đến Va-ti-căng viếng mộ hai thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô, đồng thời yết kiến Giáo Hoàng (đi Ad Limina).

Giáo tỉnh và Giáo miền là các nhóm của Địa phận nhưng không là cấp hành chính chính thức của Giáo hội.

Giáo tỉnh là hợp đoàn các Địa phận trong một khu vực do tòa Va-ti- căng thiết lập nhằm liên kết trong hoạt động mục vụ. Đứng đầu Giáo tỉnh là Tổng giám mục có quyền hạn và nhiệm vụ là: Chăm lo đức tin và kỷ luật của Giáo hội, báo cáo với Giáo Hoàng những lạm dụng xảy ra; Kinh lý các Địa phận trực thuộc nếu các giám mục địa phận không có điều kiện thực hiện; Đề cử giám mục Địa phận sau tám ngày trống ngôi; Có  quyền cử  hành mọi nghi lễ tại các nhà thờ trong trong giáo tỉnh sau khi đã báo cho giám mục Địa phận biết.

Giáo miền cũng là hợp đoàn của các Địa phận  nhưng  không nhất thiết phải có tư cách pháp nhân trong hệ thống tổ chức của Giáo hội như Giáo tỉnh. Giáo miền là hình thức liên hiệp các Địa phận để tăng cường cho việc truyền giáo, quản lý mục vụ và thiết lập quan hệ giữa Giáo hội  và Chính quyền nhà nước.

Giáo xứ là cộng đồng tín hữu có tổ chức được thiết lập một cách bền vững trong Địa phận. Đây là đơn vị cuối cùng có tư cách pháp nhân của Giáo hội. Mỗi giáo xứ có một linh mục chính xứ đứng đầu (có thể một linh mục cai quản nhiều giáo xứ). Quyền hạn của linh mục chính xứ là: Thực hiện các phép bí tích cho tín hữu trong giáo xứ (trừ Thêm sức và Truyền chức thánh); Lập và lưu giữ cẩn thận các sổ rửa tội, sổ hôn phối, sổ tử và  các sổ sách khác để báo cáo thường kỳ cho giám mục; Cử hành các nghi lễ tôn giáo ngày chủ nhật và các ngày lễ buộc; Cử  hành nghi lễ an táng cho  các tín hữu qua đời trong giáo xứ… Trong mỗi giáo xứ có thể chia thành những đơn vị nhỏ như các họ đạo, hoặc các khu, các giáp có nhà nguyện hoặc tượng đài thờ thánh bảo trợ cho mình. Giáo xứ là nơi diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của tín đồ, là nơi thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo quyền và giáo dân.

Giáo hạt thực chất là một đơn vị liên hiệp giữa các giáo xứ trong Địa phận do giám mục thiết lập. Giáo hạt không có tư cách pháp nhân trong  giáo hội. Mỗi giáo hạt có một linh mục làm hạt trưởng. Quyền hạn của hạt trưởng là: Cổ vũ sự liên hợp các hoạt động mục vụ trong hạt; Tổ chức đôn đốc việc trao đổi kiến thức thần học cho các linh mục; Theo dõi, lo liệu tình hình đời sống của giáo sỹ. Hạt trưởng không có thực quyền cai trị trên các giáo xứ trong giáo hạt.

Dòng tu

Dòng tu là những cộng đồng tín hữu từ bỏ cuộc sống trần thế để cống hiến trọn đời cho việc đạo. Khi chấp nhận cuộc sống tận hiến các tín hữu phải giữ trọn:

  • Thanh khiết (độc thân trọn đời);
  • Thanh bần (trọn đời nghèo khó không ham của thế gian);
  • Vâng phục (tuân thủ đấng bề trên);
  • Huynh đệ (sống trong tình anh em trong gia đình).

Công giáo có nhiều dòng tu với hiến chương, quy chế hoạt động và  hệ thống tổ chức riêng. Dòng tu thường chia thành ba cấp: Bề trên dòng, Tỉnh dòng và các cơ sở tu viện. Các dòng tu thường tổ chức đại hội theo định kỳ của từng cấp. Có thể phân các dòng tu như sau:

Tu theo quy chế giáo phận (ở Việt Nam có dòng Thánh tâm ở Huế, dòng Giuse ở Nha Trang);

Tu theo quy chế Tòa thánh là những dòng tu lớn thường có từ lâu và mang tính quốc tế có trụ sở tại Rôma. (dòng Bơnoa, dòng Đôminicô, dòng Phanxicô, dòng Chúa cứu thế).Các dòng tu này thuộc quyền điều hành của Bộ Tu sỹ của Giáo triều.

Ngoài ra có thể chia dòng tu theo môi trường hoạt động như: Dòng Chiêm niệm chú trọng việc đọc kinh, ở trong dòng suốt ngày và suốt đời, không ra bên ngoài(Bơnoa, Camêlô..); Dòng hoạt động chú trọng hoạt động ngoài xã hội với nhiều hình thức (Tên, Đôminicô, Bosco).

Trong nội bộ giáo hội còn có cách phân loại dòng tu dựa theo quy mô, vị thế đối với Giáo hội và xã hội.

Các tu sỹ trong Dòng tu cũng được phân thành hai hạng: Các tu sỹ  (tu huynh) và các linh mục. Các linh mục dòng được đào tạo như các linh mục triều và hoạt động tôn giáo như linh mục triều, nhưng chủ yếu trong phạm vi các dòng. Tuy nhiên cũng có những dòng tu không có linh mục dòng như dòng Lat-xan.

Hiện trên thế giới có hơn 400 dòng tu. Các dòng tu lớn về nam là Đôminicô (còn gọi là Đaminh), Jesus (còn gọi là dòng Tên), Bơnoa (còn  gọi là dòng Biển Đức), dòng Phanxicô, dòng Boscô, dòng Laxan, dòng  Chúa cứu thế, dòng Gioan Thiên chúa… Các dòng tu lớn về nữ là Dòng kín Ca-mê-lô, Thánh Phao-lồ, Bác ái Vinh Sơn (Fillees de la Charites le Saint Vincent), Phan-xi-cô, Chúa Quan Phòng, Đức Bà…


85 Tuần Thánh bắt đầu từ Chủ nhật Lễ Lá đến Chủ nhật lễ Phục sinh, kỷ niệm Chúa chịu nạn, chịu chết rồi sống lại. Trong Tuần Thánh có những ngày lễ riêng: Lễ truyền phép Mình Thánh vào thứ 5, Lễ Chúa chịu chết vào thứ 6, Lễ vọng Phục sinh vào thứ 7, Lễ mừng Phục sinh vào chủ nhật.

86 Từ Phê-rô đến Gioan Phao lô II hiện nay đã có 246 vị Giáo hoàng, trong đó có 206 vị có quốc tịch Italia, 13 vị Pháp, 3 vị Tây Ban Nha, 1 vị Bồ Đào Nha, 10 vị Hy Lạp, 3 vị người châu Phi. Giáo Hoàng Gioan Phao lô II hiện nay có tên là Karol Watyla, sinh ngày 18 tháng 05 năm 1920, người Ba Lan, đắc cử Giáo Hoàng ngày 16 tháng 10 năm 1978.

87 Xem [30] tr 256 – 259.

88 Năm 1870, Cách mạng tư sản Italia thành công, Rô-ma là thủ đô của Italia, Giáo hội Công giáo chỉ còn lai khu vực Va-ti-căng, điện La-tơ-răng, điện Castelgodolfo rộng 44 ha. Năm 1929, Mút-sô-lô-ni đã ký công nhận với Giáo Hoàng Pi-ô XI coi Va-ti-căng là một quốc gia riêng. Từ đó Va-ti-căng vừa là cơ quan của Giáo hội vừa là một quốc gia riêng biệt.

3.5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]