Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Sản xuất công nghiệp là gì? Đặc điểm, Vai trò của sản xuất công nghiệp đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế

Sản xuất công nghiệp là gì? Đặc điểm, Vai trò của sản xuất công nghiệp đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 788 views

1. Khái niệm và phân loại sản xuất công nghiệp

Công nghiệp là ngành sản xuất vật chất to lớn và độc lập của nền kinh tế quốc dân có chức năng khai thác các tài nguyên thiên nhiên, chế biến các tài nguyên đó cũng như sản phẩm của nông – lâm – ngư nghiệp và sửa chữa các sản phẩm công nghiệp có thời gian sử dụng lâu dài.

Hoạt động khai thác trong công nghiệp: là sự tác động của lao động nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa các tài nguyên với môi trường tự nhiên.

Hoạt động chế biến có đặc trưng cơ bản là làm thay đổi tính chất cơ lý hoá hoặc mối quan hệ tương quan của các đối tượng chế biến nhằm tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Hoạt động sửa chữa bao gồm sửa chữa các tư liệu sản xuất là sản phẩm công nghiệp (máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất, phương tiện vận tải .v.v…) và các tư liệu tiêu dùng (ô tô, xe máy, máy giặt, tủ lạnh .v.v.).

Hoạt động sản xuất công nghiệp có quy mô rất lớn và đa dạng, vì vậy, để thuận tiện cho công tác quản lý người ta phải tiến hành phân loại theo những tiêu thức khác nhau.

– Căn cứ vào đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của hoạt động sản xuất người ta chia công nghiệp thành các ngành chuyên môn hoá (ngành cấp II), các ngành chuyên môn hoá lại được chia thành các ngành chuyên môn hoá hẹp (ngành cấp III) và cứ thế tiếp tục phân nhánh tuỳ thuộc vào mức độ phát triển của công nghiệp.

Những đặc điểm kinh tế – kỹ thuật chủ yếu được sử dụng để phân loại gồm: đặc điểm về công nghệ, về công dụng của sản phẩm, về nguyên liệu sử dụng. Các doanh nghiệp được đưa vào cùng một ngành chuyên môn hoá hoặc ngành chuyên môn hoá hẹp theo một hoặc một vài đặc điểm chung. Ví dụ: công nghiệp chế biến gỗ có đặc điểm chung là cùng sử dụng đầu vào là gỗ, ngành cơ khí nông nghiệp có đặc điểm chung về công dụng của sản phẩm là sử dụng trong nông nghiệp, công nghiệp hoá chất thì có đặc trưng cơ bản là sự biến đổi hoá hoọctrong quá trình chế biến.

Cách phân loại này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp bởi khi nói đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong công nghiệp thì chủ yếu và trước hết cũng là chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp (cơ cấu theo ngành).

– Căn cứ vào công dụng chung của sản phẩm công nghiệp thì công nghiệp gồm 2 bộ phận: công nghiệp A và công nghiệp B.

Công nghiệp A là bộ phận công nghiệp sản xuất ra tư liệu sản xuất còn công nghiệp B là bộ phận sản xuất ra tư liệu tiêu dùng. Khi phân loại theo tiêu thức này, người ta căn cứ vào công dụng chủ yếu của sản phẩm, bởi lẽ rất nhiều loại sản phẩm vừa được sử dụng như một tư liệu sản xuất nhưng cũng có thể được sử dụng với tư cách là một tư liệu tiêu dùng. Ví dụ: điện năng là sản phẩm công nghiệp A vì bộ phận chủ yếu được sử dụng trong sản xuất mặc dù có một bộ phận được sử dụng trong tiêu dùng. Vải được xem là sản phẩm của công nghiệp B mặc dù một bộ phận được sử dụng trong sản xuất.

Cách phân loại này rất quan trọng trong việc xác lập tương quan tỷ lệ giữa 2 nhóm ngành sản xuất ra tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, vì sự cân đối giữa hai khu vực này vừa là cơ sở cho việc tái sản xuất xã hội, vừa đảm bảo nâng cao hiệu quả của sản xuất công nghiệp.

– Căn cứ vào hình thức sở hữu có thể chia sản xuất công nghiệp thành ba nhóm: công nghiệp quốc doanh, công nghiệp ngoài quốc doanh và công nghiệp thuộc sở hữu tổng hợp.

Cách phân loại này cho thấy sự phân bố sản xuất công nghiệp theo lãnh thổ làm cơ sở cho việc nghiên cứu những nhân tố dẫn tới sự phân bố không đồng đều và đề ra chủ trương chính sách nhằm từng bước khắc phục sự mất cân đối trong phát triển công nghiệp theo lãnh thổ.

Ngoài cách phân loại chủ yếu trên, tuỳ theo yêu cầu cụ thể người ta có thể áp dụng nhiều cách phân loại khác nữa như phân loại theo mối quan hệ trực thuộc (chia thành công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương), phân loại theo trình độ kỹ thuật – công nghệ (chia thành công nghiệp hiện đại và tiểu thủ công nghiệp), theo quy mô (chia thành quy mô lớn, vừa và nhỏ). Mỗi cách phân loại sẽ dẫn đến một cơ cấu kinh tế tương ứng và có những tác dụng tương ứng đối với việc nghiên cứu động thái phát triển của sản xuất công nghiệp.

2. Những đặc điểm của sản xuất công nghiệp

Nguyên lý chủ thể quản lý phải phù hợp với đối tượng quản lý đòi hỏi phải nghiên cứu và nắm vững các đặc điểm cơ bản của sản xuất công nghiệp nhằm phát huy tối đa các tác động quản lý đối với sự phát triển của công nghiệp nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng.

Sản xuất công nghiệp có nhiều đặc điểm khác biệt hoàn toàn với các ngành sản xuất khác như nông nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ, cụ thể:

a/ Quá trình sản xuất công nghiệp

Quá trình sản xuất công nghiệp có thể chia ra làm nhiều công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn có thể do một bộ phận trong hệ thống dây chuyền sản xuất hoặc do một bộ phận độc lập thực hiện.

– Đối với những sản phẩm đòi hỏi phải sản xuất theo hệ thống dây chuyền thì các công đoạn phải sắp xếp theo đúng trình tự quy định từ khi nguyên liệu bắt đầu đưa vào sản xuất đến khi sản phẩm tạo ra (công đoạn đóng gói như: sản xuất nước giải khát, mì ăn liền, xà phòng …)

– Đối với những sản phẩm phải lắp ráp nhiều chi tiết lại với nhau mới tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh thường bố trí sản xuất các bộ phận chi ciết sản phẩm ở nhiều cơ sở khác nhau (các phân xưởng trong doanh nghiệp hoặc các cơ sở độc lập) sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh (ô tô, xe máy, xe đạp …). Với những loại sản phẩm này, các bộ phận sản xuất có thể tiến hành đồng thời với nhau. Tuy nhiên, trong từng công đoạn để tạo ra được những chi tiết sản phẩm lại có quá trình sản xuất riêng, theo trình tự quy định.

Đặc điểm này cho phép các nhà sản xuất có thể lựa chọn mức độ chuyên môn hoá phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất mà không nhất thiết phải thực hiện sản xuất hoàn chỉnh một sản phẩm.

Từ đặc điểm này có thể rút ra một vài kết luận có ý nghĩa về tổ chức quản lý quá trình sản xuất sản phẩm công nghiệp:

+ Sản xuất sản phẩm công nghiệp có khả năng thực hiện chuyên môn hoá sâu, chuyên môn hoá sản xuất ra chi tiết sản phẩm, từ đó có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm cuối cùng. Tuy nhiên, do tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hoá chi tiết sản phẩm nên muốn sản xuất đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải tuân thủ các vấn đề có tính nguyên tắc là: tiêu chuẩn hoá sản xuất và tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị sản xuất các bộ phận chi tiết sản phẩm với lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh. Muốn vậy, từng ngành (ngành chuyên môn hoá), từng doanh nghiệp (công ty, tổng công ty) phải có quy hoạch sản xuất hơp lý – từ xác định vị trí đặt các cơ sở sản xuất phụ tùng (linh kiện) đến thống nhất về tiêu chuẩn sản phẩm, quy mô sản xuất, trang bị máy móc thiết bị, đào tạo công nhân … Cần tránh tình trạng tự phát trong sản xuất phụ tùng và không kiểm soát được chất lượng.

+ Cần quan tâm nghiên cứu hoàn thiện cách thức tổ chức sản xuất khoa học trong từng cơ sở sản xuất cũng như giữa các cơ sở sản xuất có liên quan chặt chẽ với nhau trong việc tạo ra sản phẩm cuối cùng.

+ Do sản xuất theo dây chuyền và đi vào chuyên môn hoá nên việc quan tâm giáo dục, rèn luyện công nhân về ý thức, thái độ và tác phong lao động có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, một người kém ý thức trong lao động có thể ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất và nhiều khi gây thiệt hại rất lớn.

b/ Đặc điểm về công nghệ sản xuất

Công nghệ sản xuất trong công nghiệp do con người tạo ra. Quá trình tạo ra sản phẩm công nghiệp được thực hiện thông qua hệ thống máy móc, thiết bị với đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao. Hay nói cách khác, lao động tạo ra sản phẩm trong công nghiệp là lao động có kỹ thuật, lao động bằng máy móc.

Từ đặc điểm này, muốn khẳng định một vấn đề có tính quyết định trong phát triển công nghiệp của mỗi quốc gia là phải quan tâm ngay từ đầu việc đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại (có thể là nhập khẩu hoặc nghiên cứu trong nước) và thường xuyên nghiên cứu, đổi mới công nghệ cũng như quan tâm đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, thời đại kinh tế tri thức thì việc đầu tư cho hiện đại hoá công nghệ và đào tạo nhân lực ngày càng trở nên cấp bách.

c/ Đặc điểm về sự biến đổi của các đối tượng lao động sau mỗi chu kỳ sản xuất và sản phẩm tạo ra

Từ một nguồn nguyên liệu, sau mỗi chu kỳ sản xuất, với những công nghệ khác nhau có thể tạo ra nhiều loại sản phẩm với nhiều công dụng khác nhau; cùng một loại sản phẩm có thể tạo ra nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau (từ gỗ, sắt, thép, nhựa … có thể tạo ra muôn vàn các sản phẩm khác nhau).

Đặc điểm này thể hiện khả năng mở rộng sản xuất, khả năng sáng tạo, khả năng nâng cao hiệu quả của sản xuất công nghiệp rất cao so với các ngành kinh tế khác.

Từ đặc điểm này đòi hỏi trong phát triển công nghiệp, từng ngành chuyên môn hoá cũng như từng doanh nghiệp phải thường xuyên nghiên cứu đa dạng hoá sản phẩm. Nghĩa là từ một nguồn nguyên liệu tạo ra nhiều loại sản phẩm khác nhau hoặc cùng một loại sản phẩm phải tạo ra nhiều kiểu dáng, mẫu mã khác nhau để thoả mãn nhu cầu khách hàng. Cần nhớ rằng nhu cầu của khách hàng rất đa dạng và luôn thay đổi. Vì vậy, nếu chậm nắm bắt nhu cầu khách hàng để rồi chậm đổi mới sản phẩm thì nguy cơ thất bại là khó tránh khỏi.

Do sản xuất công nghiệp có khả năng tạo ra nhiều loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, trong đó nhiều loại sản phẩm là nhu cầu thiết yếu của đời sống con người, nên ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần có chiến lược và quy hoạch phát triển từng ngành công nghiệp chuyên môn hoá phù hợp với từng giai đoạn, trong đó cần xác định những ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng yếu cần tập trung đầu tư và những sản phẩm công nghiệp nào phải nhập khẩu.

d/ Sản xuất công nghiệp có khả năng tập trung với mật độ rất cao

Sản xuất công nghiệp có khả năng tập trung với mật độ rất cao, vì vậy, có thể bố trí trong các nhà xưởng với các điều kiện nhiệt độ, ánh sáng … nhân tạo, vì vậy, tính chủ động trong sản xuất công nghiệp rất cao, ít bị ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên (trừ ngành công nghiệp khai thác), do đó, sản xuất công nghiệp có tính ổn định hơn so với sản xuất công nghiệp.

Nhận thức đặc điểm này đòi hỏi mỗi quốc gia muốn phát triển công nghiệp, phải quan tâm xây dựng các khu công nghiệp tập trung. Đối với từng doanh nghiệp cần bố trí sản xuất trên mặt bằng các phân xưởng phải khoa học, hợp lý nhằm tiết kiệm diện tích sản xuất, bảo đảm an toàn, thuận lợi cho quá trình thao tác của công nhân. Mặt khác cần thường xuyên quan tâm đầu tư để cải tạo môi trường làm việc, bảo đảm sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất lao động.

Tất cả những đặc điểm của sản xuất công nghiệp đã tạo ra những ưu thế đặc biệt cho sản xuất công nghiệp, làm cho công nghiệp có những điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, ổn định trên cơ sở trình độ ứng dụng thiết bị khoa học và công nghệ ngày càng rộng rãi, các hình thức, phương pháp tổ chức quản lý ngày càng hiện đại và trở thành ngành có vai trò dẫn dắt, định hướng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

3. Vai trò của sản xuất công nghiệp đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế

Đối với nước ta, từ một nền kinh tế phổ biến là sản xuất nông nghiệp đi

lên, công nghiệp được coi là ngành kinh tế chủ đạo trong hệ thống kinh tế quốc dân. Mục tiêu phát triển kinh tế nước ta là từ một nước nông nghiệp lạc hậu phải trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Với tư cách là ngành kinh tế chủ đạo, sự phát triển của công nghiệp sẽ có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

3.1. Trước hết, sự phát triển công nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật của toàn bộ nền kinh tế, hiện đại hoá nền kinh tế.

Lê-nin đã từng khẳng định cơ sở vật chất, kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí. Như vậy sự phát triển của công nghiệp có ý nghĩa quyết định đến quá trình hiện đại hoá nền kinh tế mà hệ quả tất yếu là tạo ra năng suất lao động cao ở tất cả các ngành, các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế quốc dân. Thực tiễn phát triển kinh tế ở hàng loạt các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cũng như ở nước ta trong những năm đổi mới đã khẳng định điều đó. Có thể nói những thành tựu của sản xuất công nghiệp, phương pháp sản xuất công nghiệp đã xâm nhập vào tất cả các ngành kinh tế, các lĩnh vực khác nhau của đời sống, nhờ đó nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế, xã hội được khai thác ngày càng hiệu quả.

Từ đây, chúng ta có thể khẳng định một vấn đề là mỗi quốc gia, tuỳ từng giai đoạn phát triển mà lựa chọn cho mình những ngành công nghiệp làm nền móng (công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất) phù hợp. Công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất phát triển tạo cơ sở để thực hiện tái sản xuất mở rộng cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, khi xác định trình tự ưu tiên trong phát triển các ngành sản xuất xã hội, Mác đã chỉ rõ: sản xuất tư liệu sản xuất để chế tạo tư liệu sản xuất tăng nhanh nhất, sau đó đến sản xuất tư liệu sản xuất để chế tạo tư liệu tiêu dùng và chậm nhất là sản xuất tư liệu tiêu dùng. Mác còn đề cao vai trò của công cụ lao động trong phát triển kinh tế, coi công cụ lao động là cái năng động nhất, có ý nghĩa quyết định nhất đến năng suất lao động. Những kết luận của Mác về vai trò của công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất đối với sự phát triển kinh tế đất nước đã được các nước có nền kinh tế thị trường vận dụng rất thành công. Đó là các nước phát triển đã bằng mọi cách phát triển các ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất để trang bị cơ sở vật chất – kỹ thuật hiện đại cho nền kinh tế, thường xuyên quan tâm đổi mới máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất lao động.

Từ sự phân tích ở trên có thể đi đến kết luận, công nghiệp phát triển sẽ tạo ra hệ thống xương cốt cho tất cả các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, nó sẽ cải biến nền kinh tế từ tình trạng lạc hậu sang nền kinh tế phát triển hiện đại.

3.2. Vai trò chủ đạo của công nghiệp còn thể hiện, công nghiệp có khả năng định hướng cho các ngành kinh tế và các lĩnh vực khác của nền kinh tế phát triển

Có thể nói, định hướng phát triển các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế không thể tách rời định hướng phát triển các ngành công nghiệp. Chẳng hạn, sự phát triển của công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản sẽ quyết định hướng phát triển các vùng sản xuất nông sản làm nguyên liệu hoặc hàng hoá tập trung. Sự phát triển công nghiệp năng lượng có ý nghĩa quyết định đến hướng phaá triển của các ngành kinh tế khác …

3.3. Công nghiệp phát triển sẽ làm tăng giá trị của các loại nguyên liệu đưa vào chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng của xã hội và tăng nhanh hàng xuất khẩu.

Nếu có một ngành công nghiệp chế biến phát triển ở trình độ cao thì mọi nguồn nguyên liệu đều trở nên có giá trị, không có thứ nào bị bỏ phí, kể cả các loại phụ, phế phẩm của quá trình chế biến sản phẩm. Chẳng hạn, nếu công nghiệp chế biến gỗ hiện đại thì mọi thứ gỗ đều là nguyên liệu; một cây gỗ đưa vào chế biến, nếu công nghệ chế biến lạc hậu chỉ sử dụng được phần lõi, còn công nghệ hiện đại thì gỗ cành, gỗ ngọn, phần vỏ và mùn cưa đều là nguyên liệu. Ở nước ta hiện nay, công nghiệp chế biến đã bắt đầu phát triển nên nhiều loại nông sản trước đây không được coi trọng, nhưng nay có thể là những cây nguyên liệu có giá trị như: sắn, các loại cây có bột khác, đặc biệt là các loại cây công nghiệp như chè, cà phê và tương lai là ca cao và chăn nuôi bò lấy sữa …

Công nghiệp phát triển sẽ đóng góp trực tiếp và to lớn vào tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước, làm thay đổi quan hệ xuất nhập khẩu, thay đổi cán cân ngoại thương, làm thay đổi nhanh bộ mặt kinh tế – xã hội của đất nước.

3.4. Công nghiệp còn có vai trò quan trọng trong củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh quốc gia.

Bởi lẽ, công nghiệp phát triển, nhất là ngành công nghiệp quốc phòng sẽ tạo khả năng để hiện đại hoá quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước và dập tắt nhanh chóng những âm mưu phá hoại của kẻ thù.

(Nguồn tài liệu: Giáo trình Kinh tế phát triển, Trường cao đẳng nghề Nam Định)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net