Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Nông thôn là gì? Những hợp phần cơ bản của nông thôn

Nông thôn là gì? Những hợp phần cơ bản của nông thôn

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 218 views

1. Khái niệm về nông thôn

Các quốc gia trên thế giới trong quá trình phát triển đều phân các vùng lãnh thổ của mình thành hai khu vực là thành thị và nông thôn. Các nhà xã hội học đã đưa ra một số tiêu chí phân biệt khu vực nông thôn và khu vực thành thị như: thành phần xã hội của dân số, các di sản văn hoá, sự phồn thịnh, sự phân hoá xã hội của dân cư, mức độ phức tạp của cấu trúc và đời sống xã hội, cường độ và sự đa dạng của mối liên hệ xã hội, v.v. Sự khác nhau căn bản giữa nông thôn và đô thị được phản ánh rõ nét trong những nguyên lí của xã hội học nông thôn – đô thị. Trong đó, những tiêu chí quan trọng giúp việc phân biệt khu vực nông thôn và khu vực đô thị bao gồm: sự khác nhau về nghề nghiệp, về môi trường, quy mô cộng đồng, mật độ dân số, tính hỗn tạp và thuần nhất của dân số, hướng di cư, sự khác biệt xã hội và phân tầng xã hội, hệ thống tương tác trong từng vùng (bảng 1).

Sự phân biệt nông thôn và thành thị có thể dựa vào các tiêu chí quy định cho từng vùng. Ðối với khu vực thành thị, nhiều nước đã thống nhất coi số lượng dân cư làm tiêu chí để quy định đô thị. Theo Từ điển Bách khoa của Liên Xô (cũ) năm 1986 thì đô thị là khu vực dân cư mà phần lớn dân cư ở đó làm ngoài nông nghiệp. Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học xuất bản năm 2002 đã định nghĩa đô thị là nơi dân cư đông đúc, là trung tâm thương nghiệp và có thể cả công nghiệp, thành phố hoặc thị trấn. Cho đến nay trên thế giới đều thống nhất coi đô thị là một điểm dân cư tập trung với số lượng lớn, mật độ cao và tỷ lệ người làm công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn hẳn người làm nông nghiệp. Tuy nhiên, về tiêu chí cụ thể thì có sự khác nhau giữa các nước, xuất phát từ đặc điểm riêng của từng nước.

Nếu xét về dân số tối thiểu của một đô thị thì Liên bang Nga quy định 12.000 người, Thụy Sĩ – 10.000 người, trong khi Cu Ba, Kênya – 2.000 người, Grênada – 200 người, Uganda – 100 người. Về mật độ dân cư ở đô thị, các nước cũng có quy định khác nhau, Phần Lan quy định ít nhất là 500 người trên một dặm vuông (xấp xỉ 2.600.000 m2), Ấn Ðộ – 1.000 người. Về tỉ lệ dân số không làm việc trong ngành nông nghiệp ở một đô thị, Nhật Bản và Hà Lan quy định là 60-65%, Liên bang Nga quy định là 85%.

Bảng 1. Tiêu chí phân biệt khu vực nông thôn và khu vực thành thị

Tiêu chíKhu vực nông thônKhu vực đô thị
Nghề nghiệpNhững người sản xuất nông nghiệp, một số ít phi nông nghiệp.Những người sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Môi trườngMôi trường tự nhiên ưu trội, quan hệ trực tiếp với tự nhiên.Môi trường nhân tạo ưu trội, ít dựa vào tự nhiên.
Kích cỡ cộng đồngCộng đồng làng bản nhỏ, văn minh nông nghiệp.Kích cỡ cộng đồng lớn hơn, văn minh công nghiệp.
Mật độ dân sốMật độ dân số thấp, tính nông thôn tương phản với mật độ dân số.Mật độ dân số cao, tính đô thị và mật độ dân số tương ứng với nhau.
Đặc điểm cộng đồngCộng đồng thuần nhất hơn về các đặc điểm chủng tộc và tâm lý.Không đồng nhất về chủng tộc và tâm lý.
Phân tầng xã hộiSự khác biệt và phân tầng xã hội ít hơn so với đô thị.Sự khác biệt và phân tầng xã hội nhiều hơn nông thôn.
Di động xã hộiDi động xã hội theo lãnh thổ, theo nghề nghiệp không lớn, di cư cá nhân từ nông thôn ra thành thị.Cường độ di động lớn hơn, có biến động xã hội mới có di cư từ thành thị về nông thôn.
Tác động xã hộiTác động xã hội tới từng cá nhân thấp hơn. Quan hệ xã hội sơ cấp, láng giềng, huyết thống.Tác động xã hội tới từng cá nhân lớn hơn. Quan hệ xã hội thứ cấp, phức tạp, hình thức hoá.

 

Ở Việt Nam, do đặc thù đất chật, người đông nên những quy định về các tiêu chí của một đô thị khác nhiều so với các nước khác. Quyết định số 132-HÐBT ngày 5/5/1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định nước ta có năm loại đô thị như sau:

  • Ðô thị loại 1: Dân số đạt từ 1 triệu người trở lên, mật độ dân cư từ 15.000 người/km2 trở lên, tỉ lệ lao động ngoài nông nghiệp từ 90 % trở lên.
  • Ðô thị loại 2: Dân số từ 350.000 đến 1 triệu người, mật độ dân cư 12.000 người/km2, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 80% trở lên.
  • Ðô thị loại 3: Dân số từ 100.000 đến 350.000 người, mật độ dân cư đạt từ 10.000 người/km2 trở lên, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 70% trở lên.
  • Ðô thị loại 4: Dân số từ 30.000 đến 100.000 người, mật độ dân cư đạt từ 8000 người/ km2 trở lên, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 70% trở lên.
  • Ðô thị loại 5: Dân số từ 4.000 đến 30.000 người, mật độ dân cư từ 6.000 người/km2 trở lên, tỉ lệ lao động phi nông nghiệp từ 60% trở lên.

Như vậy, khu vực nông thôn được xác định là những khu vực nằm ngoài các tiêu chí quy định trên. Có thể coi nông thôn Việt Nam bao gồm các địa bàn dân cư có số lượng dân tập trung dưới 4.000 người, mật độ dân cư ít hơn 6.000 người/ km2 và tỉ lệ lao động phi nông nghiệp dưới 60%, tức là tỉ lệ lao động nông nghiệp đạt từ 40% trở lên.

Việc phân biệt giữa nông thôn và đô thị chỉ có tính chất tương đối. Thực tế cho thấy, vẫn còn có sự xen lẫn về đất đai, địa bàn dân cư và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt ở các đô thị nhỏ, thị tứ, thị trấn. Ở các nước đang phát triển, những khu vực nông thôn đang diễn ra quá trình đô thị hoá nhanh chóng .

Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có định nghĩa chuẩn xác về nông thôn, còn nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng cần dựa vào chỉ tiêu trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng, có nghĩa vùng nông thôn có cơ sở hạ tầng không phát triển bằng vùng đô thị. Quan điểm khác lại cho rằng nên dựa vào chỉ tiêu trình độ tiếp cận thị trường, phát triển hàng hoá để xác định vùng nông thôn vì cho rằng nông thôn có trình độ sản xuất hàng hoá và khả năng tiếp cận thị trường so với đô thị là thấp hơn. Cũng có ý kiến nên dùng chỉ tiêu mật độ dân cư và số lượng dân trong vùng để xác định. Theo quan điểm này, vùng nông thôn thường có số dân và mật độ dân thấp hơn vùng thành thị.

Một quan điểm khác nêu ra, vùng nông thôn là vùng có dân cư làm nông nghiệp là chủ yếu, tức là nguồn sinh kế chính của cư dân trong vùng là từ sản xuất nông nghiệp. Những ý kiến này chỉ đúng khi đặt trong bối cảnh cụ thể của từng nước, phụ thuộc vào trình độ phát triển, cơ cấu kinh tế, cơ chế áp dụng cho từng nền kinh tế. Ðối với những nước đang thực hiện công nghiệp hoá, đô thị hoá, chuyển từ sản xuất thuần nông sang phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, xây dựng các khu đô thị nhỏ, thị trấn, thị tứ rải rác ở các vùng nông thôn thì khái niệm về nông thôn có những đổi khác so với khái niệm trước đây. Có thể hiểu nông thôn hiện nay bao gồm cả những đô thị nhỏ, thị tứ, thị trấn, những trung tâm công nghiệp nhỏ có quan hệ gắn bó mật thiết với nông thôn, cùng tồn tại, hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển.

Hội nghị nhóm chuyên viên của Liên Hợp Quốc đã đề cập đến một khái niệm – CONTINIUM nông thôn-đô thị. Có thể hiểu nông thôn-đô thị là một khu vực kinh tế hỗn hợp gồm nông thôn, nông thị và đô thị kế tiếp, xen kẽ nhau. Trong đó, nông thôn được coi là các làng xã nông nghiệp cổ truyền, nông thị là các đô thị nhỏ, thị trấn, thị tứ, chợ có chức năng như cầu nối giữa nông thôn và thành thị, còn đô thị là các thành phố lớn, vừa, hoặc các khu công nghiệp tập trung. Trong CONTINIUM nông thôn-đô thị, các hoạt động nông nghiệp được gắn với công nghiệp và các ngành dịch vụ, có tác dụng chuyển dịch nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, và đô thị hoá.

Như vậy, khái niệm về nông thôn chỉ có tính chất tương đối, thay đổi theo thời gian và theo tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, nhìn nhận dưới góc độ quản lý, có thể hiểu nông thôn là vùng sinh sống của tập hợp cư dân, trong đó có nhiều nông dân. Tập hợp cư dân này tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường trong một thể chế chính trị nhất định và chịu ảnh hưởng của các tổ chức khác.

Một số đặc điểm riêng của nông thôn Việt Nam, đó là:

+ Ở vùng nông thôn, các cư dân chủ yếu là nông dân và làm nghề nông, đây là địa bàn hoạt động chủ yếu của các ngành sản xuất vật chất nông, lâm, ngư nghiệp và các ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp. Trong các làng xã truyền thống, sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí chủ chốt và là nguồn sinh kế chính của đại bộ phận nông dân. Cùng với sự phát triển và tiến bộ của đất nước, đặc điểm này có sự thay đổi. Các vùng nông thôn trong tương lai sẽ không phải chủ yếu có các nông dân sinh sống và làm nông nghiệp, thay vào đó là các cư dân cư trú và tiến hành nhiều hoạt động kinh tế khác nhau, gồm cả sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ. Theo đó, tỷ trọng lao động và GDP của các ngành kinh tế ở nông thôn cũng thay đổi theo hướng gia tăng cho công nghiệp và dịch vụ.

+ Nông thôn thể hiện tính chất đa dạng về điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái, các vùng nông thôn quản lý một lượng tài nguyên thiên nhiên to lớn, phong phú và đa dạng, bao gồm các tài nguyên đất, nước, khí hậu, rừng, sông suối, ao hồ, khoáng sản, hệ động thực vật gồm cả tự nhiên và cả do con người tạo

+ Cư dân nông thôn có mối quan hệ họ tộc và gia đình khá chặt chẽ với những quy định cụ thể của từng họ tộc và gia đình. Ở nông thôn, có nhiều gia đình trong một dòng họ cùng sinh sống và gắn bó với nhau gần gũi, khăng khít lâu đời. Những người ngoài dòng họ cùng chung sống, góp sức phòng tránh thiên tai, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống tạo nên tình làng nghĩa xóm lâu bền.

+ Nông thôn lưu giữ và bảo tồn nhiều di sản văn hoá của quốc gia như các phong tục, tập quán cổ truyền về đời sống, lễ hội, sản xuất nông nghiệp và ngành nghề truyền thống, các di tích lịch sử, văn hoá, các danh lam thắng cảnh, v.v… Ðây chính là nơi chứa đựng kho tàng văn hoá dân tộc, đồng thời là khu vực giải trí và du lịch sinh thái phong phú và hấp dẫn đối với mọi người.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, môi trường, cảnh quan của huyện Đan Phượng.

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, môi trường, cảnh quan (huyện Đan Phượng).

2. Những hợp phần cơ bản của nông thôn

Từ khái niệm và những đặc điểm nêu trên, nhà quản lý cần xác định một số đặc trưng tạo nên các hợp phần cơ bản của nông thôn. Trước hết, người dân được xác định là chủ thể nông thôn.

Người dân với đa dạng về thành phần nghề nghiệp và sinh kế cũng như sắc tộc, tôn giáo. Tuy nhiên, nét đặc trưng cơ bản có thể nhận thấy ở đây là chủ thể (người dân) nông thôn có lực lượng lao động nông nghiệp chiếm một tỷ lệ lớn và được coi là lực lượng nòng cốt của chủ thể nông thôn Việt Nam.

Tuy đa dạng về thành phần, nhưng xét ở góc độ quan hệ gắn kết ảnh hưởng lẫn nhau, cũng như quyền quyết định về sinh kế và các hoạt động kinh tế-xã hội khác có thể thấy rằng chủ thể nông thôn tồn tại (cả về nghĩa đen và nghĩa bóng) ở nhiều hình thể, cấp độ và vai trò khác nhau như: cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng.

Các cá nhân hay thành viên của chủ thể nông thôn với những nhu cầu, nguyện vọng, năng lực và ứng xử khác nhau, tuỳ thuộc vào đặc tính riêng của từng người. Vai trò của cá nhân hay thành viên có ý nghĩa lớn trong quyết định và tham gia các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn. Huy động và phát huy tiềm năng của các cá nhân trong phát triển nông thôn là một hướng tiếp cận của nhà quản lý phát triển.

Ở cấp độ gia đình với những quan hệ phụ thuộc, gắn kết, với nề nếp, quan niệm và ứng xử cũng rất khác nhau. Trong nông thôn, các gia đình nông dân (gọi là nông hộ) đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, được coi là một đơn vị sản xuất tự chủ, có quyền quyết định trong sản xuất kinh doanh.

Một nét đặc trưng ở nông thôn Việt Nam là giữa các gia đình nông thôn có mối quan hệ họ tộc rất gắn kết. Mỗi dòng họ có những truyền thống, di sản và những ước định của riêng mình. Sức mạnh tinh thần và vật chất của mỗi dòng họ nếu được khích lệ và huy động sẽ tạo nên động lực phát triển trong nông thôn.

Bao trùm lên tất cả là sự tồn tại của chủ thể nông thôn ở cấp độ cộng đồng. Các cộng đồng có thể hiểu như là tập hợp của những người dân có cùng nền văn hoá, cùng phong tục, cùng sinh sống ở một nơi nhất định, hoặc có cùng sở thích trong sản xuất, kinh doanh, mối quan tâm, hoặc nghề nghiệp. Theo nghĩa hẹp của quản lý, có thể coi các đơn vị làng, bản, xóm, thôn, xã, huyện, … là các cộng đồng nông thôn ở Việt Nam.

Như vậy, có thể nhấn mạnh rằng: chủ thể nông thôn là các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng của cư dân trong đó nông dân chiếm một tỷ lệ đáng kể và đóng vai trò chủ đạo. Ở khái niệm nông thôn nêu trên, chủ thể nông thôn là yếu tố con người. Tạo nên một chỉnh thể nông thôn chính là hoạt động của chủ thể (người dân nông thôn) trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và mối quan hệ của họ với thể chế chính trị (Nhà nước) cũng như các tổ chức khác trong nông thôn. Với ý nghĩa tương đối trong cách phân loại, những hoạt động kinh tế, văn hóa – xã hội, môi trường và các mối quan hệ bao gồm:

+ Các hoạt động kinh tế: Bao gồm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, các hoạt động thương mại dịch vụ. Tham gia vào các hoạt động đó gồm đầy đủ các thành phần kinh tế với các hình thức tổ chức đa dạng. Tỷ trọng các ngành kinh tế trong tổng GDP của vùng nông thôn phụ thuộc vào mức độ phát triển của từng vùng, nhưng theo xu hướng tỷ trọng sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng giảm và tỷ trọng các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ ngày càng tăng.

+ Các tổ chức: Bao gồm nhiều loại hình cả chính thống và phi chính thống như các tổ chức chính quyền ở địa phương, các tổ chức kinh tế, các đoàn thể quần chúng, v.v. Những tổ chức này được hình thành, hoạt động trong khuôn khổ các thể chế, chính sách, ảnh hưởng và có tác động trực tiếp, gián tiếp đến các hoạt động chung của cộng đồng hoặc những nhóm dân cư nhất định trong quá trình phát triển nông thôn.

+ Cơ sở hạ tầng nông thôn: Bao gồm đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi, hệ thống thông tin liên lạc, trường học v.v… Những cơ sở này phục vụ đắc lực đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của các cư dân nông thôn.

+ Khoa học và công nghệ áp dụng: Đây là một hợp phần quan trọng ở nông thôn. Khía cạnh khoa học và những kỹ thuật – công nghệ đó bao gồm cả các kiến thức bản địa và kinh nghiệm truyền thống của người dân nông thôn về tất cả các lĩnh vực tác động đến đời sống của họ. Khía cạnh khoa học – công nghệ ở nông thôn còn là sự nhận thức, tiếp nhận và chuyển giao khoa học và công nghệ hiện đại, tiên tiến từ bên ngoài của chủ thể nông thôn để thúc đẩy quá trình phát triển của chính họ.

+ Y tế, sức khoẻ cộng đồng: Đây là một yếu tố chi phối và ảnh hưởng quan trọng tới các hoạt động ở nông thôn. Vấn đề sức khoẻ của người dân trong cộng đồng luôn được coi trọng trong mọi chương trình phát triển. Hệ thống y tế, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ thường xuyên được duy trì nhằm đảm bảo các hoạt động sống và sản xuất của mọi thành viên trong cộng đồng.

+ Văn hoá – giáo dục: Đây là yếu tố luôn được coi trọng trong phát triển nông thôn. Khía cạnh văn hóa trong nông thôn về nghĩa rộng là tổng hòa các mối quan hệ ứng xử giữa con người với nhau và với thiên nhiên, có thể hiện sự đan xen giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Việc lưu giữ, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và của từng vùng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần mở cửa du nhập những loại hình văn hoá hiện đại, lành mạnh có ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của người dân nông thôn.

+ Môi trường và tài nguyên thiên nhiên: Vùng nông thôn gắn liền với các điều kiện môi trường tài nguyên thiên nhiên, đó là điều kiện quan trọng, là cơ sở cho việc phát triển kinh tế của từng vùng.

+ Các chính sách kinh tế và xã hội: Những chính sách này nhằm phát huy lợi thế và tạo điều kiện phát triển bình đẳng, đồng đều giữa các thành viên trong vùng cũng như giữa các vùng, miền.

Các hợp phần kinh tế xã hội nông thôn được trình bày tóm tắt trong bảng 2. Trong phát triển nông thôn, mọi sự tác động hoặc hoạt động phát triển nếu chỉ đề cập đến một hơp phần riêng rẽ mà không tính đến ảnh hưởng tới các hợp phần khác thì khó mang lại kết quả tốt, bởi vì các hợp phần ở đây tạo nên sự thống nhất và tác động qua lại lẫn nhau hình thành một chỉnh thể kinh tế xã hội nông thôn.

(Nguồn tài liệu: Thanh Mai Cúc, Nguyễn Đình Hà, Giáo trình Phát triển nông thôn, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]