Vũ khí hạt nhân (tiếng Anh: nuclear weapon) là gì?
I. KHÁI NIỆM VŨ KHÍ HẠT NHÂN
Vũ khí hạt nhân là một thiết bị sử dụng phản ứng hạt nhân để tạo ra sự nổ. Sự nổ này mạnh hơn nhiều lần trường hợp nổ truyền thống (ví dụ như TNT). Khi vũ khí hạt nhân nổ, vũ khí phát ra bốn loại năng lượng: sóng nổ, ánh sáng cực mạnh, nhiệt và phóng xạ. Vũ khí hạt nhân có thể dưới dạng bom hoặc tên lửa.
Khi vũ khí hạt nhân nổ, vũ khí tạo ra một quả cầu lửa rất lớn. Mọi thứ trong quả cầu lửa này đều bay hơi và bị bốc lên. Điều này tạo nên một đám mây hình nấm. Vật chất trong đám mây này giảm nhiệt thành các hạt dạng bụi và rơi trở lại trái đất dưới dạng bụi phóng xạ. Bụi phóng xạ có thể bị gió cuốn đi và có thể đi xa khỏi địa điểm nổ nhiều dặm. Bụi phóng xạ là phóng xạ và có thể gây nhiễm bất cứ thứ gì mà nó tiếp xúc.
Khái niệm: Vũ khí hạt nhân là một loại vũ khí huỷ diệt lớn dựa trên cơ sở sử dụng năng lượng rất lớn được giải phóng ra từ phản ứng phân hạch dây truyền và phản ứng tổng hợp hạt nhân để tiêu diệt các mục tiêu.
Theo Nghị định 81/2019/NĐ-CP phòng chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt: Vũ khí hạt nhân là vũ khí dựa trên cơ sở sử dụng năng lượng được giải phóng từ các phản ứng phân chia hạt nhân và phản ứng tổng hợp hạt nhân không điều khiển. Các nhân tố sát thương chủ yếu gồm sóng xung kích, bức xạ quang, bức xạ xuyên, phóng xạ và xung điện từ; đạn dược hạt nhân, phương tiện đưa chúng tới mục tiêu và phương tiện điều khiển là bộ phận không thể tách rời của vũ khí hạt nhân.
II. PHÂN LOẠI VÀ PHƯƠNG TIỆN SỬ DỤNG
1. Phân loại
– Phân loại theo nguyên lí nổ:
Loại gây nổ: Gồm vũ khí nguyên tử, vũ khí khinh khí và vũ khí nơtron.
Loại không gây nổ: Chất phóng xạ chiến đấu.
– Phân loại theo đương lượng nổ:
Đương lượng nổ (kí hiệu là q): Là năng lượng của vũ khí hạt nhân khi nổ được giải phóng ra tương đương với năng lượng của chất nổ TNT.
Đơn vị tính: Kilôtôn (kt), mêgatôn (Mt) và gigatôn (Gt); 1kt = 1.000 tấn TNT, 1Mt = 1.000.000 tấn TNT, 1Gt = 1.000 Mt.
Phân loại theo đương lượng nổ chia thành 5 loại: Loại cực nhỏ: q < 1kt; loại nhỏ: 1kt ≤ q < 10kt; loại vừa: 10kt ≤ q < 100kt; loại lớn: 100kt ≤ q < 1Mt (1.000kt); loại cực lớn:q ≥ 1Mt.
Loại cực nhỏ đến loại lớn dựa vào phản ứng phân hạch; loại lớn đến cực lớn dựa vào phản ứng nhiệt hạch kết hợp với phân hạch.
Vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ q = 20k gọi là bom chuẩn.
– Phân loại theo mục đích sử dụng:
+ Vũ khí hạt nhân chiến thuật: Gồm loại cực nhỏ đến loại lớn, dùng để tập kích vào các mục tiêu chiến thuật, chiến dịch như trận địa tên lửa, pháo binh, đội hình chủ yếu của phân đội, binh đoàn, trận địa phòng ngự then chốt, các mục tiêu hậu phương, sân bay, đầu mối giao thông quan trọng, kho tàng, sở chỉ huy….
+ Vũ khí hạt nhân chiến lược: Gồm loại lớn và cực lớn, dùng để tập kích các mục tiêu chiến lược như các trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự.
2. Phương tiện sử dụng
TÍNH NĂNG MỘT SỐ PHƯƠNG TIỆN MANG BOM ĐẠN HẠT NHÂN CỦA QUÂN ĐỘI MỸ
Phương tiện | Bom đạn hạt nhân | Trang bị | Trọng tải (tấn) | Đương lượng | Tầm hoạt động (km) |
Máy bay B52G(E,F) | Bom hạng nặng | KQ | 30 | 1-30Mt | 19.000 |
Máy bay B.58-A | Bom hạng vừa | KQ | 20 | 10 – 30kt | 10.000 |
Máy bayF.111A | Bom hạng vừa | KQ | 10 | 10-300kt | 6.100 |
Máy bay A4 | Bom hạng nhẹ | HQ | 2,7 | 2 – 300kt | 3.200 |
Pháo 155mm | ĐạnM-109, M-114 | f,qđ | 0,5 – 1kt | 15-18 | |
Pháo 175mm | Đạn M-07 | qđ | 2 – 10kt | 32 | |
Pháo 203,2mm | Đạn M-110 | f,qđ | 2 – 30kt | 40 | |
Tên lửa M31-A | Đạn MGR – 1A | f,qđ | 2 ≤ 50kt | 32 | |
Tên lửa Polarits-A2 | Đạn UGM-278 | HQ | 0,5kt | 2.800 | |
Tên lửa Xpơrinh | LQ | vài kt |
– Máy bay : Máy bay mang bom, tên lửa hạt nhân có tầm hoạt động từ vài chục kilômét đến hàng ngàn kilômét, được chia thành hai loại máy bay chiến lược và chiến thuật.
– Tên lửa hạt nhân :
+ Căn cứ vào tầm bắn, chia tên lửa thành 4 loại:
- Tên lửa tầm cực xa (tên lửa toàn cầu): Tầm bắn 20.000km, có thể bắn bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất.
- Tên lửa tầm xa(tên lửa vượt đại châu): Tầm bắn khoảng 10.000km, có thể bắn từ châu lục này sang châu lục khác trên Trái Đất.
- Tên lửa tầm trung: Tầm bắn từ 2.000 – 10.000km.
- Tên lửa tầm gần: Tầm bắn dưới 2.000km.
+ Căn cứ vào mục đích sử dụng, chia tên lửa thành 2 loại:
- Tên lửa chiến lược: Dùng để tiêu diệt các mục tiêu chiến lược với tầm bắn trên 2.000km.
- Tên lửa chiến thuật: Dùng để tiêu diệt các mục tiêu chiến thuật, chiến dịch với tầm bắn từ vài chụ kilômét đến hàng trăm kilômét.
– Pháo hạt nhân: Các loại pháo lựu 155mm, 175mm, 203,2mm, 280mm… đều bắn được đạn hạt nhân.
III. PHƯƠNG THỨC NỔ CỦA VŨ KHÍ HẠT NHÂN
1. Nổ vũ trụ
– Kí hiệu: VT.
– Độ cao nổ: Từ 65km trở lên.
– Công dụng: Dùng để tiêu diệt các phương tiện đang bay trong tầng cao khí quyển như vệ tinh, tầu vũ trụ, tên lửa hạt nhân chiến lược.
– Cảnh tượng nổ: Điều kiện khí tượng tốt, nổ ở độ cao 80 – 100km vẫn có thể quan sát được cảnh tượng nổ. Cầu lửa sáng chói, lan rộng nhanh (sau vài giây bán kính cầu lửa đạt tới hàng chụ kilômét). Bao quanh cầu lửa là lớp khí phát sáng đỏ hồng, dày tới hàng trăm kilômét.
– Các nhân tố sát thương, phá hoại: Do mật độ không khí loãng nên sóng xung kích rất yếu, bức xạ quang và bức xạ xuyên là hai nhân tố sát thương chủ yếu, nhiễm xạ mặt đất không đáng kể, hiệu ứng điện từ có bán kính hàng ngàn kilômét.
2. Nổ trên cao
– Kí hiệu: C
– Độ cao nổ: Từ 16 – 65km.
– Công dụng: Tiêu diệt các phương tiện đang bay trên không như máy bay, tên lửa…. cản trở sự làm việc của máy vô tuyến điện, ra đa…
– Cảnh tượng nổ: Cầu lửa sáng chói, lan rộng và bốc lên cao, ở độ cao tương đối thấp có thể nghe thấy tiếng nổ
– Các nhân tố sát thương, phá hoại: Sóng xung kích chưa mạnh, bức xạ quang và bức xạ xuyên là chủ yếu, nhiễm xạ mặt đất không đáng kể, nhiễm xạ khí quyển lớn, hiệu ứng điện từ tăng mạnh ở phạm vi tương đối rộng.
3. Nổ trên không
– Kí hiệu: K.
– Độ cao nổ: Cách mặt đất từ 16km trở xuống cho tới độ cao bằng bán kính của cầu lửa không chạm mặt đất (mặt nước).
– Công dụng: Tiêu diệt các phương tiện bay trên không, sinh lực ngoài công sự, vũ khí trang bị trên mặt đất, phá huỷ công trình kiến trúc. Nếu nổ ở trên không thấp, có thể phá huỷ các mục tiêu tương đối kiên cố trên mặt đất, sinh lực trong công sự.
– Cảnh tượng nổ: ánh chớp sáng chói lọi, tiếng nổ rền vang, cầu lửa tròn lan rộng và bốc lên cao với vận tốc lớn (hàng trăm kilômét trên giờ), cầu lửa nguội dần chuyển thành mây phóng xạ tiếp tục cuốn lên cao hình thành nấm mây nguyên tử. Nếu nổ trên không cao thì tán nấm, thân nấm không liền nhau. Nếu nổ trên không thấp tán nấm và thân nấm liền nhau ngay từ đầu.
– Các nhân tố sát thương, phá hoại: Sóng kích động là nhân tố sát thương phá hoại chủ yếu, bức xạ quang và bức xạ xuyên là nhân tố sát thương quan trọng, hiệu ứng điện từ mạnh.
4. Nổ mặt đất, mặt nước
– Kí hiệu: Đ, N.
– Độ cao nổ: h = 0,5 – 3,5 x 3q ( h= chiều cao = km; q = đương lượng nổ = kilôtôn )
– Công dụng: Tiêu diệt mục tiêu tương đối kiên cố trên mặt đất, mặt nước.
– Cảnh tượng nổ: ánh chớp chói lọi, nghe tiếng nổ rền vang, cầu lửa bị khuyết phần dưới (có hình bán cầu lửa), đất đá bị nóng chảy cuộn lên rồi đông lại thành xỉ phóng xạ, nấm mây nguyên tử màu thẫm, thân to và thấp hơn so với nổ trên không. Tạo hố bom sâu tại tâm nổ.
– Các nhân tố sát thương, phá hoại: Sóng xung kích, bức xạ quang gầm tâm nổ mạnh hơn ở các khu vực xa, bức xạ xuyên mạnh, nhiễm xạ địa hình có diện tích rộng, mức bức xạ cao, hiệu ứng điện từ mạnh nhưng phạm vi hẹp.
5. Nổ dưới đất, dưới nước
– Kí hiệu: DĐ, DN.
– Độ sâu nổ: Dưới mặt đất, mặt nước từ vài mét đến vài trăm mét
– Công dụng: Tiêu diệt mục tiêu tương đối kiên cố dưới đất, tạo hố bom sâu khu nhiễm xạ rộng, các mục tiêu trên mặt nước, dưới nước như tàu ngầm và các công trình ngầm dưới nước.
– Cảnh tượng nổ: Nổ dưới đất, nổ dưới nước không nhìn thấy hoặc thấy rất ít ánh sáng của cầu lửa( do đất, nước hấp thụ hết), mặt đất rung chuyển mạnh như động đất, đất đá tung lên trộn với chất phóng xạ có hình nón cụt lật ngược, bụi mù mịt bao phủ quanh khu vực nổ. Khi nổ dưới nước, tạo nên một cột nước khổng lồ có đường kính từ vài trăm mét đến vài kilômét, mặt nước xuất hiện những đợt sóng cao tới vài trăm mét.
IV. CÁC NHÂN TỐ SÁT THƯƠNG, PHÁ HOẠI VÀ CÁCH PHÒNG, CHỐNG
1. Sóng xung kích
– Nguồn gốc: Sóng xung kích là nhân tố sát thương phá hoại chủ yếu của vũ khí hạt nhân, chiếm 50% năng lượng của vụ nổ. Khi bom, đạn hạt nhân nổ, phản ứng phân hạch hay phản ứng tổng hợp hạt nhân được thực hiện, giải phóng ra một năng lượng cực kì lớn với nhiệt độ lên tới hàng trục triệu độ và áp suất hàng tỉ atmôtphe ở khu vực tâm nổ đều bốc thành hơi nóng đỏ, tạo thành một khối lửa khổng lồ có nhiệt độ và áp suất cao gọi là cầu lửa. Cầu lửa không ngừng lan rộng và bốc lên cao, dồn nén lớp không khí bao quanh tâm nổ hình thành sóng gọi là sóng xung kích.
– Tác hại:
+ Đối với người:
Sóng xung kích có thể gây sát thương trực tiếp hay gián tiếp. Sát thương trực tiếp là do sức đẩy mạnh của lớp không khí lên cơ thể, làm cho các bộ phận quan trọng trong người như tim, gan, phổi, lá lách, não,.. bị tổn thương, có thể gây ảnh hưởng đến máu bên trong, chảy máu ở miệng, mũi, tai… và do sức đẩy mạnh của không khí hất người đi xa gây giập, nát, gãy xương, sai khớp chân, tay…
Sát thương gián tiếp là của sóng xung kích làm đổ sập nhà cửa, hầm hào, công sự, cây cối, phương tiện kỹ thuật…. từ đó đè ép, va đập lên người gây chấn thương. Ở các thành phố, rừng cây thì sát thương gián tiếp lớn hơn trực tiếp (chiếm 70%).
+ Đối với vũ khí, trang bị kĩ thuật công trình kiến trúc: sóng xung kích có thể làm hư hỏng hoặc phá huỷ hoàn toàn bằng trực tiếp hay gián tiếp.
– Cách phòng, chống:
+ Nhanh chóng và triệt để lợi dụng địa hình, hầm hào, công sự, binh khí, kĩ thuật …… để ẩn nấp.
+ Nếu đang ở địa hình bằng phẳng, thấy chớp nổ hạt nhân phải lập tức nằm xấp xuống mặt đất, chân quay về hướng tâm nổ, hai cánh tay bắt chéo chèn trước ngực, hai ngón trỏ bịt hai lỗ tai, nhắm mắt, há miệng, thở đều.
+ Hầm hào công sự phải được xây dựng kiên cố, vững chắc.
+ Cấp cứu cho những người bị thương, chuyển về tuyến sau điều trị những người bị thương nặng
+ Không được lợi dụng những vật dễ đổ vỡ để đề phòng tác hại gián tiếp của sóng xung kích.
2. Bức xạ quang
– Nguồn gốc: Khi vũ khí hạt nhân nổ tạo thành cầu lửa có nhiệt độ cao và áp suất cực kì lớn không ngừng lan rộng và bốc lên cao. Cầu lửa là do các sản phẩm của vụ nổ như vỏ bom, đạn, chất nổ, đất, nước, không khí ,….gần tâm nổ bị nung nóng tạo thành. Do bị nung nóng ở nhiệt độ cao, cầu lửa là một khối platsma trong đó các phân tử, nguyên tử ở trạng thái bị kích thích, ion hoá, tái hợp không ngừng, liên tục phát ra bức xạ điện từ trong dải sóng quang học, tức là tia tử ngoại, ánh sáng nhìn thấy và ánh sáng hồng ngoại. Do năng lượng bức xạ của các tia sáng đó gọi là bức xạ quang.
Bức xạ quang là nhân tố sát thương phá hoại quan trọng của vũ khí hạt nhân, chiếm khoảng 35% năng lượng vụ nổ.
Bản chất của bức xạ quang là dòng ánh sáng có nhiệt độ cao, trong khu vực trung tâm vụ nổ lên tới hàng trục triệu độ, cho nên bức xạ quang có phương truyền thẳng, vận tốc nhanh (300.000km/s), năng lượng của bức xạ xuyên dược tính bằng giá trị của xung lượng quang, đơn vị tính là calo (cal).
– Tác hại:
+ Đối với người: Bức xạ quang có thể gây sát thương trực tiếp hay gián tiếp. Sát thương trực tiếp là làm bỏng da hoặc thiêu cháy, gây mù mắt …. ; sát thương gián tiếp là do bức xạ quang gây nên các đám cháy lớn, từ đó làm cháy, bỏng người và tác hại bằng hơi nóng của đám cháy. Ở nới có nhiều vật dề cháy thì tác hại gián tiếp lớn hơn tác hại trực tiếp
+ Đối với vũ khí, trang bị kĩ thuật, nhà cửa, công trình …. bức xạ quang gây tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp; gây cháy, nóng chảy, hoá than…. tạo thành những đám cháy lớn.
Lớp phủ thực vật gần khu vực tâm nổ có thể tạo ra các đá cháy lớn, diện tích lan rộng (có thể tạo thành bão lửa)
– Cách phòng, chống:
+ Phòng chống bức xạ quang cũng áp dụng các biện pháp tương tự như sóng xung kích như lợi dụng địa hình, địa vật để ẩn nấp, xây dựng công sự .
+ Chú ý nhắm mắt, không nhìn vào cầu lửa, trang bị cho bộ đội kính bảo vệ mắt, mũi, giày chống cháy.
+ Hầm hào, công sự xây dựng bằng vật liệu khó cháy, có nắp đạy đủ độ dầy.
+ Tổ chức tốt công tác cấp cứu người bị bỏng, dập cháy cho người, vũ khí trang bị kĩ thuật, công sự, địa hình …..
+ Bố trí phân tán các kho tàng, phương tiện chiến đấu,cách li với vật dễ cháy, tre phủ cho kho tàng, vũ khí trang bị, khí tài quan trọng bằng các loại bạt chịu nhiệt và cần chú ý giữ bí mật, bảo đảm chiến đấu.
+ Đối với đường dây thông tin hữu tuyến phải chôn sâu dưới đất đề phòng cháy.
3. Bức xạ xuyên
– Nguồn gốc:
Bức xạ xuyên là dòng gama (g) và dòng nơtron (n) được phóng ra từ tâm nổ ngay lúc xảy ra phản ứng hạt nhân, từ quả cầu lửa và đám mây phóng xạ. Bức xạ xuyên là nhân tố sát thương phá hoại đặc trưng của vũ khí hạt nhân, chiếm 5% năng lượng vụ nổ.
– Tác hại:
+ Đối với người và động vật: Các tia g, n khi chiếu vào người, động vật sẽ gây nên những biến đổi sinh vật học trong cơ thể, thực chất là gây nên hiện tượng ion hoá các nguyên tử, phân tử trong tế bào cơ thể. Từ đó dẫn đến sự thay đổi cấu trúc hoá học của các nguyên tử, phân tử và phá hoại hoạt động của hệ thần kinh trung ương, hệ tuần hoàn và cơ quan tạo máu. Các cơ quan bị chấn thương khi bị chiếu xạ không hồi phục được sẽ gây nên một bệnh đặc biệt cho người và động vật gọi là bệnh phóng xạ cấp tính. Mức độ bệnh phóng xạ phụ thuộc vào liều chiếu xạ.
Độ 1 (nhẹ): Thời kỳ ủ bệnh 2 – 3 tuần, sau đó có hiện tượng khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, nhiệt độ cơ thể tăng cao, bạch cầu giảm.
Độ 2 (trung bình): Thời kỳ ủ bệnh khoảng 1 tuần, sau đó xuất hiện những triệu chứng như độ 1 nhưng nặng hơn, bạch cầu giảm nhiều. Điều trị sau 1,5 – 2 tháng có thể hồi phục.
Độ 3 (nặng): Thời kỳ ủ bệnh khoảng 1 giờ, sau đó mệt mỏi toàn thân, buồn nôn, nôn mửa, nhiệt độ tăng cao, co giật, rối loạn tiêu hoá, rụng tóc, thành phần và chất lượng máu giảm nhiều, dễ gây nhiễm trùng các vết thương khác. Điều trị tốt có thể phục hồi sau 6 – 8 tháng.
Nếu bị chiếu xạ với liều lượng lớn hơn 500R sẽ gây bệnh phóng xạ cấp tính rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao (100%).
+ Đối với vũ khí trang bị, công trình… bức xạ xuyên không phá hoại, chỉ làm thay đổi tính chất của các loại dụng cụ bán dẫn, làm hỏng phim ảnh. Vật thể khi bị chiếu xạ có thể trở thành các đồng vị phóng xạ cảm ứng, gây tác hại gián tiếp cho người sử dụng.
– Cách phòng, chống:
+ Đối với người: Nhanh chóng, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật và các vật che khuất, che đỡ để ẩn nấp; xây dựng công sự, hầm có nắp, đủ độ dày để giảm yếu bức xạ xuyên; tổ chức cấp phát ống đo liều chiếu xạ cá nhân (nếu có) để đo liều chiếu xạ cho bộ đội. Nếu được cấp phát thuốc phòng phóng xạ thì chỉ được uống thuốc 30 – 40 phút trước khi vào vùng chiếu xạ làm nhiệm vụ.
Dùng máy đo phóng xạ để kiểm tra độ phóng xạ cho lương thực, thực phẩm và nguồn nước.
Nếu bị bệnh phóng xạ, sử dụng túi thuốc cá nhân uống 1 – 2 viên thuốc chống nôn sau đó đưa lên quân y các cấp điều trị.
+ Đối với vũ khí, trang bị kĩ thuật:
Bảo vệ, che đậy những bộ phận quang học, kính ngắm, phim ảnh.
Dùng máy đo phóng xạ kiểm tra độ phóng xạ cho vũ khí trang bị, phương tiện kỹ thuật, công trình, địa hình, đường sá…
4. Chất phóng xạ
Chất phóng xạ là nhân tố sát thương phá hoại đặc trưng của vũ khí hạt nhân, chiếm khoảng 10% năng lượng vụ nổ.
– Nguồn gốc:
Khi vũ khí hạt nhân nổ, chất phóng xạ được sinh ra từ 3 nguồn gốc là sản phẩm của phản ứng phân hạch (mảnh vỡ hạt nhân), chất phóng xạ cảm ứng và chất nổ hạt nhân chưa tham gia phản ứng. Chất phóng xạ thường tồn tại ở các dạng khí, bụi, xỉ phóng xạ và nằm ngay trong vũ khí trang bị kĩ thuật khi bị dòng n chiếu vào.
– Tác hại:
+ Đối với người:
Chất phóng xạ gây bệnh phóng xạ đối với người theo 3 con đường:
Chiếu xạ ngoài: Khi người đi qua khu nhiễm xạ hay ở gần vật thể bị nhiễm xạ có thể bị tia b, g chiếu vào cơ thể. Nếu bị chiếu bởi g với liều lượng cao sẽ gây nên bệnh phóng xạ cấp tính và mãn tính, cấp độ bệnh phóng xạ tương tự bệnh phóng xạ do bức xạ xuyên gây nên.
Nhiễm xạ da: Do bụi phóng xạ rơi trực tiếp vào người, các tia phóng xạ xuyên vào cơ thể gây nên bệnh bỏng phóng xạ.
Nhiễm xạ bên trong: Do bụi phóng xạ xâm nhập vào cơ thể người bằng 3 đường hô hấp, tiêu hoá và qua vết thương gây nên bệnh phóng xạ.
+ Đối với vũ khí trang bị kĩ thuật, công trình kiến trúc: Chất phóng xạ không gây tác hại đối với vũ khí trang bị kĩ thuật, công trình kiến trúc, nguồn nước, lương thực, thực phẩm…., những đối tượng này bị nhiễm xạ sẽ gây tác hại gián tiếp cho người sử dụng.
– Các phòng, chống:
+ Sử dụng khí tài phòng hoá đúng lúc, chính xác theo lệnh của người chỉ huy.
+ Lợi dụng địa hình, địa vật, phương tiện kĩ thuật để phòng chống.
+ Xây dựng công sự, hầm hào có nắp kín.
+ Trang bị các khí tài để tẩy xạ cho các đối tượng bị nhiễm.
+ Dự đoán tình hình nhiễm xạ và khả năng hoạt động trong khu nhiễm.
+ Trước khi vào khu nhiễm làm nhiệm vụ, phải uống thuốc phòng phóng xạ.
+ Tổ chức cấp cứu, điều trị người bị bệnh phóng xạ.
5. Hiệu ứng điện từ
Hiệu ứng điện từ là nhân tố thứ 5 của vũ khí hạt nhân, chiếm một phần năng lượng không đáng kể của vụ nổ hạt nhân (khoảng 1%).
– Nguồn gốc:
Khi bom đạn hạt nhân nổ, dưới tác dụng của nhiệt độ cao và dòng g, n, các phân tử, nguyên tử không khí bị ion hóa tạo thành các phần tử mang điện. Do đó, trong không gian hình thành những vùng điện tích trái dấu, làm xuất hiện điện từ trường tổng hợp gọi là hiệu ứng điện từ.
– Tác hại:
Hiệu ứng điện từ làm nhiễu các hoạt động của máy vô tuyến điện, làm đứt dây dẫn điện, cầu chì… mất tính cách điện của một số vật liệu gây nên hiện tượng cháy và chập điện.
Ngoài ra hiệu ứng điện từ còn tác dụng vào các hệ thống điều khiển, thông tin liên lạc đặt dưới hầm sâu, mà ở đó sóng xung kích và bức xạ quang không tác dụng được.
– Cách phòng, chống:
+ Xây dựng hệ thống thu xung điện từ ở các hầm chỉ huy, hầm thông tin.
+ Thiết kế các mạch điện chống xung cao trong các thiết bị điện.
+ Tạm thời tắt máy vô tuyến điện khi nhận được tín hiệu thông báo, báo động địch tập kích vũ khí hạt nhân.
V. NHỮNG MỐI NGUY HIỂM CHÍNH CỦA VŨ KHÍ HẠT NHÂN
Vũ khí hạt nhân có thể dẫn đến sự phá hủy khủng khiếp, tử vong và thương tích và có vùng tác động lớn.
Những người ở gần vị trí nổ có thể bị:
• Thương tích hoặc tử vong (do sóng nổ)
• Bị bỏng từ nhẹ cho đến nghiêm trọng (do nhiệt và lửa)
• Mù (do ánh sáng cực mạnh)
• Bệnh phóng xạ, còn được gọi là hội chứng phóng xạ cấp tính hoặc ARS (bởi tia phóng xạ được giải phóng)
Những người ở xa địa điểm nổ hơn, nhưng ở trên đường của bụi phóng xạ, có thể bị tác động về sức khỏe do:
• Bụi phóng xạ ở bên ngoài cơ thể hay quần áo (nhiễm bên ngoài) hoặc ở bên trong cơ thể (nhiễm bên trong)
• Ốm phóng xạ
• Thực phẩm và nguồn nước bị ô nhiễm.
Tài liệu tham khảo:
- Bài giảng Phòng chống Vũ khí hủy diệt lớn
- https://www.cdc.gov/nceh/radiation/emergencies/pdf/infographics/infographic_nuclear_weapon_vi.pdf