Những nét chính về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa? Quần đảo Hoàng Sa bao gồm những nhóm đảo chính nào?
1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên
a. Vị trí địa lý
Quần đảo Hoàng Sa là một quần đảo san hô, phân bố rải rác trong phạm vi từ khoảng kinh tuyến 1110 Đông đến 1130 Đông; từ vĩ tuyến 15045’ Bắc đến 17015’ Bắc, ngang với Huế và Đà Nẵng, phía ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, ở khu vực phía bắc Biển Đông.
Quần đảo Hoàng Sa gồm hơn 37 đảo, đá, bãi cạn, chia làm hai nhóm: nhóm phía đông có tên là nhóm An Vĩnh, gồm khoảng 12 đảo, đá, bãi cạn, trong đó có hai đảo lớn là Phú Lâm và Linh Côn, mỗi đảo rộng khoảng 1,5 km2; nhóm phía tây gồm nhiều đảo xếp thành hình vòng cung nên còn gọi là nhóm Lưỡi Liềm, trong đó có các đảo Hoàng Sa (diện tích gần 1 km2), Quang Ảnh, Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Chim Yến, Tri Tôn…
b. Điều kiện tự nhiên
Quần đảo Hoàng Sa là một thế giới san hô với hơn 100 loài đã tạo thành một phần của vòng cung san hô ngầm dọc bờ biển Đông Nam của lục địa châu Á.
Hình thái địa hình các đảo trong quần đảo Hoàng Sa tương đối đơn giản nhưng mang đậm bản sắc của địa hình ám tiêu san hô vùng nhiệt đới. Đa số các đảo có độ cao dưới 10 m, và có diện tích nhỏ hẹp dưới 1 km2. Tổng diện tích phần nổi của tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 10 km2. Ngoài các đảo, còn có các cồn san hô, vành đai san hô bao bọc một vùng nước tạo thành một đầm nước giữa biển khơi, có cồn dài tới 30 km, rộng 10 km như cồn Cát Vàng.
Trên đảo Hoàng Sa còn có một trạm khí tượng được chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng và hoạt động từ năm 1938, đến năm 1947 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WVO) công nhận và đặt số hiệu 48860 trong mạng lưới khí tượng quốc tế. Nhiệt độ không khí ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thấp nhất từ 220 – 240C trong tháng 1, tăng dần đạt cực đại từ 28,50 – 290C trong tháng 6, 7 và giảm từ từ tới 250C vào tháng 12. Chế độ gió mùa vùng quần đảo Hoàng Sa phức tạp và thể hiện ảnh hưởng của địa hình lục địa Việt Nam và Trung Quốc. Lượng mưa trung bình hằng năm là 1.200 – 1.600 mm, thấp hơn nhiều so với lượng mưa ở quần đảo Trường Sa và các vùng khác trên đất liền. Mưa chủ yếu tập trung vào mùa hè (từ tháng 5 đến tháng 10), lượng mưa trung bình hằng tháng 100 – 200 mm, đạt 200 – 400 mm trong tháng 10. Lượng mưa trung bình trong mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4) 200 – 300 mm với lượng mưa hằng tháng 20 – 25 mm (tháng 1, 2, 3) và đạt đến 50 mm trong tháng 12 và tháng 4. Độ ẩm tương đối trung bình ở Hoàng Sa là 80 – 85% và hầu như không bị biến động nhiều theo mùa.
Thảm thực vật của quần đảo Hoàng Sa rất đa dạng. Có đảo cây cối um tùm, nhưng có đảo chỉ có các cây nhỏ và cỏ dại. Thực vật phần lớn thuộc các loài có nguồn gốc ở miền duyên hải Việt Nam.
Hải sản ở quần đảo Hoàng Sa có nhiều loài quý như: tôm hùm, hải sâm, đồi mồi, vích, ốc tai voi,… và loại rau câu quý hiếm, rất có giá trị trên thị trường quốc tế.
2. Các nhóm đảo chính của quần đảo Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa gồm hai cụm đảo chính là nhóm Lưỡi Liềm ở phía tây và nhóm An Vĩnh ở phía đông.
a. Nhóm đảo Lưỡi Liềm
Nhóm đảo này có hình cánh cung hay lưỡi liềm, nằm về phía tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam, gồm 8 đảo chính là Đá Bắc, Hoàng Sa, Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang ảnh, Quang Hòa, Bạch Quy, Tri Tôn và các bãi ngầm, mỏm đá.
– Đảo Đá Bắc có tọa độ địa lý 17006 vĩ độ Bắc và 111030,8 kinh độ Đông.
– Đảo Hoàng Sa nằm ở tọa độ 16032 vĩ độ Bắc và 111036,7 kinh độ Đông, có hình bầu dục, độ cao khoảng 9 m, diện tích khoảng 0,5 km2, dài khoảng 950 m, rộng khoảng 650 m, có vòng san hô bao quanh. Tuy không phải là đảo lớn nhất nhưng Hoàng Sa là đảo chính của quần đảo, có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ bờ biển Việt Nam. Trên đảo Hoàng Sa từng có bia chủ quyền của Việt Nam với dòng chữ khắc trên bia: République Francaise – Royaune d’An Nam – Arehipel des Paracels – 1816 – Ile de pattle 1938 (Cộng hòa Pháp – Vương triều An Nam – Quần đảo Hoàng Sa 1816 – đảo Hoàng Sa 1938). Ngoài ra, trên đảo còn có Miếu Bà, một số ngôi mộ của binh lính ra canh đảo bị chết tại đây.
– Đảo Hữu Nhật nằm về phía nam và cách đảo Hoàng Sa 3 hải lý, ở tọa độ 16030,3 vĩ độ Bắc và 111035,3 kinh độ Đông, dáng đảo hình tròn, đường kính 800 m, độ cao 8 m, diện tích 0,6 km2, có vòng đai san hô bao ngoài, giữa là vùng biển lặng.
– Đảo Duy Mộng nằm về phía đông nam đảo Hữu Nhật và phía đông bắc đảo Quang Hòa ở tọa độ 16027,6 vĩ độ Bắc và 111044,4 kinh độ Đông, do san hô cấu tạo thành, bãi san hô nằm xa đảo, nhô lên khỏi mặt nước khoảng 4 m, có hình bầu dục, diện tích 0,5 km2.
– Đảo Quang Hòa nằm ở tọa độ 16026,9 vĩ độ Bắc và 111042,7 kinh độ Đông, do san hô cấu tạo thành, là đảo lớn nhất trong nhóm đảo Lưỡi Liềm, diện tích gần 0,5 km2, trên đảo có nhiều cây cối, xung quanh đảo là một bãi san hô màu vàng nhạt, nhô ra rất xa đảo, nối với một số đảo nhỏ khác thành đảo Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây.
– Đảo Quang ảnh nằm ở tọa độ 16027 vĩ độ Bắc và 111030,8 kinh độ Đông do san hô cấu tạo thành, độ cao 6 m. Chung quanh đảo là bờ biển có nhiều đá ngầm sắc nhọn rất nguy hiểm, tàu lớn không thể thả neo gần đảo mà phải neo ở ngoài khơi, muốn vào phải sử dụng thuyền nhỏ. Đảo có hình bầu dục, diện tích khoảng 0,7 km2.
– Đảo Bạch Quy nằm ở tọa độ 16003,5 vĩ độ Bắc và 111046,9 kinh độ Đông, với độ cao 15 m thì đây là đảo có độ cao lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa.
– Đảo Tri Tôn nằm ở tọa độ 15047,2 vĩ độ Bắc và 111011,8 kinh độ Đông, nằm ở gần bờ biển Việt Nam nhất, có nhiều hải sâm, ba ba. San hô ở đây phát triển mạnh và đa dạng.
Ngoài ra, nhóm Lưỡi Liềm còn có một số đảo nhỏ, mỏm đá và bãi như: Đảo ốc Hoa, đảo Ba Ba, đảo Lưỡi Liềm, đá Hải Sâm, đá Lồi, đá Chim én, bãi Xà Cừ, bãi Ngự Bình, bãi ngầm ốc Tai Voi…
b. Nhóm đảo An Vĩnh
Nằm ở phía đông, bao gồm các đảo tương đối lớn của quần đảo Hoàng Sa và cũng là các đảo san hô lớn nhất của Biển Đông như đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Trung, đảo Bắc, đảo Nam, đảo Đá…
– Đảo Phú Lâm nằm ở tọa độ 16050,2 vĩ độ Bắc và 112020 kinh độ Đông, là đảo quan trọng nhất của cụm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa. Đảo có chiều dài 1,7 km, chiều ngang 1,2 km.
– Đảo Cây nằm ở tọa độ 16059 vĩ độ Bắc và 112015,9 kinh độ Đông.
– Đảo Linh Côn có tọa độ 16040,3 vĩ độ Bắc và 112043,6 kinh độ Đông, cao khoảng 8,5 m, trên đảo có nước ngọt. Vùng san hô bao quanh đảo kéo dài về phía nam đến 15 hải lý.
– Đảo Trung (còn gọi là đảo Giữa) nằm ở tọa độ 16057,6 vĩ độ Bắc và 112019,1 kinh độ Đông.
– Đảo Bắc nằm ở tọa độ 16058 vĩ độ Bắc và 112018,3 kinh độ Đông.
– Đảo Nam nằm ở tọa độ 16057,0 vĩ độ Bắc và 112019,7 kinh độ Đông.
– Đảo Đá nằm ở tọa độ 16050,9 vĩ độ Bắc và 112020,5 kinh độ Đông, diện tích 0,4 km2.
Ngoài ra, nhóm An Vĩnh còn có nhiều mỏm đá, cồn cát và bãi như: đá Trương Nghĩa, đá Sơn Kỳ, đá Trà Tây, đá Bông Bay, bãi Bình Sơn, bãi Đèn Pha, bãi Châu Nhai, cồn Cát Tây, cồn Cát Nam, Hòn Tháp, bãi cạn Gò Nổi, bãi Thủy Tề, bãi Quang Nghĩa.
DANH SÁCH VÀ VỊ TRÍ ĐỊA LÝ CÁC ĐẢO, ĐÁ, BÃI Ở QUẦN ĐẢO HOÀNG SA
STT | Tên gọi | Tọa độ địa lý | |
Vĩ độ Bắc | Kinh độ Đông | ||
1 | Đảo Đá Bắc | 17006,0 | 111030,8 |
2 | Đảo Hoàng Sa | 16032,0 | 111036,7 |
3 | Đảo Hữu Nhật | 16030,3 | 111035,3 |
4 | Đảo Duy Mộng | 16027,6 | 111044,4 |
5 | Đảo Quang Hòa | 16026,9 | 111042,7 |
6 | Đảo Quang ảnh | 16027,0 | 111030,8 |
7 | Đảo Bạch Quy | 16003,5 | 111046,9 |
8 | Đảo Tri Tôn | 15047,2 | 111011,8 |
9 | Bãi ngầm ốc Tai voi | 15044,0 | 112014,1 |
10 | Đảo ốc Hoa | 16034,0 | 111040,0 |
11 | Đảo Ba Ba | 16033,8 | 111041,5 |
12 | Đảo Lưỡi Liềm | 16030,5 | 111046,2 |
13 | Đá Hải Sâm | 16028,0 | 111035,5 |
14 | Đá Lồi | 16015,0 | 111041,0 |
15 | Đá Chim én | 16020,8 | 112002,6 |
16 | Bãi Xà Cừ | 16034,9 | 111042,9 |
17 | Bãi Ngự Bình | 16027,5 | 111039,0 |
18 | Đào Phú Lâm | 160 50,2 | 112020,0 |
19 | Đảo Linh Côn | 16040,3 | 112043 ,6 |
20 | Đảo Cây | 16059,0 | 112015,9 |
21 | Đảo Trung | 16057,6 | 112019,1 |
22 | Đảo Bắc | 160 58,0 | 11201 8,3 |
23 | Đảo Nam | 160 57,0 | 1120 19,7 |
24 | Đảo Đá | 16050,9 | 112020,5 |
25 | Đá Trương Nghĩa | 16058,6 | 112015,4 |
26 | Đá Sơn Kỳ | 16034,6 | 111041,0 |
27 | Đá Trà Tây | 16032,8 | 111042,8 |
28 | Đá Bông Bay | 16002,0 | 112030,0 |
29 | Bãi Bình Sơn | 16046,6 | 112013,2 |
30 | Bãi Đèn Pha | 16032,0 | 111036,9 |
31 | Bãi Châu Nhai | 16019,3 | 112025,4 |
32 | Cồn Cát Tây | 16058,9 | 112012,3 |
33 | Cồn Cát Nam | 16055,6 | 112020,5 |
34 | Hòn Tháp | 16034,8 | 112038,6 |
35 | Bãi cạn Gò Nổi | 16049,7 | 112053,4 |
36 | Bãi Thủy Tề | 16032,0 | 112039,9 |
37 | Bãi Quang Nghĩa | 16019,4 | 112041,1 |
(Nguồn tham khảo: 99 Câu hỏi – đáp về biển đảo, NXB Chính trị Quốc Gia – Sự Thật, 2014)