Trang chủ Marketing Xác định và lựa chọn thị trường trọng điểm

Xác định và lựa chọn thị trường trọng điểm

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 393 views

Xác định thị trường trọng điểm là quá trình phân tích thị trường từ khái quát đến chi tiết nhằm xác định được các nhóm khách hàng với nhu cầu cụ thể về sản phẩm và cách thức thỏa mãn nhu cầu của họ. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp, có thể thực hiện những bước đi khác nhau để đạt đến thị trường trọng điểm. Nhưng về nguyên tắc, có thể hình dung các bước đi cơ bản khi xác định thị trường trọng điểm qua sơ đồ sau:

Bước 1: Nghiên cứu thị trường rộng

Nhằm đảm bảo nhận dạng toàn diện các cơ hội có thể xuất hiện trên thị trường để không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Thị trường rộng được hiểu là thị trường có giới hạn địa lý chưa được xác định cụ thể bao gồm toàn bộ các loại nhu cầu khác nhau của các nhóm khách hàng trong mối liên hệ với tất cả các loại sản phẩm và cách thức có thể đáp ứng.

Thông qua nghiên cứu thị trường rộng, cần xác định:

  • Loại nhu cầu của khách hàng sẽ được chọn để đáp ứng.
  • Giới hạn địa lý (không gian) – độ rộng của thị trường doanh nghiệp theo tiêu thức địa lý.
  • Loại sản phẩm có thể thỏa mãn loại nhu cầu đã xác định.

Bước 2: Phân tích thị trường sản phẩm chung

Nhằm cụ thể hóa cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Thị trường sản phẩm chung được hiểu là các nhóm khách hàng có cùng loại nhu cầu trong mối liên hệ với loại sản phẩm và cách thức thỏa mãn loại nhu cầu đó.

Phân tích thị trường sản phẩm chung để xác định:

  • Nhu cầu cụ thể của khách hàng sẽ được chọn để đáp ứng.
  • Dòng sản phẩm được đưa ra đáp ứng.

Bước 3: Phân tích thị trường sản phẩm

Nghiên cứu chi tiết hơn nữa nhu cầu cụ thể và dòng sản phẩm.

Thị trường sản phẩm liên quan đến các nhóm khách hàng với nhu cầu cụ thể của họ và dòng sản phẩm cùng cách thức thỏa mãn các nhu cầu đó.

Kết quả của bước này cần đạt được là:

  • Nhu cầu chi tiết của khách hàng.
  • Sản phẩm cơ bản và cách thức thỏa mãn nhu cầu chi tiết.

Bước 4: Phân đoạn thị trường, xác định các thị trường thành phần

Nhiệm vụ của bước 4 là sử dụng kỹ thuật phân đoạn thị trường (phân khúc thị trường ) để tìm ra được các nhóm khách hàng (các phân đoạn/phân khúc thị trường ) có nhu cầu hoàn toàn đồng nhất để làm cơ sở cho việc thiết kế, lựa chọn và đưa ra các sản phẩm hoàn thiện (sản phẩm có khả năng đáp ứng khách hàng đến mức độ chi tiết) thỏa mãn họ ở bước 5.

Phân đoạn thị trường

Dựa trên các kết quả đã được xác định ở bước 1 và 3 (giới hạn địa lý của thị trường và sản phẩm cơ bản), toàn bộ các khách hàng có liên quan sẽ được chia ra và sắp xếp vào các nhóm khác nhau. Mỗi nhóm khách hàng này được gọi là một phân đoạn của thị trường hay một thị trường thành phần. Đặc điểm và yêu cầu đặt ra khi chia nhóm khách hàng, xác định các phân đoạn:

– Nhu cầu và hành vi ứng xử của các thành viên thuộc các nhóm khác nhau (các phân đoạn khác nhau) phải có sự khác biệt đủ lớn.

– Số lượng khách hàng (qui mô) của mỗi nhóm phải đủ lớn để đạt đến hiệu quả khi khai thác cơ hội kinh doanh.

– Lựa chọn chính xác tiêu thức phản ánh sự khác biệt của nhu cầu khách hàng khi sử dụng sản phẩm cơ bản/yếu tố cơ bản hình thành nên sự khác biệt nhu cầu của khách hàng nhằm xác định đặc điểm cụ thể của từng nhóm khách hàng.

– Có thể mô tả bằng hình ảnh thị trường và các phân đoạn thị trường:

Các tiêu thức thường được sử dụng để phân đoạn thị trường:

– Nhóm các tiêu thức có tính khái quát:

+ Các tiêu thức phản ánh nhu cầu theo đặc điểm dân cư: độ tuổi, giới tính, học vấn, nghề nghiệp, thu nhập, số người trong gia đình… đặc điểm kỹ nghệ của doanh nghiệp, tầm cỡ của doanh nghiệp…

+ Các tiêu thức phản ánh nhu cầu theo lối sống (đặc điểm tâm lý của khách hàng): thái độ, sở thích, quan điểm của người tiêu thụ…

+ Các tiêu thức phản ánh nhu cầu theo mức tiêu thụ: tiêu thụ nhiều, tiêu thụ trung bình, tiêu thụ ít, không tiêu thụ.

+ Các tiêu thức phản ánh nhu cầu theo dạng có ích của sản phẩm: giá cả, địa điểm, thời gian, tính năng, công dụng và đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm, dịch vụ…

+ Các tiêu thức phản ánh nhu cầu theo vùng địa lý: theo các khu vực địa lý nằm trong giới hạn địa lý của thị trường đã xác đinh trong bước 1.

– Nhóm các tiêu thức chi tiết

Các tiêu thức chi tiết phản ánh nhu cầu của khách hàng là cơ sở quan trọng trong marketing hỗn hợp (đặc biệt là tham số sản phẩm và xúc tiến) để có thể tạo nên sự khác biệt với các sản phẩm tương tự (sản phẩm cơ bản) dưới con mắt của khách hàng.

Bước 5: Quyết định thị trường và cách tiếp cận

Sau khi đã có kết quả phân đoạn – xác định được các nhóm khách hàng có nhu cầu khác biệt trên thị trường, doanh nghiệp cần xác định thị trường mục tiêu của mình. Thị trường mục tiêu có thể là một hay một số trong các phân đoạn thị trường đã được xác định ở bước 4. Số phân đoạn thị trường được lựa chọn làm thị trường mục tiêu phải phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và hợp thành thị trường thích hợp của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đặc trưng nhu cầu của các khách hàng trong từng thị trường mục tiêu, doanh nghiệp có thể lựa chọn, chế tạo sản phẩm hoàn thiện và cách thức phù hợp để đưa ra đáp ứng nhu cầu của khách hàng trọng điểm.

Để thực hiện nội dung này có thể sử dụng một trong ba cách tiếp cận thị trường trọng điểm sau:

– Tiếp cận thị trường trọng điểm đơn gián:

+ Chọn một trong số các thị trường thành phần làm thị trường mục tiêu.

+ Xây dựng marketing hốn hợp cho riêng thị trường này.

– Tiếp cận thị trường trọng điểm phức tạp

+ Chọn hai hoặc nhiều hơn trong các thị trường thành phần làm thị trường mục tiêu.

+ Xây dựng marketing hỗn hợp cho từng thị trường mục tiêu đã lựa chọn.

– Tiếp cận thị trường trọng điểm chấp nhận được

+ Chọn hai hoặc nhiều hơn trong số các thị trường thành phần làm thị trường mục tiêu.

+ Ghép các thị trường thành phần đã lựa chọn vào thành một thị trường tương đối đồng nhất.

+ Xây dựng marketing hỗn hợp chung cho thị trường ghép.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net