Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Luồng hành khách là gì? Quy luật biến động luồng hành khách

Luồng hành khách là gì? Quy luật biến động luồng hành khách

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 792 views

Luồng hành khách và phương pháp nghiên cứu luồng hành khách.

XEM: Hành khách là gì?

1. Luồng hành khách và các yếu tố ảnh hưởng tới luồng hành khách

a. Khái niệm 

Luồng hành khách: Là số lượng hành khách theo một hướng, luồng hành khách có thể là luồng hành khách thường xuyên hoặc luồng hành khách không thường xuyên, luồng hành khách một chiều hoặc hai chiều. Luồng hành khách phản ánh số lượng hành khách theo từng đoạn và cả hành trình trong một đơn vị thời gian.

Khối lượng vận chuyển: Là số lượng hành khách vận chuyển theo từng hành trình trong thời gian xác định (ngày, tháng, năm).

Lượng luân chuyển: Là chỉ tiêu phản ánh công tác vận tải là tích số của khối lượng vận chuyển và cự ly (độ dài) bình quân chuyến đi của hành khách.

b. Các yếu tố ảnh hưởng tới luồng hành khách

Các yếu tố ảnh hưởng tới luồng hành khách rất đa dạng (trực tiếp, gián tiếp, tác động nhiều, tác động ít), có yếu tố có thể lượng hoá được, có yếu tố khó lượng hoá được. Có thể chia các yếu tố ảnh hưởng đến luồng hành khách thành 4 nhóm:

  • Nhóm kinh tế xã hội: Mức sống vật chất của các nhóm dân cư khác nhau, khả năng mua sắm phương tiện cá nhân như: ô tô, xe máy; khả năng tiếp cận đối với vận tải hành khách công cộng…
  • Nhóm lãnh thổ: Số dân trong vùng lãnh thổ, mật độ dân cư, phân bố dân cư, phân bố những cơ sở sản xuất, kinh tế, văn hoá, đời sống của vùng…
  • Nhóm tổ chức: Mật độ mạng lưới hành trình, loại hình vận tải, tần suất chạy xe, chất lượng phục vụ hành khách, chi phí thời gian cho chuyến đi…
  • Nhóm thời tiết khí hậu: Mưa nắng, mùa hè, mùa đông…

Để biết được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố riêng biệt thông thường sử dụng các phương pháp toán kinh tế trên cơ sở số liệu về đặc trưng quy luật biến động của luồng hành khách.

2. Quy luật biến động luồng hành khách

a. Quy luật biến động theo thời gian

* Biến động của luồng hành khách theo giờ trong ngày

Sự biến động này tạo nên giờ cao điểm, giờ thấp điểm, giờ bình thường. Biết được quy luật này giúp cho việc lựa chọn sức chứa xe hợp lý, xác định được nhu cầu đi lại của hành khách theo giờ trong ngày để xác định tần suất chạy xe hợp lý, lập thời gian biểu cho từng hành trình.

Các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi luồng hành khách theo giờ trong ngày bao gồm: Thời gian bắt đầu và kết thúc ca làm việc của các đơn vị sản xuất, đơn vị hành chính sự nghiệp, trường học, mạng lưới thương nghiệp, văn hoá, đời sống. Chế độ làm việc của các phương thức vận tải khác nhau: Đường sắt, đường thuỷ, hàng không; mục đích của các chuyến đi (đi làm, đi học, đi mua bán, thưởng thức văn hoá), ngoài ra còn có những yếu tố khác như tổ chức triển lãm, thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật…

Biến động luồng hành khách theo giờ trong ngày tạo ra giờ cao điểm, nó có liên quan tới giờ bắt đầu và kết thúc làm việc, chúng khác nhau giữa hướng đi và hướng về. Để đánh giá biến đổi luồng hành khách theo giờ trong ngày dùng hệ số không đồng đều theo giờ Kgi là tỷ số giữa số lượng hành khách của giờ lớn nhất trong ngày với số lượng hành khách bình quân trong một giờ.

Kgi =Qmax / QTB

Sự biến động của luồng hành khách theo giờ trong ngày của những ngày làm việc và những ngày nghỉ (chủ nhật, lễ, tết) không giống nhau. Vì vậy, thời gian biểu chạy xe không giống nhau giữa ngày làm việc và ngày nghỉ.

* Biến động luồng hành khách theo ngày trong tuần và theo tháng trong năm

Luồng hành khách biến động theo ngày trong tuần phụ thuộc vào: Chế độ làm việc của các cơ quan xí nghiệp, hệ thống thương nghiệp văn hoá đời sống và chế độ làm việc của các phương thức vận tải khác.

Những đơn vị có chế độ làm việc liên tục (không nghỉ ngày chủ nhật), các đơn vị khác có ngày nghỉ trong tuần cố định thì các chuyến đi làm giảm rõ rệt, còn các chuyến đi với mục đích khác (sinh hoạt văn hoá…) tăng lên rõ rệt. Nhìn chung luồng hành khách trong thành phố giảm vào ngày nghỉ và giờ cao điểm cũng thay đổi cả chiều đi và chiều về.

Luồng hành khách cũng thay đổi theo các tháng trong năm. Sự thay đổi này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Điều kiện kinh tế, địa lý, phong tục tập quán, thời tiết, khí hậu, các loại hình vận tải, trạng thái đường sá, độ dài một chuyến đi của hành khách, mạng lưới hành trình…

Các luồng hành khách trong thành phố sự biến động theo tháng trong năm không rõ nét. Luồng hành khách ngoại ô và liên tỉnh khối lượng hành khách tăng vào những tháng hè và dịp tết, đồng thời với việc tăng chiều dài chuyến đi bình quân tăng là do các nhu cầu đi tham quan, nghỉ mát, du lịch, trẩy hội, thăm viếng gia đình…

Dựa vào biến động hành khách theo các tháng trong năm để xác định nhu cầu về phương tiện, mở thêm những tuyến mới trong thời gian cao điểm (trẩy hội, du lịch, tắm biển) tăng chuyến đi vào dịp lễ tết, quốc khánh, kỳ thi đại học…

b. Quy luật biến động luồng hành khách theo không gian (theo chiều dài hành trình và theo hướng)

Nghiên cứu sự biến động luồng hành khách theo không gian có ý nghĩa rất quan trọng trong tổ chức vận tải hành khách. Biến động theo không gian bao gồm biến động luồng hành khách theo chiều và theo điểm đỗ.

* Biến động luồng hành khách theo chiều

Luồng hành khách thay đổi theo hai chiều có khối lượng hành khách khác nhau, quy luật biến động này thường kèm theo biến động luồng hành khách theo thời gian.

Ví dụ luồng hành khách chiều từ Hà Nội đi về các tỉnh ở khu vực phía Bắc vào thời điểm trước tết nguyên đán cao hơn chiều từ các tỉnh về Hà Nội và ngược lại. Thông thường do đặc điểm của các chuyến đi của hành khách là đi hai chiều, có đi và có về cho nên trong một khoảng thời gian nào đó thì khối lượng hành khách hai chiều là tương đương.

* Biến động luồng hành khách theo điểm dừng, đỗ

Hành khách không đi từ điểm đầu của hành trình đến cuối hành trình và có thể tập trung ở một số đoạn nhất định.

Biết được biến động luồng hành khách theo chiều dài hành trình giúp cho các đơn vị vận tải hành khách xác định nên kéo dài hay rút ngắn, chia nhỏ hành trình, tổ chức các chuyến xe khác nhau: Bình thường, chạy nhanh, tốc hành…lựa chọn và bố trí xe hoạt động trên hành trình hợp lý, xây dựng các trạm đỗ (cơ sở vật chất) hợp lý.

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]