Vận tải là một quá trình sản xuất, bao gồm nhiều yếu tố hợp thành, mỗi yếu tố là một mắt xích của quá trình sản xuất vận tải. Quá trình sản xuất của vận tải ba công việc được thực hiện liên tiếp: Xếp hàng lên phương tiện (hoặc hành khách lên xe ở điểm đầu) ở địa điểm gửi hàng, vận chuyển hàng hoá (hoặc hành khách) từ điểm gửi đến điểm tiếp nhận, dỡ hàng khỏi phương tiện ở điểm nhận (hành khách xuống xe ở điểm cuối).
1. Các tác nghiệp của quá trình vận tải hàng hoá
a. Tác nghiệp xếp hàng: Bao gồm các công việc
- Chuẩn bị hàng tại nơi giao hàng bao gồm: Phân loại, đóng gói hàng hoá; phân hàng hoá theo luồng tuyến và theo người nhận hàng;
- Xếp hàng lên phương tiện bao gồm: Cân, đong, đo, đếm hàng hoá; kiểm định hàng hoá; chằng buộc hàng và định vị hàng hóa;
- Hoàn thành các thủ tục giấy tờ cần thiết để giao nhận hàng hoá trong quá trình vận tải.
b. Tác nghiệp di chuyển: Bao gồm các công việc
– Lựa chọn phương tiện phù hợp với loại hàng và khối lượng hàng;
– Lập hành trình vận chuyển;
– Đảm bảo an toàn trong vận chuyển hàng hóa bao gồm: An toàn cho phương tiện vận tải; an toàn cho lái xe; an toàn cho hàng hóa; an toàn cho các công trình trên đường và an toàn cho các phương tiện cùng tham gia giao thông trên đường;
– Bản thân quá trình di chuyển hàng hóa được đặc trưng bởi vận tốc kỹ thuật của phương tiện; tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo theo thời gian biểu và biểu đồ vận hành; đảm bảo chất lượng vận tải;
– Công tác cung cấp nguyên, nhiên liệu cho quá trình vận tải như: Xăng, diezen, dầu mỡ.
Các trạm cung cấp xăng dầu dùng để cung cấp cho xe ô tô nhiên liệu khai thác và là doanh nghiệp thương mại, ở các trạm này người ta tiếp nhiên liệu, tra dầu mỡ cho các ô tô, thêm nước vào bộ làm mát và kiểm tra áp suất lốp. Ngoài ra các trạm còn cung cấp vật liệu bôi trơn, dầu giảm chấn, vật tư phụ tùng cho ô tô, trạm cũng cung cấp các dịch vụ ăn uống và làm những tác động kỹ thuật đơn giản cho phương tiện. Các trạm cung cấp xăng dầu cũng phân thành hai loại: Loại trong thành phố và loại trên đường, quy mô của các trạm cung cấp xăng dầu được đo bằng số lượng cung cấp tối đa trong một ngày đêm.
– Công tác đảm bảo tình trạng kỹ thuật của phương tiện để phục vụ cho quá trình vận tải.
c. Tác nghiệp dỡ hàng: Bao gồm các công việc
- Tìm hiểu địa điểm dỡ hàng bao gồm điều kiện đường sá; kho bãi; phương tiện xếp dỡ; điều kiện làm việc nơi dỡ hàng.
- Xác định khối lượng hàng, tỷ lệ và khối lượng hàng hóa hao hụt.
- Dỡ hàng: Tháo hàng, chằng buộc, bạt thùng xe, dỡ hàng.
- Lập hóa đơn giao hàng.
2. Các tác nghiệp của quá trình vận tải hành khách
Với vận tải hành khách bao gồm các tác nghiệp sau đây: Trong vận tải hành khách với các tuyến vận tải ổn định trong thời gian dài phải được sự thỏa thuận giữa hai địa phương của tuyến vận tải, phương tiện và hành trình vận chuyển được xác định phù hợp với nhu cầu vận chuyển hành khách trên tuyến.
a. Tác nghiệp khách lên xe tại bến đầu:
Bao gồm các công việc
- Đưa xe vào vị trí xếp khách tại bến xe;
- Bán vé và thông báo cho hành khách về thời gian, lịch trình xe chạy…;
- Khách lên xe; sắp xếp hành lý, hàng hóa của hành khách trên xe và ổn định chỗ ngồi của hành khách.
b. Tác nghiệp vận chuyển
Tác nghiệp vận chuyển đối với vận tải hành khách giống như vận tải hàng hóa, tuy nhiên đây là việc vận chuyển hành khách cho nên yếu tố an toàn vận chuyển được đặt ra rất chặt chẽ. Ngoài ra đối với vận tải hành khách còn có thêm các việc sau đây: Các điểm dừng đỗ dọc đường để phục vụ cho hành khách lên xuống, ăn nghỉ và giải quyết các nhu cầu cá nhân. Các điểm dừng đỗ đối với vận tải ô tô bao gồm các điểm dừng kỹ thuật và các điểm dừng thông thường khác.
c. Tác nghiệp khách xuống xe ở bến cuối
- Đưa xe vào vị trí trả khách trong bến;
- Xem xét hành lý và hàng hóa của khách (nếu có); – Khách xuống xe.
Tất cả các yếu tố của quá trình vận tải đều diễn ra ở trong không gian (vị trí) và thời gian khác nhau và tạo nên sản phẩm vận tải.