Trang chủ Tâm lý học Stress là gì? Khái niệm, nguyên nhân, biểu hiện, điều trị

Stress là gì? Khái niệm, nguyên nhân, biểu hiện, điều trị

by Ngo Thinh
485 views

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường gặp những hiện tượng được gọi dưới cái tên là chung là stress. Chúng ta không quan niệm mọi stress đều xấu, song những stress bệnh lý không thể không có tác hại đối với các hoạt động tâm lý, sinh lý và tập tính, thậm chí còn liên quan đến bệnh lý tâm lý và thực thể của con người. Cơ chế sinh bệnh và biểu hiện lâm sàng của rối loạn stress rất đa dạng và phức tạp. Những vấn đề cơ bản của stress như: phản ứng thích nghi và phản ứng bệnh lý của cơ thể trước các yếu tố gây stress; những yếu tố hỗ trợ cho stress; phản ứng thần kinh – thể dịch của cơ thể với stress; biểu hiện lâm sàng của stress v.v. đang ngày được nghiên cứu một cách đầy đủ.

Stress không chỉ là đối tượng nghiên cứu của y học mà còn là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác như tâm lý học, xã hội học.. ở đây chúng ta tiếp cận vấn đề stress từ góc độ tâm lý y học.

1. Khái niệm về stress

1.1. Những khái niệm ban đầu của stress

Thuật ngữ ban đầu của stress được sử dụng trong vật lý học, để chỉ một sức nén mà loại vật liệu nào đóphải chịu đựng. Sau đó năm 191, Walter Canon đã sử dụng thuật ngữ này trong sinh lý học để chỉ các stress cảm xúc. Năm 1935, ông đã đi sâu nghiên cứu về sự cân bằng nội mô ở động vật có vú khi chúng lâm vào tình huống khó khăn, nhất là khi thay đổi nhiệt độ. Ông cũng mô tả các nhân tố cảm xúc trong quá trình phát sinh, phát triển một số bệnh và xác định vai trò của hệ thần kinh cơ thể đối phó với các tình huống khẩn cấp.

Trong y học, người ta chú ý đến vấn đề là, tại sao những bệnh nhân mắc các bệnh khác nhau lại có những triệu chứng giống nhau. Nhiều tác giả đã mô tả các triệu chứng loét dạ dày và ruột ở những bệnh nhân bị bỏng da( như Svon 1823, Kerling 1842); hoặc ở bệnh nhân sau một phẫu thuật lớn bị nhiễm trùng (như Brillrot – Đức) Viện Pasteur và viện Yersen đã mô tả tuyến thượng thận của chuột lang bị tăng trưởng và xuất huyết khi bị nhiễm bệnh bạch hầu…

Trong đời sống, khái niệm stress được dùng để chỉ các hiện tượng mất sức hoặc kiệt quệ về sức lực sau một thời gian lao động nặng nhọc, kéo dài; sau một thời gian bị nhiễm lạnh hay say nắng, say nóng, bị mất máu nhiều, bị nhiễm trùng nặng, sau những con sợ hãi, cưng thẳng, lo âu hoặc những niềm vui, phấn chấn quá mức chịu đựng của cơ thể.

Rõ ràng là nguyên nhân gây ra các hiện tượng thì khác nhau, nhưng phản ứng của cơ thể đối với chúng thì đều giống nhau. Tất cả phản ứng này đều diễn ra theo ba giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu, con người cảm thấy khó khăn.
  • Giai đoạn hai, con người thích nghi với những khó khăn.
  • Giai đoạn ba, giai đoạn cuối cùng, con người không chịu đựng được nữa.

Ba giai đoạn của phản ứng này giống như một quy luật chung điều hòa tập tính của mọi sinh vật trong điều kiện đặc biệt căng thẳng, giống như một phản ứng thích nghi không đặc hiệu của cơ thể đối với những tác động khác nhau nặng nề, đột ngột của môi trường.

Chính Hán Selye, nhà nghiên cứu Canada, đã phát triển khái niệm Stress hiện đại. Năm 1936, ông đã chiết từ dịch tiết của buồng trứng động vật có sừng một loại hormone và đem tiêm nó cho chuột. Sau khi tiêm một thới gian, chuột có những biểu hiện như:

  • Vỏ tuyến thượng thận tăng trưởng mạnh và chứa một lượng lớn các hạt lipit bài tiết.
  • Tuyến ức, các hạt lympho và các cấu trúc chứa lympho bị teo nhỏ lại.
  • Thành dạ dày, tá tràng, ruột bị loét và chảy máu.

Những thí nghiệm khác đã cho thấy các chất chiết từ tuyến thượng thận, tuyến tụy và một số chất độc cũng gây ra biến đổi tương tự.

Lúc đầu, những biến đổi này được gọi là “ triệu chứng được gây ra bởi các tác nhân khác nhau”. Về sau, chúng được đổi thành “ triệu chứng thích ứng chung”, hay còn gọi là “ triệu chứng stress sinh học”. Và ba biến đổi trên đã trở thành ba chỉ số quan trọng của stress và là cơ sở để phát hiện một khái niệm đầy đủ về stress.

Chỉ cần mỉm cười có thể làm giảm stress, căng thẳng

Chỉ cần mỉm cười có thể làm giảm stress, căng thẳng

1.2. Khái niệm về stress

Trong thực tế, stress là thuật ngữ đôi khi dùng để chỉ một nguyên nhân, một tác nhân gây stress (như tiếng ồn của thành phố, cái nắng nóng, bệnh tật, sự thay đổi chỗ ở…), hoặc đôi khi để chỉ hậu quả của những tác nhân gây kích thích mạnh (như hốt hoảng khi gặp thiên tai nặng nề, sự căng thẳng khi gặp khó khăn trong công việc…) . Như vậy, stress vừa chỉ tác nhân công kích, vừa để chỉ phản ứng của cơ thể trước các tác nhân đó. Hay nói như Hans Selye là mối tương quan giữa tác nhân kích thích và phản ứng cơ thể.

– Stress như một đáp ứng của chủ thể trước một nhu cầu hoặc một sự tương ứng của mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh.

– Stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý, sinh học và tập tính. Stress đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích nghi với môi trường xung quanh, tạo cho cơ thể một cân bằng mới sau khi chịu tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng Stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi.

– Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, tập tính sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài.

2. Các giai đoạn của trạng thái Stress

Theo Selye, phản ứng stress, hay hội chứngg kích ứng chung, được chia thành ba giai đoạn sau;

2.1. Giai đoạn báo động

Đây là giai đoạn biểu hiện bằng những biến đổi đặc trưng của chủ thể khi tiếp xúc với các yếu tố gây stress, như:

  • Các hoạt động tâm lý được kích thích, đặc biệt là quá trình tập trung chú ý, tăng cường quá trình ghi nhớ và tư duy.
  • Những phản ứng chức năng sinh lý của cơ thể như tăng huyết áp, tăng nhịp tim, nhịp thở và trương lực của cơ bắp.

Giai đoạn này có thể diễn ra rất nhanh hoặc kéo dài vài giờ , vài ngày…Chủ thể có thể chết trong giai đoạn này, nếu yếu tố gây stress quá mạnh. Nếu tồn tại được, thì phản ứng chuyển sang giai đoạn thích nghi.

2.2. Giai đoạn thích nghi

Trong giai này, mọi cơ chế thích ứng được động viên để cơ thể chống đỡ và điều hòa các rối loạn. Sức đề kháng của cơ thể tăng lên, con người có thể làm chủ được tình huống stress, lập lại các trạng thái cân bằng nội môi và tạo ra sự cân bằng mới với môi trường. Giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn chống đỡ.

Trong một tình huống stress bình thường, chủ thể đáp ứng lại bằng giai đoạn báo động và giai đoạn chống đỡ.

Nếu giai đoạn chống đỡ tiến triển tốt thì các chức năng tâm lý , sinh lý của cơ thể được phục hồi. Nếu khả năng thích ứng của cơ thể mất dần, thì quá trình phục hồi không xẩy ra và cơ thể chuyển sang giai đoạn kiệt quệ.

2.3. Giai đoạn kiệt quệ

Phản ứng stress trở thành bệnh lý khi tình huống stress hoặc bất ngờ hoặc quá dữ dội, hoặc ngược lại, quen thuộc nhưng lặp đi lặp lại, vượt quá khả năng dàn xếp của chủ thể.Trong giai đoạn kiệt quệ, các biến đổi tâm lý, sinh lý của giai đoạn báo động xuất hiện trở lại, hoặc là cấp tính và tạm thời, hoặc là nhẹ nhàng hơn và kéo dài. Chia stress bệnh lý thành hai giai đoạn như sau:

2.3.1. Stress bệnh lý cấp tính

Những tác nhân gây stress là những tình huống không lường trước có tính chất dữ dội.

Trạng thái stress bệnh lý cấp tính chia thành hai loại

– Các phản ứng cảm xúc cấp xẩy ra nhanh, tức thời.

Trạng thái stress bệnh lý cấp tính thuộc loại này có đặc trưng là chủ thể hưng phấn quá mức về mặt tâm lý và cơ thể. Những biểu hiện cụ thể của trạng thái này như sau: tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật, tăng qua mức phản ứng của các giác quan, rối loạn trí tuệ biểu hiện chủ yếu ở kém khả năng tập trung suy nghĩ, trạng thái lo âu, kích động nhẹ.

Loại phản ứng stress cấp này kéo dài từ vài phút đến vài giờ, rồi mờ nhạt đi, tùy theo tính chất và tiến triển của stress. Sự mờ nhạt càng rõ hơn khi có mặt ngươi khác, làm chủ thể yên tâm và khuây khỏa.

– Những phản ứng cảm xúc cấp tính, xẩy tra chậm.

Các rối loạn xuất hiện chậm. Chủ thể có vẻ như chịu đựng và chống đỡ được tình huống gay stress. Song họ cũng nhận thức được rằng, mình đã bị các tình huống stress xâm chiếm.

Cơ thể tiếp tục chống đỡ, nhưng chỉ tạo được một cân bằng không bền vững, kéo dài trong vài giờ hoặc vài giây. Sau đó đột nhiên xuất hiện một phản ứng stress cấp tính, diễn ra chậm. Biểu hiện và tiến triển của nó cũng như phản ứng cảm xúc cấp, diễn ra tức thời. Điều này chứng tỏ chủ thể không còn có thể dàn xếp được với tình huống stress về mặt tâm lý nữa. Chủ thể bị suy sụp và mất bù một cách chậm chạp.

2.3.2. Stress bệnh lý kéo dài

– Sự hình thành stress bệnh lý kéo dài: Thường được hình thành từ các tình huống quen thuộc, lặp đi lặp lại như trong những trường hợp xung đột, không toại nguyện, hoặc gặp những phiền nhiễu trong đời sống hàng ngày…

– Đôi khi được hình thành từ các tình huống stress bất ngờ và dữ dội sau một phản ứng cấp và không thoái lui hoặc sau một loạt các phản ứng cấp thoáng qua.

– Biểu hiện của stress bệnh lý kéo dài

+ Các biểu hiện về biến đổi tâm lý, tâm thần: dễ nổi cáu, có cảm giác khó chịu, căng thẳng về tâm lý, mệt mỏi về trí tuệ, rối loạn về giấc ngủ…

+ Các biểu hiện cơ thể: Suy nhược kéo dài, đánh trống ngực, đau vùng trước tim, huyết áp tăng không ổn định, nhức đầu, đau nửa đầu…

+ Các biểu hiện về tập tính: Có thể ức chế hoặc kích thích những hành vi của con người.

Những rối loạn chức năng thích nghi của tập tính được biểu hiện ở những rối loạn hành vi.

+ Trạng thái trầm cảm: Khi những tình huống stress kéo dài dai dẳng người bệnh xuất hiện tình trạng lo âu kéo dài và hạn chế các hoạt động bình thường của họ

Tóm lại, khi nằm trong tình huống stress, con người có phản ứng stress, hoặc là phản ứng stress bình thường mang tính thích nghi, hoặc stress bệnh lý. Chúng ta cần chú ý những biến đổi về tâm lý, cơ thể và về tập tính khi có phản ứng stress bệnh lý cấp tính hay kéo dài.

3. Một số dạng đặc biệt của phản ứng stress (triệu chứng)

a. Trạng thái stress sau sang chấn

Đây là một thể đặc biệt của trạng thái phản ứng stress. Sự xuất hiện của nó liên quan đến một phản ứng stress diễn ra chậm, sau khi bị chấn thương bất ngờ và trầm trọng. Nếu bệnh không thuyên giảm một cách tự phát (ít khi xẩy ra) hoặc do điều trị, thì sẽ tiến triển thành những rối loạn kéo dài với các đặc trưng như sau

– Các triệu chứng đặc hiệu bao gồm:

+ Sự giật mình một cách tự phát hay do một tiếng động bất kỳ gây ra và chủ thể thực hiện một phóng lực vận động và cảm xúc.

+ Hội chứng sống lại các cảm giác ở trong tình huống stress lúc ban ngày hoặc ban đêm.

+ Hội chứng trì trệ với biểu hiện chủ yếu là giảm khả năng hoạt động trí tuệ và vận động.

– Các triệu chứng không đặc hiệu:

+ Các triệu chứng giống lo âu, ám ảnh sơ hoặc ám ảnh ý nghĩ.

+ Các triệu chứng trầm cảm như trong trạng thái suy nhược nặng.

b. Các rối loạn thích nghi

Bao gồm các rối loạn về tâm thần, cơ thể và tập tính, thường kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo thành sự rối loạn quá trinh thích nghi của chủ thể. Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn thích nghi đã được Hiệp hội các nhà tâm thần Mỹ nêu ra năm 1994 như sau:

+ Chủ thể xuất hiện phản ứng trong vòng ba tháng sau tác động của một hoặc một số tác nhân tố gây stress tâm lý – xã hội.

+ Tính chất không thích nghi của phản ứng biểu hiện trong các dấu hiệu sau:

  • Có sự tổn thương trong công tác, học tập hoặc trong các hoạt động, quan hệ thông thường.
  • Sự đáp ứng với các nhân tố stress tăng quá mức bình thường và chủ thể không thể dự đoán trước được kết cục của nó.
  • Có những rối loạn khác không đơn thuần như một phản ứng tăng quá mức thông thường đối với các nhân tố gây stress va cũng không phải là một cơn kịch phát của một trong những triệu chứng rối loạn tâm thần.
  • Phản ứng không thích nghi không tồn tại quá 6 tháng.
  • Có những rối loạn không phù hợp với các tiêu chuẩn của bất kỳ dạng rối loạn tâm thần đặc hiệu nào và không phải là biểu hiện của một trạng thái khó chịu, song không gây ra bất kỳ biến chứng nào.

4. Các thành phần tham gia phản ứng stress (nguyên nhân stress)

4.1. Tình huống stress

Sống trong môi trường tự nhiên và xã hội, con người luôn luôn chịu đựng những tác động của yếu tố môi trường. Song có những kích thích đối với người này thì gây ra phản ứng stress, đối với người khác thì không; ngay đối với một người, trong hoàn cảnh này thì tác nhân có thể gây ra stress, trong hoàn cảnh khác thì lại không. Có người may mắn ít phải đương đầu với các tình huống gây stress bất thường, không lường trước ( như một thảm họa, một sự tấn công…), song họ lại phải đương đầu với những tác động của sự gò bó, khó khăn hay xung đột lặp đi lặp lại trong cuộc sống gia đình, trong công việc…Trước cùng một hoàn cảnh như nhau, mỗi người lại có phản ứng khác nhau. Rõ ràng, là một yếu tố môi trường, muốn kích thích để chủ thể có phản ứng stress, thì kích thích đó phải nằm trong tình huống stress.

Tác động của tình huống stress phụ thuộc vào thời điểm gây ra stress, vào cường độ, thời gian lâu hay mau, mức độ bất ngờ, số lần lặp lại và phụ thuộc vào tín chất của stress. Những thông số này đặc trưng cho biến cố và là những yếu tố quan trọng. Song trong thực tế còn có những yếu tố quan trọng hơn, đóng vai trò chủ yếu của phản ứng stress, đó là là khả năng đáp ứng cũng như khả năng làm chủ tình huống stress của chủ thể..

Chúng ta cũng có khi gặp những phản ứng stress bệnh lý xuất hiện do đè nén bên trong, sau khi chủ thể đánh giá sai tình huống và đánh giá khá cao khả năng của mình. Trong công việc, có thể xẩy ra sự không tương xứng giữa một bên là yêu cầu công việc và một bên là khả năng của chủ thể, do đó đua đến quá tái về tâm lý. Đây là đựoc xem như một nhân tố bên ngoài của stress bệnh lý.

Trái lại, có những tình huống gây ra sự mất thích nghi do lúc đó chủ thể không phải đem hết khả năng của mình ra làm việc, nên đã gây ra sự dưới tải về tâm lý. Đây cũng xem như là một nhân tố bên trong gây ra stress bệnh lý, do thiếu cân đối giữa nhu cầu, nguyện vọng và sự đáp ứng của chủ thể.

4.2. Hoàn cảnh xung quanh

Hoàn cảnh xung quanh, nhất là hoàn cảnh xã hội, đã chi phối, điều chỉnh mạnh mẽ các khó khăn, các biến cố gây ra stress. Sự nâng đỡ của những người xung quanh, sự đầu tư của các hoạt động nghề nghiệp…sẽ là những nhân tố bảo vệ chủ thể và giúp họ đương đầu với hoàn cảnh stress. Ngược lại, một hoạt động nghề nghiệp ít được đầu tư chủ thể lại luôn luôn có mối lo ngại bị sa thải, thất nghiệp, hoặc có nhiều khó khăn về gia đình đều là những tình huống gây stress.

4.3. Nhân cách của chủ thể

Nhân cách của chủ thể có vai trò hàng đầu trong quá trình thích nghi. Tất cả những nét tính cách như: cảm xúc không ổn định, khó làm chủ cảm xúc, lo âu có xu hướng bị kịch hóa các tình huống, đề cao những khó khăn hoặc đánh giá quá thấp khả năng của bản thân…đều gây khó khăn cho chủ thể khi phải đối phó với các tình huống stress. Trái lại, có một số chủ thể có tính cách mềm yếu, song có khi họ lại đương đầu được với những tình huống stress khó khăn, bất ngờ, dữ dội hơn nhiều so với những tình huống stress hàng ngày. Những người này có một khả năng thích nghi đáng kể.

Các loại nhân cách sau đây thường dễ bị tổn thương trong tình huống stress:

  • Nhân cách không ổn định về cảm xúc, với tính xung động và thiếu tự chủ.
  • Nhân cách phân lý, với biểu lộ cảm xúc quá mức và tính ám thị cao.
  • Nhân cách suy nhược tâm thần, dễ bị ám ảnh, thụ động, hoài nghi.
  • Nhân cách lo âu, tránh né, với nét đặc trưng là căng thẳng cảm xúc, e sợ, ngại giao tiếp..
  • Nhân cách lệ thuộc, với biểu hiện chủ yếu là thụ động, bất lực và tìm nơi nương tựa.

4.4. Những tập tính của chủ thể

Chúng ta có thể chia tập tính của chủ thể thành hai nhóm, theo đáp ứng với tình huống stress

– Nhóm A – những tập tính có nguy cơ

Tập tính A được đặc trưng bởi ba tính chất chủ yếu là: chủ thể nhanh chóng trong hành động; quan tâm đến nghề nghiệp một cách rõ rệt; có tinh thần cạnh tranh và chiến đấu trên cơ sở đòi hỏi của sự chịu trách nhiệm, sự cố gắng và sự thành công. Các chủ thể này thường ít nhiều có ý thức tìm kiếm một sự đương đầu với với những tình huống stress có tính chất lặp đi lặp lại.

– Nhóm B – những tập tính có bảo vệ

Những chủ thể loại B có tập tính ngược lại với những người loại A và họ thường là những người chịu đựng. Trước những khó khăn, họ thường có phản ứng quá mức về mặt tập tính và về mặt sinh học. Do đó, tập tính nhóm B được xem như nhân tố bảo vệ trong một số tình huống stress.

Những chủ thể mang tập tính nhóm B có ba đặc trưng sau: có thái độ tự chủ trong các tình huống stress, có tinh thần trách nhiệm trong phạm vi những vấn đề liên quan đến cuộc sống và có khả năng thích nghi một cách mềm dẻo trước những thay đổi bất thường. Họ thích nghi với những thay đổi của môi trường và cảm thấy chúng không có gì là đe dọa.Như vậy, các tập tính chịu đựng là một nhân tố thích nghi và bảo vệ chủ thể trong các tính huống stress.

4.5. Sự nhạy cảm của chủ thể

Khi xẩy ra tình huống đe dọa, bất ngờ, không kiểm soát được và thậm chí có khi nguy hiểm đến tính mạng, thì trong chủ thể xuất hiện tượng nhạy cảm. Khi hồi tưởng lại các biến cố, chủ thể có thể có những phản ứng quá mức như phản ứng lo âu cấp và trạng thái ám ảnh sợ…Những phản ứng giật mình của những bệnh nhân bị bệnh tâm căn sau sang chấn có thể giải thích được bằng sự nhạy cảm này.

Những hiện tượng nhạy cảm cũng có thể xuất hiện trong các tình huống stress hàng ngày như chủ thể giảm sức chịu đựng khi gặp các tình huống stress nghề nghiệp, khi gặp các tình huống xung đột với cấp trên.

Những chủ thể nhạy cảm thường ít đương đầu với các tình huống stress và có biểu hiện sớm hơn, dễ dàng hơn những triệu chứng stress bệnh lý.

5. Chiến lược điều chỉnh và kiểm soát stress

Trong chiến lược thích nghi, chủ thể huy động nhiều nhân tố khác nhau để đối phó trước các tình huống stress.

Gặp tình huống xẩy ra, nếu phép thử làm chủ tình huống của chủ thể diễn ra một cách dễ dàng, thì họ sẽ nhanh chóng đưa ra một chiến lược phù hợp với khả năng của mình để đối phó với tình huống và sự thành công của chiến lược sẽ hầu như chắc chắn. Sự đáp ứng stress về mặt tâm lý, sinh lý sẽ thích hợp, chủ thể sẽ ít tốn công sức và sự đáp ứng stress xem như bình thường. Trong những trường hợp như vậy, khả năng kiểm soát và thích nghi dễ dàng với tình huống stress của chủ thể là nhân tố trung tâm của chiến lược thích nghi.

Khi gặp một tình huống stress đòi hỏi sự nổ lực cao độ mới kiểm soát được, thì phản ứng stress của chủ thể phải vượt qua mức độ của một phản ứng với tinh huống đánh giá là không kiểm soát được, thậm chí nguy hiểm, làm cho chủ thể không đối phó được hoặc phải nhờ vào một sự trợ giúp có hiệu quả nào đó.

Nếu trong lý thuyết, người ta chỉ quan tâm đến nhân tố nhận thức ( trí tuệ ) đẻ tạo ra chiến lược thích nghi, thì trong thực hành, chúng ta phải quan tâm đến nhiều yếu tố khác nữa, trong đó các yếu tố cảm xúc về các sự kiện xẩy ra. Yếu tố nhận thức, cảm xúc sẽ biến đổi theo sự tiến triển của đời sống tâm lý – cảm xúc, theo nhân cách, kinh nghiệm…của chủ thể. Qua nhân tố nhận thức trong chiến lược điều chỉnh, chúng ta xác định được một cách thuận tiện thái độ và sự đáp ứng của chủ thể với tình huống stress.

Sự kiểm soát bên ngoài các biến cố được thể hiện qua thái độ tích cực của chủ thể nhằm làm chủ tình hình thực tế và tìm kiếm sự trợ giúp của xã hội.

Sự kiểm soát bên trong liên quan đến sự làm chủ các ý nghĩ của chủ thể.

Sự mất kiểm soát đựoc thể hiện bằng cách sự xa lánh, trốn chạy của chủ thể để không phải đương đầu với tình huống stress. Có khi chủ thể đi đến sử dụng những chất có hại cho cơ thể, đặc biệt là chất có hại cho cơ thể, đặc biệt là rượu và thuốc, để đối phó tiêu cực với các tình huống stress.

Cũng có một cách khác để đánh giá tình huống là thông qua trách nhiệm mà chủ thể gánh vác khi tình huống vừa mới bộc lộ hoặc ngược lại, chủ thể gán trách nhiệm cho người khác, cho sự ngẫu nhiên hoặc sự rủi ro. Những đánh giá về thái độ và sự đáp ứng này chủ thể rất quan trọng để chúng ta tiên lượng khả năng sử dụng liệu pháp tâm lý phục hồi, nhằm giải quyết các khó khăn trong thích nghi với stress bệnh lý.

Theo góc độ tiếp cận tâm lý, trong quá trình tự vệ, nhất là bảo vệ sức khỏe trước một căn bệnh stress,các chủ thể có những đòi hỏi khác nhau.Có người đòi hỏi được biết chính xác bệnh tật của mình.Sự hiểu biết này giúp họ chế ngự được sự lo âu và tình huống stress. Ngược lại, cũng là nhằm mục đích thích nghi, một số bệnh nhân khác lại không yêu cầu thầy thuốc giải thích về bệnh tật, vì họ cho rằng, họ sẽ không chịu đựng nổi khi biết rõ về bệnh tật. Họ chấp nhận song trong tình trạng bệnh tật, với sự chẩn đoán không rõ ràng.Tình trạng này giúp chủ thể thoát khỏi những phản ứng stress và làm cho họ có thể cân bằng vè thể chất-tâm lý lúc bị lâm nguy.

Chúng ta phải tôn trọng những thái độ tâm lý trên đây. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng, khái niệm thông báo sự thật bệnhcho bệnh nhân cũng chỉ là tương đối và nhu cầu, đòi hỏi của bệnh nhân sẽ tiến triển theo thời gian. Người thầy thuốc một mặt cần phải biết chính xác chẩn đoán, tiên lượng bệnh tật của người bệnh và một mặt khác, phải biết cung cấp những lượng thông tin phù hợp với nhu cầu tâm lý thực sự của họ.

6. Điều trị stress

 Tình huống stress tác động đồng thời hoặc kế tiếp nhau trên bốn lĩnh vực chủ yếu của chủ thể: tư duy, xúc cảm, chức năng cơ thể và tập tính. Khi tiến hành điều trị stress, dù bằng phương pháp nào, liệu pháp tâm lý hay dùng thuốc, chúng ta cũng trước hết nhằm giải tỏa tình huống stress cho chủ thể trên bốn phương diện này.

6.1. Điều trị bằng tâm lý liệu pháp:

6.1.1.Các liệu pháp tác động tập tính

Đối với các tình huống stress lặp đi lặp lại hoặc đối với các biểu hiện stress kéo dài, chúng ta có thể điều trị bằng phương pháp phản xạ có điều kiện.

Bất kỳ bệnh nhân nào, khi phải đương đầu với những tình huống stress gây ra sự mất ổn định, họ điều có những phản ứng cảm xúc và hành vi để né tránh, không đối đầu với chúng. Những biểu hiện tránh né này có thể vẫn được duy trì, ngay cả khi các tình huống stress chính không còn nữa.

Liệu pháp tập tính bao gồm việc đánh giá các rối loạn chức năng và đề suất các mục tiêu, phương pháp điều trị hữu hiệu, ví dụ như, phương pháp giải tỏa cảm ứng một cách có hệ thống và phương pháp học tập xã hội(qua cách đối phó với những tình huống tương tự như tình huống stress hoặc qua cách đối phó với một tình huống tưởng tượng đóng vai trò là tình huống stress).

Đối với những bệnh nhân mang tập tính có nguy cơ hoặc những người khó thích nghi rõ rệt trong các tình huống hằng ngày, nhưng có dấu hiệu của stress bệnh lý, chúng ta có thể có hai cách tiếp cận, hoặc là dựa trên việc kiểm tra cảm xúc bằng phương pháp khẳng định bản thân, hoặc dựa trên sự sắp xếp lại thời gian để sử dụng một cách tốt hơn.

– Phương pháp điều chỉnh lối sống

Đối với những bệnh nhân không biết sử dụng thời gian một cách hợp lý, nhất là những người có tập tính nhóm A và những người gặp khó khăn khi phải thích nghi với các tình huống stress, chúng ta cần phải làm cho họ ý thức rõ rệt về lợi ích của việc làm tăng súc đề kháng của cơ thể với stress, khi họ sử dụng hài hòa, cân bằng thời gian cho việc thư giãn, chơi thể thao và thời gian cho công việc nghề nghiệp. Họ cần phải sắp xếp những khoảng trống thời gian để dành cho các hoạt động khác nhau này.

Mặt khác, đối với những bệnh nhân này, các tập tính ăn uống cũng cần phải thích hợp, tránh làm tăng trọng lượng cơ thể mọtt cách quá mức, để góp phần làm cho họ tăng sức chống đỡ với các tình huống stress.

– Điều trị bằng sự khẳng định bản thân

Chúng ta cần biết rằng, những thái độ khẳng định sẽ thích hợp với tình huống stress và giúp cho bệnh nhân làm chủ được tình cảm, trong khi đó, những thái độ thụ động, thù địch thì thương gây ra những phản ứng không thích hợp và quá mức. Những thái độ không thích hợp có thể do chủ thể có những suy nghĩ lệch lạc hoặc do những ức chế xã hội. Đây thường là những ức chế có nguồn gốc từ sự lo âu dai dẳng, từ sự kém hiểu biết về xã hội hoặc từ sự đối xử không khéo léo với xung quanh của chủ thể…

Chúng ta cần phải luyện tập cho bệnh nhân đối phó với các tình huống stress, bằng cách đưa họ vào những tình huống stress có cường độ tăng dần và thay đổi vai trò của họ từ bệnh nhân thành những người tham gia điều trị. Sự tiến bộ của quá trình tự khẳng định được đánh giá qua việc bệnh nhân thích ứng với các vai diễn kế tiếp nhau khi thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Sự tiến bộ này cũng được đánh giá trong tình huống thực tế bằng cách kiểm tra khả năng bệnh nhân dàn xếp các cảm xúc tiêu cực và trả lời hợp lý các câu hỏi vè chiến lược điều chỉnh mà họ đã sử dụng.

6.1.2. Liệu pháp nhận thức

Liệu pháp này nhằm tác động vào những lệch lác của tư duy, mà vì nó, sự đáp ứng của người bệnh với các tình huống stress trở nên không thích hợp. Liệu pháp đã đặc biệt chú ý đến cách dánh giá chủ quan của người bệnh về tình huống stress, nhất là cách xử lý thông tin của họ và qua đó, xác định hoàn cảnh dẫn đến việc người bệnh đánh giá tình huống stress là nguy hiểm, cũng như xác định khả năng đương đầu với tình huống stress của họ. Sự nghiên cứu các mức độ của quá trình nhận thức, nhất là quá trình tư duy tự phát, đã cho phép chúng ta xác định bản thân những sai lệch trong tư duy của người bệnh và xác định chiều hướng tư duy bi quan của họ khi đánh giá tình huống stress.

Khi đã xác định được những lệch lạc chủ yếu, liệu pháp nhận thức tìm cách điều chỉnh chúng theo từng giai đoạn cụ thể như sau:

– Trong giai đoạn đầu, chúng ta hướng dẫn bệnh nhân tìm ra những suy nghĩ lệch lạc của mình khi đánh giá tình huống tress. Yêu cầu họ ghi lại những suy nghĩ tự phát khi chúng xuất hiện và đánh giá phần chủ quan, khách quan dưới mức thục tế của tình huống stress. Sự đánh giá này được người bệnh nhận xét, phê phán với sự trợ giúp của thầy thuốc. Đồng thời về sự đánh giá về tư duy, người bệnh còn phải đánh giá sự lệch lạc của các quá trình trí tuệ khác, có thể do nguyên nhân làm cho họ có những suy nghĩ tự động.

– Trong giai đoạn hai, giúp bệnh nhân đề xuất những suy nghĩ, những nhận thức thích hợp để chông lại các suy nghĩ lệch lạc.

– Trong giai đoạn ba, những suy nghĩ mới, những nhận thức thích hợp được người bệnh đem ra thử thách trong thực tế.

Mục tiêu bao quát của liệu pháp trị là chỉnh đốn lại những nhận thức khác nhau, giúp cho người bệnh tiến bộ trong cách xử lý các thông tin trước một tình huống stress, để quá trình thích nghi của họ được tốt hơn. Nhờ khả năng thích nghi tốt hơn này mà chủ thể tăng cường khả năng đương đầu, đối phó của mình với các tình huống stress.

6.1.3. Phương pháp tiếp cận cơ thể

Một trong những biểu hiện quan trọng của bệnh lý stress về cơ thể là rối loạn thần kinh thực vật và căng thẳng cơ bắp. Các liệu pháp cơ thể chủ yếu nhằm điều trị hai loại rối loạn này.

Ở đây xin đề cập đến những liệu pháp thư giãn.

Đây là những liệu pháp nhằm tạo ra một đáp ứng sinh lý cơ thể để đối khánh lại phản ứng stress. Nhờ thư giãn mà bệnh nhân giảm được nhịp tim, nhịp thở, giảm mức tiêu thụ oxy, giảm huyết áp và giảm lưu lượng máu nội tạng để tăng lượng máu cho các cơ ở ngoại biên. Đồng thời, liệu pháp này cũng làm giảm căng thẳng của cơ trơn,cơ vòng. Một số liệu pháp thư giãn thông thường là:

– Liệu pháp luyện tập tự sinh của Schultz

Bệnh nhân ở tư thế nằm, tập trung suy nghĩ về những phần cơ thể được giãn cơ thoải mái. Lời hướng dẫn là những câu ám thị để bệnh nhân luyện tập những cảm giác như: tay phải nóng lên; chân phải rất nặng; hoặc tim đập chậm v.v. Thầy thuốc có thể hướng dẫn người bệnh qua ghi âm , ghi hình…Bệnh nhân sẽ có khả năng tự thư giãn sau nhiều tháng luyện tập đều đặn. Kỹ thuật này được chỉ định cho những bệnh nhân chịu ám thị và tự ám thị ở múc độ trung bình. Quá trình cảnh tỉnh sẽ giúp họ luyện tập và đạt được một kết quả thư giãn vừa phải.

– Liệu pháp thư giãn cơ bắp dần dần

Phương pháp này đòi hỏi một sự thăm dò khoa học, theo một trình tự nhất định về sự co giãn liên tiếp của nhiều cơ bắp khác nhau. Mục đích của liệu pháp là làm cho chủ thể có được một sự thư giãn, mà trong đó chủ thể làm chủ được mình và sự thư giãn dần dần xuất hiện một cách thường xuyên, giúp cho cơ thể thích nghi một cách tốt hơn các tình huống stress.

Liệu Pháp này được sử dụng cho những bệnh nhân lo âu do nguyên nhân mất khả năng kiểm soát và họ chỉ an tâm khi thực hiện một quá trình kiểm soát của chính họ trên cơ thể của mình.

– Liệu pháp tác dụng ngược sinh học

Các phương tiện đo lường chỉ số sinh học của cơ thể như điện cơ, nhiệt độ da…sẽ thông báo cho người bệnh biết về các trạng thái sinh lý của cơ thể. Các thông tin này cho phép người bệnh học cách tự kiểm soát và điều chỉnh các quá trình sinh lý theo chiều hướng đáp ứng tốt hơn khi gặp các tình huống stress.

Trên đây là một số liệu pháp tâm lý tác động lên nhận thức, cảm xúc,cơ thể và tập tính, nhằm nâng cao khả năng tự đáp ứng của chủ thể với các tình huống stress.

6.2. Liệu pháp dùng thuốc

Liệu pháp dùng thuốc chỉ được chấp nhận khi khả năng đáp ứng của cơ thể không còn thích nghi, nghĩa là khi có các biểu hiện stress bệnh lý. Ngoài ra liệu pháp này còn được sử dụng để phục hồi khả năng thích ứng của chủ thể và làm giảm nhẹ các rối loạn stress. Điều trị stress bằng thuốc thường được chỉ định phối hợp với các liệu pháp tâm lý.

(Nguồn tài liệu: Giáo trình tâm lý học y học)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net