Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam từ năm 1954 tới nay

Tình hình kinh tế – xã hội Việt Nam từ năm 1954 tới nay

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 519 views

Các giai đoạn của kinh tế – xã hội Việt Nam từ năm 1954 tới nay

1. Thời kỳ trước năm 1975

Sau khi giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nước ta đứng trước một tình hình mới: miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành độc lập dân chủ trong cả nước.

Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (năm 1954), sản xuất công nghiệp từng bước được khôi phục và phát triển. Sau 3 năm khôi phục kinh tế (từ năm 1955 – 1957) và kế hoạch 5 năm khôi phục kinh tế tiếp theo (từ năm 1961 – 1965) với đường lối công nghiệp hóa, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp mới được phục hồi và xây dựng tại miền Bắc.

Để hỗ trợ ngành nông nghiệp, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh và tàn dư của chế độ phong kiến, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách kinh tế, tài chính tích cực, trong đó nổi bật nhất là cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng. Sau 3 năm khôi phục kinh tế (từ năm 19551957), diện tích gieo trồng tăng 23,5%, năng suất lúa tăng 30,8%, sản lượng lương thực tăng 57%, lương thực bình quân đầu người tăng 43,6%, đàn trâu tăng 44,2%, đàn bò tăng 39%, đàn lợn tăng 20% so với năm 1939. Trong hoàn cảnh sau chiến tranh nhưng kết quả đạt được như trên là rất đáng ghi nhận, trong đó nổi bật nhất là lương thực bình quân đầu người năm 1957 đã đạt 303 kg/người. Đến năm 1957, nền kinh tế miền Bắc được phục hồi vượt mức cao nhất dưới thời Pháp thống trị (năm 1939).

Sau khi thu được những kết quả quan trọng trong khôi phục kinh tế, Hội nghị Trung ương lần thứ XIX (tháng 11 năm 1958) đã vạch ra kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế, văn hóa. Những năm 1958 – 1960, nền kinh tế miền Bắc có những chuyển biến đáng kể.

Trong 5 năm 1961 – 1965, nhân dân miền Bắc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng:

– Quan hệ sản xuất mới tiếp tục được củng cố, cơ sở vật chất được tăng cường, bước đầu có sự tìm tòi cải tiến cung cách làm kinh tế qua các cuộc vận động “ba xây, ba chống” và “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật”, giáo dục văn hóa, y tế phát triển mạnh mẽ. Đến năm 1965, có 88,8% số hộ nông dân vào hợp tác xã sản xuất nông nghiệp; trong đó 71,7% số hộ trở thành hợp tác xã bậc cao.

– Nền nông nghiệp hợp tác hóa cùng giai cấp nông dân tập thể đã hình thành và phát triển. Tốc độ tăng bình quân về giá trị tổng sản lượng nông nghiệp là 4,1%. Nông nghiệp miền Bắc từ một nền nông nghiệp lạc hậu, độc canh, năng suất thấp dần trở thành một nền nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện.

– Công nghiệp miền Bắc thời kỳ này đã phát triển khá. Từ những cơ sở sản xuất công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là khai thác nguyên liệu và sửa chữa nhỏ đã bắt đầu sản xuất một phần tư liệu sản xuất và đáp ứng phần lớn những vật phẩm tiêu dùng của nhân dân. Vai trò chủ đạo của công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân bước đầu được phát huy. Các ngành công nghiệp chủ yếu như điện, cơ khí, luyện kim, hóa chất, vật liệu xây dựng … đã hình thành và phát triển nhanh, nhất là ngành điện và ngành cơ khí. Nhiều khu công nghiệp phát triển và hình thành ở Hà Nội, Hải Phòng, Việt Trì, Thái Nguyên, Nam Định, Vinh, …

Cuối năm 1964, miền Bắc hoàn thành những mục tiêu cơ bản của kế hoạch 5 năm (từ năm 1961 – 1965). Đánh giá những chuyển biến của miền Bắc, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (27/3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”.

Giai đoạn từ năm 1965 – 1970, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, miền Bắc vẫn vững vàng vừa sản xuất vừa chiến đấu, vừa làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn. Công cuộc khôi phục kinh tế và phát triển sản xuất đã thu được nhiều kết quả. Sản lượng lương thực năm 1970, toàn miền Bắc đạt 5.278.900 tấn, tăng hơn năm 1969 hơn nửa triệu tấn. Năng suất lúa cả năm đạt 43,11 tạ/ha ruộng hai vụ.

Sản xuất công nghiệp cũng có những chuyển biến tốt. Những cơ sở công nghiệp bị địch đánh phá phần lớn đã được khôi phục trong năm 1970. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp vượt mức kế hoạch 2,5%, xấp xỉ bằng năm 1965. Phần lớn các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp đều đạt hoặc vượt mức kế hoạch năm.

Sau thắng lợi trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân lần thứ hai của đế quốc Mỹ năm 1972, hai năm 19721973, công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc được tiến hành khẩn trương. Hệ thống thủy nông được phục hồi và nâng cấp. Năm 1974, giá trị tổng sản lượng công nghiệp và thủ công nghiệp vượt kế hoạch 4%, so với năm 1973 tăng 15%. So với năm 1960, số xí nghiệp công nghiệp ở miền Bắc năm 1975 tăng 32%, khu vực kinh tế quốc doanh chiếm 88,4% tổng sản phẩm xã hội và 84,1% thu nhập quốc dân. Nhiều bến cảng, đường giao thông thủy bộ được phục hồi nhanh chóng. Nhiều cầu được sửa chữa, xây dựng lại.

Miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội xuất phát từ nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân miền Bắc không những làm tròn sứ mệnh là hậu phương lớn đối với miền Nam ruột thịt, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc cải tạo và xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa và nâng cao đời sống nhân dân.

2. Thời kỳ 1976 – 1986

Đặc điểm chính trong thời kỳ này là cả nước cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nền kinh tế phổ biến vẫn còn là sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất kĩ thuật kém, lao động chủ yếu là thủ công, phân công lao động xã hội kém phát triển, năng suất lao động xã hội thấp, tổ chức và quản lý kinh tế thiếu chặt chẽ, nền kinh tế mất cân đối. Không những thế, nền kinh tế còn phải chịu hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh và bao vây cấm vận của Mĩ và các thế lực phản động.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn chủ yếu trên, nước ta cũng có những thuận lợi rất cơ bản như: Tổ quốc được hòa bình độc lập, thống nhất; nhân dân phấn khởi, hai miền Nam – Bắc có thể hỗ trợ được cho nhau trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; nước ta tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một hoàn cảnh quốc tế thuận lợi với sự lớn mạnh của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc và phong trào cách mạng của giai cấp công nhân trên đà phát triển rộng khắp; cuộc cách mạng khoa học – kỹ thuật trên thế giới diễn ra mạnh mẽ.

Với bối cảnh đó, trong các thời kỳ 1976 – 1980; 1981 – 1985, Đảng ta đã có những quyết định về đường lối để xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

2.1.Thời kỳ 1976 – 1980 (kế hoạch 5 năm lần thứ 2): 

Đại hội IV của Đảng (tháng 12 – 1976) đã quyết định đường lối xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa là “Đẩy mạnh công nghiệp hoá – xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ”.

Thực hiện chủ trương trên, nhiều dự án công nghiệp có quy mô lớn được triển khai, phong trào hợp tác hóa phát triển ở cả hai miền. Phong trào phát triển nhanh nhưng không vững mạnh, sản xuất không được ổn định. Trong khi đó, viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa giảm dần. Hơn nữa đất nước lại phải đối mặt với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Do vậy, kế hoạch 5 năm lần thứ 2 không thành công, tốc độ tăng GDP bình quân thời kì này là 0,4% trong khi đó tốc độ tăng dân số là 2,24%. Đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Trước tình hình đó, hội nghị TW 6 khóa IV năm 1979 đã quyết định sửa đổi và cải tiến các chính sách hiện hành, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển.

2.2. Thời kì 1981 – 1985 (kế hoạch 5 năm lần thứ 3): 

Do yêu cầu cấp bách phải gia tăng lương thực và hàng tiêu dùng đáp ứng cho nhu cầu của nhân dân, cải cách kinh tế được bắt đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp với hai văn bản của Đảng và Chính phủ vào tháng 1/1981 như sau:

– Chỉ thị 100/BCH-TW với nội dung cơ bản là khoán sản phẩm trong nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Thực hiện chỉ thị này các hộ nông dân được chủ động hơn trong sản xuất và được hưởng phần sản lượng vượt khoán.

– Quyết định 25/CP đã đưa ra một số chủ trương, biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh.

Đại hội Đảng lần thứ V (tháng 3 năm 1982) đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ III (1981 – 1986) với nội dung nổi bật là tập trung phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu và đẩy mạnh công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển kinh tế nhiều thành phần.

Những cải cách trên đây tuy có mang lại một số kết quả bước đầu trong phát triển kinh tế nhưng vì cải cách vẫn trong khuôn khổ kế hoạch hóa tập trung, nông dân chưa được tự chủ trong hoạt động sản xuất. Thêm vào đó, chính sách cải cách giá – lương – tiền không thành công dẫn đến lạm phát kinh tế gia tăng và nền kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng.

3. Thời kỳ 1986 đến nay

Vào giữa những năm 1980, cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội đã diễn ra ở nước ta, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đã điều chỉnh nền kinh tế và đạt được kết quả cao như Trung Quốc, Hàn Quốc… Tình hình đó đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải có sự đổi mới tư duy kinh tế và cụ thể hóa bằng đường lối và chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện mới. Bước ngoặt cho sự đổi mới kinh tế Việt Nam là quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn diện mang tính chiến lược do Đại hội Đảng VI tháng 12 năm 1986 đề ra.

Trong công nghiệp, Quyết định 217 HĐBT tháng 11 năm 1987 trao quyền tự chủ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, xóa dần bao cấp, giảm bớt các chỉ tiêu pháp lệnh, khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh mở rộng sản xuất để thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Tháng 12 năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài với nhiều khoản ưu đãi được công bố; đồng thời khuyến khích xuất khẩu đã làm cho môi trường đầu tư thông thoáng hơn, góp phần tăng năng lực sản xuất ngành công nghiệp. Sản xuất của các ngành công nghiệp then chốt đã phục hồi và tăng trưởng khá ổn định, hơn hẳn các thời kỳ trước đó.

Tuy nhiên, những thành tựu và khởi sắc của công nghiệp thực sự bắt đầu trong những năm 90 (thế kỷ XX). Bình quân 5 năm 1991 – 1995, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 13,7%, vượt kế hoạch đề ra (7,5% – 8,5%). Trong 5 năm 1996 – 2000, sản xuất công nghiệp nước ta tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng với nhịp độ cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1996 tăng 14,2%, năm 1997 tăng 13,8%, 1998 tăng 12,1%, 1999 tăng 10,4% và năm 2000 tăng 17,5%.

Không chỉ tăng trưởng cao, sản xuất công nghiệp những năm cuối của thập kỷ 90 đã xuất hiện xu hướng đa ngành, đa sản phẩm với sự tham gia của các thành phần kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh và công nghiệp có vốn FDI, trong đó công nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Do có lợi thế về máy móc thiết bị và kỹ thuật hiện đại, có thị trường xuất khẩu khá ổn định và được Nhà nước khuyến khích bằng các cơ chế chính sách ngày càng thông thoáng, trong những năm qua, công nghiệp FDI phát triển khá nhanh và ổn định, hơn hẳn khu vực công nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp này đóng góp gần 15% GDP, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 4,9% tổng thu ngân sách Nhà nước và tạo ra hàng vạn công ăn việc làm.

Ngoài giá trị về kinh tế, công nghiệp FDI còn tạo thêm hàng triệu việc làm, góp phần bổ sung và hoàn thiện các mô hình quản lý và tổ chức sản xuất mới phù hợp với cơ chế thị trường ở Việt Nam. Mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp với các ngành sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu.

Một trong những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển sản xuất nông nghiệp; nội dung cơ bản là khoán gọn đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn, đã đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn nước ta. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10 NQ/TW đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Cùng với Nghị quyết 10, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới khuyến khích nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng kinh tế hàng hoá và đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là 10 năm trong thập kỷ XIX.

Thành tựu nổi bật và to lớn nhất của nông nghiệp trong 15 năm đổi mới là đã giải quyết vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới liên tục từ năm 1989 đến nay. Do sản xuất lương thực tăng nhanh, nước ta không những đã bảo đảm được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dành khối lượng khá lớn cho xuất khẩu.

Kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và liên tục nhiều năm liền, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của dân cư được cải thiện rõ rệt. Sự nghiệp giáo dục đạt nhiều thành tựu. Tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên biết đọc, biết viết đã tăng từ 88% năm 1989 lên 91% năm 1999. Năm 2000 nước ta đã hoàn thành chương trình mục tiêu chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Hệ thống y tế được phát triển từ tuyến cơ sở tới trung ương với nhiều loại hình dịch vụ y tế, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn các dịch vụ y tế phù hợp.

Cùng với thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã thành công trong việc giải phóng sức sản xuất của dân cư nông thôn và khuyến khích họ tự mình phấn đấu cải thiện cuộc sống. Tính theo chuẩn nghèo chung, tỷ lệ nghèo đã giảm từ trên 70% năm 1990 xuống còn 32% năm 2000. Như vậy so với năm 1990, năm 2000 Việt Nam đã giảm 1/2 tỷ lệ nghèo và về điều này nước ta đã đạt được mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ do Quốc tế đặt ra là giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo trong giai đoạn 1990 – 2015.

Theo số liệu mới được công bố trên Công thông tin điện tử Chính phủ: Ngày nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam đã có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao dân tộc, chúng ta đã đảm nhiệm thành công cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009 và Chủ tịch ASEAN năm 2010. Chưa bao giờ mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của Việt Nam lại phát triển sâu rộng và đa dạng như ngày nay.

Kể từ thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu hết sức to lớn: thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng đề ra và lãnh đạo đã đưa nước ta bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và những thắng lợi giành được đã làm cho đất nước ta “từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị trí ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.” (Trích báo cáo Chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng).

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình bồi dưỡng Nghiệp vụ cho Thuyết minh viên Du lịch, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]