Phan Thanh là ai? – Người thanh niên trí thức nhiệt thành yêu nước.
“Hỡi anh em lao động! Hỡi dân chúng Nam Kỳ! Anh bạn Phan Thanh yêu quý của chúng ta đã chết rồi! Anh chết trong khi anh đang hăng hái chiến đấu trong nghị trường cũng như ngoài quần chúng, đòi các quyền tự do dân chủ, đòi cải thiện sanh hoạt cho giai cấp cần lao, cho dân chúng xứ này.
Anh chết giữa lúc phong trào dân chủ đang bồng bột sôi nổi.
Anh chết trong lúc phản động thuộc địa gom gom góp hết lực lượng để đàn áp; dày vò các hình thức, tuy mới phôi thai nhưng mạnh mẽ của Mặt trận dân chủ.
Anh chết trong khi phát-xít Nhật lăm le dòm ngó Đông Dương.
Cái chết của anh Phan Thanh đã đưa đến cho dân chúng xứ này bao nhiêu sự đau đớn xót xa, thì trái lại, bọn chia rẽ quần chúng, bọn phản động đã hết sức vui mừng vì chúng đã thoát khỏi một cái gai trước mắt chúng.
Cái chết của anh Phan Thanh là một cái tang chung cho giai cấp cần lao, cho quốc dân đồng bào.
Chúng tôi kêu gọi hết thẩy anh em lao động và dân chúng xứ này hãy hưởng ứng chúng tôi mà làm lễ truy điệu người chiến sĩ dũng cảm của chủ nghĩa xã hội, người đại biểu cương quyết của đoàn thể nhân dân ấy.
Tỏ tình mến tiếc anh, chúng ta thề nguyền sẽ mở rộng phong trào dân chúng, trung thành đoàn kết dưới ngọn cờ Mặt trận dân chủ, để đi đến mục đích tối thiêng liêng của anh, của mọi người ham chuộng tự do hòa bình và cơm áo.
Mến tiếc anh, chúng ta tỏ ra rằng dân chúng không bao giờ quên những người con yêu qúy, quả cảm của dân chúng!
Mến tiếc anh, chúng ta sẽ noi theo chí hướng anh mà tranh đấu quyết liệt để gầy dựng một tương lai tốt đẹp cho xã hội, nhân loại, cho quê hương xứ sở.
Chúng tôi đã làm đơn xin phép nhà cầm quyền từ ngày 15 đến ngày 30/5/1939 sẽ làm lễ tại số nhà 43 đường Hamelin (Nay là đường Huỳnh Thúc Kháng Q.1, Tp. Hồ Chí Minh). Cuộc lễ ấy tuy hoàn toàn hợp pháp, nhưng chúng tôi chưa chắc nhà chức trách sẽ cho phép. Vậy đến ngày ấy, nếu không gặp điều trở ngại, mong anh em tựu đến cho đông, để chào vong linh người chiến sĩ của chúng ta: anh Phan Thanh”. Trên đây là lời kêu gọi đăng trên báo Dân Chúng – cơ quan của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, xuất bản tại Sài Gòn – về một nhân vật không phải là đảng viên của Đảng ( Theo tài liệu của tạp chí Xưa-Nay số tháng 8/1998 – cơ quan Hội khoa học lịch sử Việt Nam). Còn báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chủ trương cũng viết: “Cái chết của ông thiệt không những riêng cho gia đình và bạn hữu ông, mà còn thiệt chung cho toàn thể dân chúng xứ này. Ông từ trần, chúng ta mất một người thanh niên nhiệt thành và hăng hái, lúc nào cũng sẵn sàng làm việc để đạt tới cái mục đích xã hội công bằng và bác ái mà chúng ta vẫn mong ước (số 160, ra ngày 6/5/1939). Còn trong bản báo cáo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (ký tên là Line) gửi Quốc tế cộng sản năm 1939, cũng có đoạn nói về đám tang Phan Thanh: “Dân chúng đã tổ chức tang lễ rất trọng thể. Đám tang có 153 vòng hoa, có đại biểu 14 tỉnh về dự và dài 2 cây số. Gia đình anh nhận được 110 điện viếng. Chưa bao giờ có một đám tang lớn như thế ở Hà Nội…”.
Phan Thanh, con trai thứ sáu của cụ Phan Định, sinh ngày 1/6/1908 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Ông nội được bổ nhiệm làm án sát, nhưng vì có tư tưởng chống Pháp nên bị cách chức; cha là nông dân chăm lo cày cuốc, nhưng từng tham gia phong trào kháng thuế, còn mẹ và ba em gái chuyên nghề dệt lụa, canh cửi. Ngay từ thuở nhỏ, ông là một học trò gương mẫu, học giỏi, được thầy yêu bạn mến. Khi học ở Hội An, thi lấy bằng sơ lược, ông đậu thủ khoa và được ra Huế học trường Quốc Học. Thời gian này ông bắt đầu tiếp xúc với sách báo có tư tưởng cấp tiến – từ sách viết về Cách mạng tư sản Pháp đến sách triết học Mác – Lênin. Năm 1925, sau khi lấy được bằng Thành chung, đậu thứ 3, Phan Thanh được phân công đi dạy ở trường Ngọc Lạc (Thanh Hóa). Lúc này Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam), em ruột của ông đang học năm thứ 3 tại trường Quốc Học, cũng là người từng tham gia những cuộc bãi khóa chống chính sách đàn áp của bọn thống trị. Hai anh em thường thư từ, trao đổi với nhau về tình hình thời cuộc và sau này, chính Phan Bôi với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản đã góp ý, định hướng cho ông trong hoạt động chính trị. Với một trái tim luôn quan tâm đến thời cuộc, Phan Thanh không thể sống trong “tháp ngà” của một viên chức chỉ biết “sáng vác ô đi, tối đi vác về”! Ngày 26/3/1926, cụ Phan Châu Trinh tạ thế tại Sài Gòn và đám tang của cụ đã trở thành quốc tang sôi nổi từ Nam chí Bắc. Phan Thanh đã nhiệt tình cổ động lễ truy điệu cụ Phan và tham gia viết bài cho báo La Cloche Fêlée của Nguyễn An Ninh và tờ L’ Annam của Phan Văn Trường. Chính vì những việc làm này mà chỉ một năm sau, ông bị đuổi việc.
Từ giã Thanh Hóa, Phan Thanh ra Hà Nội xin học trường Đại học Y khoa nhưng bị từ chối. Từ đó, ông đi dạy tại trường tư Thăng Long tại phố Hàng Cót do Phạm Hữu Ninh làm hiệu trưởng, cùng với những đồng nghiệp như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai… Ngoài ra, ông còn dạy ở những trường tư khác như Hồng Bàng, Gia Long. Suốt thời gian đi dạy, ông chứng tỏ mình là người tâm huyết với nghề và bao giờ cũng truyền bá cho học sinh tinh thần yêu nước. Năm 1934, nhằm chống lại chính sách ngu dân trong giáo dục, ông cùng một số đồng nghiệp tâm huyết bí mật thành lập “Hội mở mang nền giáo dục tư thục”. Qua đó, họ cùng nhau mở trường tư thục Thăng Long dạy đến cấp Tú tài – do Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng – khai giảng vào tháng 9/1935 ở Ngõ Trạm. Với cái tên đó, họ ngụ ý tiếp nối truyền thống trường Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ cử Lương Văn Can. Từ năm 1936, tại Pháp, Mặt trận Bình dân lên cầm quyền với số phiếu đắc cử của Léon Blum. Điều này có ý nghĩa đối với các nước thuộc địa. Tranh thủ thời cơ này, Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương: “Một dân tộc bị áp bức ở xứ Đông Dương, vấn đề giải phóng dân tộc là một nhiệm vụ quan trọng của người cộng sản. Và nhiệm vụ của Đảng Cộng sản ở đó không chỉ thâu phục đa số thợ thuyền mà còn phải thâu phục quảng đại quần chúng nông dân và tiểu tư sản thành thị. Đồng thời trong lúc lập ra mặt trận rộng rãi, chúng ta phải thâu phục hết các tầng lớp trong nhân dân”. Mặt trận Dân chủ Đông Dương ra đời trên chủ trương đúng đắn đó, kết hợp hoạt động bí mật lẫn công khai. Đảng đã nghĩ ngay đến nhân vật có thể thu hút được cảm tình của tầng lớp trí thức lúc bấy giờ là Phan Thanh.
Ông được đưa ra hoạt động công khai cho phong trào dân chủ. Tư tưởng của ông thể hiện rất rõ trong những bài báo phê phán chính sách thuộc địa, kêu gọi các tầng lớp nhân dân đoàn kết đòi tự do dân chủ… in trên các báo tiếng Pháp và tiếng Việt như Dân Chúng, Thời Thế, Le Travail (Lao Động), Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta) v.v… Do đó, không phải ngẫu nhiên mà báo Ngày Nay khẳng định: “Ông Thanh tham gia một cách mật thiết vào phong trào chính trị, từ khi Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền. Trên trường chính trị, ông là một chiến sĩ của dân chúng, giàu nghị lực rất chân thành, rất hoạt động. Chúng ta có thể nói rằng, về mặt chính trị ông Thanh là đứa con của phong trào Mặt trận Bình dân Pháp, lại là một tay lãnh đạo cho phong trào Mặt trận Dân chủ ở nước ta” (số 160, ra ngày 6/5/1939). Và cũng theo chủ trương của Đảng, liên hiệp với các tổ chức chính trị khác cùng hoạt động trong Mặt trận Dân chủ, Phan Thanh được phân công gia nhập chi nhánh Đảng Xã hội Pháp cùng với Hoàng Minh Giám và nhiều trí thức yêu nước khác. Ông được cử làm Phó thư ký ban chính trị của Đảng Xã hội.
Khi nhận thấy phong trào của Mặt trận Dân chủ đã mở rộng ra các tỉnh, các cán bộ cốt cán của Đảng là Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt… đã cử ông đến vận động cụ Nguyễn Văn Tố đảm nhiệm vai trò hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ. Tại nhà Phan Thanh ở số 165 A Henri d’ Orléans (nay là phố Phùng Hưng) đã diễn ra buổi họp quan trọng để bàn luận việc này. Cuối cùng, Hội được thành lập với Ban trị sự gồm có Nguyễn Văn Tố: Hội trưởng; Bùi Kỷ: Hội phó; Phan Thanh: Tổng thư ký,Trưởng ban vận động; Quản Xuân Nam: Phó tổng thư ký; Võ Nguyên Giáp: Trưởng ban dạy học; Hoàng Xuân Hãn: Trưởng ban tu thư; Đặng Thai Mai: Thủ quỹ. Sự việc diễn ra suôn sẻ như dự kiến. Lễ ra mắt được tổ chức trọng thể vào ngày 25/5/1938 tại Hội quán Cercle Spotif Annamitte (Câu lạc bộ thể thao An Nam). Cụ Nguyễn Văn Tố đọc diễn văn khai mạc, sau đó là Phan Thanh, Hằng Phương, Trần Văn Giáp nói chuyện với quốc dân về các công tác của Hội nhằm xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí v.v… Về sau, Hội truyền bá Quốc ngữ còn lan rộng trong cả nước. Trung kỳ, Nam Kỳ cũng thành lập Hội. Chủ trương đúng đắn này phù hợp với tinh thần của lời kêu gọi “Toàn dân chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam đều phải hiểu biết quyền lợi, nghĩa vụ của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ”. Trong những năm tháng này, Phan Thanh hoạt động rất sôi nổi. Với tư cách là đại biểu của mặt trận Dân chủ, từ năm 1937 Đảng chủ trương đưa ông ra ứng cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ. Các cơ sở Đảng ở Quảng Nam đã rầm rộ vận động cho ông, kết quả là ông trúng cử với số phiếu cao nhất. Lúc này, Phan Đăng Lưu thay mặt Xứ ủy Trung Kỳ có gặp ông để trao đổi về các phương pháp đấu tranh trong chính trường nghị viện. Căn cứ vào quyển Gò Nổi đất học (NXB Đà Nẵng – 1998), báo Tuổi trẻ chủ nhật số 25/5/1999 và một vài tài liệu khác chúng ta có thể hình ra những hoạt động trong nghị trường của Phan Thanh:
Nhóm Phan Thanh đã biết phối hợp với đấu tranh của quần chúng ngoài nghị trường nên giành được thắng lợi. Nhờ khả năng hùng biện, Phan Thanh và Nguyễn Văn Dậu được Viện dân biểu Trung Kỳ cử đi dự Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương họp tại Sài Gòn. Hầu hết các đại biểu trong Hội đồng là người Pháp, các cơ sở kinh doanh của Pháp đều có đại biểu. Phía bản xứ – năm xứ Đông Dương (theo chính sách chia rẽ của Pháp là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao, Cao Miên) chỉ được cử mỗi xứ hai đại biểu. Theo quy định, mỗi đại biểu đều nói bằng tiếng Pháp và không được nói quá 15 phút. Đến phiên mình, Phan Thanh phát biểu những ý kiến nẩy lửa: – bác bỏ dự án thuế do Toàn quyền Pháp đưa ra, yêu cầu giảm thuế đất cho nông dân, bãi bỏ thuế thân, giảm thuế trồng thuốc lá, thuế muối, tăng lương cho nhân viên cấp thấp, giáo viên và công nhân; người Pháp và người bản xứ làm việc như nhau thì lương ngang nhau, yêu cầu ban hành các quyền tự do dân chủ, tự do nghiệp đoàn, cải cách đại hội đồng thành Nghị viện Đông Dương, tăng thuế đánh vào người giàu có… Ông càng nói càng hay, càng lưu loát, có dẫn chứng cụ thể, bài phát biểu kéo dài 50 phút, cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt, chủ tọa phiên tòa là người Pháp cũng quên rung chuông, cô đầm thư ký cũng vỗ tay, chủ tọa phải mắng! Cô phân trần:
– Vì ông Thanh nói hay quá!
Sau buổi họp, thống sứ Tissot “thân mật” vỗ vai Phan Thanh nói:
– Anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi ơi! Tôi không tán thành ý kiến của anh, nhưng tôi khen ngợi anh đấy!
Phan Thanh chỉ mỉm cười và ngầm hiểu đó là lời răn đe khôn khéo của một cáo già thực dân.
Hội nghị kết thúc sau một tháng. Ông ra Quy Nhơn và đi một số tỉnh, nói chuyện về nạn mù chữ và kêu gọi đồng bào học chữ Quốc ngữ. Ở Đà Nẵng, ông đã có cuộc nói chuyện tại rạp hát Hòa Bình, báo cáo lại kết quả đấu tranh trong Viện dân biểu và trong Hội đồng kinh tế lý tài Đông Dương. Người đến nghe đông nghẹt phải đứng tràn ra ngoài đường. Cuộc nói chuyện kéo dài quá nửa đêm, cảnh sát không làm sao giải tán được. Sau đó, ông về Hà Nội tham gia ban tổ chức cuộc mitting vĩ đại đầu tiên hơn ba vạn người tham gia chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938 ở khu Đấu xảo Hà Nội. Cũng trong năm 1938, ông được Đảng đưa ra ứng cử đại biểu Hội đồng thành phố Hà Nội. Kết quả là ba đại biểu của Mặt trận Dân chủ: Phan Thanh, Bùi Ngọc Ái, Phạm Hữu Chương đã đắc cử. Cả ba đã tố cáo những sự bất công trong chủ trương tăng thuế, tăng tiền thuê phố hoặc các vụ phung phí của công, nhưng quan trọng nhất họ đòi số nghị viên người Pháp và nghị viên người Việt phải ngang nhau! Ở Hà Nội chỉ có 7.000 người Pháp mà có đến 12 nghị sĩ, trong khi đó người Việt có 145.000 người lại chỉ có 6 đại biểu, như vậy sao gọi là hợp tác? Pháp không chịu nên ba ông đồng loạt từ chức để phản đối. Vì vậy, ngày 4/9/1939 bầu cử bổ sung, ba chiến sĩ Mặt trận Dân chủ lại ra ứng cử, nhưng không ai đủ phiếu. Ngày 16/4/1939 bầu cử lại, ba ông đều đắc cử với số phiếu rất cao. Cao nhất vẫn là Phan Thanh. Nhiều bạn bè, đồng chí, học sinh mang hoa đến chúc mừng ông thắng cử, đông đến nỗi nhiều người ngồi cả ngoài sân nhà chung quanh. Không khí rất vui vẻ. Cố vấn Phạm Văn Đồng có kể lại: Sau khi Phan Thanh phát biểu tranh luận một số vấn đề có liên quan đến lợi ích của nhân dân lao động nước ta thì thị trưởng Hà Nội, người Pháp – chủ tọa phiên họp hội đồng- thốt lên một câu có tính hăm dọa:
– Ông nói như vậy là ông đang làm chính trị đấy!
Phan Thanh cứng cỏi đáp lại:
– Nếu bênh vực quyền lợi chính đáng này của người dân là làm chính trị thì chúng tôi kiên quyết làm chính trị.
Rất tiếc giữa lúc đang hoạt động sôi nổi nhất thì Phan Thanh đã ngã bệnh. Ông bị sốt và lên nhọt ở lưng, phải nằm ở bệnh viện của bác sĩ Phạm Hữu Chương – sát trường Thăng Long. Bác sĩ Phạm Hữu Chương, bác sĩ Trần Văn Lai và bác sĩ người Pháp Mager, cả ba đều là đảng viên Đảng Xã hội, chăm sóc cho Than Thanh rất chu đáo và chuẩn đoán ông bị ung thư hậu bối. Mặc dù bệnh nặng, khi bạn bè đến thăm, ông vẫn hỏi và hăng hái luận bàn công tác. Hai tuần lễ sau, vào sáng ngày 1/5/1939 tại Hà Nội, trái tim yêu nước nồng nàn ấy đã vĩnh viễn ngừng đập. Khi sắp khâm liệm, nữ đồng chí Nguyễn Quang Thái, cán bộ hoạt động bí mật của Đảng, em ruột chị Nguyễn Thị Minh Khai và là vợ của đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc đó, đem đến một cái khăn tay, gói một cái huy hiệu búa liềm, đưa cho ông Phan Nhụy (anh ruột Phan Thanh) đặt lên vùng tim của thi hài, coi như Phan Thanh được công nhận đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đám tang Phan Thanh lớn nhất Hà Nội thời ấy. Những người đưa tang kéo dài hơn hai cây số, có cả những người Pháp – đảng viên Đảng Xã hội – cùng đi từ Đường Thành đến nghĩa trang Hợp Thiện. Sau đó ngày 29/5/1939, mặc dù chính quyền thực dân không cho phép nhưng tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức lễ truy điệu Phan Thanh tại Bảo An, có hơn 300 đại biểu các huyện, xã đến dự bày tỏ lòng thương tiếc một chiến sĩ tài giỏi, kiên trung. Nhà thơ Khương Hữu Dụng có câu đối tưởng niệm:
– Là nghị viên đắc lực, là chiến sĩ tận tâm, trang sử tương lai, tên bạn viết to hàng chữ trước;
Vì hạnh phúc hòa bình, vì quyền lợi dân chúng, con đường tranh đấu, hồn anh nâng mạnh bước người sau.
Xem lại các báo phát hành trong thời gian này, chúng tôi có tìm thấy một tư liệu quý là bức hí họa của danh họa Tô Ngọc Vân (ký Tô Tử) in trên Ngày Nay số 154 ra ngày 27/3/1939. Tranh có ghi lời ép cung của tên quan lại, khi hắn chỉ vào tên đao phủ và nói với phạm nhân: “- Tên này là Phan Thanh, mày có nhận không thì bảo?” ta thấy rõ sự tố cáo một xã hội thối nát thời Pháp thuộc và bản thân chúng cũng khiếp sợ sự có mặt của Phan Thanh như thế nào! Gần đây, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mất của một “người thanh niên trí thức nhiệt thành yêu nước” nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã đánh giá xác đáng: “Có thể nói các hoạt động đấu tranh có lý có lẽ, đầy sách lược vì lợi ích thiết thực của các tầng lớp lao động của Phan Thanh và các đồng chí ở Viện Dân biểu Trung Kỳ, ở Hội đồng thành phố Hà Nội, ở Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương là cống hiến xuất sắc nhất của ông. Sự cống hiến đó không phải tính bằng những kết quả cụ thể đã đạt được – một điều không thể trong chế độ thuộc địa – mà ở chỗ ông đã xuất sắc và dũng cảm lợi dụng diễn đàn có được trong điều kiện lúc đó góp phần thu hút quần chúng đi với Đảng, đoàn kết và liên hiệp hành động với các nhân sĩ, trí thức yêu nước vì dân, vì nước trên con đường đấu tranh lâu dài để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đảng và nhân dân luôn ghi nhớ công lao đó của ông”.
(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)