1. Định nghĩa nhân loại học
Từ Nhân loại học (Anthropology) được sử dụng sớm nhất bởi học giả người Đức M. Hundlt vào năm 1501, chỉ nghiên cứu sinh lý con người và giải phẫu cơ thể. Khảo về từ nguyên thì Anthropology có gốc từ chữ Hi Lạp gồm từ chỉ con người và khoa học, tức Anthropos + Logos, nghĩa là khoa học nghiên cứu về con người.
Do đó, nhân loại học thường được định nghĩa là “khoa học về con người” (The Science of Man). Nhưng định nghĩa này quá giản đơn, dễ khiến cho người ta ngộ nhận rằng phạm vi của nhân loại học là vô hạn, bất cứ những gì thuộc về con người đều được liệt vào đối tượng nghiên cứu của nó, từ đó coi nhân loại học là tên gọi chung cho mọi khoa học nghiên cứu về con người và nhân sự như sinh lý học, tâm lý học, xã hội học…, dẫn đến việc thủ tiêu địa vị độc lập của ngành khoa học nhân loại học.
Vì vậy mà các nhà nhân loại học không ngừng đưa ra những định nghĩa rõ nghĩa và chi tiết hơn. Các nhà nhân loại học cổ điển hầu như đều coi nhân loại học là khoa học chuyên nghiên cứu cơ thể con người. Topinard trong cuốn Nhân loại học (Antropologie) xuất bản năm 1876 cho rằng: “Nhân loại học là một khoa học phân ngành của tự nhiên học, nghiên cứu về con người và nhân chủng”. Cùng với sự phát triển của nhân loại học, phạm vi nghiên cứu của nó đã vượt xa giới hạn của định nghĩa cũ, làm ra đời những định nghĩa mới.
Nhà nhân loại học người Anh R.R. Marett cho rằng: “Nhân loại học là lịch sử của toàn bộ nhân loại ngập chìm trong quan niệm về tiến hóa, lấy nhân loại trong sự tiến hóa của nó làm chủ đề, nghiên cứu nhân loại ở một thời đại, một địa phương nào đó, cả hai phương diện nhục thể và linh hồn đều được đẩy mạnh nghiên cứu”.
B. Malinowski thì cho rằng: “Nhân loại học là khoa học nghiên cứu nhân loại và văn hóa (culture) của nó ở mọi trình độ phát triển, bao gồm nghiên cứu về các vấn đề như: cơ thể con người, sự khác biệt về chủng tộc, văn minh (civilization), cấu trúc xã hội và phản ứng tâm linh đối với môi trường…”.
Định nghĩa của nhân loại học phái mới bao gồm 2 phương diện là nhân loại và văn hóa của nó. Cái mà Marett gọi là nhục thể, Malinowski gọi là “cơ thể con người” “sự khác biệt về chủng tộc” đều chỉ nghiên cứu trên phương diện thể chất; còn cái mà Marett gọi là “linh hồn” trên thực tế chính là nghiên cứu về văn hóa, Malinowski dùng đích xác từ “văn hóa” đồng thời chỉ rõ những vấn đề cụ thể của văn hóa là văn minh, cấu trúc xã hội, phản ứng tâm linh… Đây đều là những đột phá so với định nghĩa cũ.
Nói một cách đơn giản, nhân loại học là một ngành khoa học nghiên cứu về con người và phương thức hành vi của con người. Định nghĩa này bao gồm hai tầng hàm nghĩa: một là nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng thể chất của con người; hai là phương thức hành vi của con người, tức cái mà thông thường chúng ta vẫn gọi là văn hóa.
2. Đặc trưng của nhân loại học
Với tư cách là một ngành khoa học, nhân loại học có mấy đặc trưng cơ bản được công nhận dưới đây:
Tính đồng đẳng
Một trong những nguyên tắc của nhân loại học hiện đại chính là tính đồng đẳng của nhân loại, tức mọi nhân loại hiện tồn đều đồng chủng, bất cứ quần thể nào cũng đều không tiến hóa hơn so với quần thể khác. Mọi con người, bất luận đang sống hay đã chết, có quan hệ huyết thống hay thuộc dân tộc ngoại lai, đều bình đẳng, đều là đối tượng nghiên cứu của các nhà nhân loại học. Bất cứ nhóm người nào cũng đều giúp ích cho việc tìm hiểu một số hiện trạng quan trọng của nhân loại: nhân loại dựa vào văn hóa cũng tức là truyền thống xã hội như thế nào để sinh tồn và tiếp diễn. Nhóm người nào cũng đều giúp ích cho việc tìm hiểu những tiềm năng và cực hạn của nhân loại.
Tính chỉnh thể
Tính chỉnh thể là chỉ việc các nhà nhân loại học coi nhân loại và xã hội của nó như một chỉnh thể có tính đa diện để tiến hành nghiên cứu; vừa từ góc độ văn hóa, vừa từ góc độ sinh vật để phân tích vấn đề; vừa quan tâm đến vấn đề hiện thời, vừa chú trọng những nhân tố lịch sử. Các bộ phận của chỉnh thể này liên quan lẫn nhau, chỉ có nhận thức chỉnh thể, nhận thức được mối liên quan giữa chúng đã phát sinh như thế nào, chúng ta mới có thể tìm hiểu mỗi một bộ phận ở độ sâu nhất định. Với sự phối hợp như vậy, các nhà nhân loại học hy vọng tìm hiểu được mọi tầng diện của đời sống nhân loại bao gồm: kinh tế xã hội, tổ chức chính trị, nghi lễ tôn giáo, văn hóa ngôn ngữ và nghệ thuật, khoa học xã hội, hôn nhân, sinh sản, môi trường…
Tính chỉnh hợp
Tính chỉnh hợp chỉ việc các nhà nhân loại học trong khi khảo sát nhân loại và hình thái xã hội của nó, chú trọng khảo sát các tầng diện của đời sống văn hóa nhân loại
đã cùng vận hành như thế nào. Các nhà nhân loại học ví những tầng diện đời sống đó như những sợi dây dệt nên mạng lưới lớn là xã hội đồng thời chúng cũng là bộ phận không thể thiếu của hệ thống lớn hơn là tự nhiên và môi trường xã hội. Do đó, muốn tìm hiểu một cách toàn diện bất cứ một tín ngưỡng hay nghi thức nào, chúng ta cũng buộc phải quan sát mối quan hệ tương tác giữa nó với mọi nhân tố trong xã hội; đồng thời cũng phải xem xét mối quan hệ tương tác giữa nó với các nhân tố môi trường rộng lớn làm hình thành xã hội. Nghiên cứu nhân loại học truyền thống thường tập trung vào một số xã hội quy mô nhỏ tương đối cô lập bởi vì tính chỉnh hợp của nó tương đối rõ nét. Nhân loại học đương đại chú trọng hơn đến việc nghiên cứu những xã hội quy mô lớn mà tính chỉnh hợp mờ nhạt hơn.
Những năm gần đây, mọi người đã dần dần ý thức được rằng, mọi xã hội đều quan trọng, đồng thời không thể thiếu đối với hệ thống thế giới lớn hơn do xã hội và kết cấu kinh tế tạo thành. Muốn tìm hiểu đặc tính nội bộ của một xã hội cá biệt, trước hết phải quan sát mối quan hệ giữa nó với hệ thống toàn cầu rộng lớn này bởi vì nó là một bộ phận của hệ thống thế giới mang tính chỉnh hợp.
Thuyết tương đối văn hóa
Thuyết tương đối văn hóa (cultural relativism) là chỉ việc các nhà nhân loại học đứng trên lập trường của người giải thích khách quan đối với văn hóa, lấy kinh nghiệm và truyền thống của người khác làm cơ sở để nhận định hoặc giải thích tín ngưỡng và hành vi của họ. Bởi vì mỗi một văn hóa đều có giá trị độc đáo của nó và đều bình đẳng, nhà nhân loại học không thể lấy quan niệm giá trị và truyền thống từ nền văn hóa của bản thân mình để đánh giá thước đo của nền văn hóa khác.
Quan niệm của thuyết tương đối văn hóa không có nghĩa là chúng ta phải tiếp nhận hoặc tán thành toàn bộ mọi hành vi và quan niệm của một nhóm người nhất định nào đó mà là phải từ trong mối liên hệ giữa con người và xã hội, môi trường và lịch sử để đánh giá hình thái văn hóa của họ.
Ngoài 4 đặc trưng cơ bản được thừa nhận phổ biến trên, trong vận dụng thực tiễn, nhân loại học đương đại còn có tinh thần nhân văn nhất quán dĩ nhân vi bản (lấy con người làm gốc). Đây là khuynh hướng giá trị căn bản nhất của nhân loại học. Dĩ nhân vi bản chính là xuất phát từ con người, có con người trong tim; bao hàm trong nó là tinh thần nhân văn tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Nó yêu cầu chúng ta phải đứng trên trạng thái hiện tồn của con người để tìm kiếm sự thống nhất hài hòa trong quan hệ giữa con người với tự nhiên, con người với xã hội, con người với con người, con người với tự ngã. Chính vì tinh thần đó mà các nhà nhân loại học luôn tôn trọng người khác và kiên trì lập trường phê phán, tức phê phán người khác, tái nhận thức người khác, đồng thời cũng phê phán tự ngã, tái nhận thức tự ngã nhằm đạt tới sự hài hòa giữa người với người, giữa người với tự nhiên.
3. Hệ thống của nhân loại học
Hệ thống của nhân loại học do 4 bộ phận cấu tạo thành, đó là:
Nhân loại học thể chất:
Nhân loại học thể chất là một ngành khoa học nghiên cứu sự thay đổi về thể chất của nhân loại từ góc độ sinh vật học, bao gồm mọi quá trình phát triển và biến dị của cơ thể người quá khứ và hiện tại. Nó chủ yếu liên quan đến 2 vấn đề căn bản: Thứ nhất là tái hiện lại quá trình tiến hóa của nhân loại, tìm ra những điều kiện cần thiết để con người phân hóa từ loài vượn cũng như vì sao lại sản sinh ra những điều kiện đó; Thứ hai là miêu tả và giải thích những khác biệt sinh lý (ví dụ: kiểu tóc, màu da, nhóm máu, nhiễm sắc thể tế bào…) giữa các chủng tộc khác nhau. Ở Trung Quốc nhân loại học thể chất thường được xếp vào phạm trù của khoa học tự nhiên.
Nhiệm vụ trọng yếu của nhân loại học thể chất đương đại là đi sâu tìm hiểu nguyên nhân phát sinh của tiến hóa nhân loại, phân tích sự thay đổi của nhân tố môi trường nào đã ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự tiến hóa của nhân loại. Trong khi nghiên cứu những biến dị của nhân loại đương đại, các nhà nhân loại học thể chất trước hết phải phân biệt những ảnh hưởng của nhân tố di truyền và môi trường sau khi sinh; tiếp đó còn phải làm rõ sự khác biệt giữa ảnh hưởng của văn hóa và ảnh hưởng của môi trường đối với thể chất nhân loại, bởi vì tập quán văn hóa có thể chế ước quá trình sinh đẻ của nhân loại từ đó ảnh hưởng đến lịch sử tiến hóa. Các nhà nhân loại học thể chất thường coi các biến dị của nhân loại như là kết quả tổng hợp của sự tác động lẫn nhau một cách phức tạp chồng chéo giữa môi trường tự nhiên và văn hóa nhân loại. Nhân loại học thể chất đương đại đã từ việc đo lường những đặc trưng bên ngoài phát triển đến những nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề như sinh vật học phân tử, máu, gen, ADN.
Nhân loại học văn hóa:
Nhân loại học văn hóa là khoa học nghiên cứu nhân loại từ góc độ văn hóa. Muốn hiểu nhân loại học văn hóa là gì trước hết phải làm rõ: thế nào là văn hóa. Về vấn đề này, giới khoa học có nhiều ý kiến khác nhau. Năm 1952, đã có người thống kê được tới 164 cách lý giải khác nhau về văn hóa, ngót 40 năm nay lại càng tăng thêm nhiều lý luận mới.
Nhưng loại bỏ đi các ý kiến khác biệt, đại đa số các nhà nhân loại học đều thừa nhận văn hóa mà nhân loại học văn hóa nói đến là một danh từ hàm nghĩa vô cùng rộng lớn, nó bao gồm mọi tư tưởng và kỹ xảo mà nhân loại thông qua quá trình học tập tự thân khi trưởng thành nắm được cũng như văn minh vật chất được sáng
tạo nên nhờ sự vận dụng những tư tưởng và kỹ xảo đó. Ở đây vừa có bộ phận thuộc về cơ sở kinh tế, vừa có bộ phận kiến trúc thượng tầng do nó quyết định; tức là vừa bao gồm các sản phẩm vật chất vừa bao gồm các sản phẩm tinh thần. Có thể nói đây là quan niệm rộng nhất về văn hóa.
Do đó, nhân loại học văn hóa chính là một ngành khoa học nghiên cứu nguồn gốc, quá trình trưởng thành, biến thiên và tiến hóa của cả nhân loại từ các phương diện như sản xuất vật chất, kết cấu xã hội, tổ chức cộng đồng, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng… đồng thời so sánh điểm tương đồng và khác biệt về văn hóa của các dân tộc, các tộc người, các quốc gia, các khu vực, các đoàn thể xã hội… nhằm phát hiện được tính phổ biến của văn hóa và những mô hình văn hóa mang tính cá biệt, từ đó tổng kết ra quy luật thông thường và quy luật đặc thù của phát triển xã hội.
Tên gọi nhân loại học văn hóa xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1901, được sử dụng chủ yếu trong giới khoa học Mỹ. Nhân loại học văn hóa Mỹ về đại thể tương đương với dân tộc học và dân tộc chí của châu Âu lục địa.
Dân tộc học truyền thống của châu Âu lục địa chỉ nghiên cứu tình hình của các dân tộc tiền Tư bản chủ nghĩa như các dân tộc thuộc xã hội nguyên thủy, xã hội nô lệ, xã hội nông nô… cư trú ở những khu vực hẻo lánh. Hiện nay, những dân tộc đó tuyệt đại đa số đều đang trong quá trình thay đổi gấp gáp, do vậy mà các nhà dân tộc học hiện đại đã chuyển hướng chú ý sang thành thị và nông thôn của xã hội Tư bản chủ nghĩa, có người còn trực tiếp tham dự vào kế hoạch phát triển xã hội, đưa ra những hoạch định chính sách với tư cách là cố vấn cho chính phủ. Nghiên cứu dân tộc học cũng cần phải tiến hành khảo sát điền dã dài kỳ đồng thời trên cơ sở đó biên soạn công trình dân tộc chí tỉ mỉ xác thực; nhiệm vụ cuối cùng của nó là phát hiện ra sự giống và khác nhau về mô hình xã hội, quá trình biến thiên xã hội của các dân tộc cũng như quy luật bên trong quyết định những biến thiên đó.
Ở Anh thường sử dụng khái niệm nhân loại học xã hội. Nhà nhân loại học Pháp Levi Strauss từng chỉ rõ: “Phạm vi mà nhân loại học văn hóa và nhân loại học xã hội bao hàm quả thực giống nhau. Chỉ có điều một đằng xuất phát từ nghiên cứu kỹ thuật và sự vật sau đó đến ý thức và hoạt động chính trị – phương diện siêu kỹ thuật quyết định phương thức của đời sống xã hội; còn một đằng lại xuất phát từ nghiên cứu đời sống xã hội, sau đó đến kỹ thuật và sự vật – biểu hiện của ý thức và hoạt động chính trị. Có thể ví như 2 quyển sách, nội dung và chương đoạn giống nhau nhưng sắp xếp thứ tự và số trang lại không giống nhau”.
Quan hệ giữa nhân loại học văn hóa, nhân loại học xã hội và dân tộc học về đại thể là quan hệ cùng cấp độ. Do ảnh hưởng của những truyền thống học thuật khác nhau cho nên trọng điểm trong những nghiên cứu cụ thể của chúng có chỗ chênh nhau. Trong đó, quan hệ giữa văn hóa nhân loại học và dân tộc học là gắn bó nhất, được giới khoa học quốc tế coi là những “ngành khoa học chị em”. Theo đà phát triển của thời đại, xu thế dần đi đến thống nhất của 3 ngành khoa học này sẽ ngày càng rõ nét.
Khảo cổ học:
Khảo cổ học là một ngành khoa học dùng những tư liệu hiện vật để nghiên cứu
văn hóa nhân loại. Căn cứ vào những loại hình và chủng loại cổ vật được khai quật, các nhà khảo cổ học có thể phục nguyên được lịch sử tiến hóa của văn hóa nhân loại đồng thời quan sát được những dị đồng của văn hóa các khu vực trên thế giới.
Các tư liệu hiện vật mà khảo cổ học nghiên cứu bao gồm tất cả những sáng tạo của nhân loại cũng như những di tích hoặc phế vật do hoạt động của nhân loại để lại như đồ đá, nhà cửa, mộ táng, di tích về việc dùng lửa, xương thú, xương cá còn lại sau khi ăn… Ngoài ra, khảo cổ học còn phải nghiên cứu các di vật tự nhiên có liên quan như phấn hoa, thổ nhưỡng, nham thạch… nhằm xác định các nhân tố khí hậu, tài nguyên động thực vật, phân bố nguồn nước… đương thời. Nhiệm vụ cuối cùng của khảo cổ học là tìm ra nguyên nhân của sự phát triển lịch sử nhân loại, đánh giá vai trò của các nhân tố nội tại và ngoại lai trong quá trình tổ chức xã hội.
Ngôn ngữ học:
Ngôn ngữ học là khoa học nghiên cứu ngôn ngữ nhân loại và quy luật phát triển của nó. Ra đời vào thời kỳ của những phát kiến địa lý vĩ đại thế kỷ XVII, đến thế kỷ XIX ngôn ngữ học đã có quy mô bước đầu. Sang thế kỷ XX, cùng với sự tích lũy không ngừng về tư liệu cũng như sự đổi mới không ngừng về phương pháp của ngôn ngữ học các nước trên thế giới, ngôn ngữ học đã trở thành khoa học có vị trí tiên phong trong khoa học hành vi đương đại.
Ngôn ngữ là công cụ cơ bản nhất khiến cho văn hóa được truyền từ đời này sang đời khác, sự phát triển của văn hóa nhân loại ở một mức độ lớn là dựa vào ngôn ngữ. Nhân loại học sơ kỳ mở đầu bằng việc nghiên cứu nền văn hóa khác, nhà nhân loại học không thể thiếu sự trợ giúp của ngôn ngữ học, do đó, ngôn ngữ học và nhân loại học ngay từ đầu đã kết thành một mối duyên không thể tách lìa trong khảo sát điền dã. Ngày nay, cho dù ngôn ngữ học với tư cách là một khoa học độc lập đã phát triển một cách toàn diện nhưng nó đồng thời cũng là một phân ngành của nhân loại học văn hóa. Khoa học nghiên cứu ngôn ngữ từ góc độ của nhân loại học này còn gọi là nhân loại học ngôn ngữ, chủ yếu nghiên cứu khẩu ngữ (cổ đại và hiện đại) đồng thời nghiên cứu cách dùng ngôn ngữ dưới góc độ xã hội.
Căn cứ vào sự khác nhau về trọng điểm nghiên cứu, nhân loại học ngôn ngữ lại có thể chia thành 3 bộ phận. Bộ phận thứ nhất là ngôn ngữ học miêu tả, mục đích là nghiên cứu một cách hệ thống kết cấu và cách dùng ngôn ngữ cũng như quan hệ phức tạp giữa ngôn ngữ và tư duy. Bộ phận thứ hai là ngôn ngữ học xã hội, mục đích là tìm hiểu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội. Bộ phận thứ ba là ngôn ngữ học lịch sử, chủ yếu nghiên cứu sự ra đời của ngôn ngữ và lịch sử tiến hóa của nó.
Bằng việc so sánh với ngôn ngữ đương đại, các nhà ngôn ngữ học thậm chí có thể thành công trong việc phục nguyên những ngôn ngữ cổ đại đã mất.
4. Quan hệ giữa nhân loại học với các ngành khoa học khác
Nhân loại học có mối quan hệ rộng rãi với các khoa học khác, trong đó quan trọng nhất là quan hệ với triết học, xã hội học và tâm lý học.
Quan hệ giữa nhân loại học và triết học:
Nội dung và mục đích nghiên cứu của triết học có rất nhiều điểm tương tự với phạm trù nghiên cứu của nhân loại học, ví dụ: đều nghiên cứu về con người, mối quan hệ con người và thế giới, cùng quan tâm đến sự phát triển của con người và văn hóa, sự phát triển và tiến hóa của tri thức tự nhiên và tri thức xã hội…
Nhưng khác biệt căn bản của hai ngành khoa học này là: triết học là một ngành khoa học tư tưởng hình nhi thượng học có khuynh hướng logic tư biện, trong quá trình nghiên cứu chú trọng cấu tạo hệ thống, suy luận logic và biện chứng; còn nhân loại học lấy khoa học thực nghiệm làm nền tảng, chú trọng sử dụng các biện pháp như điều tra, nghiên cứu, khảo sát thực địa…, kết hợp giữa tài liệu thực tế và phán đoán lý luận.
Mối liên hệ của chúng là ở chỗ: nhân loại học cung cấp căn cứ cho sự phát triển của triết học. Từ sự cống hiến đối với khoa học xã hội cận đại của những học phái như tiến hóa luận có thể thấy nhân loại học bằng những khảo sát thực tế và lý luận độc đáo của mình đã cung cấp cho triết học những bằng chứng khoa học thực tiễn; ngược lại, triết học với tư cách là phương pháp luận cũng ảnh hưởng đến nghiên cứu nhân loại học thông qua lý luận và phương pháp luận tinh túy của mình.
Quan hệ giữa nhân loại học và xã hội học:
Nhân loại học và xã hội học về mặt lý luận và phương pháp đều có điểm tương tự: đều lấy nhân loại và những hiện tượng văn hóa của nó làm đối tượng nghiên cứu, không những nghiên cứu con người và sự tiến hóa của nó mà còn nghiên cứu sự diễn biến, phát triển của văn hóa; về mặt phương pháp nghiên cứu cũng có rất nhiều điểm bất biến, ví dụ điều tra điền dã…
Nhưng sự khác biệt giữa nhân loại học và xã hội học cũng vô cùng rõ nét, xét về phạm vi nghiên cứu, lĩnh vực của nhân loại học là rộng lớn, vĩ mô. Nhân loại học nghiên cứu mọi hình thức sinh tồn của con người, mọi hình thái văn hóa và hình thức văn minh; thời đại tiền sử và đời sống nhân loại trong trạng thái dã man là một trong những trọng điểm nghiên cứu của nhân loại học. Còn xã hội học lại nghiên cứu đời sống xã hội của nhân loại, chú trọng nghiên cứu những hình thức văn hóa tương đối cao cấp, tức con người sau khi có văn hóa xã hội.
Xét về nội dung nghiên cứu, nhân loại học không chỉ nghiên cứu kết cấu xã hội mà còn nghiên cứu văn hóa giữa các dân tộc, cộng đồng bao gồm nguyên nhân hình thành và kết cấu tâm lý của nó cho đến cả những vấn đề như sự khác biệt về mặt tính cách dân tộc. Xã hội học chú trọng nghiên cứu sự kết hợp giữa con người và con người (association), nghiêng về nội dung kinh tế chính trị.
Nói một cách đơn giản, góc độ hai ngành khoa học này không giống nhau, xã hội học nghiên cứu con người từ góc độ xã hội, nhân loại học nghiên cứu xã hội của con người từ chính con người.
Quan hệ giữa nhân loại học và tâm lý học:
Tâm lý học ngay từ đầu đã gắn bó với nhân loại học. Lý luận của nhân loại học như Tiến hóa luận đã từng được vận dụng rộng rãi trong tâm lý học; còn lý luận của tâm lý học như Phân tâm học (phân tích tinh thần và nghiên cứu tính dục) của Freud cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến nghiên cứu nhân loại học đương đại. Quan hệ logic giữa tâm lý học với tư cách là khoa học hành vi với nhân loại học được coi là “khoa học về con người” là: nếu như gạt bỏ đi hành vi của nhân loại, thì lĩnh vực nghiên cứu của nhân loại học cũng sẽ không còn tồn tại nữa. Trong công tác điền dã, những tư liệu, số liệu sưu tập được là thể hiện của quan hệ tương tác giữa đôi bên: người làm công tác điền dã và đối tượng nghiên cứu. Một mặt, đặc tính cá nhân của người làm công tác điền dã thường dẫn đến góc độ quan sát không giống nhau, sự lý giải đối với tài liệu cũng khác nhau, năng lực tiếp xúc với đối tượng nghiên cứu cũng khác nhau; mặt khác, đặc trưng cá tính của đối tượng nghiên cứu cũng sẽ để lại dấu vết trong tài liệu. Trong ý nghĩa đó, tài liệu điền dã ở một mức độ rất lớn là sản phẩm của kinh nghiệm cá thể, mang đặc trưng tâm lý của cá thể. Do vậy, nghiên cứu nhân loại học không thể không xem xét một cách nghiêm túc nhân tố tâm lý trong nó.
Còn nhân loại học trong nghiên cứu liên văn hóa lại cung cấp cho tâm lý học những tư liệu và số liệu liên văn hóa, bởi vì miêu tả tâm lý nhân loại chỉ từ cơ sở của một xã hội hoặc một quần thể là hoàn toàn không đủ, phải được sự ủng hộ thực tế rộng rãi và đầy đủ. Khác biệt giữa hai ngành cũng rất rõ, tiêu điểm chú ý của nhân loại học là văn hóa, là lịch sử và sự phát triển của nhân loại, còn tâm lý học lại xem trọng thế giới nội tâm của cá thể.
5. Nguồn gốc và sự phát triển của nhân loại học
Nguồn gốc của nhân loại học có quan hệ mật thiết với hoạt động của thực dân phương Tây được bắt đầu vào thế kỷ XVI. Nhưng trước đó, từ lâu đã xuất hiện những tư liệu phong phú có liên quan đến nhân loại học, ví dụ:
– Babylon, Ashur, Ba Tư, Ấn Độ cổ đại đều có những ghi chép về những tộc người khác nhau đương thời; thế kỷ V tr.CN, Aristote, người được coi là “cha đẻ của lịch sử phương Tây”, trong cuốn Lịch sử nổi tiếng đã ghi chép các đặc trưng thể chất, văn hóa của rất nhiều tộc người của các khu vực Tây Á, Bắc Phi và Hi Lạp;
– Cuộc chiến xứ Gaul của Julius Caesar – La Mã vào thế kỷ I tr.CN và Xứ Gecmania của nhà sử học La Mã sau này là Cornelius Tacitus…
– Thời cổ đại Trung Quốc, những ghi chép về các dân tộc hải ngoại cũng xuất hiện rất sớm, ví dụ: Phật quốc ký của Pháp Hiển thời Đông Tấn ghi chép về cảnh vật, phong tục tập quán của hơn 20 nước như Ấn Độ, Pakistan, Népal…;
– Đại Đường Tây Vực ký của Đường Huyền Trang và Chân Lạp phong thổ ký quen thuộc đối với mọi người của Chu Đạt Quan đời Nguyên…; các học giả, sứ thần, lữ hành gia các đời đều ghi chép lại phong thổ, tập tục của những dị vực mà bản thân mình đi qua, tích lũy nên những tài liệu dân tộc chí quý báu.
– Bắt đầu từ thế kỷ XV, phát hiện hàng hải mới đã mở ra cho phương Tây một cánh cửa lớn vào Tân thế giới. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, “thế giới bên ngoài phương Tây” trở thành đối tượng tranh đoạt của các nước châu Âu; để phục vụ cho mục đích sở hữu đó, chính phủ thực dân khích lệ giáo hội, học giả, các nhà thám hiểm tiến hành “nghiên cứu hải ngoại”, những nghiên cứu này đều có tính miêu tả, tính tư liệu, tính công cụ đồng thời đều là tư liệu tình báo của chính phủ thực dân. Do đó, nghiên cứu thế giới bên ngoài phương Tây đương thời còn chưa trở thành một ngành khoa học xã hội nhân văn. Thế giới này chủ yếu chỉ những xã hội sơ khai và xã hội bộ lạc nguyên thủy giản đơn, độc lập và phong bế bên ngoài nền văn minh phương Tây. Ví dụ vào thế kỷ XVIII đã xuất hiện các tác phẩm: So sánh phong tục của người man dã châu Mỹ và phong tục viễn cổ của J.F. Lafitan; Đại cương lịch sử nhân loại (1785) của Christoph Meiners mà T.K. Penniman coi là đặt nền móng cho nhân loại học so sánh hiện đại đồng thời được xếp vào hàng những bậc tiền bối đầu tiên của nhân loại học; một bậc tiền bối khác – Jogann Gottfried Herder, trong cuốn Quan niệm về lịch sử nhân loại (1784-1791) đã đưa ra những dự báo về thuyết tiến hóa đồng thời hi vọng thể hiện được nhân loại trong tình trạng thông thường trên thế giới và tình hình đặc thù ở các khu vực khác nhau.
Hàng loạt cuộc tiếp xúc với các nền văn hóa khác đã đặt ra hai vấn đề cơ bản: Một là, nhân loại từ đâu mà có, vì sao lại có những hình thái khác nhau? Hai là, đời sống của những bộ phận nhân loại khác nhau vì sao lại có những hình thái khác nhau? Để giải đáp hai vấn đề này mà nhân loại học đã có âhi phân lưu, thứ nhất là nghiên cứu hình thái thể chất của loài người, thứ hai là nghiên cứu văn hóa xã hội của loài người.
Đến những năm 40 của thế kỷ XIX, nhân loại học trở thành một ngành khoa học độc lập. Bối cảnh học thuật cho sự ra đời đó là sự xuất hiện của cao trào xây dựng khoa học xã hội trong giới học thuật phương Tây, một số học giả nổi tiếng đã đề xuất nghiên cứu xã hội bằng con đường sinh học và khoa học tự nhiên, chủ trương nghiên cứu loại hình xã hội và nhân văn phải chú trọng giá trị thực chứng của lý luận xã hội, phản đối việc sưu tập tình báo đơn thuần. Tư trào này đã cung cấp điểm tựa khoa học xã hội tiến hóa luận cho hệ thống Tư bản chủ nghĩa đang lên đương thời đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của khoa nhân loại học.
Những năm 20 của thế kỷ XX là một ranh giới quan trọng, sự phát triển mạnh mẽ của học phái chức năng Anh và học phái phê bình lịch sử Mỹ đã làm hình thành những loại hình nhân loại học khác nhau, kịch liệt phản đối nhân loại học cổ điển, tái nhận thức chủ nghĩa dân tộc trung tâm và lịch sử nhân loại vĩ mô của tiến hóa luận và truyền bá luận. Nhưng chủ đề nghiên cứu của “thế giới bên ngoài phương Tây” vẫn được tiếp tục bảo lưu.
Xu hướng của nghiên cứu nhân loại học đương đại đã từ mong muốn xây dựng lịch sử nhân loại của nhân loại học cổ điển chuyển sang quan điểm đa nguyên hóa song song tồn tại, coi nền văn hóa khác như là thực thể có địa vị và giá trị đồng đẳng với nền văn hóa của mình (ví dụ văn hóa phương Tây) từ đó tiến hành lý giải nó đồng thời thông qua sự lý giải đó để suy xét về những giới hạn trong nền văn hóa của mình. Về mặt phương pháp luận, khác với nhân loại học cổ điển lấy việc tìm hiểu văn hóa – xã hội vĩ mô làm nội dung và đơn vị nghiên cứu, cũng không còn giống với nhân loại học trong quá khứ chú trọng soi chiếu những cộng đồng hoặc tộc người mô hình nhỏ, giới hạn trong xã hội quy mô nhỏ (small- scale society); nhân loại học xã hội chú trọng hơn đến nghiên cứu xã hội quy mô lớn (large- scale society).
Mặc dù trong lịch sử phát triển của nhân loại học, nhân loại học phương Tây thế kỷ XX không ngừng gặp phải những thách thức tự thân, đề xuất Thuyết tương đối văn hóa, cực lực phê phán quan điểm lấy phương Tây làm trung tâm nhưng lại không thay đổi được bản chất của nó – một bộ phận cấu thành của hệ thống thế giới mà phương Tây chiếm địa vị chi phối; các học giả nhân loại học phương Tây là những người đại diện của văn hóa phương Tây đi “nhận thức cái không phải là phương Tây”, thành quả tư duy và sáng tác nghệ thuật của họ là sự đối chiếu giữa biểu tượng phương Tây và biểu tượng phi phương Tây trong quan hệ Đông – Tây.
Trên thực tế, trong xã hội ngoài phương Tây từ những năm 30 trở lại đây đã tồn tại lâu dài sự phê phán đối với nhân loại học phương Tây, đồng thời cũng tồn tại rất nhiều quan điểm nhân loại học bản thổ (indigenous anthropology), nhưng những quan điểm đó phần lớn đều lặp lại bá quyền văn hóa phương Tây một cách vô thức. Quá trình xâm nhập tư tưởng học thuật phương Tây vào Trung Quốc thế kỷ XIX, đặc biệt là làn sóng thức tỉnh dân tộc của thế giới thứ ba sau đại chiến thế giới II đã dựng lên biểu tượng văn hóa khác lấy phương Tây làm triển vọng tự thân cho sự sự phát triển văn hóa xã hội phương Đông. Sự tương hợp trong chỗ lúng túng này cho thấy khoảng cách văn hóa cũng đồng thời tồn tại trong cả lĩnh vực học thuật và làm thế nào để thúc đẩy sự lý giải nhân văn và khai thông, nối liền văn hóa là công việc thiết thực mà ngành nhân loại học phải gắng sức, một mặt cứu vãn những nền văn hóa và phương thức sống độc đáo, phản đối sự độc chiếm toàn cầu của mô hình phương Tây, mặt khác, thông qua sự hiểu biết đối với văn hóa khác để tái nhận thức mô hình văn hóa của chính mình, đặc biệt là mô hình văn hóa phương Tây.
Nguồn: Từ Kiệt Thuấn (chủ biên): Nhân loại học giáo trình, Thượng Hải Văn nghệ Xuất bản xã, 2005.