Trang chủ Bảo hiểm Hợp đồng bảo hiểm là gì? Phân loại, nội dung và giao kết HĐBH

Hợp đồng bảo hiểm là gì? Phân loại, nội dung và giao kết HĐBH

by Ngo Thinh
370 views

1. Khái niệm hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Bên mua bảo hiểm là tổ chức, cá nhân giao kết HĐBH với DNBH và đóng phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể có liên quan đến 3 người:

– Người tham gia bảo hiểm là tổ chức, cá nhân đứng ra giao kết hợp đồng với DNBH và đóng phí bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm phải có đầy đủ năng lực hành vi pháp lý và họ có thể đồng thời là người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm.

– Người được bảo hiểm là các tổ chức, cá nhân có tài sản, trách nhiệm dân sự, tính mạng được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Người được bảo hiểm có thể đồng thời là người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm.

– Người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được người tham gia bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm. Người thụ hưởng phải hiểu theo nghĩa rộng, bởi có thể có một người hoặc cũng có thể có nhiều người, họ là những người do người tham gia chỉ định cụ thể nhằm tránh những hiện tượng tranh chấp không cần thiết. Khái niệm về người thụ hưởng thường xuất hiện trong các hợp đồng BHCN .

Bên thứ hai của HĐBH chính là doanh nghiệp bảo hiểm. DNBH cam kết trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi có các sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đổi lại DNBH sẽ nhận được phí bảo hiểm. Sự kiện bảo hiểm là những sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Chẳng hạn, trong hợp đồng BHNT hỗn hợp, khi có các sự kiện xảy ra như: người được bảo hiểm bị chết, hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn, hay hết hạn hợp đồng người được bảo hiểm vẫn còn sống, thì doanh nghiệp BHNT phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng.

Ngoài ra, trong HĐBH còn có thể có bên liên quan nữa là các trung gian bảo hiểm bao gồm đại lý và môi giới:

  • Đại lý bảo hiểm: Là người được DNBH ủy quyền để thực hiện những công việc liên quan đến hoạt động bảo hiểm (được hưởng hoa hồng đại lý bảo hiểm do DNBH trả). Đại lý bảo hiểm thực hiện việc giới thiệu, chào bán bảo hiểm, đánh giá rủi ro, thu xếp giao kết HĐBH, thu phí bảo hiểm, giám định và trả tiền bảo hiểm.
  • Môi giới bảo hiểm: Là người đại diện cho khách hàng bảo hiểm (bên mua bảo hiểm hoặc bên nhượng TBH) và được hưởng hoa hồng môi giới do DNBH trả. Môi giới thực hiện việc cung cấp thông tin/tư vấn, đàm phán, thu xếp HĐBH, có thể được DNBH ủy quyền thu phí và trả tiền bảo hiểm.

2. Đặc điểm của hợp đồng bảo hiểm

Hợp đồng bảo hiểm có những tính chất chung trong khuôn khổ của luật pháp, ngoài ra còn có một số tính chất riêng biệt do đặc điểm kinh tế – kỹ thuật của ngành bảo hiểm chi phối.

– HĐBH là hợp đồng song vụ, mở sẵn

Các bên ký kết hợp đồng đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Nghĩa vụ của bên tham gia bảo hiểm là nộp phí bảo hiểm, là đề phòng và hạn chế tổn thất… Nghĩa vụ của DNBH là thực hiện trách nhiệm bồi thường (hoặc chi trả bảo hiểm) khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Quyền và nghĩa vụ trong HĐBH đều quy định rõ và thể hiện ở các điều khoản bảo hiểm, như là đã mở sẵn. Bên tham gia bảo hiểm sau khi xem xét thấy phù hợp với nhu cầu của mình thì ký kết và ngược lại.

– HĐBH mang tính tương thuận

Với tính chất này, chỉ cần hai bên chấp thuận là đi đến ký kết. Việc đi đến ký kết hợp đồng dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, nội dung hợp đồng chủ yếu đều do DNBH soạn thảo sau khi đã được cơ quan quản lý xét duyệt, người tham gia bảo hiểm sẽ tự do lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu của mình.

– HĐBH là hợp đồng có bồi thường (phải trả tiền)

Quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên tham gia hợp đồng thể hiện mối quan hệ tiền tệ rất rõ nét. Tức là, người tham gia bảo hiểm phải trả tiền bằng cách nộp phí bảo hiểm mới được đảm bảo có quyền lợi kinh tế từ doanh nghiệp bảo hiểm. Vì vậy, dù hợp đồng đã được ký kết, nhưng người tham gia bảo hiểm chưa nộp phí, thì hợp đồng vẫn chưa có hiệu lực và người tham gia chưa thể đòi hưởng quyền lợi của mình.

– HĐBH là loại hợp đồng may rủi

Trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực, nếu sự kiện bảo hiểm xảy ra, bên tham gia bảo hiểm sẽ được DNBH bồi thường hoặc chi trả. Trái lại, nếu không xảy ra sự kiện bảo hiểm mặc dù người được bảo hiểm đã nộp phí bảo hiểm, nhưng không nhận được bất cứ một khoản chi hoàn trả nào từ phía doanh nghiệp bảo hiểm. DNBH chấp nhận rủi ro từ phía người tham gia bảo hiểm chuyển giao cho họ, đổi lại doanh nghiệp nhận được phí bảo hiểm. Nhưng rủi ro này mới tồn tại ở trạng thái tương lai, có thể xảy ra, có thể không xảy ra. Vì thế không xác định được hiệu quả của HĐBH khi ký kết hợp đồng và người ta thường quan niệm là loại hợp đồng may rủi.

3. Phân loại hợp đồng bảo hiểm

Tuỳ theo mục đích nghiên cứu, có thể phân loại HĐBH theo nhiều tiêu thức khác nhau, trong đó tiêu thức đối tượng bảo hiểm được sử dụng chủ yếu. Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm, HĐBH được chia làm 3 loại: Hợp đồng bảo hiểm con người (BHCN), hợp đồng bảo hiểm tài sản (BHTS), HĐBH trách nhiệm.

hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

3.1. Hợp đồng bảo hiểm con người

Hợp đồng BHCN được áp dụng cho các đối tượng bảo hiểm là tính mạng, tình trạng sức khoẻ và những sự kiện có liên quan đến tuổi thọ của con người. Loại hợp đồng này có đặc điểm:

– Thời hạn hợp đồng thường kéo dài, đặc biệt là những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT). Vì thế, trong quá trình thực hiện hợp đồng, người tham gia bảo hiểm được quyền thay đổi nội dung hợp đồng, thí dụ như đề nghị giảm bớt số tiền bảo hiểm, thay đổi loại hình BHNT, điều chỉnh thời hạn nộp phí và phương thức nộp phí…

– Hợp đồng BHCN là loại hợp đồng thanh toán có định mức. Bởi vì, BHCN chủ yếu áp dụng nguyên tắc khoán, nên định mức tối đa mà DNBH thanh toán cho người thụ hưởng chính là số tiền bảo hiểm. Về nguyên tắc, số tiền bảo hiểm (STBH) không hạn chế, chỉ cần 2 bên bàn bạc thống nhất với nhau là được. Tuy nhiên, các DNBH thường có định mức sẵn từng loại để người tham gia dễ dàng lựa chọn.

– Một số loại hợp đồng BHCN (chủ yếu là các loại hợp đồng BHNT) là những hợp đồng mang tính tiết kiệm. Có thể hàng tháng, hàng quý, hàng năm người tham gia nộp phí cho DNBH bằng những khoản tiền nhỏ, cho tới khi người được bảo hiểm qua đời hay đến hết hạn hợp đồng anh ta còn sống, người thân hoặc bản thân anh ta sẽ nhận được một khoản tiền đáng kể giống như tiền gửi tiết kiệm. Có khác chăng là số tiền này không thể tuỳ ý lấy ra, mà phải tới khi xảy ra sự kiện bảo hiểm mới được nhận lại.

– Trong quá trình thực hợp đồng, nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng phí bảo hiểm không đủ thì DNBH không được khởi kiện truy đòi bên mua đóng phí bảo hiểm. Đặc điểm này khác hẳn với những hợp đồng kinh tế thông thường diễn ra trong thực tế.

– Đối với các hợp đồng BHCN, DNBH không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn. Nếu người thứ ba trực tiếp hoặc gián tiếp gây nên cái chết, thương tật hoặc ốm đau cho người được bảo hiểm thì DNBH vẫn thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo đúng các thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng. Đồng thời, người thứ ba phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

3.2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản (BHTS) là tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản. Hợp đồng BHTS có đặc điểm:

– Thời hạn hợp đồng khoảng một năm trở xuống. Ngay sau khi hết hạn hợp đồng, bên tham gia bảo hiểm có thể tái tục bảo hiểm, có nghĩa là ký tiếp một thời hạn tiếp theo. Khi đó, thủ tục ký kết đơn giản vì có thể giảm bớt được một số khâu trong đánh giá rủi ro, trong việc thỏa thuận phí bảo hiểm và Số tiền bảo hiểm (STBH)…

– Hợp đồng BHTS là loại hợp đồng bồi thường và mức giới hạn bồi thường cao nhất là STBH của đối tượng bảo hiểm. Trường hợp tài sản được bảo hiểm bị rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm thực tế tổn thất bao nhiêu, bồi thường bấy nhiêu. Tuy nhiên, khi xem xét bồi thường còn phải tính đến mức phí bảo hiểm đã nộp, thời hạn nộp phí, bảo hiểm trùng và mức miễn thường nếu có…

– Trong quá trình thực hợp đồng, nếu người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho tài sản được bảo hiểm, thì DNBH vẫn bồi thường cho bên tham gia bảo hiểm, nhưng bên tham gia phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu bên tham gia bảo hiểm từ chối yêu cầu trên thì DNBH có quyền khấu trừ STBT tuỳ theo mức độ lỗi của bên tham gia bảo hiểm.

– Trong thời hạn hợp đồng hai bên phối hợp thực hiện các quy định về an toàn cho tài sản được bảo hiểm như: phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh lao động và những quy định khác của pháp luật. Nếu tổn thất xảy ra, bên tham gia bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc các bên có những thỏa thuận riêng.

3.3. Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự

Đối tượng của hợp đồng này là trách nhiệm dân sự (TNDS) của người được bảo hiểm đối với người thứ ba theo quy định của luật pháp. HĐBH TNDS có đặc điểm:

– HĐBH trách nhiệm cũng là loại hợp đồng bồi thường, thời gian ngắn, thường 1 năm trở xuống. Đối với người tham gia bảo hiểm, việc đảm nhận trách nhiệm bồi thường dân sự có nghĩa là phải chi trả tiền thiệt hại cho người khác do mình gây ra. Khi mua bảo hiểm, DNBH sẽ gánh vác cho họ khoản chi này, đó chính là lợi ích bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm.

– Trong thời hạn hợp đồng, DNBH chỉ chịu trách nhiệm bồi thường khi người bị thiệt hại (người thứ ba) yêu cầu người tham gia bảo hiểm bồi thường. DNBH không có trách nhiệm trực tiếp với người bị thiệt hại. Cho nên HĐBH trách nhiệm chỉ tồn tại giữa DNBH với người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, dựa theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng, DNBH có thể trực tiếp bồi thường cho người thứ ba về những thiệt hại do người tham gia bảo hiểm gây ra cho họ.

– HĐBH TNDS chỉ giới hạn trong phạm vi trách nhiệm bồi thường về mặt kinh tế, không chịu các trách nhiệm khác của người tham gia bảo hiểm trước pháp luật như: Trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự.

– HĐBH trách nhiệm luôn phải quy định hạn mức trách nhiệm bồi thường tối đa của doanh nghiệp bảo hiểm. Ví dụ: Hạn mức trách nhiệm bồi thường tối đa trong bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới đối với người thứ ba là 50 triệu đồng một vụ tai nạn về tài sản và 50 triệu đồng một người, một vụ tai nạn.

Phân loại HĐBH theo đối tượng bảo hiểm là cách phân loại chủ yếu, ngoài ra mỗi loại hợp đồng nêu trên còn được phân loại chi tiết theo các tiêu thức khác nhau, tuỳ theo mục đích nghiên cứu. Chẳng hạn, đối với loại hình BHTS còn chia ra: HĐBH tàu thủy, HĐBH hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển… Hay đối với bảo hiểm trách nhiệm còn chia ra: HĐBH trách nhiệm đối với sản phẩm, HĐBH trách nhiệm nghề nghiệp, HĐBH trách nhiệm pháp lý…

4. Nội dung hợp đồng bảo hiểm

 4.1. Giấy yêu cầu bảo hiểm

Khi có nhu cầu tham gia bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm phải thực hiện khai báo rủi ro theo yêu cầu của người bảo hiểm trên giấy yêu cầu bảo hiểm. Giấy yêu cầu bảo hiểm được DNBH thiết kế theo mẫu với các câu hỏi liên quan đến đối tượng bảo hiểm, bên tham gia bảo hiểm. Các câu trả lời của người tham bảo hiểm phải đảm bảo trung thực, chính xác, bởi vì trên cơ sở những thông tin này mới đánh giá được rủi ro và định phí bảo hiểm phù hợp. Việc cố ý trả lời không chính xác có thể dẫn đến việc hủy bỏ hợp đồng hoặc bị phạt khi xem xét bồi thường. Giấy yêu cầu bảo hiểm có thể được bổ sung bởi nhiều chi tiết khác như ảnh chụp, giấy xác nhận sức khoẻ, các hoá đơn chứng từ… Đối với một số nghiệp vụ bảo hiểm phức tạp (bảo hiểm cháy, bảo hiểm xây dựng, lắp đặt), không chỉ dựa vào giấy yêu cầu bảo hiểm, các DNBH còn phải cử nhân viên đến tận nơi để thảo luận và đánh giá rủi ro cùng người yêu cầu bảo hiểm.

4.2. Đơn bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm

Trên cơ sở xem xét yêu cầu bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm, nếu chấp nhận bảo hiểm, DNBH sẽ cấp đơn bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm. Như vậy đơn bảo hiểm chính là bằng chứng chứng tỏ DNBH đã chấp nhận việc mua bảo hiểm. Thông thường, nội dung của đơn bảo hiểm bao gồm:

  • Đối tượng bảo hiểm;
  • Phạm vi bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
  • Số tiền bảo hiểm hay mức trách nhiệm bảo hiểm;
  • Phí bảo hiểm và phương thức thanh toán;
  • Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;
  • Thời hạn bảo hiểm;
  • Mức khấu trừ;
  • Quyền và nghĩa vụ các bên. Quy định giải quyết tranh chấp.

Trong thực tế, với các khách hàng tham gia bảo hiểm thường xuyên, hoặc với những nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc, thay vì cấp đơn bảo hiểm (Policy), các DNBH có thể chỉ cấp giấy chứng nhận bảo hiểm (Certificate). Giấy chứng nhận chỉ ghi tóm tắt những thông tin của Đơn bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm phần lớn chỉ ghi thông tin về DNBH, thông tin về khách hàng, thông tin về đối tượng bảo hiểm, thông tin về phí bảo hiểm và hạn mức trách nhiệm; còn các điều kiện, điều khoản bảo hiểm không được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm mà tự động được thực hiện theo Quy tắc bảo hiểm của DNBH.

4.3. Giấy sửa đổi, bổ sung

– Thông thường do thời hạn bảo hiểm dài (có thể hàng năm, vài năm, hoặc thậm chí cả chục năm), nên trong quá trình thực hiện HĐBH có thể có nhiều thay đổi xảy ra, đòi hỏi phải thay đổi các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho phù hợp. Trong trường hợp này những thay đổi này sẽ được thể hiện trong giấy sửa đổi, bổ

– Những thay đổi thường gặp của HĐBH là: thay đổi về điều kiện, điều khoản bảo hiểm, thay đổi về mức phí bảo hiểm, thay đổi về số tiền bảo hiểm, thay đổi về người được bảo hiểm…

5. Giao kết hợp đồng bảo hiểm

 5.1. Thiết lập hợp đồng bảo hiểm

 a. Nguyên tắc thiết lập hợp đồng bảo hiểm

Khi thiết lập HĐBH phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

– Nguyên tắc công bằng đôi bên cùng có lợi: Nguyên tắc này đòi hỏi người tham gia và DNBH phải thiết lập hợp đồng với điều kiện tôn trọng lợi ích của mỗi bên. Các bên được hưởng quyền lợi với điều kiện phải thực những nghĩa vụ nhất định. Nguyên tắc này thể hiện tính song vụ của hợp đồng bảo hiểm.

– Nguyên tắc bàn bạc thống nhất: Đây là nguyên tắc đòi hỏi các bên tham gia phải tỏ rõ ý muốn của mình khi thiết lập hợp đồng và phải đạt được sự thống nhất về ý muốn đó. Bởi vì trong thực tế để đạt được mục đích kinh tế của mình, lợi ích và yêu cầu của các bên trong hợp đồng kinh tế nói chung và HĐBH nói riêng thường không hoàn toàn thống nhất với Cho nên, cần phải có sự bàn bạc thống nhất trên tinh thần tự nguyện, thậm chí phải bàn bạc nhiều lần trước khi ký hợp đồng. Có như vậy, mối quan hệ giữa các bên mới đảm bảo lâu dài và hạn chế việc hủy bỏ hợp đồng trước thời hạn.

– Nguyên tắc tự nguyện: Tự nguyện thiết lập HĐBH có nghĩa là bên này không được dựa vào ưu thế kinh tế của mình hoặc ý muốn riêng của mình để áp đặt cho bên kia, bắt ép bên kia xác lập hợp đồng. Bất cứ cá nhân tổ chức nào khác đều không được can thiệp một cách bất hợp pháp vào việc thiết lập hợp đồng này.

– Nguyên tắc không làm tổn hại lợi ích chung của xã hội: Lợi ích chung của xã hội là lợi ích cộng đồng, lợi ích căn bản của mọi người trong xã hội mà các đạo luật khác quy định. Hai bên trong HĐBH đều phải cùng nhau bảo vệ lợi ích này. Ví dụ, khi ký kết HĐBH xây dựng, nếu tại hiện trường có những công trình cảnh quan cần bảo vệ như đền đài, miếu mạo, cây cổ thụ, cả 2 bên đều phải có sự bàn bạc thống nhất để bảo vệ, không được phá hủy.

b. Trình tự thiết lập hợp đồng bảo hiểm

– Trình tự thiết lập

Trình tự thiết lập HĐBH

Trình tự thiết lập HĐBH

* Quyền và nghĩa vụ các bên:

– Quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm

+ Bên mua bảo hiểm có quyền:

  • Lựa chọn DNBH hoạt động tại Việt Nam để giao kết HĐBH;
  • Yêu cầu DNBH giải thích điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
  • Yêu cầu DNBH cấp Giấy CNBH hoặc Đơn bảo hiểm.

+ Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ:

  • Cung cấp thông tin: Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết liên quan đến HĐBH theo yêu cầu của
  • Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo phương thức thỏa thuận trong HĐBH.

– Quyền và nghĩa vụ của DNBH:

+ DNBH có quyền:

  • Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin liên quan đến việc giao kết và thực hiện HĐBH.
  • Thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH.

+ DNBH có nghĩa vụ:

  • Giải thích cho bên mua bảo hiểm về điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.
  • Cấp cho bên mua bảo hiểm Giấy CNBH, Đơn bảo hiểm ngay sau khi giao kết HĐBH.

5.2. Thực hiện hợp đồng bảo hiểm

Thực hiện HĐBH là quá trình các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận của HĐBH.

a. Quyền và nghĩa vụ của bên tham gia bảo hiểm

– Bên tham gia bảo hiểm có quyền:

+ Lựa chọn DNBH để mua bảo hiểm.

+ Yêu cầu DNBH giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, cấp đơn hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm.

+ Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo luật định nếu như DNBH cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để giao kết hợp đồng, không chấp nhận giảm phí nếu rủi ro được bảo hiểm thay đổi theo chiều hướng có lợi cho doanh nghiệp mà bên tham gia đã yêu cầu giảm phí…

+ Yêu cầu DNBH trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường khi sự kiện bảo hiểm xảy

+ Chuyển nhượng HĐBH theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật.

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

– Bên tham gia bảo hiểm có nghĩa vụ:

+ Kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Việc kê khai này phải được tiến hành vào lúc ký hợp đồng và suốt trong quá trình thực hợp đồng, chẳng hạn như sự thay đổi địa chỉ, trụ sở của người tham gia bảo hiểm, mức độ tăng giảm rủi ro… Những thông báo này có liên quan đến việc quản lý hợp đồng, tăng phí hay giảm phí bảo hiểm…

+ Đóng phí đầy đủ theo thời gian và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Phí bảo hiểm có thể đóng 1 lần hay định kỳ. Trong trường hợp nộp phí chậm thì DNBH ấn định một thời hạn để người tham gia bảo hiểm đóng phí. Nếu hết thời hạn đó mà người tham gia bảo hiểm không đóng phí thì hợp đồng chấm dứt. Trong các hợp đồng BHNT, thường xảy ra tình trạng nộp phí chậm, không đúng hạn hoặc một thời hạn ngắn trong toàn bộ thời hạn bảo hiểm người tham gia bảo hiểm không có khả năng nộp phí thì DNBH thường xử lý bằng cách tính toán STBH giảm đi.

+ Thông báo cho DNBH về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo như thỏa thuận trong hợp đồng, việc thông báo phải được thực hiện nhanh chóng. Có những nước còn quy định thời hạn thông báo để ràng buộc trách nhiệm đối với bên tham gia bảo hiểm, như ở Pháp đối với bảo hiểm mất cắp là 48 giờ, bảo hiểm vật nuôi bị chết là 24 giờ, bảo hiểm xây dựng là 5 ngày…

Việc áp đặt thời hạn thông báo là để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, giúp họ giải quyết hậu quả rủi ro nhanh chóng, chính xác, đặc biệt giúp bảo vệ khả năng truy đòi người thứ ba có liên đới. Sau khi khai báo lần đầu về tổn thất xảy ra, bên tham gia bảo hiểm còn phải cung cấp tất cả các giấy tờ cần thiết và trả lời các câu hỏi của DNBH để làm rõ nguyên nhân và mức độ tổn thất giúp hoàn tất thủ tục bồi thường.

+ Áp dụng các biện pháp đề phòng hạn chế tổn thất để hạn chế tối đa hậu quả của rủi ro. Chẳng hạn, người tham gia bảo hiểm phải gọi ngay cứu hoả trong trường hợp có hoả hoạn, gọi cảnh sát trong trường hợp mất cắp, trông coi đối tượng được bảo hiểm bị cháy để tránh mất cắp, mất trộm… Khi ký kết hợp đồng, DNBH có thể thông báo, hướng dẫn cho người tham gia bảo hiểm những việc cần thiết để bảo vệ đối tượng bảo hiểm. Trong một số trường hợp, những ý kiến đó thuộc dạng yêu cầu mà người tham gia bảo hiểm buộc phải thực nếu như muốn được bảo hiểm. Những trường hợp đề xuất, gợi ý của DNBH thường liên quan đến việc điều chỉnh phạm vi bảo hiểm, phí bảo hiểm. Điều 578 chương I, phần 3 của Bộ luật Dân sự CHXHCN Việt Nam quy định:

  • 1. Bên được bảo hiểm có nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện ghi trong hợp đồng, các quy định pháp luật có liên quan và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thiệt hại.
  • 2. Trong trường hợp bên được bảo hiểm có lỗi không thực các biện pháp phòng ngừa thiệt hại đã ghi trong hợp đồng, thì bên bảo hiểm có quyền ấn định một thời hạn nếu các biện pháp phòng ngừa vẫn không thực hiện thì bên bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng hoặc không trả tiền bảo hiểm khi thiệt hại xảy ra do các biện pháp phòng ngừa đã không thực hiện“.

b. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm

– DNBH có quyền:

  • Thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Yêu cầu khách hàng cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
  • Đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng nếu bên tham gia bảo hiểm cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng để được bồi thường hoặc được trả tiền bảo hiểm. Trong trường hợp phí đóng nhiều lần và người tham gia bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần, nhưng sau đó không thể đóng phí tiếp tục thì sau một thời gian nhất định DNBH cũng có quyền đơn phương đình chỉ thực hợp đồng…
  • Từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối thanh toán tiền bồi thường cho khách hàng trong những trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo như thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Yêu cầu khách hàng áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của pháp luật, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn STBH mà DNBH đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự. Để đòi được người thứ ba, DNBH có quyền yêu cầu khách hàng cung cấp kịp thời mọi thông tin, tài liệu, bằng chứng cần thiết có liên quan đến việc xác định trách nhiệm của người thứ

– DNBH có nghĩa vụ:

  • Giải thích cho khách hàng về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của họ khi mua bảo hiểm. Sự giải thích ở đây có thể bằng lời nói hoặc bằng văn bản, thông thường các điều khoản, điều kiện bảo hiểm, DNBH phải giải thích bằng văn bản. Nội dung giải thích càng rõ ràng, dễ hiểu thì thời hạn thiết lập hợp đồng càng nhanh chóng. Nghĩa vụ giải thích mặc dù không phải là nghĩa vụ thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, nhưng lại rất quan trọng vì đây là một hành động chuẩn bị sẵn sàng thiết lập hợp đồng, là cơ sở, là tiền đề để thiết lập hợp đồng hợp pháp, có hiệu quả. Thêm vào đó, kỹ thuật nghiệp vụ bảo hiểm rất phức tạp, thuật ngữ chuyên môn khó hiểu, trình độ hiểu biết của khách hàng về bảo hiểm nói chung còn hạn chế thì giải thích, hướng dẫn mọi thủ tục giấy tờ cho họ là hết sức cần thiết.
  • Cấp đơn bảo hiểm hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm cho bên tham gia bảo hiểm ngay sau khi giao kết hợp đồng.
  • Bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm cho bên tham gia bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn bảo hiểm đã quy định. Đây là nghĩa vụ chính của doanh nghiệp bảo hiểm, nó thể hiện sự cam kết chặt chẽ giữa hai bên nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên tham gia bảo hiểm. Nếu như HĐBH không có sự thỏa thuận về thời hạn thì DNBH phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong vòng 15 ngày theo luật định, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Trong trường hợp chậm thực nghĩa vụ này thì DNBH phải trả cả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất, nợ quá hạn do ngân hàng quy định tại thời điểm trả tiền bảo hiểm tương ứng với thời gian chậm trả.
  • Giải thích bằng văn bản lý do từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc từ chối bồi thường.
  • Phối hợp với bên tham gia bảo hiểm giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Tuỳ từng loại hình bảo hiểm, khi theo dõi thực hiện HĐBH cần những giấy tờ sau:

  • Bảng kê phí bảo hiểm đã nộp bao gồm các nội dung: thời gian nộp phí, số phí phải nộp, số phí thực nộp, chữ ký của người nhận và người nộp phí…
  • Biên bản xác nhận tai nạn tổn thất do cơ quan công an, y tế cung cấp, giấy chứng nhận tình trạng thương tật, bệnh tật của giám định y khoa…
  • Bản thanh toán tiền viện phí, mai táng phí trong những trường hợp ốm đau, tai nạn, tử vong…
  • Bảng thanh toán chi phí sửa chữa các phương tiện hư hỏng do tai nạn.
  • Bảng tính toán các khoản tiền bồi thường của DNBH cho bên tham gia bảo hiểm hoặc cho người thứ
  • Bảng tính toán các khoản tiền mà DNBH phải đòi người thứ
  • Bảng kê vay trên hợp đồng, các lần chi trả… trong các hợp đồng
  • Bảng quyết toán thực hiện HĐBH với khách hàng…

Tất cả các văn bản trên cần phải in ấn theo những mẫu thống nhất cho mỗi loại hình bảo hiểm để tiện việc theo dõi, tra cứu và lưu giữ bảo quản. Tuy vậy, để có đầy đủ các thông tin, trong quá trình quản lý hợp đồng bảo hiểm, DNBH cần phải phối hợp chặt chẽ với khách hàng, với các cơ quan công an, y tế và các tổ chức xã hội khác để thu thập giúp quản lý hợp đồng được chặt chẽ, đúng pháp luật.

5.3. Hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

 a. Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm

Hủy bỏ HĐBH là hành vi pháp luật của các bên, theo đó HĐBH sẽ chấm dứt trước thời hạn. Thông thường bên có quyền hủy bỏ hợp đồng đưa ra ý kiến với phía bên kia về việc này, nhằm làm cho HĐBH đã được thiết lập bị hủy bỏ. Pháp luật quy định rất chặt chẽ về mối quan hệ giữa 2 bên trong giao kết hợp đồng, nhưng cũng cho phép hủy bỏ trong những trường hợp nhất định.

  • HĐBH có thể bị hủy bỏ do bên tham gia bảo hiểm trong những trường hợp như: DNBH điều chỉnh giá phí bảo hiểm, rủi ro giảm nhưng DNBH từ chối không giảm phí bảo hiểm…
  • DNBH cũng có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng trong những trường hợp khách hàng không thanh toán phí bảo hiểm, khai báo rủi ro không chính xác…
  • HĐBH bị hủy bỏ do sự thỏa thuận của hai bên trong các trường hợp: Thay đổi chỗ ở, hoàn cảnh gia đình, nghề nghiệp, về hưu…

Trong những trường hợp đơn phương hủy bỏ hợp đồng, bên đơn phương phải thông báo cho bên kia biết. Nếu không thông báo mà gây thiệt hại cho phía bên kia thì phải bồi thường.

b. Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm

Hiện tượng chấm dứt hợp đồng thường là:

  • Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi được bảo hiểm.
  • Bên mua bảo hiểm không đóng đủ hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong HĐBH (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
  • Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí trong thời gian gia hạn đóng phí.
  • Sự kiện bảo hiểm xảy ra và người bảo hiểm đã hoàn thành toàn bộ cam kết bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm.
  • HĐBH cũng có thể được chấm dứt theo thỏa thuận giữa 2 bên.
  • Trường hợp DNBH bị phá sản, HĐBH sẽ chấm dứt nếu bên mua bảo hiểm không đồng ý chuyển giao HĐBH cho DNBH khác.

Khi HĐBH chấm dứt, tùy từng trường hợp cụ thể mà mỗi bên sẽ phải hoàn tất thực hiện các nghĩa vụ của mình, cụ thể:

  • Trường hợp chấm dứt HĐBH do bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm thì DNBH phải hoàn lại phí bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại (sau khi đã trừ các chi phí hợp lý liên quan).
  • Trường hợp chấm dứt HĐBH do bên mua bảo hiểm không đóng hoặc không đóng đủ phí thì bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm cho đến thời hạn chấm dứt HĐBH (không áp dụng với BHCN).
  • Trường hợp chấm dứt HĐBH do bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí trong thời gian gia hạn đóng phí thì DNBH vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm vẫn phải đóng đủ phí bảo hiểm cho đến hết thời gian gia hạn.

Tóm lược

– HĐBH là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và DNBH, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

– HĐBH phải lập thành văn bản.

– HĐBH có 5 đặc trưng là: (1) hợp đồng song vụ, (2) hợp đồng mở sẵn, (3) hợp đồng tương thuận, (4) hợp đồng bồi thường, (5) hợp đồng may rủi.

– Căn cứ vào đối tượng bảo hiểm, HĐBH được chia thành 3 loại: (1) HĐBH con người, (2) HĐBH tài sản, (3) HĐBH trách nhiệm dân sự.

– Một HĐBH thông thường bao gồm: (1) Giấy yêu cầu bảo hiểm, (2) Đơn bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm, (3) Giấy sửa đổi, bổ

– Quá trình giao kết HĐBH bao gồm: Thiết lập hợp đồng, thực hiện hợp đồng, hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng.

(Nguồn: neu.topica.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net