Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Thời đại văn học là gì?

Thời đại văn học là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 699 views

Mỗi thời đại lịch sử với những điều kiện đặc thù khác nhau, đều hình thành một nền văn học tương ứng. Thời đại văn học là việc nhìn nhận những hiện tượng văn học xuất hiện trong cùng một thời gian lịch sử, trong phạm vi không gian một quốc gia, một vùng đất hoặc trên toàn thế giới.

Nói đến tiến trình văn học, không thể không quan tâm đến vấn đề đầu tiên là việc phân kỳ thành những thời đại văn học. Khi khám phá một thực thể về mặt không gian, phải mổ xẻ thực thể ấy để tìm ra những yếu tố cùng những mối liên hệ trong cấu trúc của chính nó, thì ngược lại, những yếu tố cơ bản của tiến trình lịch sử về mặt thời gian, chính là thời đại, là giai đoạn mang những sắc thái, nội dung riêng, liên kết với nhau theo chiều dọc của thời gian làm nên lịch sử của bản thân nó. Chính sự phân kỳ đã bao hàm diễn biến của lịch sử nói chung, của tiến trình văn học nói riêng.

Thời gian vật chất luôn trôi chảy theo nhịp điệu đồng đều, theo từng ngày, từng tháng, từng năm. Nó chưa phải là tiến trình, là lịch sử. Phải có con người và sự kiện xuất  hiện trong thời gian ấy, mới có sử, rồi người ta mới viết thành lịch sử. Nhưng những sự kiện xảy ra đâu có đồng đều. Vì thế, lịch sử có độ dày mỏng khác nhau. Có khi thời gian ngắn, nhưng sự việc nhiều, ngược lại, thời gian dài, nhưng sự việc ít, thậm chí như là một tập hợp rỗng, một trang giấy trắng, không có gì đáng nói. Quá trình diễn biến của tất cả sự vật, hiện tượng, trong đó có văn học, không thể có sự đồng đều về thời gian và ý nghĩa quan trọng của sự kiện. Vì vậy, việc phân kỳ văn học thành những thời kỳ lớn hay nhỏ, đều có tính tương đối, tuy không đồng đều về thời gian, nhưng phải tương đối đồng đẳng về ý nghĩa và tầm quan trọng.

Mỗi quá trình lịch sử đều có những tiêu chí để phân chia khác nhau, tùy theo quan niệm và trình độ nhận thức, nhưng nhìn chung, sự tiến triển bao giờ cũng thể hiện ở những sự việc, hiện tượng xuất hiện phải mang lại sự thay đổi, cái sau phải khác cái trước. Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Marx với chủ nghĩa duy vật lịch sử đã nhìn ra tiến trình lịch sử xã hội loài người với năm giai đoạn là cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và cộng sản. Đó là người ta lấy phương thức sản xuất ra của cải vật chất để phân chia. Các nhà lập thuyết tư tưởng tư sản không chia như thế, mà chia thành thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt… họ lấy thành tựu văn minh vật chất để chia. Nhưng những nhà mỹ học chia lịch sử tư tưởng mỹ học thành các giai đoạn nguyên thủy, cổ đại, trung cổ, phục hưng, cổ điển, khai sáng, hiện đại, là lấy sự vận động của lý tưởng thẩm mỹ để chia. Các thời đại văn học là lấy ý nghĩa và tầm quan trọng của các sự kiện văn học, các tác giả, tác phẩm để phân chia, thì có thể nhận ra lịch sử văn học châu Âu có ba thời kỳ lớn.

Một là, văn học cổ trung đại từ cổ đại Hy Lạp – La Mã đến trước thời phục hưng, kéo dài mấy ngàn năm từ chế độ nô lệ cho đến giai đoạn đầu của chế độ phong kiến. Thành tựu rực rỡ là thời cổ đại Hy Lạp, ảnh hưởng, chi phối mấy nghìn năm, tuy tiến triển rất chậm.

Hai là, thời kỳ văn học cận đại, bắt đầu từ thời phục hưng, tuy vẫn nằm trong phạm trù tư tưởng phong kiến nhưng đã xuất hiện phương thức sản xuất tư bản, trải qua các cuộc cách mạng tư sản (thế kỷ XVII) hình thái kinh tế tư bản được xác lập và phát triển thành chủ nghĩa đế quốc vào nửa sau thế kỷ XIX. Tuy trải qua hai chế độ phong kiến và tư bản, nhưng có thể nhìn thấy nó phát sinh từ chế độ tư bản manh nha, chiến thắng chủ nghĩa phong kiến, phát triển đến cực thịnh. Do quan hệ sản xuất tư bản phát triển mạnh mẽ tác động toàn bộ ý thức và tồn tại của xã hội, gây ra những biến động mạnh mẽ và phức tạp về mặt tư tưởng, làm xuất hiện nhiều trào lưu văn học như chủ nghĩa nhân văn, chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên… Văn học đã thoát khỏi những bước đi chậm chạp, nặng nề kéo dài hàng nghìn năm của thời cổ trung đại, tạo nên những xáo trộn, sôi nổi và mạnh mẽ, nhưng không kém phần phức tạp.

Ba là, thời kỳ văn học hiện đại (từ nửa cuối thế kỷ XIX) từ khi xuất hiện chủ nghĩa đế quốc cho đến nay. Các cuộc chiến tranh thế giới, các cuộc chinh phục thuộc địa, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tạo thành một hệ thống các quốc gia hùng mạnh, có thể sánh ngang và tạo thế đối trọng với hệ thống tư bản, rồi lâm vào khủng hoảng. Đồng nghĩa với nó là thời kỳ bùng nổ của tri thức, “mọi giá trị văn hóa tinh thần của một dân tộc, không còn là của riêng của dân tộc đó, mà trở thành tài sản chung của toàn nhân loại” (Marx). Đây là thời kỳ phá vỡ thế cô lập dân tộc, tạo ra sự giao lưu văn hóa, các ngành khoa học phát triển “siêu tốc”, tạo ra các trào lưu, các trường phái, không chỉ ra đời dồn dập mà còn phát triển mạnh mẽ và phức tạp. Nếu như trước đây các trào lưu độc chiếm một giai đoạn, trào lưu mới ra đời có ý nghĩa thay thế trào lưu cũ, còn bây giờ nó song song, giằng co, xâm chiếm lẫn nhau, đối kháng nhau, trong đó có các trào lưu lớn là chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện đại. Mỗi trào lưu có một biến thái, nảy sinh nhiều trường phái, nhiều phương pháp như chủ nghĩa hiện thực có chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, chủ nghĩa hiện thực mới, chủ nghĩa hiện thực cấu trúc, chủ nghĩa hiện thực kỳ ảo, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, chủ nghĩa hiện thực ảo mộng; còn chủ nghĩa hiện đại thì phức tạp hơn, với chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hậu hiện đại…

Mỗi thời đại văn học, tùy theo trình độ nhận thức mà hình thành một lý tưởng thẩm mỹ riêng. Quan niệm về mẫu người của thời đại sẽ góp phần tạo nên nhân vật lý tưởng trong văn học. Mẫu người đẹp trong văn học Hy Lạp – La Mã là con người anh hùng mang phẩm chất khái quát cao độ, nhưng ít có phẩm chất cá thể hóa. Trong Bàn về truyện ngắn Nga và truyện ngắn Gogol, nhà phê bình thiên tài Bielinski cho rằng, con người trong văn học Hy Lạp – La Mã là con người lý tưởng hóa, tiêu biểu cho phẩm chất cái cao cả, cái tốt đẹp, “vứt bỏ tất cả những cái bình thường, cái hằng ngày, cái trong nhà, bởi cuộc sống của anh ta là ở quảng trường, ở trường đấu, trong đền miếu, nơi pháp đình.” (Dẫn theo Phương Lựu, Lý luận văn học tập 3, Sđd tr. 64.)

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]