Trang chủ Tiếng Việt Viết hoa trong tiếng Việt: quy cách, thực trạng, giải pháp

Viết hoa trong tiếng Việt: quy cách, thực trạng, giải pháp

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 738 views

Chữ hoa và chính tả viết hoa được tạo ra nhằm đối lập với chữ thường, cách viết bình thường. Viết hoa không hề liên quan đến ghi âm (chữ quốc ngữ là chữ ghi âm) nhưng là một sáng tạo quan trọng nhằm tăng thêm khả năng biểu đạt của ngôn ngữ. Thế đối lập giữa viết hoa/ viết thường tạo nên giá trị về cú pháp, ngữ nghĩa, tu từ, logic qua chữ viết. Trong xu thế văn hóa giao tiếp hiện nay, việc truyền thông, trao đổi được thực hiện chủ yếu bằng văn bản, cho nên, chính tả có xu hướng quan trọng hơn phát âm. Thế mà, chính tả tiếng Việt nói chung, chính tả viết hoa nói riêng đang còn nhiều vấn đề cần tiếp tục thảo luận để có được chuẩn mực chính tả. Bài viết này, chúng tôi tập trung bàn tiếp vấn đề chính tả viết hoa.

1. Về quy cách viết hoa tiếng Việt

Viết hoa là một nội dung khá quan trọng của chính tả tiếng Việt. Qua chính tả viết hoa, chữ viết tăng thêm khả năng giá trị khu biệt. Quy tắc viết hoa của chữ quốc ngữ trên cơ sở đối lập giữa viết hoa/ viết thường dẫn đến một loạt ý nghĩa: a/ viết hoa về mặt cú pháp, b/ viết hoa tên riêng (phân biệt với tên chung), c/ viết hoa tu từ.

– Viết hoa cú pháp là lối viết hoa bắt đầu của câu, cũng có thể tiếp sau ngay dấu kết thúc câu nhằm phân đoạn về cú pháp và cũng là phân đoạn tư tưởng. Cách viết hoa về mặt cú pháp có tính ổn định, thống nhất, trở thành chuẩn chung của chính tả tiếng Việt.

– Tên riêng gồm những từ (danh từ riêng), tổ hợp từ chỉ một cá thể người, một vùng đất, một đơn vị hành chính, một tổ chức, một sự kiện, v.v.. Viết hoa tên riêng gồm tên người, địa danh, đơn vị hành chính, tổ chức, v.v.. Cho đến nay, cách viết hoa tên riêng chưa ổn định, không có sự thống nhất. Với các tên riêng gồm nhiều âm tiết (tức tổ hợp gồm nhiều từ) hiện đang tồn tại nhiều cách viết, thậm chí rất tùy tiện.

– Viết hoa tu từ là lối viết hoa mang sắc thái biểu cảm, là cách viết muốn riêng hóa cái chung nào đó một cách có chủ ý. Cách viết hoa tu từ cũng chưa có chuẩn mực rõ ràng; nhiều trường hợp còn mang tính chất riêng của cá nhân người viết.

2. Thực trạng và giải pháp viết hoa trong tiếng Việt

Như đã nói ở trên, trong ba quy tắc viết hoa, viết hoa về mặt cú pháp có tính ổn định, thống nhất, trở thành chuẩn chung của chính tả (mặc dầu, lối viết hoa cú pháp được xác lập cách đây chưa lâu), cho nên, vấn đề cần phải tiếp tục thảo luận để đi đến thống nhất là viết hoa tên riêng và viết hoa tu từ. Xuống dưới, chúng tôi nêu rõ thực trạng và đề xuất giải pháp viết hoa tên riêng và viết hoa tu từ.

2.1. Viết hoa tên riêng

a. Tên riêng tiếng Việt

a1. Tên riêng chỉ người

Ngay từ buổi đầu của chữ quốc ngữ, người ta đã có ý thức phân biệt danh từ riêng với danh từ chung bằng lối viết hoa nhưng chỉ viết hoa tên người, tên đất không viết hoa. Tên riêng người Việt chỉ viết hoa chữ cái âm tiết đầu, còn các âm tiết đi sau không viết hoa, không dùng dấu nối.

Cuối thế kỉ XIX, trên tờ Gia – định báo, tên người tiếng Việt viết dùng dấu nối giữa các âm tiết, viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất, những chữ cái của các âm tiết sau chưa thống nhất (có lúc viết hoa, có lúc không).

Từ đầu thế kỉ XX đến 1945, lối viết hoa tên người Việt đã có cách viết phân biệt chữ đệm với họ và tên, nghĩa là chữ đệm ở giữa không viết hoa, có dùng dấu nối hoặc không. Chẳng hạn: Ông Huỳnh-thúc-Kháng là tiến sĩ ở Quảng-nam (Annam tạp chí, 1926, số 69).

Sau 1945 đến trước 1975, cách viết hoa tên người Việt ở miền Nam và miền Bắc khác nhau. Ở miền Nam, cách viết hoa tên người, về cơ bản là cách viết như trước 1945. Chẳng hạn: Hồ-chí-Minh, Nguyễn-văn-Trổi, Nguyễn-thị-Định, v.v..

Ở miền Bắc, viết hoa tất cả các thành phần của tên người (họ, tiếng đệm, tên), không dùng dấu nối. Chẳng hạn: Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trổi, Nguyễn Thị Định, v.v..

Hiện nay, cách viết hoa tên  người Việt trên các sách báo là viết hoa các chữ cái đầu của tất cả các âm tiết, không dùng dấu nối. Chẳng hạn: Phạm Chi Lan, Nguyễn Huệ Chi, Ngô Báo Châu, Nguyễn Ngọc Tư, v.v.. Các trường hợp, tên danh nhân, nhân vật lịch sử được cấu tạo bằng cách kết hợp tên gọi cụ thể với một danh từ chung thì cũng được coi là tên riêng nên viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người. Chẳng hạn: Ông Gióng, Bà Trưng, Đề Thám, Nghè Tân, Đội Cấn, Tú Xương, v.v..

Như vậy, cách viết hoa tên riêng người Việt đã ổn định, căn bản thống nhất, thực hiện đúng các văn bản pháp quy như Một số quy định về chính tả do Bộ giáo dục và Ủy ban khoa học xã hội ban hành ngày 30/11/1980; Quy định về chính tả tiếng Việt kèm theo Quyết định số 240/QĐ ngày 5/3/1984 của Bộ giáo dục, do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình kí; Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa, Quyết định của Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo, số 07/2003/QĐ-BGD ĐT, ngày 13/ 3/2003.

a2. Tên riêng là địa danh, đơn vị hành chính

Tên địa lí (nơi chốn), đơn vị hành chính, nhìn chung, viết hoa như tên người, nghĩa là, viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết. Chẳng hạn: Trường Sa, Hoàng Sa, Lí Sơn, (xã) Hưng Tân, (huyện) Hưng Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình, Sơn La, v.v..

Những tên địa lí được cấu tạo bởi một bộ phận là danh từ chỉ hướng, hoặc danh từ chung với một bộ phận tên gọi cụ thể cũng viết hoa theo quy tắc viết hoa tên địa lí. Những cách viết này đã ổn định và phổ biến trên sách báo. Chẳng hạn: Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Hồ Gươm, Cầu Giấy, Cửa Việt, Vũng Tàu, v.v..

Trường hợp địa danh Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh, trên sách báo, các văn bản nhật dụng, biển hiệu, v.v. có các cách viết: thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tphố Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh, TP HCM, Tp HCM.

Cách viết thành phố Hồ Chí Minh khá phổ biến trên sách báo, trong cách viết của học sinh phổ thông, thậm chí, trong cả từ điển chính tả. Ở mục viết hoa tên gọi không phải danh từ riêng, Nguyễn Trọng Báu đưa ra các ví dụ: Công ti liên doanh Tư vấn và dịch vụ khoa học kĩ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp xí nghiệp Vật liệu xây dựng số 1 thành phố Hồ Chí Minh, Quận Đoàn thanh niên Bình Thạnh thành phố Hồ Chí Minh. Như trên, tên địa lí được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với tên người được viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị địa lí (hành chính) đó, do đó, viết Thành phố Hồ Chí Minh mới đúng chính tả.

Cũng vậy, ta viết hoa Quận 1, Quận 5, Nhà Rồng, Cửa Lò, Vàm Cỏ, Vũng Tàu, Đèo Ngang, Bến Thủy, v.v..

Tóm tại, chỉ cần chú ý viết hoa những tên địa lí được cấu tạo bởi một bộ phận là danh từ chung với một bộ phận là danh từ chỉ hướng, tên người, chữ số, tên sự kiện lịch sử, còn về cơ bản, viết hoa tên riêng địa danh, đơn vị hành chính cũng có sự thống nhất, thành chuẩn chung.

a3. Tên riêng là tổ chức, cơ quan, đoàn thể

Tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể, đơn vị được dùng như một tên riêng, nhưng chúng không phải là danh từ riêng mà là một tổ hợp từ. Ví dụ: Trường đại học sư phạm Hà Nội; trong đó: đơn vị hành chính là trường đại học, nhiệm vụ và chức năng là đào tạo sư phạm, ở địa điểm Hà Nội. Tên gọi này chỉ có một tên riêng (danh từ riêng) là Hà Nội, còn đều là danh từ chung. Xử lí cách viết hoa tên gọi này như thế nào là điều không đơn giản, nên lâu nay, cách viết hoa rất tùy tiện. Tuy có nhiều cách viết khác nhau, song có thể quy về bốn cách viết phổ biến sau đây:

  • Cách 1, viết hoa tất cả các chữ cái đầu các âm tiết. Ví dụ: Bộ Giao Thông Vận Tải, Nhà Máy Đạm Phú Mĩ, Trường Đại Học Vinh, v..
  • Cách 2, viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ làm tên gọi (dĩ nhiên, nếu có tên riêng trong tên gọi cũng viết hoa). Ví dụ: Trường đại học sư phạm Hà Nội, Tổng công ti vật tư nông nghiệp Việt Nam, Sở giáo dục đào tạo Nghệ An, Trường trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu, v..
  • Cách 3, viết hoa theo từ, ví dụ: Trường Đại học Tổng hợp Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nông trường Cao su Thắng Lợi, v..
  • Cách 4, viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu và các âm tiết đầu của các bộ phận tạo thành tên riêng. Ví dụ: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường Tiểu học Kim Đồng, v..

Trong bốn cách trên, cách 1 và cách 3 là những quy ước tùy tiện. Viết hoa theo cách 2 phù hợp với Quy định về chính tả của Bộ giáo dục và Ủy ban khoa học xã hội, ban hành ngày 30/11/1980 và Quy định về chính tả tiếng Việt, ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ của Bộ trưởng Bộ giáo dục, do Nguyễn Thị Bình kí. Còn viết hoa theo cách 4 phù hợp với Quy định tạm thời về viết hoa tên riêng trong sách giáo khoa, kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, số 07/2003/QĐ-BGDĐT, ngày 13/3/2003 và Thông tư của Bộ nội vụ, ban hành ngày 19/01/2011, hướng dẫn trình bày văn bản hành chính. Để đi đến một chuẩn chung, chúng tôi cho rằng viết hoa tên cơ quan, tổ chức, đoàn thể chỉ cần viết theo cách 2 là hợp lí. Theo đó, có thể viết: Bộ giáo dục và đào tạo, Trường đại học Vinh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Nhà máy đạm Phú Mĩ, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, Trường tiểu học Kim Đồng, v.v..

b. Tên riêng các dân tộc thiểu số

Tên riêng thuộc các dân tộc thiểu số ở Việt Nam cũng bao gồm tên người, tên địa lí, tên gọi tộc người cũng có nhiều cách viết hoa khác nhau. Theo Nguyễn Trọng Báu, tên người thuộc các dân tộc thiểu số, nếu chữ viết theo hệ chữ latinh hoặc chữ viết khác nhưng được latinh hóa thì viết hoa như tên người Việt, ví dụ: Bàn Tài Đoàn, Lục Văn Pảo, Mã A Lềnh, Sầm Na Di, Y Điêng, v.v..

Tên người các dân tộc thiểu số, nếu chữ viết chưa được latinh hóa, hoặc chỉ có tiếng nói chưa có chữ viết thì phiên âm sang chữ quốc ngữ và viết hoa như tên người Việt, ví dụ: Triệu Mùi Say (Dao), Hồ Choóc (Vân Kiều), Pờ Sào Mìn (Pa Dí), v.v..

Tên người các dân tộc thiểu số, chữ viết đã latinh hóa nhưng viết liền âm tiết với nhau, hoặc chưa latinh hóa, hoặc chưa có chữ viết nhưng âm tiết đọc liền nhau thì viết tên riêng đó như chữ  viết latinh hóa của dân tộc đó, hoặc phiên âm liền những chỗ có âm tiết viết liền, ví dụ: Rơmah Del (Gia Lai: Rơmăh Del), Rơchom Yơn, Mông Kí Slay (Nùng), v.v..

Tên người các dân tộc thiểu số cũng có cách viết hoa chữ cái đầu mỗi bộ phận tạo thành tên riêng, dùng dấu nối giữa các âm tiết, ví dụ: Kơ-pa Kơ-lơng, Nơ-trang-lơng, v.v..

Trên sách báo, đôi khi, ta bắt gặp cách viết hoa tên người thuộc các dân tộc thiểu số theo lối: Ksor Krơn, Y Pak, Kpă Thìn, Ka H’Yiêng, Priu Prăm, v.v.. Các đơn vị tên riêng là tên địa lí, tên gọi các tộc người cũng có những cách viết hoa khác nhau. Có những trường hợp chỉ viết hoa chữ cái đầu và dùng dấu nối giữa các âm tiết, ví dụ: Chư-pa, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Tà-ôi, v.v.; hoặc viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu và viết liền các âm tiết, ví dụ: Chưpa, Êđê, Bana, Xơđăng, Tàôi, v.v.. Lại có lối viết hoa như tiếng Việt, ví dụ: Tày, Nùng, Sán Dìu, Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, Ê Đê, Ba Na, Xơ Đăng, Tà Ôi, v.v.. Có khi phiên viết như tiếng Việt và ghi chú tên dân tộc trong ngoặc đơn, ví dụ: Đắc Lắc (Đăk Lăk), Bắc Cạn (Băk Kạn), v.v..

Để đi đến thống nhất cách viết hoa tên riêng các dân tộc thiểu số, chúng tôi đề nghị:

1/ Những tên địa danh, đơn vị hành chính, tên gọi tộc người được gọi theo cách nói và viết (nếu có) tiếng dân tộc đó thì chuyển sang lối viết latinh hóa của chữ quốc ngữ và viết hoa theo nguyên tắc viết hoa tên riêng địa lí tiếng Việt. Ví dụ: Sa Pa, Mù Cang Chải, Pắc Bó, Krông, A Dun Pa, Buôn Ma Thuột, Đắc Nông, Đắc Lắc, Thái, Tày, Nùng, Xơ Đăng, Gia Lai, Vân Kiều, v.v.;

2/ Tên người dân tộc thiểu số, nếu có chữ viết theo hệ latinh như chữ quốc ngữ, hoặc có hệ chữ viết khác, hoặc chưa có chữ viết thì chuyển sang lối viết latinh hóa như chữ quốc ngữ và cũng viết hoa như tên người Việt. Ví dụ: Vừ A Dính, Mã A Lềnh, Triệu Mùi Say, Ksor Phước, Giàng Seo Phử, Mông Kí Slay, v.v..

c. Tên riêng nước ngoài

Tên riêng nước ngoài bao gồm tên người, tên đất (địa danh), tên gọi tổ chức, cơ quan, được sử dụng trong văn bản tiếng Việt dưới nhiều hình thức (chẳng hạn, có 7 cách viết, theo Nguyễn Trọng Báu, có 8 cách viết, theo Vũ Quang Hào) nhưng nhìn khái quát, có ba cách viết cơ bản:

a/ Dịch nghĩa sang tiếng Việt và viết như tiếng Việt (không nhiều, thường là tên đất); ví dụ: Bờ biển Ngà, Biển Đen/ Hắc Hải, Mũi Hảo vọng, v.v..

b/ Phiên âm, theo hai cách: (1) Phiên âm trực tiếp (từ nguyên ngữ), viết hoa chữ cái đầu của tên riêng (có dấu nối hoặc không giữa các âm tiết); ví dụ: I-ta-lia (Italia), Mat-xcơ-va (Matxcơva), Chi-lê (Chilê), Na-pô-lê-ông (Napôlêông), v.v.. (2) Phiên âm qua ngữ trung gian; ví dụ: Ý Đại Lợi (âm Hán Việt, viết hoa như tiếng Việt), Xít-ta-lin (Xtaline, qua tiếng Pháp), Sếchpia (Shakespeare, qua tiếng Anh), v.v..

c/ Viết nguyên dạng hoặc chuyển ngữ. Viết nguyên dạng, thực ra chỉ viết nguyên ngữ là tiếng Anh, tiếng Pháp, còn các ngôn ngữ khác đều phải chuyển qua ngữ trung gian (chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Pháp) để viết. Cách viết hoa tên riêng, chỉ viết hoa chữ cái đứng đầu của tên riêng. Ví dụ: viết nguyên dạng: Ohm, Volt, Watt, Ampere, Shakespeare, Pais, v.v.; chuyển ngữ: Lomonosov, Moskva, Tokyo, Bangkok, Kyoto, v.v..

Nhìn chung, viết hoa tên riêng nước ngoài trên các sách báo tiếng Việt khá đơn giản và tương đối thống nhất, vì cách viết hoa phỏng theo cách viết hoa của tiếng nước ngoài. Nếu là các ngôn ngữ đa âm tiết, đơn vị viết hoa là từ, không viết hoa phân biệt tên người tên đất như tiếng Việt. Rắc rối trong cách viết tên riêng nước ngoài không phải ở lối viết hoa mà là dựa vào căn cứ nào để viết tên riêng nước ngoài trên văn bản tiếng Việt. Chúng tôi cho rằng có thể dựa vào văn bản quy định về chính tả tiếng Việt của Bộ giáo dục, ban hành năm 1984 làm chuẩn mực để viết hoa thống nhất tên riêng tiếng Việt và tên riêng tiếng nước ngoài. Đối với tên riêng tiếng Việt, chúng tôi đã trình bày ở các mục trên, còn đối với tên riêng nước ngoài, theo tinh thần của bản quyết định 1984, có thể thống nhất viết hoa như sau:

1/ Những tên riêng địa lí gồm tên các châu lục, các đại dương, tên một số nước đã được Việt hóa thì giữ nguyên và viết hoa như tiếng Việt. Ví dụ: châu Âu, châu Á, Thái Bình Dương, Pháp, Anh, Đức, Mỹ, Ba Lan, Cu Ba, v.v..

2/ Những tên địa lí khác, những tên người, nếu bản ngữ dùng chữ latinh thì viết nguyên dạng; nếu bản ngữ là thứ chữ khác thì chuyển tự sang chữ latinh theo quy ước quốc tế. Chẳng hạn, viết hoa nguyên dạng: Shakespeare, Ohm, Volt, A.G.Haudricourt, M.Ferlus, Paris, v.v.; viết hoa chuyển tự: Lomonosov, L.Scherba, F.Fotunatov, Tokyo, Bangkok, v.v..

3/ Riêng tên người và tên đất Trung Quốc, từ lâu đã đọc và viết (từ khi có chữ quốc ngữ) theo âm Hán-Việt thì viết theo cách phát âm và viết hoa như cách viết tên người, tên đất tiếng Việt. Chẳng hạn: Đỗ Phủ, Lý Bạch, Tư Mã Thiên, Lỗ Tấn, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hoàng Phố, Trường Giang, v.v..

2.2. Viết hoa tu từ

Viết hoa tu từ nhằm riêng hóa một cái chung nào đó một cách có ý thức, thể hiện sắc thái biểu cảm. Lối viết hoa này ít nhiều mang tính cá nhân của người viết nhưng được xã hội chấp nhận, tức là có tính chuẩn chính tả. Trên thực tế, lối viết hoa này khá tùy tiện, chưa có một chuẩn chung. Có thể dẫn ra các trường hợp và cách viết hoa tu từ khá phổ biến trên sách báo lâu nay như sau:

1/ Viết hoa một số danh từ chung liên quan đến lãnh tụ và các vị lãnh đạo; ví dụ: Người Cha, Bác, Anh (thơ Tố Hữu viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh), Bác Tôn, Bác Phạm Văn Đồng, v.v..

2/ Viết hoa các tước hiệu (xưa), danh hiệu (nay); ví dụ: Bố Cái Đại Vương, Hưng Đạo Đại Vương, Nghệ sĩ Nhân dân/ nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú/ nhà giáo Ưu tú, Huân chương Sao vàng/ huân chương Sao vàng, Anh hùng Lao động/ Anh hùng lao động, v.v..

3/ Viết hoa các sự kiện lịch sử to lớn, ví dụ: Cách mạng tháng Tám, viết Nghệ Tĩnh, Đại thắng mùa xuân 1975, v.v..

4/ Các chức vụ, học vị, học hàm; ví dụ: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tiến sĩ Hoàng Cao Cương, Giám đốc Vũ Thanh Tùng, Trưởng phòng Lê Hoài Nam, v.v..

5/ Tên các năm âm lịch, ngày lễ, tết; ví dụ: Tân Hợi, Mậu Thân, Nhâm Thìn, ngày Quốc khánh 2-9, tết Nguyên đán, v.v..

6/ Tên gọi các tôn giáo, các sự kiện của tôn giáo; ví dụ: đạo Thiên Chúa (Thiên Chúa giáo), đạo Phật (Phật giáo), lễ Phục sinh, lễ Phật đản, v.v..

7/ Tên các loại văn bản hành chính, các tác phẩm, sách báo, tạp chí; ví dụ:  Hiến pháp 1946, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI, tạp chí Cộng sản, tác phẩm Đường kách mệnh, báo Nhân dân, v.v..

8/ Các danh từ chung chỉ con vật, đồ vật, sự vật được dùng làm tên gọi, hoặc được nhân hóa; ví dụ: bác Chào Mào, chị Sáo Nâu, anh Dế Mèn, bà Chổi, ông Mặt Trời, v.v..

Chúng tôi cho rằng, 8 lối viết hoa tu từ và cách viết hoa như trình bày trên đây có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cách viết trong một số trường hợp có thể cân nhắc để đảm bảo tính hợp lí và thống nhất. Cụ thể, viết hoa các danh hiệu nên chọn viết theo cách: nghệ sĩ Nhân dân, nhà giáo Ưu tú, huân chương Sao vàng, Anh hùng lao động, v.v.. Ở lối viết hoa tu từ các chức vụ, học vị, học hàm, nên chăng, không viết hoa học hàm, học vị (chỉ viết chữ in hoa khi viết tắt: GS, TS); còn viết hoa các chức vụ thì chỉ viết hoa từ chức bộ trưởng trở lên khi chức vụ đứng trước tên người. Theo đó, chỉ viết: Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, v.v.. Những đề này, nếu được chấp nhận thì vấn đề viết hoa tu từ khá đơn giản, dễ thống nhất.

Kết luận

Chuẩn chính tả, trong đó có chuẩn viết hoa thuộc địa hạt ngôn ngữ, nó cần được xem xét dưới góc độ ngôn ngữ học. Song về bản chất, ngôn ngữ là hiện tượng xã hội, vì thế, xem xét chuẩn chính tả viết hoa cần phải lưu ý đến mặt sử dụng của xã hội, tính thống nhất, tiện dùng và ổn định. Từ những phân tích trên đây, ta thấy, chính tả viết hoa đã thống nhất và trở thành hợp lí ở cách viết hoa về mặt cú pháp, những tên riêng là danh từ riêng, viết hoa tu từ cũng chỉ cần một vài điều chỉnh nhỏ. Vấn đề còn lại cần phải tìm giải pháp là cách viết hoa các tên gọi không phải danh từ riêng, viết hoa tên riêng dân tộc thiểu số và tên riêng nước ngoài. Ở một mức độ nhất định, bài viết của chúng tôi đã tập trung giải quyết căn bản vấn đề chính tả viết hoa trong tiếng Việt.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Hoài Nguyên, Giáo trình thực hành tiếng Việt)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net